Băng cát-sét: Chuyện của ký ức hay thời hoàng kim trở lại?

0
1289
Sản phẩm định dạng cát-sét mới nhất của ca sĩ Đức Tuấn.

Gần đây, thị trường mua bán, sưu tầm băng cát-sét hoạt động nhộn nhịp. Người ta không cho sự sôi động đó là bất thường vì suy cho cùng, câu chuyện của ký ức hay thị trường đều có những lý giải xác đáng.

Cát-sét: mạch chảy ngầm

Giữa tháng 3, Đức Tuấn ra mắt album Một ngày ta được yêu với nhiều định dạng, trong đó có băng cát-sét. Khi thị trường nhạc số ngày càng phát triển, nhiều ứng dụng tiện lợi cho việc nghe nhạc, cách làm của Đức Tuấn có vẻ đi ngược với số đông. Nhiều người cho rằng nam ca sĩ chơi ngông, rằng anh bằng cách này để PR cho sản phẩm. Thế nhưng cuối cùng băng cát-sét bán khá chạy, thậm chí chạy hơn định dạng CD.

“Điều này làm tôi rất bất ngờ vì không nghĩ sẽ có người ưa chuộng định dạng cát-sét. Tôi thích cổ điển nên gặp được những người giống mình, cảm thấy có sự đồng điệu, thì ra, nhóm khán giả và thị trường băng cát-sét vẫn tồn tại dù không ồ ạt như xưa”, Đức Tuấn chia sẻ.

Việc thị trường đang chuộng băng cát-sét, không chỉ thời gian gần đây mới được nhìn thấy. Tại Ngày hội băng đĩa Phương Nam diễn ra cuối năm 2018 số băng cát-sét cháy hàng nhanh chóng dù giá thành nằm ở mức 50.000 đồng/cuốn (so với các năm trước là 2.000 đồng – 5.000 đồng) và điều đặc biệt, lượng người mua trẻ tăng cao.

Lý giải cho sự… lạ thường này, bà Phan Mộng Thuý, Giám đốc Phương Nam Phim – đơn vị tổ chức cho biết: “Băng cát-sét, giống như đĩa than, lâu nay chúng vẫn tồn tại, có lúc thịnh hành, có lúc chững lại nhưng không mất đi. Tuy nhiên, để được phổ biến như những năm 80, 90 thì không thể. Có chăng, một bộ phận khán giả vẫn ưa thích nghe nhạc từ băng cát-sét hoặc sưu tầm thì giữ thói quen tìm kiếm”.

Bang cat-set: Chuyen cua ky uc hay thoi hoang kim tro lai?
Khu bán băng cát-sét tại Ngày hội băng đĩa Phương Nam 2018.

Băng cát-sét vẫn luôn tồn tại trong một thị trường nhỏ như mạch chảy ngầm. Ở đó, những cuộc ngã giá bán buôn không kém phần sôi động nhưng ít được nhắc tới. Trên mạng xã hội, không thiếu những nhóm yêu thích băng cát-sét chia sẻ sở thích, trao đổi “kho” sưu tập với nhau.

“Trong các sự kiện Ngày hội băng đĩa Phương Nam, ngoài số lượng băng cát-sét tự tìm được, chúng tôi liên hệ những cá nhân trong tổ chức này để nhờ họ mang sản phẩm cùng tham gia”, bà Thuý nói thêm.

Bang cat-set: Chuyen cua ky uc hay thoi hoang kim tro lai?
Bà Phan Mộng Thuý – Giám đốc Phương Nam Phim- cho biết băng cát-sét có tín hiệu khởi sắc nhưng để quay lại những năm 80, 90 thì không thể.

Trước thị trường nhạc số với những con số triệu view, những MV được đầu tư tiền tỷ liên tục xô ngã kỷ lục của nhau thì ở dòng chảy khác, băng cát-sét vẫn duy trì thị trường ổn định. Có thể, với những ai thích sự tiện lợi, thích hiện đại sẽ sẵn sàng ngó lơ băng cát-sét nhưng ở phân khúc của những tâm hồn yêu mến giá trị cũ, yêu tiếng nhạc rè rè trầm ấm thì cát-sét là thú chơi khó bỏ.

Chỉ là cuộc chơi của cảm xúc

Hỏi Đức Tuấn, việc ra mắt sản phẩm định dạng cát-sét giữa thị trường mà dù có khởi sắc vẫn không phải là thời hoàng kim, chẳng khác nào anh đang chơi ngông? Nam ca sĩ đáp: “Thường tôi làm điều gì, giá trị ẩn sâu nếu không được nhìn ra, mọi người vẫn nói tôi chơi ngông. Nhưng tôi nghĩ, nghệ sĩ phải có những cách làm riêng. Đôi khi, mình không chạy theo thị trường mà trao cho khán giả những giá trị khác, đừng nên nghĩ quá nhiều mà hãy cứ làm đi. Hơn nữa, băng cát-sét gắn liền với tuổi thơ của tôi, với âm nhạc những ngày đầu đời nên tôi rất quý”.

Xét ở khía cạnh kinh doanh, việc lời lỗ là điều ai cũng thấy rõ vì với công sức bỏ ra và giá thành, đương nhiên, định dạng cát-sét không phải là cách kiếm lời. Với Đức Tuấn, đây là cuộc chơi cảm xúc.

Bang cat-set: Chuyen cua ky uc hay thoi hoang kim tro lai?
Ca sĩ Hà Vân từng ra mắt sản phẩm định dạng cát-sét trong năm 2017.

“Tôi hoàn toàn có thể ra mắt phiên bản audio phát hành online nhưng vẫn thích có một sản phẩm cầm trên tay, tức nó thoả mãn được cái “đã” của người nghệ sĩ. Điều quan trọng là chất lượng mình đem tới cho khán giả như thế nào. Nếu làm nghề nghiêm túc, có đầu tư thì không bao giờ không có khán giả”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, lứa khán giả từng gắn bó với Làn sóng xanh hoặc chỉ cần đã từng nghe băng cát-sét, họ sẽ rất nhớ cảm giác “tua” đi “tua” lại để chọn đúng ca khúc mình cần nghe; kể cả tiếng cát-sét rè rè trong đêm chỉ chực dừng lại bất cứ lúc nào vì kẹt băng. “Ai cũng muốn sống với hoài niệm đẹp. Ngày đó, muốn canh để nghe bài mình thích rất khó, cứ phải tua nhanh sang mặt bên kia hoặc chờ băng chạy hết. Cảm giác rất thú vị”, nam nhạc sĩ nói.

Bang cat-set: Chuyen cua ky uc hay thoi hoang kim tro lai?
Để sưu tầm băng cát-sét, ngoài các sự kiện băng đĩa, việc mua bán trên mạng cũng nhộn nhịp.

Dường như, trong thế giới của những người lớn lên trong tiếng nhạc cát-sét, họ luôn có cảm tình đặc biệt với sản phẩm định dạng này. Dù bất tiện và kho bài hát không đa dạng như nhạc số nhưng cái thú của những ai thích cổ điển, thích không khí từ những cuốn băng cát-sét mang lại, cảm xúc và riêng tư, thì cứ vương vấn.

“Với băng cát-sét, những người yêu thích sự hoài cổ hay có những câu chuyện liên quan đến ký ức riêng, một thời tuổi thơ hay một giai đoạn trong cuộc đời, họ sẽ thích. Có thể với nhạc số, những bản hoà âm mới nhất hay những ứng dụng mua nhạc trực tuyến, người nghe hoàn toàn có thể mua bài từ quốc tế nhưng điều quan trọng là không khí mang lại. Âm thanh băng cát sét không hay bằng bản thu online, nhiều khi còn bị rè do băng xước nhưng chính cái không rõ, cái rè mới tạo nên không khí đặc biệt”, anh Tuấn Nguyễn, người yêu thích nghe băng cát-sét cho biết.

Bang cat-set: Chuyen cua ky uc hay thoi hoang kim tro lai?
Tại sự kiện băng đĩa, số lượng đĩa than cũng nhận được sự quan tâm của người mua.

Giữa một thị trường nhạc số đang bão hoà và bình thường hoá thì nhiều người muốn tìm về giá trị cũ cũng là điều dễ hiểu. Giá băng cát-sét có lẽ vì thế mà ngày càng tăng giá, có cuốn lên đến hàng triệu vì độ quý hiếm, nhưng vẫn có người mua. Sau nhiều năm theo dõi thị trường, để tiết kiệm hơn, anh Tuấn thường đến các cửa hàng băng đĩa ở Cà Mau để mua vì giá rẻ hơn tại TP.HCM.

“Ngày trước, khi chưa có nhiều người tìm mua, giá của băng cát-sét ngay tại Hội chợ băng đĩa Phương Nam chỉ 2.000 – 5.000 đồng cũng hiếm người ngó tới, ngoại trừ các khách hàng lớn tuổi thì hội chợ gần nhất giá cũng 50.000 đồng/băng nhưng bán rất chạy. Thỉnh thoảng tôi xuống Cà Mau để mua vì giá chỉ tầm 10.000 – 12.000 đồng/cuốn, còn mua trên mạng hay mua ở hội chợ giá rất cao”, anh Tuấn chia sẻ.

Có thể với nhiều người, băng cát-sét là định dạng ngược thời nhưng với những người yêu mến chúng như ca sĩ Đức Tuấn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung hay một khán giả bình thường như anh Tuấn Nguyễn, cát-sét là hiện thân của một hồi ức đẹp. Bỏ qua những cân đo đóng đếm thị trường, họ đến với âm nhạc phát ra từ máy cát-sét cũ với tình yêu mộc mạc, và thật. Đó là cuộc chơi cảm xúc không toan tính.

Trên thế giới, thị trường cát-sét có dấu hiệu tăng trưởng mạnh. Theo Guardian, trong năm 2018, doanh số băng cát-sét tiêu thụ tại nước Anh trên 50.000 bản, cao nhất trong 15 năm trở lại. Còn với thế giới, doanh số bán sản phẩm định dạng cát-sét tăng 125%. 

Với sự đón nhận của khán giả, định dạng cát-sét mang lại cho nhiều ca sĩ khoản thu ổn, thậm chí lớn như ca khúc Thank U, next của Ariana Grande đứng top đầu xếp hạng bán ra, có tuần đạt hơn 540 bản tiêu thụ. Ngoài Ariana Grande, Justin Bieber, Jade Bird, Kylie Minogue hay AC/DC cũng đua nhau phát hành album cát-sét.

Diễm Mi (PNO)