BELLE và kịch hát “Nhà thờ Đức Bà Paris”

0
2291

“Nhà thờ Đức Bà Paris” là vở kịch hát tất nhiên là dựa theo tiểu thuyết “Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà Paris” của đại văn hào Victor Hugo. Người Ý Richard Cocciante là người đã soạn nhạc và tác giả Luc Plamondon người Canada đặt lời cho toàn bộ vở kịch này với gần 30 bài hát. Thế nhưng ít ai biết rằng một trong những nguyện vọng của tác giả này là đem vở nhạc kịch Notre Dame de Paris đến biểu diễn tại Sài Gòn, nơi ông từng sinh ra. Tác giả Richard Cocciante từng có tuyên bố như trên khi trả lời phỏng vấn báo Le Parisien (số ra ngày 26/12/2018) nhân đợt biểu diễn kỷ niệm 20 năm vở nhạc kịch Notre Dame de Paris. Trong hai thập niên qua, tác phẩm này đã được trình diễn tại 21 quốc gia trên thế giới kể cả Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và tại nhiều nước châu Âu.

Richard Cocciante sinh tại Sài Gòn năm 1946 trong một gia đình có hai dòng máu, bố người Ý mẹ người Pháp. Ông sống ở Việt Nam cho tới năm 10 tuổi, sau đó ông theo bố mẹ trở về châu Âu. Có lẽ cũng vì thế mà tác giả Richard Cocciante hy vọng một ngày nào đó sẽ nhìn thấy bản gốc vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris được biểu diễn tại Việt Nam (cho dù đã từng có kế hoạch tại Việt Nam dựng bản phóng tác của nhạc sĩ Vũ Huy Tiến từ vở nguyên tác tiếng Pháp vào năm 2014).

Năm nay tròn 20 tuổi, Nhà thờ Đức Bà Paris phiên bản mới đã thay đổi toàn bộ thành phần diễn viên. Từ khi ra đời cho tới tận ngày 06 tháng Giêng 2019, vở kịch này đã được biểu diễn đúng năm ngàn lần trên sân khấu. Được phóng tác từ quyển tiểu thuyết cùng tên, vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris thành công trước hết nhờ cốt truyện sống động hấp dẫn cộng thêm với những giai điệu cực kỳ dễ nhớ. Thế nhưng phần “kịch” không phải sôi nổi lắm, đó là điểm yếu của vở nhạc kịch này nên theo lời kể của tác giả Richard Cocciante, ban đầu chẳng có nhà sản xuất nào chịu bỏ tiền ra để tài trợ cho việc dàn dựng tác phẩm này trên sân khấu. Nhà sản xuất Charles Talar là người duy nhất đã đồng ý đầu tư vào dự án này sau khi được nghe một số ca khúc chủ đạo chơi trên piano. Giai điệu đã làm cho nhà sản xuất Charles Talar phải xiêu lòng chính là nhạc phẩm “Belle” (“Mỹ nhân”). Chính ông đã đề nghị phát hành trước bài hát này dưới dạng đĩa đơn để thăm dò phản ứng của người nghe, tầm vóc và quy mô của kế hoạch dàn dựng vở nhạc kịch trên sân khấu còn tùy theo sự đón nhận của công chúng. Kết quả là nhạc phẩm Belle lập rất nhiều kỷ lục và hoàn toàn xứng đáng được chọn là bài hát hay nhất của nửa sau thế kỷ 20 và trở nên rất nổi tiếng (có lẽ nổi tiếng hơn cả vở nhạc kịch nói trên).

Nếu ngoài việc thưởng thức giai điệu và giọng ca ta còn muốn hiểu nội dung câu chuyện trong bài hát thì phải chịu khó lần ngược lại theo cuốn tiểu thuyết và cả nội dung nhạc kịch nữa, vì không phải luôn giống nhau.

Cậu bé sinh ra đã dị dạng toàn thân, người mẹ trông thấy suýt ngất, nên chối từ và đứa bé được rửa tội rồi chở đến Nhà thờ Đức Bà Paris nơi những đứa trẻ không cha không mẹ như thế này được nuôi nấng (một truyền thống tốt đẹp từ bao đời!). Linh mục trẻ 20 tuổi Frollo đặt tên cho cậu bé là Quasimodo – tên ngày lễ thánh vào ngày sinh của cậu. Khi cậu 14 tuổi người cha nuôi Frollo cho thêm cái chức “người kéo chuông” của nhà thờ, và vì chuông kêu to quá cậu bé đã xấu xí còn trở nên nghễnh ngãng, tuy vậy cậu rất yêu mến Nhà thờ Đức Bà vì đó chính là tổ ấm gia đình của cậu bé, và tuyệt đối nghe lời người cha nuôi. “Mỹ nhân” Esmeralda là cô bé Digan tuyệt đẹp, thế nên nàng làm siêu lòng cả linh mục Frollo, cả nhà thơ Gringoire. Cha nuôi là linh mục Frollo sai Quasimodo đánh cắp nàng. Phœbus – trưởng đội cung thủ của hoàng gia – lại tóm được Quasimodo, Esmeralda tưởng lầm là được cứu khỏi tay kẻ cướp nên đem lòng yêu chàng trai đang có tình nhân này…

Quasimodo bị trói tay chân và bêu riếu trước đám đông, anh chàng kêu la vì khát nước nhưng người đời chỉ cười đùa chế nhạo anh, chính cha nuôi Frollo giả vở không quen biết anh, chỉ có mình người đẹp Esmeralda động lòng trắc ẩn đem nước cho anh uống, và thế là trong thằng gù xấu xí ghê người bỗng nảy sinh tình yêu mãnh liệt đầu tiên trong đời!

Quasimodo được thả (và trên sân khấu cả ba cùng hát “Belle” để biểu lộ tình yêu với Esmeralda!). Nhưng câu chuyện vẫn càng hấp dẫn nên xin kể tiếp: khi người đẹp hẹn hò với Phoebus vào buổi tối thì Frollo vì ghen tuông quá đã rình để đâm trộm, Esmeralda bị bắt, và chính Frollo với chức vụ nay đã là Phó Giám mục ép cung cô vào tội hãm hại Phoebus, sẽ bị treo cổ. Trước khi thi hành án Frollo cho Esmeralda biết bí mật là chính mình đã gây án, và ra điều kiện nếu yêu hắn ta thì sẽ được cứu thoát, nhưng cô gái đã ghê tởm mà từ chối.

Những người Digan đã cướp được cô gái và Quasimodo đưa họ chạy vào Nhà thờ Đức Bà Paris để cố thủ. Cuối cùng họ vẫn thất bại, Esmeralda bị chính người tình Phoebus ra lệnh treo cổ, còn Quasimodo khi nghe được Frollo chính là người chủ mưu đã giận dữ ném người cha nuôi từ trên tường nhà thờ xuống đất cho chết. Kết thúc là thằng gù đòi nhận tử thi về, ôm lấy xác cô gái bị treo cổ rồi gục xuống khóc và chết theo.

(Câu chuyện này thực ra Victor Hugo lấy theo nguyên mẫu một sự việc có thật, và trong Nhà thờ Đức Bà Paris có một tượng nhỏ của Quasimodo. Sau kết cục bi thương kia 2 năm người ta định tách hai thi thể ra, thì thi thể người đàn ông bỗng nhiên tan ra thành tro bụi).

Về phần mình, tác giả Luc Plamondon cho biết ông đã lấy cảm hứng để đặt lời cho ca khúc Belle, sau khi được xem lại bộ phim ‘‘Thằng Gù Nhà thờ Đức Bà Paris” của đạo diễn Jean Delannoy với Gina Lollobrigida và Anthony Quinn trong vai chính. Trong đoạn phim Quasimodo bị phạt tội, phải quỳ gối và bị trói bằng dây xích, cho nên Thằng Gù mới thốt lời than van và xin giai nhân làm ơn cứu kẻ tật nguyền (Thằng Gù Quasimodo gọi tên Belle trong cách xưng hô chứ không hề dùng tên Esmeralda). Động lòng thương xót kẻ xấu số, người đẹp Esmeralda mới đem bình rót nước uống cho tội phạm khỏi chết khát, bất kể hình dung ghê tởm dị hợm của Thằng Gù.

“Belle” trong vở nhạc kịch:

Bây giờ ta đã hiểu vì sao trình diễn “Belle” phải cần ba giọng nam (cả vở nhạc kịch có 7 giọng ca thôi). Bài hát hay ở chỗ liên tục thay đổi “tông” của nhạc, và từ 400 ca sĩ người ta chỉ chọn được 3 với chất giọng cực kỳ phù hợp, trong đó đặc biệt nhất là Garou – một ca sĩ quán bar ít nổi tiếng ở Quebec (Canada). Có thể nói chính “Belle” đã làm nên sự nghiệp cho Garou!

Bản nhạc Belle trở thành bài hát cực kỳ phổ biến của vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris, từng được dịch trong nhiều thứ tiếng khác nhau kể cả tiếng Anh, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nga, Tiệp, Belarus, Ba Lan, Hàn Quốc… Còn trong tiếng Việt bài này có đến hai lời ca khác nhau. “Belle” được đón tiếp ở toàn thế giới suốt 20 năm nay, và đã vượt qua chính vở nhạc kịch sinh ra nó!

Trong các bản “Belle” thì bản tiếng Anh (dù vẫn có Garou hát) bị chê là thua original nhiều quá, còn 2 lời Việt đều sáo rỗng chả ăn nhập gì cả – và cũng rất khó cho nam ca sĩ Việt hát có “chất Garou” nên theo tôi tốt nhất chả nên nghe “Belle” phiên bản nội địa hóa! Đạt nhất có lẽ là tiếng Nga và Tây Ban Nha. Bản tiếng Nga với tên gọi “Ta sẵn sàng bán linh hồn cho quỷ đổi lấy một đêm với nàng…”:

“Belle” là tên của mỹ nhân chỉ mình Quasimodo gọi, còn tất cả thường gọi nàng là Esmeralda. Helene Segara là nữ ca sĩ Pháp đầu tiên đóng vai mỹ nhân trong vở nhạc kịch này, nhưng chỉ 3 tháng sau cô đã bị mất giọng nên phải thay người. Cô và Garou vẫn thỉnh thoảng có dịp hát cùng Garou, chẳng hạn trong bài hát rất hay này: “L’amour Existe Encore” (Tình yêu vẫn vượt qua):

Nước Pháp và thủ đô ánh sáng không thể thiếu Nhà thờ Đức Bà Paris, và đâu đó chúng ta vẫn cảm nhận được mối tình vô cùng khắc nghiệt và mãnh liệt của chàng gù Quasimodo. Bất kể gian lao xin chúc cho Paris và tình yêu nước Pháp vẫn vượt qua tất cả…

Nam Nguyên (HNS)

Thưởng thức nhạc kịch “Nhà thờ Đức Bà Paris”:

Phần 1: http://www.hoinhacsi.vn/video/thang-gu-nha-tho-duc-ba-paris-cua-richard-…

Phần 2: http://www.hoinhacsi.vn/video/thang-gu-nha-tho-duc-ba-paris-cua-richard-…