Âm nhạc dành cho thiếu nhi: Cần có những sáng tác mới

0
1014
Sinh hoạt âm nhạc của trẻ em trong hoạt động đội thiếu niên, nhà văn hóa thiếu nhi, các trường học luôn được chú trọng. (Ảnh minh họa: Trịnh Huyền)
Trong thị trường âm nhạc sôi động hiện nay, âm nhạc cho thiếu nhi vẫn là một mảng “nghèo nàn” trong sáng tác. Tình trạng thiếu nhi hát nhạc người lớn, hát bolero không còn xa lạ gì với khán giả. Mặc dù nhu cầu âm nhạc của các em rất đa dạng nhưng dường như lại đang bị “thiếu thốn” trầm trọng những tác phẩm mới.

Âm nhạc cho thiếu nhi và học sinh tuy chỉ là một phần nhỏ trong nền âm nhạc Việt Nam nhưng đối tượng công chúng lại vô cùng rộng lớn có tới hàng chục triệu người, với các lứa tuổi khác nhau từ nhi đồng, mẫu giáo đến trung học phổ thông mà ta thường gọi là lứa tuổi hồng.

Nhà giáo dục học nổi tiếng Vasyl Olexanderivych Sukhomlynsky (Nga) đã từng nói: “Trẻ em thiếu truyện cổ tích và âm nhạc, chúng sẽ chỉ là những bông hoa khô héo”. Thật vậy! nhu cầu âm nhạc đối với trẻ em là một nhu cầu tự thân.

Kể từ sau Cách mạng Tháng Tám, nước ta đã rất chú trọng đến sinh hoạt âm nhạc của trẻ em trong hoạt động đội thiếu niên, nhà văn hóa thiếu nhi, các trường học, trên đài phát thanh, truyền hình và đặt biệt từ khi âm nhạc được chính thức đưa vào giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 9 từ năm 2002 thành một môn học bắt buộc, thực sự là một cải thiện đáng kể trong nền giáo dục nước nhà.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa của cả nước, 10 năm sau Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đã có những bước tiến mới trong văn học nghệ thuật nói chung, trong đó có các hoạt động về âm nhạc thiếu nhi cũng có đóng góp phần rất nhỏ, nhưng đáng ghi nhận.

Sự kiện đặc biệt nhất phải kể đến là năm 2017 đã có một chương trình biểu diễn hết sức hoành tráng của các em thiếu nhi tại Nhà hát Lớn thành phố với chủ đề “Thiếu nhi Hà Nội vì hòa bình”, gồm các sáng tác chọn lọc của các nhạc sĩ quan tâm đến âm nhạc thiếu nhi, là những tác giả đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn hóa nghệ thuật như các nhạc sĩ Hoàng Lân và một số nhạc sĩ khác… Đó là lần đầu tiên tại Hà Nội có một đêm biểu diễn quy mô vài trăm diễn viên nhỏ tuổi được dàn dựng công phu, chất lượng cao đầy ấn tượng tốt đẹp.

Hoạt động thứ hai là các đợt thi sáng tác ca khúc cho học sinh của Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội. Qua 5 đợt thi liên tục, 2 năm một lần, đã gặt hái hàng trăm bài hát học sinh với chất lượng của hầu hết là những người sáng tác không chuyên, các thầy cô giáo và có cả một số là học sinh mới tập sáng tác tham gia. Công việc này đã tạo nên một luồng gió mới trong các nhà trường Thủ đô, động viên phong trào ca nhạc hết sức sôi nổi, góp phần xây dựng môi trường lành mạnh của học đường những năm qua.

Hội Âm nhạc Hà Nội cũng thường xuyên dành giới thiệu những tác phẩm âm nhạc thiếu nhi có chất lượng trong các sinh hoạt hàng tháng, đặt biệt nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/2020 đã có một chường trình biểu diễn trên Truyền hình Nhân dân với toàn bộ tác phẩm âm nhạc thiếu nhi là của hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội rất thành công.

Đồng thời cũng đã tổ chức 3 cuộc hội thảo về sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi và vấn đề giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông. Các cuộc hội thảo thu thập được rất nhiều ý kiến của các nhạc sĩ, các nhà lý luận âm nhạc, các nhà sư phạm và của các thầy cô giáo, có tác dụng mạnh mẽ tới việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa trong đổi mới lần này.

Theo nhạc sĩ Hoàng Lân, bên cạnh những chương trình âm nhạc thiếu nhi nổi bật trên, cũng cần chỉ ra một số vấn đề thực trạng sáng tác, chất lượng bài hát và tình hình nở rộ tràn lan những ca khúc dễ dãi, thậm chí là yếu kém nhưng vẫn được thu âm, phát hành thiếu sự kiểm duyệt.

“Tình trạng này nếu không kịp thời có những giải pháp uốn nắn, chắc chắn sẽ dẫn đến việc hạ thấp trình độ thẩm mỹ âm nhạc của một bộ phận công chúng mà đặc biệt là lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Có những bài gọi là sáng tác mới nhưng nó dập khuôn, hời hợt, vô cảm, không để lại ấn tượng gì. Tất nhiên những tác phẩm như vậy sẽ lặng lẽ trôi đi và chìm vào quên lãng. Đó cũng là quy luật tự nhiên và vô tư, không thể áp đặt”, nhạc sĩ Hoàng Lân khẳng định.

Cũng theo nhạc sĩ Hoàng Lân, các đơn vị nghệ thuật và quản lý nghệ thuật nên thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tác để khích lệ người viết, bởi mỗi cuộc thi đều có thể lựa chọn một số bài tốt trong số hàng trăm bài. Nên tổ chức anh em nhạc sĩ đi đến các trường học để tìm hiểu những nét mới trong giáo dục. Việc quảng bá các tác phẩm cũng cần có nhiều hình thức, giải pháp hữu hiệu, bởi tác phẩm âm nhạc khác với các loại hình nghệ thuật khác là nó phải được vang lên mới đến được với công chúng và nên trao giải thường niên để động viên những nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi có nhiều tác phẩm hay.

Bảo Thoa (HNS)