Nghệ sĩ trẻ “thắp lửa” đam mê đàn tranh

0
675
Nghệ sĩ đàn tranh Đoàn Phương Anh, giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Say sưa với cây đàn tranh từ nhỏ, đạt nhiều thành tích chuyên môn, nghệ sĩ Đoàn Phương Anh được đánh giá là gương mặt tài năng của âm nhạc truyền thống nước nhà. Trên cương vị giảng viên tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nữ nghệ sĩ 9X sinh ra và lớn lên ở Hà Nội này đang miệt mài “thắp lửa” đam mê cho học trò, như câu nói mà chị tâm đắc “Những thầy cô giỏi nhất dạy bằng trái tim, chứ không từ sách vở”.

Nghệ sĩ Đoàn Phương Anh sinh ra và lớn lên trong gia đình có nhiều đời sinh sống ở khu vực phố cổ Hà Nội, được thừa hưởng nét tinh tế, trân trọng truyền thống của người Tràng An. Chị khát khao níu giữ những giá trị văn hóa truyền thống qua những làn điệu dân ca hay tiếng đàn du dương, êm ả và chị đã tìm thấy điều đó ở cây đàn tranh. 9 tuổi bắt đầu đến với bộ môn này với biết bao bỡ ngỡ, lạ lẫm, nhiều lúc tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng chỉ 10 năm sau đó, Phương Anh đã xuất sắc giành giải Nhất hội thi “Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và du lịch” lần thứ nhất năm 2012 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Sau đó, Phương Anh tiếp tục phát triển tài năng và giành được nhiều thành tích nổi bật, như: Huy chương vàng (tập thể), Huy chương bạc (tập thể) tại Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2017; giải Nhất cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020…

Một trong những giảng viên có ảnh hưởng lớn đến con đường âm nhạc của Phương Anh là Thạc sĩ, Nhà giáo ưu tú Ngô Bích Vượng (nguyên Chủ nhiệm Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Cô giáo Bích Vượng là người đã dạy Phương Anh những nốt nhạc đầu tiên và cũng là tác giả của tác phẩm “Cảm xúc Tây Nguyên” mà chị thể hiện tại hội thi “Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và du lịch” lần thứ nhất năm 2012. Với những kỹ thuật bồi âm, hòa âm, tạo âm sắc lạ, độc đáo kết hợp tiếng vuốt 2 dây như tiếng suối nước róc rách, Phương Anh đã thực sự “thổi hồn” vào tác phẩm này, đưa người nghe đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, khiến họ thêm yêu mến âm nhạc dân tộc. Nghệ sĩ Đoàn Phương Anh chia sẻ: “Cây đàn tranh có thể mô phỏng được tiếng nước chảy, tiếng gió, nhưng để thể hiện được âm thanh tuyệt diệu ấy, đòi hỏi người chơi phải giữ cho mình một tâm hồn sáng trong, phải dành toàn bộ tình yêu và tâm trí với nó”.

Là người hướng dẫn luận văn thạc sĩ cho nghệ sĩ Phương Anh, Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Ngô Văn Thành nhận xét: “Phương Anh sở hữu tiếng đàn tranh đẹp, truyền cảm và rất có hình ảnh. Là một nghệ sĩ, giảng viên thuộc thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, Phương Anh còn không ngừng nghiên cứu, tìm tòi để tiếng đàn của mình bên cạnh tính truyền thống còn có sự mới mẻ, đầy ắp hơi thở của cuộc sống đương đại”.

Nghệ sĩ Phương Anh luôn mong muốn được quảng bá, lan tỏa âm nhạc truyền thống nói chung và tiếng đàn tranh nói riêng đến cộng đồng. Nhiều năm qua, chị đã vinh dự được biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật lớn mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng, tình đoàn kết, hữu nghị quốc tế, như: Tết cộng đồng người Việt tại Italia, Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Italia, Festival Âm nhạc tại Thụy Sĩ, Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Anh, Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Leipzig (Đức)… Để tiếp cận với đông đảo khán giả, chị còn lập kênh YouTube “Đàn tranh Phương Anh” và thường xuyên đăng tải những tiết mục biểu diễn ấn tượng của bản thân để quảng bá âm nhạc truyền thống.

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc học tập trung tại trường bị gián đoạn, nghệ sĩ Phương Anh đã tích cực chuyển đổi sang dạy học trò trực tuyến. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song với lòng quyết tâm và tình yêu với cây đàn tranh, cô và trò đã cố gắng để những buổi học đạt hiệu quả.

Ngô Khiêm (HNS)