Âm nhạc cổ truyền: Câu chuyện con đẻ và con chồng

0
1134

Việt Nam có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và Âm nhạc cổ truyền là đứa con đẻ của nền văn hóa ấy. Sinh ra là một đứa trẻ bụ bẫm, tuổi thiếu niên được nuôi dưỡng và chăm sóc tốt nên đứa trẻ phổng phao khỏe mạnh, nhưng từ khi bà mẹ nhận nuôi thêm đứa con chồng là Âm nhạc phương Tây, đứa con đẻ Âm nhạc cổ truyền không còn được quan tâm chăm sóc cẩn thận, dần dần nó sinh ra bệnh tật…

Câu chuyện đứa con chồng

Mấy đời bánh đúc có xương – Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng. Câu ca dao không còn đúng với đứa con chồng là Âm nhạc phương Tây. Lý do thật đơn giản, Âm nhạc phương Tây mà đỉnh cao là Âm nhạc cổ điển có sức hấp dẫn lạ kì, có sự cảm hóa mãnh liệt, làm cho Bà mẹ Việt Nam yêu thương đến mức có lúc bỏ quên cả đứa con mình dứt ruột đẻ ra và mất bao công dưỡng dục trong suốt mấy nghìn năm.

Vậy đứa con chồng ấy hấp dẫn đến như thế nào?

Nhà soạn nhạc và cũng là một học giả uyên bác Taneiev từng nói: “nếu có người ngoài trái đất muốn chỉ trong một tiếng đồng hồ hiểu được toàn bộ hành tinh chúng ta đang sống, thì chỉ có một cách duy nhất là cho họ nghe bản Giao hưởng số 9 của Beethoven”. Trong thời kỳ vàng son của nền âm nhạc cổ điển phương Tây, nhân loại đã từng “phong thánh” cho Mozart, Beethoven, Chopin và bao nhiêu nhạc sĩ thiên tài khác.

Ngay từ thế kỉ thứ XVI, Âm nhạc phương Tây đã theo chân các nhà truyền giáo đến với người dân Việt. Đầu tiên là những bản thánh ca, sau là những điệu nhạc nhà binh được cử bởi dàn kèn đồng. Đầu của thế kỉ XX, chủ nghĩa tư bản Pháp cùng với nền văn hóa Tây Âu du nhập vào Việt. Các bài hát Âu – Mỹ được phổ biến rộng rãi, công chúng yêu nhạc bắt đầu biết đi nghe hòa nhạc, học chơi Mandoline, Guitare, Violon và Piano… Một số ca khúc châu Âu được soạn lời Việt. Một số người tập viết ca khúc theo kiểu Tây. Sau khi Tân nhạc xuất hiện, nhiều giá trị Âm nhạc cổ truyền đã bị một bộ phận công chúng xem thường. Một số bài bản nhạc cổ truyền bắt đầu thay đổi. Chẳng hạn như bản Đăng đàn cung, một điệu nhạc cổ được cử tấu bởi phường bát âm, hơi nhạc ngũ cung với nét đặc trưng là những âm láy rung, khi được chuyển sang hệ thống kí âm các nốt nhạc phương Tây để trở thành bản quốc thiều triều Nguyễn đã mất đi cái phần hồn nhạc Việt.

Giữa thế kỉ XX, các giá trị truyền thống của Âm nhạc phương Tây đã làm lu mờ các giá trị Âm nhạc cổ truyền. Tâm lý ham muốn tiếp nhận và hưởng thụ những giá trị mới trong âm nhạc luôn chiếm thế thượng phong, ở đâu người ta cũng nói tới cái mới, cái hiện đại, âm nhạc muốn tồn tại và phát triển thì phải mang hơi thở thời đại chứ không thể nào khác được. Những cuộc cách mạng trong âm nhạc bắt đầu diễn ra với phương châm Âm nhạc truyền thống cũng phải khoa học và hiện đại hóa thì mới hội nhập được với thời cuộc, với thế giới.

Một điều rất dễ nhận thấy rằng, càng sốt ruột đổi mới bao nhiêu thì càng làm xói mòn và mất đi những tinh hoa quí báu vốn có của Âm nhạc cổ truyền bấy nhiêu. Chưa bao giờ những giá trị tưởng như vĩnh hằng lại nhanh chóng suy giảm cả về chất và lượng như lúc này.

Làm thế nào để nền Âm nhạc truyền thống vừa thấm đẫm bản sắc dân tộc lại vừa mang hơi thở thời đại? Đó là một điều thách đố.

Đứa con đẻ ốm đau bệnh tật

Trải qua nửa thế kỉ thực hiện công cuộc đổi mới, Âm nhạc cổ truyền đã mắc phải nhiều căn bệnh nan y.

Trục trặc mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy chính là các Nhạc cụ cổ truyền. Trước đây, Nhạc cụ cổ truyền chỉ trình diễn theo hệ thống thang âm ngũ cung. Khi các bài bản truyền thống chuyển sang sử dụng thang âm phương Tây bảy âm, thì Nhạc cụ cổ truyền cũng phải cải tiến để phù hợp với hệ thang âm ấy. Tì bà lắp thêm phím, đàn tranh lắp thêm dây, sáo trúc khoét thêm lỗ… Nhạc cụ cải tiến chắc chắn sẽ trình diễn tốt các sáng tác mới kí âm theo lối phương Tây. Nhưng vấn đề ở chỗ, với các bài bản cổ, người ta cũng sử dụng những nhạc cụ cải tiến để trình diễn, lối trình diễn cũng thay đổi, các âm non già trong nhạc cổ được chuyển hẳn sang âm bán cung đã làm mất đi những ngón đặc sắc vốn có của bài bản cổ.

Dàn nhạc dân tộc được mô phỏng giống như Dàn nhạc giao hưởng, bao gồm các bộ: bộ gõ, bộ hơi, bộ dây, bộ gẩy… Bè Nhị được phân ra thành Nhị 1 và Nhị 2 giống với Violon 1 và Violon 2; kèm theo bè Hồ gồm Hồ đại, Hồ trung, Hồ tiểu. Với nhạc cụ truyền thống trước đây, Nhị phân theo vùng miền: miền Bắc là Hồ đại, Hồ trung, Hồ tiểu, Nhị chính, Líu; miền Nam gọi là đàn Gáo, Cò dương, Cò lòn, Cò líu. Bộ dây của Dàn nhạc dân tộc thiếu hẳn bè trầm nên được biên chế thêm Cello và Contrabass. Chưa biết chừng, đến một lúc nào đó kèn Bóp cũng được cải tiến thành Oboe để đỡ khỏi phải bổ sung thêm Oboe như bây giờ?

Cách cải tiến nhạc cụ nhanh nhất, ít tốn sức hao trí nhất là nhập ngoại. Nguồn nhập chủ yếu từ Trung Quốc, rồi đến Nhật Bản, Hàn Quốc. Bởi vậy hầu hết nhạc cụ truyền thống của Việt Nam giống Tàu. Đàn Bầu thuần Việt một trăm phần trăm, là niềm tự hào của mỗi con dân Việt, người nông dân cũng biết tự làm đàn Bầu, thế mà cũng có ý kiến đề xuất – tuy chưa thành văn – rằng nên nhập đàn Bầu cải tiến của Trung Quốc! Thực ra nói đàn Bầu của Tàu cải tiến thì chưa đúng, mà Tàu lấy nguyên xi đàn Bầu của Việt Nam rồi lắp cái loa vào trong hộp đàn cho gọn thôi.

Biến đổi về thể chất được hiểu là việc cải tiến các nhạc cụ, sẽ kéo theo sự thay đổi về hoạt động được hiểu là phương cách trình diễn các nhạc cụ ấy. Đó đây, người ta nhìn thấy những nghệ sĩ không dùng tay để biểu diễn các ngón đàn Tranh, mà dùng Archer kéo cho cả một đoạn nhạc, hay cả một tác phẩm âm nhạc. Hỏi tại sao lại chơi nhạc trái khoáy như thế? Câu trả lời chẳng ai bắt bẻ được, đó là nhạc “thể nghiệm”. Có những bản nhạc viết cho đàn Bầu đạt giải cao trong các kì thi, hay những bài bản nổi tiếng soạn riêng cho đàn bầu, người nghệ sĩ trình diễn chỉ việc dùng que gẩy một cái, rồi tay phải nghỉ ngơi hoàn toàn, tay trái cứ thế lắc lư cái cần để tạo âm “ngân dài” cho đến khi bản nhạc kết thúc, nếu không nhìn thấy nghệ sĩ trình diễn đàn bầu thì chắc người nghe nhạc tưởng đó là âm thanh Organ.

Khi cơ thể xuất hiện nhiều bệnh nan y, thì các bệnh ấy có mối quan hệ mật thiết với nhau mà y văn vẫn gọi bằng cụm từ “vòng xoắn bệnh lý”. Sự biến đổi về thể chất kéo theo sự biến đổi về hành động, rồi sau đó biến đổi về tư duy, đó là lẽ đương nhiên. Một trong những mắt xích quan trọng của “vòng xoắn bệnh lý” là các tác phẩm âm nhạc viết cho Nhạc cụ cổ truyền. Nhìn vào các tác phẩm lớn, được trình diễn bởi dàn nhạc dân tộc, không khó để nhận ra những nồi lẩu thập cẩm. Về hình thức âm nhạc, người ta có thể gọi đó là giao hưởng, nếu bị bắt bẻ nhiều thì bảo đó là âm nhạc “thể nghiệm. Về mặt nội dung, người nhạc sĩ sẽ cho vào nồi lẩu của mình đủ loại âm nhạc đông tây kim cổ, người nghệ sĩ trình diễn vì thế mà bị rơi vào ma trận không biết đâu mà lần, thành ra thỏa sức diễn theo ý mình.

Mải học theo Tây, vô tình ta đã bỏ quên những giá trị xưa, nên đứt đoạn với truyền thống đích thực cũng là lẽ đương nhiên. Gần 80 làn điệu Ca trù là tinh hoa của văn hóa dân tộc, sau mấy chục năm trời ngăn cấm, giờ khôi phục mãi chỉ còn chưa tới 20 làn điệu. Các nghệ sĩ ngày nay hát Tuồng mới, Chèo cải biên, Cải lương lời mới với hệ thống thang âm Đồ – Rê – Mí và không hề biết đến Hò – Xự – Sang…

Nhìn sang nhà hàng xóm

Thế kỉ XXI được coi là kỉ nguyên của châu Á. Nền văn hóa của các quốc gia châu Á nổi tiếng đậm đà bản sắc dân tộc. Âm nhạc truyền thống châu Á là một bộ phận hữu cơ của nền văn hóa ấy, mà âm nhạc là ngôn ngữ chung của nhân loại, nên Âm nhạc truyền thống là phương tiện tốt nhất để quảng bá hình ảnh của mỗi quốc gia với bạn bè năm châu.

Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan làm việc này thật tốt. Trong các trường phổ thông, họ rất chú trọng giảng dạy Âm nhạc truyền thống cho học sinh, mỗi trường đều có Ban nhạc truyền thống riêng. Ở các trường đại học không thuộc chuyên ngành âm nhạc nhưng vẫn có Khoa âm nhạc truyền thống giảng dạy những kiến thức về Âm nhạc cổ truyền cho sinh viên.

Nhân kỉ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Hàn Quốc và ASEAN, ngay sau chương trình hòa nhạc giao hưởng tại Nhà hát quốc gia vào tháng 10/2005, chính phủ Hàn Quốc nhận thấy âm nhạc châu Á nói chung và Hàn Quốc nói riêng đủ sức sánh ngang với Âm nhạc cổ điển phương Tây. Năm 2009, Dàn nhạc truyền thống ASEAN – Hàn Quốc chính thức được thành lập. Với 52 thể loại Âm nhạc truyền thống cùng 80 Nhạc cụ truyền thống của 11 quốc gia châu Á, trong đó Hàn Quốc đóng góp 59 nhạc cụ, Dàn nhạc truyền thống ASEAN – Hàn Quốc đã hùng hồn chứng minh Âm nhạc châu Á tuyệt vời thế nào. Trong suốt 3 năm sân khấu 1500 chỗ ngồi chưa bao giờ còn một chỗ trống.

Bao giờ con đẻ mới được ra ở riêng?

Thật đau xót khi ngày nay đại bộ phận công chúng không biết hoặc quay lưng lại với nền Âm nhạc cổ truyền nước nhà. Nhớ lại mấy chục năm về trước, chỉ cần một chiếu chèo nhỏ ở một thôn ở đồng bằng Bắc Bộ cũng đủ sức diễn các vở Chèo cổ làm mê hoặc khán giả cả nước trên làn sóng Đài Tiếng Nói Việt Nam. Ngày nay thì ngược lại, mỗi năm đoàn Tuồng hay đoàn Chèo cổ Trung Ương có bao nhiêu suất diễn, mỗi suất có bao nhiêu người xem?

Hiện nay chỉ trường âm nhạc chuyên nghiệp mới có khoa Nhạc cụ truyền thống. Là một đứa con nuôi của trường âm nhạc chuyên nghiệp, Khoa nhạc cụ truyền thống chỉ giảng dạy một số Nhạc cụ cổ truyền tiêu biểu cho sinh viên theo học chuyên ngành Âm nhạc truyền thống, những sinh viên chuyên ngành khác sẽ không được học. Thế mới có chuyện: người làm âm nhạc chuyên nghiệp chê bài bản Nhạc cổ truyền bị phô; mang một làn điệu Chèo hỏi sinh viên đại học, sinh viên ấy sẽ rất ngạc nhiên vì không hiểu đó là thể loại âm nhạc gì; nhiều công chức nhà nước không thể phân biệt được đâu là tiếng đàn Bầu trong dàn nhạc…

Vậy làm thế nào để Âm nhạc cổ truyền nước nhà trở lại thời vang bóng? Giải pháp thì nhiều, nhưng có một giải pháp cần làm ngay: bà mẹ hãy mạnh dạn để cho đứa con đẻ được ra ở riêng, chỉ trong môi trường độc lập ấy nó mới tự đứng lên bằng đôi chân của nó để bước qua khó khăn. Ví dụ cụ thể, trong hệ thống giảng dạy âm nhạc hiện nay, mới chỉ có khiêm tốn một Khoa nhạc cụ truyền thống trong Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cùng với mấy trường âm nhạc khác như Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TP HCM, Đại học Nghệ thuật Quân đội, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội…. Sinh viên Khoa nhạc cụ truyền thống chỉ được học một số Nhạc cụ cổ truyền tiêu biểu, còn việc học Âm nhạc cổ truyền chắc chắn đang là điều chưa ai dám mơ tới. Nên chăng thành lập một Trường âm nhạc cổ truyền, nếu ở tầm Quốc gia thì càng tốt, để lĩnh vực đào tạo Âm nhạc cổ truyền không còn cảnh ngộ như cây tầm gửi sống tạm bợ như hôm nay?

Hoa Nhài (vnmusic.com.vn)