Muôn hình vạn trạng vi phạm tác quyền âm nhạc

0
738
Vi phạm tác quyền âm nhạc vẫn diễn ra tràn lan và có chiều hướng gia tăng phức tạp (ảnh minh họa)

Trong thời gian qua, dù đã có nhiều vụ kiện ồn ào nhưng tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc vẫn không giảm bớt mà còn có chiều hướng gia tăng phức tạp hơn.

Đã có nhiều vụ việc liên quan tới bán hoặc chuyển nhượng tác phẩm cho các nhà sản xuất, ca sĩ gây xôn xao và tạo dư luận trái chiều. Chẳng hạn, nhạc sĩ Bảo Chấn đã ký hợp đồng ủy quyền quản lý toàn bộ các tác phẩm cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Tuy nhiên, đầu tháng 3.2021, ông lại ký Hợp đồng ủy quyền với Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ truyền thông Bihaco (BH Media). Đến khi phát hiện BH Media không thực hiện đúng những gì đã thỏa thuận, nhạc sĩ Bảo Chấn đã quyết định hủy hợp đồng với đơn vị này, đồng thời gửi thư đến VCPMC xác nhận rằng ông vẫn tiếp tục ủy quyền quản lý quyền tác giả toàn bộ các tác phẩm cho VCPMC. Hay câu chuyện một người thân đã đem bán tác phẩm của cố nhạc sĩ Hoàng Phương cho một đơn vị khai thác và hưởng lợi một mình, khiến cho việc phân chia tác quyền theo thừa kế bị ảnh hưởng. Hiện gia đình ông đã gửi đơn lên tòa để xử lý vụ việc, yêu cầu bên VCPMC bảo hộ quyền tác giả và phân chia quyền tài sản theo tỷ lệ mà tòa án đã phán quyết…

Bên cạnh sự “lúng túng” của các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm trong việc quản lý quyền tác giả với tác phẩm của mình, theo thống kê của bộ phận pháp chế của VCPMC, số lượng các vụ xâm phạm bản quyền hay quyền tác giả đang có xu hướng gia tăng. Từ các music video, ứng dụng, website thông thường cho đến các buổi mini concert hay liveshow lớn… Các hành vi vi phạm chủ yếu thường là sử dụng tác phẩm mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả, tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến tác giả, sử dụng tác phẩm nhưng không có sự thỏa thuận hay trả thù lao, nhuận bút và các lợi ích vật chất cho chủ sở hữu theo quy định…

Việc sử dụng bất hợp pháp các ca khúc diễn ra khá phổ biến, nhiều tác giả như nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Văn Chung từng lên tiếng về báo cáo vi phạm về việc tác phẩm của mình bị các đơn vị ngang nhiên “xài chùa” khi chưa được sự đồng ý của tác giả. Tình trạng cover chưa xin phép tác giả cũng diễn ra “như cơm bữa” ở Vpop, đặc biệt với những ca khúc nước ngoài. Nhiều vi phạm khác cũng có thể kể tới như: Ra mắt ca khúc nhưng không ghi rõ tên tác giả bài thơ cùng tên; ra clip nhưng không giới thiệu tên tác giả lời Việt của ca khúc; sử dụng một phần nhạc, hoặc hòa âm tác phẩm khác trong ca khúc của mình…

Việc vi phạm tràn lan này đã khiến nhiều nghệ sĩ, đơn vị dính vào các vụ kiện vì xâm phạm quyền tác giả. Nếu chỉ tính riêng các chương trình với quy mô lớn mà VCPMC phát hiện, số lượng chương trình biểu diễn có xảy ra hành vi xâm phạm quyền tác giả lên tới hàng trăm. Trong đó, có những đơn vị tổ chức những show lớn, song xóa tên và thành lập công ty mới… Theo những người trong nghề, vi phạm bản quyền bắt nguồn từ việc nhận thức của các chủ thể về vấn đề quyền tác giả chưa thực sự sâu rộng. Bên cạnh đó là việc chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm chưa biết cách tự bảo vệ quyền lợi của mình trước những hành vi xâm phạm. Đồng thời, hệ thống pháp luật Việt Nam cũng chưa quy định chặt chẽ về cách thức xử lý vi phạm. Từ đó khiến cho các đối tượng có cơ hội thực hiện các hành vi nhằm gây hại trực tiếp đến quyền tác giả.

Trong khi đó, bảo vệ quyền tác giả sẽ tạo môi trường tốt cho các nghệ sĩ sáng tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng và giá trị nghệ thuật, là “chìa khóa” then chốt để chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được thực hiện thành công. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC khuyến nghị: “Theo Luật Sở hữu trí tuệ, thời gian bảo hộ quyền tác giả được thực hiện từ khi tác phẩm ra đời. Đơn vị ủy thác sẽ có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm từ khi ký ủy thác cho tới 50 năm sau khi tác giả qua đời. Vì vậy, đừng vì một chút lợi nhỏ trước mắt mà các tác giả vội ký ủy thác cho một đơn vị khai thác, quản lý khi chưa nắm rõ về các thủ tục pháp lý cũng như những rủi ro gặp phải khi bán độc quyền hoặc chuyển nhượng tác phẩm”.

Việt Nam đang tiến tới xây dựng một nền kinh tế số dựa trên sức mạnh sáng tạo tri thức, việc nâng cao ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ là đặc biệt cần thiết. Do đó, bên cạnh hoàn thiện pháp luật nâng cao chế tài xử phạt, cần có chiến dịch truyền thông sâu rộng nhằm nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền với các nghệ sĩ, nhà sản xuất, công chúng, từ đó dần chấm dứt tình trạng vi phạm quyền tác giả tràn lan hiện nay.

Mai An (HNS)