Di sản xứ Mường: Báu vật không giữ mất đừng… buồn!

0
413
Ảnh minh họa

Phải hoàn thành hồ sơ quốc gia Mo Mường trong năm 2022 để kịp nhận góp ý, sửa chữa và trình lên UNESCO vào tháng 3/2023 tuy nhiên đến nay, mới có 2/7 địa phương sẵn sàng.

Mới đây, tại Hoà Bình đã diễn ra hội thảo khoa học “Mo trong đời sống người Mường xưa và nay”. Theo kế hoạch, hồ sơ quốc gia Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp phải hoàn thành trong năm nay để kịp nhận góp ý, sửa chữa và trình lên UNESCO vào tháng 3/2023.

Tuy nhiên, kế hoạch này là bất khả trước tiến độ xây dựng hồ sơ của các địa phương hiện nay – khi mới chỉ có 2/7 địa phương là Hòa Bình và Ninh Bình là sẵn sàng.

Các địa phương khác, như: Sơn La, Phú Thọ, Hà Nội, Thanh Hóa, Đắk Lắk là các tỉnh vẫn còn giữ nghi lễ Mo trong sinh hoạt của người Mường.

Tuy nhiên, ngoài khó khăn về bố trí kinh phí, các tỉnh đứng tên trong hồ sơ này đều phải có được quyết định công nhận Mo Mường của tỉnh mình là di sản phi vật thể cấp quốc gia trước tháng 12 năm nay.

Hiện mới chỉ có Hòa Bình đã có quyết định năm 2016. Các tỉnh khác quá khó khăn để đạt được tiến độ trên. Vì vậy đơn vị chủ trì (tỉnh Hòa Bình) và đơn vị tư vấn (Viện Âm nhạc) đang tính đến việc lùi lại kế hoạch đã định.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan gợi ý giải pháp phải đưa ra một thời hạn nhất định cho các địa phương. Nếu địa phương nào không hoàn thành đúng tiến độ thì coi như không tham gia trong hồ sơ trình UNESCO.

Có nhà nghiên cứu còn băn khoăn, liệu chỉ làm hồ sơ cho “Mo tang ma” mà không làm các Mo khác (Mo mát nhà, Mo vía mụ, Mo cầu mạnh, Mo cầu thọ…) thì có thiếu sót không?

Xét cho cùng, đó là một thiếu sót. Sự thiếu vắng một số lễ thức như “Mo kể chuyện” và các điệu múa kiếm, múa quạt ma, múa cờ trong quá trình diễn xướng, không chỉ làm mai một dần những triết lý sâu sắc về vũ trụ và nhân sinh, mà còn làm nghèo đi vốn văn học và vũ đạo dân gian Mường.

Để diễn xướng đủ bài “Mo tang ma” như nguyên bản, thì cần 12 ngày hoặc hơn. Trong khi đó, các địa phương đều thực hiện chôn cất người quá cố trong 48 giờ để đảm bảo vấn đề vệ sinh cũng như quy định pháp luật.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo nhất hiện nay đối với di sản xứ Mường là tốc độ mai một. Đa số Mo Mường không còn được diễn xướng, bởi tập tục đã thay đổi. Chính vì thế, năm 2017 tỉnh Hoà Bình từng đề xuất đưa Mo Mường vào danh sách các di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Từ đó đến nay đã 5 năm, nhưng việc “bảo vệ khẩn cấp” hình như cũng chưa… vội lắm! Vì thực tế 7 tỉnh cùng cam kết tham gia vào việc xây dựng hồ sơ di sản Mo Mường, nhưng chỉ 2 trong số đó là sẵn sàng.

Di sản là kho báu phải được tạo dựng trong hàng nghìn năm, nhưng lại rất dễ tan biến trước sự vô tâm của con người. Có thể sau này, hậu thế sẽ không còn biết đến các lễ thức Mo Mường một cách toàn diện. Nhưng ít nhất chúng ta phải có trách nhiệm bảo tồn di sản với các nghi thức diễn xướng cơ bản nhất.

Đó là việc khẩn cấp, cần làm ngay từ giờ phút này!

Trần Siêu (HNS)