Bích Trà và những cuộc hành trình khám phá cái mới

0
991
Nghệ sĩ Bích Trà
– Trà mong muốn điều gì nhất?
– Tự do!
– Trà hướng tới điều gì nhất?
– Cái mới!
Hỏi vậy thôi chứ câu trả lời cũng dễ đoán, vì tự do và cái mới là những thứ được khát khao nhất ở người sáng tạo, mà tôi thì biết Trà luôn chọn tự do để được tự do lựa chọn điều mình thích và làm theo cách của mình, nhất là tự do khám phá sự mới mẻ cho thỏa chí tò mò vốn có từ tuổi teen, cái tuổi bắt đầu hành trình du học đầy háo hức trước thế giới âm nhạc rộng mở.

Phải, tự do và cái mới là hai thứ có ý nghĩa nhất với nghệ sĩ Bích Trà, một người không muốn chấp nhận bất cứ mối ràng buộc nào ngoài ý muốn, kể cả sự ràng buộc vào những thứ quen thuộc, dù quen thuộc thường mang tới sự an toàn, nhưng quá quen lại dễ dẫn tới lối mòn đến mức không còn thấy thú vị.

Có lẽ chỉ có mẹ, NSND Trà Giang, là sự “ràng buộc” tự nguyện duy nhất của Trà. Mẹ không muốn định cư ở Anh, thế là con gái rời môi trường làm việc đã ổn định để chuyển “địa bàn hoạt động” sang châu Á, thậm chí còn lên kế hoạch “dời ổ” từ London tới Hồng Kông “tạm trú”, cốt được ở gần Việt Nam hơn, tiện bay đi bay về thăm mẹ thường xuyên hơn.

Nghệ sĩ Bích Trà và mẹ – NSND Trà Giang

– Dám bỏ lại tổ ấm bao lâu mới gây dựng được, nhưng chắc em không thể dừng các dự án thu đĩa, vì công việc yêu thích này có vẻ như đem lại cho em rất nhiều hào hứng?

– Vâng, đã lắm chị ơi, bạn đàn tài năng, âm thanh chuẩn mực… Làm việc với dàn nhạc xịn và nhạc trưởng giỏi, chỉ ráp một lần thôi là có thể thu âm ngay rồi.

Bích Trà đã ký hợp đồng dài hạn ghi âm độc quyền toàn bộ tác phẩm piano của Joachim Raff. Sự lựa chọn nhà soạn nhạc lãng mạn ít được biết đến cũng xuất phát từ tính tò mò, ham học hỏi và thích mạo hiểm với cái mới lạ. Miệt mài trong thư viện với gia tài đồ sộ 200 tác phẩm của tác giả Thụy sĩ gốc Đức từ thế kỷ XIX, cô gái Việt Nam đã cảm nhận được niềm hạnh phúc của người tri âm tri kỷ và sự thôi thúc trở thành người sáng tạo thứ hai đánh thức những giai điệu đẹp đẽ lặng câm trên tổng phổ suốt bao thập niên qua. Âm nhạc xóa đi khoảng cách thời gian dài hơn một thế kỷ giữa họ. Âm nhạc là ngôn ngữ vô biên vượt qua mọi khác biệt văn hóa giữa hai quốc gia hàng nghìn dặm cách xa…

Phải có sức thuyết phục rất lớn mới khiến các hãng đĩa có tiếng trên thế giới chấp nhận thu âm những sáng tác gần như bị quên lãng. Mang lại sức sống cho những tác phẩm đã tắt tiếng, đem hơi thở thời đại vào những bản nhạc phủ bụi thời gian – Trà đã làm được điều đó. Từ 2010 đến nay các hãng Sterling Records và Grand Piano Naxos cho ra mắt liên tiếp 9 CD Joachim Raff qua tiếng đàn của một tên tuổi đã trở thành “thương hiệu”: Tra Nguyen, trong đó có ba CD trình tấu tác phẩm viết cho piano và dàn nhạc, còn lại là CD piano độc tấu.

Cũng lại vì ham cái mới mà Bích Trà vừa từ chối lời mời thu tiếp di sản của Raff để chuyển hướng sang các tác giả khác, thời đại khác. Trường phái Lãng mạn luôn có mặt trong danh mục biểu diễn: năm 2015 ở London là Schubert với năm chương trình độc tấu toàn bộ gần 20 sonates; năm 2016 tại Hong Kong là Liszt với chương trình 12 Grandes Etudes s.137. Đó, lại thêm dẫn chứng cho “sở thích” tự hành mình: trong ba phiên bản mà Liszt viết vào các thời kỳ khác nhau, Trà đã chọn phiên bản năm 1837 phức tạp nhất về quy mô và kỹ thuật diễn tấu.

Tiếp tục hành trình kiếm tìm và hồi sinh những tuyệt tác ít được sử dụng, Trà đang dành mối quan tâm đặc biệt cho nhạc tiền cổ điển và nhạc cận đại, cho nên tác phẩm được lựa chọn sắp tới có lẽ thuộc về thời Baroque hoặc giai đoạn trước thế chiến của thế kỷ XX.

-Ôi, quá nhiều tác phẩm hay! Em chỉ lo thiếu thời gian, lo sống không đủ lâu để khám phá di sản âm nhạc khủng lồ của nhân loại thôi.

-Vì thế mà sau sáu năm mới trở lại Hà Nội biểu diễn, em vẫn không chịu chọn giải pháp an toàn, lại cứ tự làm khó mình bằng tác phẩm chưa từng chơi trước đây?

-Có thể chọn tác phẩm quen thuộc cho đỡ vất đỡ nhọc, nhưng các chương trình biểu diễn của em thường không lặp lại vì em luôn muốn thử sức mình với bài mới. Mà cũng chỉ vất vả lúc chuẩn bị thôi, chứ diễn mà cũng vất vả nặng nhọc thì còn nói chuyện gì nữa!

Thế là Concerto số 5 của Saint-Saëns, một bức tranh phương Đông hoành tráng và lộng lẫy sắc màu, một bút pháp nhiều phá cách và đòi hỏi kỹ thuật diễn tấu điêu luyện, một tác phẩm hoàn toàn “mới toe” với Trà đã được chọn vào chương trình hòa nhạc 07-07-2018. Mấy ngày trước buổi diễn đó Hà Nội rơi vào đợt nóng kỷ lục: nhiệt độ ngoài trời lên tới 50-60 độ C khiến chẳng mấy ai dám phơi mặt ra đường. Trà vẫn ngược xuôi tìm đàn tập cho đủ độ ngấm bài mới, tập nhờ bất cứ đâu kể cả nhà người quen, tập ngay trong Phòng Hòa nhạc tranh thủ lúc dàn nhạc nghỉ giải lao. Lúc tập tành càng vất vả bao nhiêu, lúc diễn càng sướng càng đã bấy nhiêu trong những giây phút thăng hoa…

Saint-Saëns của Bích Trà thanh nhã tinh tế bởi những đường nét hoa mỹ, nồng nàn mê hoặc trong thế giới Ai Cập huyền bí, đa sắc lung linh với những hình ảnh phản chiếu mặt nước biến ảo không ngừng. Con người yêu tự do trong Trà thỏa sức đắm mình vào dòng chảy âm thanh từ những lăn tăn gợn sóng cho đến những chao đảo mạnh mẽ trong cuộc hành trình tới phương Đông, đôi khi còn thoáng chút gì đó gợi nhớ miền Viễn Đông. Con người ham cái mới trong Trà mặc sức thả hồn theo tuyến giai điệu khó đoán trước đầy tính ngẫu hứng, lúc hát lên làn điệu dân ca đậm chất phương Đông, hoặc rộn rã nhảy nhót theo nhịp điệu dân vũ, lại có lúc tái hiện âm sắc nhạc cụ truyền thống phương Đông, hoặc bắt chước tiếng quay dồn dập của cánh quạt đuôi con tàu rẽ sóng ra khơi trong “niềm vui vượt biển”.

Đó là hành trình khám phá phương Đông qua âm nhạc Saint-Saëns trong đêm diễn cùng nhạc trưởng Pháp Michael Cousteau và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam.

Nghệ sĩ Bích Trà và nhạc trưởng M.Cousteau trong buổi hòa nhạc 07-07-2018 tại Hà Nội (photo: Quỳnh Anh)

-Thế còn hành trình khám phá châu Á gần đây của Trà thế nào?

-Ô, phải nhắc đến đêm diễn gắn với một đam mê từ lâu của em: đệm hát!

-Lại khám phá thêm điều gì mới?

-Có chứ, với em đệm hát là một quá trình khám phá hơi thở âm nhạc.

Với vai trò Giám đốc nghệ thuật âm nhạc giao hưởng thính phòng của Soul Live Project Series, Bích Trà đã thực hiện tại TP Hồ Chí Minh đêm nhạc From Europe with Love cùng giọng hát baritone Benjamin Appl, một nghệ sĩ Đức còn trẻ nhưng đã khá thành công ở châu Âu. Trà muốn làm cầu nối giữa các tác phẩm thanh nhạc kinh điển châu Âu với người yêu nhạc Việt Nam, giữa nghệ sĩ tài năng với công chúng, nhất là giới trẻ, giúp họ cảm nhận trọn vẹn hơn giá trị của cái đẹp vĩnh hằng trong nhạc cổ điển. Cuộc đối thoại của Bích Trà với nghệ sĩ trẻ Hàn Quốc Gina Lee trong đêm nhạc Gõ vào tháng 8-2018 hẳn cũng được công chúng đón nhận nồng nhiệt như thế.

Mong muốn “xã hội hóa” nhạc cổ điển, Trà đang ấp ủ khá nhiều ý tưởng mới lạ về cách thức dàn dựng, có thể dùng chủ đề âm nhạc liên kết tác phẩm, hoặc dùng hiệu ứng ánh sáng, trang phục, hội họa… – tóm lại là bất cứ thứ gì tạo nên không gian cuốn hút người nghe, để nhạc hàn lâm không còn quá xa vời với công chúng.

Cùng với việc kết nối điểm hẹn cho cộng đồng yêu nhạc, Bích Trà không muốn bỏ qua hiệu ứng xã hội của truyền thông nên đã đảm nhận vai trò giảng viên piano cho chương trình truyền hình Thần đồng âm nhạc (Wonderkids). Trà cũng tham gia hoạt động thiện nguyện, âm thầm ủng hộ quỹ Facing The World với ước muốn mở ra cho các bé bị dị tật khuôn mặt một tương lai tươi sáng hơn.

Từ trái sang phải: Bích Trà, NSND Trà Giang, Nguyễn Thị Minh Châu

Dành nhiều tâm trí hơn cả trong hành trình khám phá châu Á vẫn là dạy học. Trà nhận giảng dạy thường xuyên ở Hồng Kông, Trung Quốc và đương nhiên cả Việt Nam nữa. Đáng kể nhất là việc góp phần gây dựng uy tín cho Saigon Chamber Music qua bốn mùa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Cô giáo Bích Trà cũng như ba mình trước đây – NSƯT Bích Ngọc – luôn tận tụy với trò, có bao nhiêu dốc lòng dốc ruột cho hết, không dấu nghề, không “giữ miếng”. Có thể thế là dại dột, bởi như lời khuyên của một đồng nghiệp: một khi mình còn biểu diễn thì dứt khoát phải giữ cho riêng mình những ngón “độc” do mình sáng tạo ra chứ.

Song với người phụ nữ mạnh mẽ và đầy nhiệt huyết này, thì điều đáng phải giữ lại cho riêng mình lại là thứ khác: tự do!

Để được làm những điều ưa thích trong hành trình khám phá cái mới, chẳng gì bằng tự do tự tại – tự chọn học trò, tự chọn bài vở trong chương trình biểu diễn, tự quyết định nội dung CD, tự chọn nơi sống cách sống…, và luôn tự chọn âm nhạc cho sự ưu tiên trong suốt cuộc đời mình.

Nguyễn Thị Minh Châu (HNS)

Nghệ sĩ Bích Trà sinh ra tại Hà Nội và đã biểu diễn lần đầu tiên trước công chúng tại Nhà hát Lớn Hà Nội khi mới 10 tuổi.
Năm 1980, Bích Trà theo học chuyên ngành piano tại Nhạc viện Hà Nội với giáo sư Trần Thu Hà.
Năm 14 tuổi, Trà được tuyển chọn du học tại Trung cấp âm nhạc Gnessin và tiếp tục học với nghệ sĩ Lev Naumov tại Nhạc viện Moscow – LB Nga.
Năm 1997, Trà nhận học bổng du học với nghệ sĩ Christopher Elton tại Royal Academy of Music, London, Anh và đã tốt nghiệp với số điểm cao nhất của khoa năm 1999.
Bích Trà được bình chọn là một trong 10 gương mặt tiêu biểu của thanh niên Việt Nam năm 2002 và là người Việt Nam đầu tiên đã được trao tặng danh hiệu ARAM (Associate of the Royal Academy of Music, thành viên của Viện Âm nhạc Hoàng gia Anh) cho những cống hiến âm nhạc nổi bật trong năm 2013.
Các bản thu âm của Bích Trà cho hãng đĩa Sterling và Grand Piano Naxos đã 2 lần được chọn là Album của tuần bởi báo The Independent, vào tháng 3/2010 và tháng 4/2012. Với CD Joachim Raff vol.5, Trà cũng nhận giải A của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2016.