Bảng xếp hạng âm nhạc: Thứ hạng có tương đồng chất lượng?

0
990
Sau ba tháng ra mắt, "Chạy ngay đi" của Sơn Tùng đã không còn hot và cũng chẳng mấy người còn nhớ.

Những con số có thể mua

Một năm trở lại đây, xu hướng YouTube được nhiều nghệ sĩ xem như thước đo giá trị sản phẩm âm nhạc. Số lượt xem sau 24 giờ lên sóng cùng thứ hạng tăng dần trở thành công cụ quảng bá cho sản phẩm. Sơn Tùng, Bích Phương, Hương Tràm, Tóc Tiên, Soobin Hoàng Sơn… là những cái tên thường được nhắc đến trong cuộc đua này.

Tháng 5/2018, khán giả đã chứng kiến màn quyết đấu nghẹt thở giữa Sơn Tùng và Bích Phương khi MV Chạy ngay đi và Bùa yêu đuổi nhau sát nút trên bảng xếp hạng xu hướng YouTube ở vị trí số 1 và 2. Trên truyền thông, hai sản phẩm này gần như phủ sóng hoàn toàn, như thể ngoài chúng ra thì nhạc Việt chẳng còn gì khác để bận tâm!

Nhiều năm qua, các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá sản phẩm của nghệ sĩ. Công nghệ càng phát triển, môi trường số càng có ưu thế.

Từ đầu năm 2018 đến nay, những ca khúc được ưa chuộng như: Duyên mình lỡ, Chạy ngay đi, Bùa yêu, Đừng như thói quen, Sao em nỡ… đạt lượt nghe hàng chục, hàng trăm triệu, được chia sẻ khắp nơi, khiến nhiều nghệ sĩ khác phải thèm khát.

Tuy nhiên, cơ chế do con người tạo ra nên con người sẽ điều khiển được nó. Ca sĩ Võ Hạ Trâm cho biết, các MV của chị thường có lượt xem rất khiêm tốn, bởi dòng nhạc chị theo đuổi khá kén khán giả. Kết quả là chị liên tục được chào mời mua lượt nghe, lượt yêu thích để tăng độ “hot” cho sản phẩm.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khẳng định, việc “chạy” lượt xem, lượt nghe, thứ hạng ở các bảng xếp hạng âm nhạc hiện tại không khó, chỉ tốn khoảng 100 triệu đồng. Chính vì thế, thứ bậc ở các bảng xếp hạng không còn là vấn đề với Đàm Vĩnh Hưng khi ra sản phẩm mới.

Chất lượng thử thách qua thời gian

Các bảng xếp hạng âm nhạc hình thành theo những tiêu chí, cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với mục đích, lợi ích của đơn vị lập ra chúng nên chỉ tương đối trong phạm vi đó chứ không phản ánh chính xác thị trường âm nhạc. Ngoài chuyện chi tiền mua lượt xem, dùng cộng đồng fan để “kích view”, những mối quan hệ riêng cũng giúp nghệ sĩ dễ dàng “cải thiện” thứ hạng trên các bảng xếp hạng.

Zing MP3 tập trung vào đối tượng khán giả trẻ nên những ca khúc boléro, trữ tình quê hương thường không có chỗ đứng. Thứ bậc YouTube dành cho những sản phẩm mới, có tần suất tìm kiếm cao trong một khoảng thời gian ngắn nên thay đổi liên tục.

Những MV đạt lượt xem “khủng”, được xem đi xem lại qua năm tháng sẽ không có mặt ở đây. Cái chúng phản ánh được chỉ là thị hiếu và xu hướng tiếp cận đoản kỳ của khán giả. Tác dụng phụ của chúng là khiến âm nhạc dễ “chết” hơn, bởi trào lưu hay xu hướng thường không tồn tại lâu.

Tháng 4/2018, Đừng như thói quen thống trị các bảng xếp hạng. Nhưng đến tháng Năm, vị trí này thuộc về Chạy ngay đi của Sơn Tùng. Đến tháng Bảy, Duyên mình lỡ của Hương Tràm vụt lên chiếm vị trí.

Sau ba tháng, Chạy ngay đi của Sơn Tùng không còn nhiều người quan tâm. Đừng như thói quen cũng dần bị thay thế bởi loạt ca khúc mới ra đời. Ca khúc “hot” nhất năm 2016, 2017 giờ chẳng còn ai nhớ.

Không thể dùng những quy tắc, chuẩn mực của nhạc hàn lâm để đánh giá nhạc thị trường. Càng không thể dùng vị trí trên bảng xếp hạng để định giá trị, chất lượng tác phẩm nhạc cách mạng hay nhạc dân gian. Nhưng vẫn có một tiêu chuẩn chung để định chất lượng, giá trị của sản phẩm âm nhạc: sức bền qua thời gian.

Dù không có mặt trong những bảng xếp hạng, nhiều ca khúc boléro, trữ tình, nhạc thiếu nhi vẫn trụ vững trong lòng công chúng. Duyên phận, Nhật ký của mẹ, Kiếp nào có yêu nhau… đều ra đời đã lâu, vẫn được hát và được yêu mến. Chiếm lĩnh được xu hướng, tạo ra trào lưu là tài năng của nghệ sĩ. Tuy nhiên bên cạnh đó, giá trị bền vững là thứ cần được đặc biệt chú trọng để không phải mãi chạy theo chuyện nhất thời.

“Chất lượng của một tác phẩm thể hiện qua sức sống của nó. Tác phẩm tồn tại được bao lâu, còn được khán giả nhớ không mới là thước đo chính xác nhất. Điều này cũng đồng nghĩa tiền tác quyền tác giả, ca sĩ sẽ còn nhận đều đều. Bài hát vào bảng xếp hạng thì vui, nhưng bài hát sống lâu dài mới quan trọng”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung

Thành Lâm (PNO)