Hơn ba năm kể từ ngày GS-TS Trần Văn Khê mất, ngoài những buổi kỷ niệm nho nhỏ của học trò tổ chức tại quê nhà ông ở làng Vĩnh Kim (Tiền Giang), tất cả di sản ông để lại, căn nhà nơi ông trú ngụ những ngày cuối đời đều tạm rơi vào quên lãng.
GS-TS Trần Văn Khê rời cõi tạm gần ba năm rưỡi. Kể từ ngày đó TP.HCM đã vắng bóng ông trong những buổi trò chuyện âm nhạc. Điều đáng nói là không chỉ mất một con người tài hoa, TP đã mất luôn một địa chỉ văn hóa.
Chín năm cuối đời giữ ấm
Năm 2006, ở tuổi 85, GS-TS Trần Văn Khê chính thức về nước với tâm nguyện được sống và làm việc những năm cuối đời tại Việt Nam. Sự trở về của ông cũng đã được bàn bạc và có nhiều buổi gặp gỡ giữa ông và các cơ quan liên quan, trong đó đáng chú ý là đề án nhà Trần Văn Khê do Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM (nay là Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) khởi thảo vào tháng 11-2003. Năm 2005, UBND TP.HCM giao cho Sở ngôi nhà tại địa chỉ 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP.HCM) để làm nơi bảo quản, trưng bày hiện vật và nơi ở cho GS Khê những năm cuối đời.
Năm 2006, Sở đã có quyết định cùng các bên liên quan GS Khê tiếp nhận: 435 kiện sách, trong đó hơn 10.000 đầu sách, tạp chí liên quan đến nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam và âm nhạc thế giới; hiện vật âm nhạc (nhạc cụ, đĩa, băng ghi âm…)… Trong đó có khoảng 200 quyển du ký gắn với cuộc đời GS Khê.
Chín năm kể từ khi được bàn giao cho đến khi GS Khê mất, 32 Huỳnh Đình Hai đã trở thành một địa chỉ văn hóa. Đó là nơi làm sống lại và cung cấp kiến thức về cải lương, hát bội, đờn ca tài tử, nhã nhạc, âm nhạc truyền thống… hoàn toàn miễn phí dành cho công chúng.
Mất rồi một địa chỉ văn hóa
Chưa đến hai tháng sau khi GS-TS Trần Văn Khê mất, từ một ngôi nhà chứa đủ tất cả phần hồn lẫn phần xác của cuộc đời GS Khê đã được chia làm ba. Phần “xác” căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai đã được bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm Bảo tồn di tích) quản lý. Toàn bộ phần “hồn” của căn nhà gồm hiện vật, tài liệu, sách… gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp GS Khê lần lượt do Bảo tàng TP.HCM, Thư viện Khoa học tổng hợp quản lý.
Nay, ngay tại 32 Huỳnh Đình Hai là văn phòng của Trung tâm Bảo tồn di tích. Ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích, cho biết: “Theo quyết định của UBND TP.HCM thì Trung tâm Bảo tồn di tích quản lý phần nhà để làm văn phòng trung tâm. Phần kho tư liệu phía sau sẽ do Bảo tàng TP.HCM quản lý. Và phương án được đưa ra là kỷ niệm ngày mất hoặc ngày sinh GS-TS Trần Văn Khê vào những năm chẵn, phía bảo tàng sẽ tổ chức trưng bày chuyên đề chứ không có một nhà trưng bày cuộc đời GS Khê”.
Có thể nói từ ngày GS Khê mất, xem như người dân TP.HCM đã thật sự mất đi một địa chỉ văn hóa quen thuộc của mình. Từ đó đến nay, TP nào còn những buổi nói chuyện về cải lương, đờn ca tài tử, múa bóng rỗi… Những gương mặt quen thuộc của các buổi hòa đờn cũng ngày càng vắng xa, như nhạc sư Vĩnh Bảo đã lui về quê nhà Cao Lãnh; NSƯT Ba Tu cũng đã qua đời… Biết bao giờ âm nhạc truyền thống, những giá trị văn hóa riêng biệt của Việt Nam được định kỳ trở lại như thuở GS Khê còn sống? Ở đó, trong căn phòng ấm, các thế hệ công chúng cùng ngồi nghe, trò chuyện, chia sẻ về những điều đích thực Việt Nam.
Chưa có không gian để nhớ về GS-TS Trần Văn Khê Nói về không gian lưu niệm cho GS Khê, đúng là TP chưa có một địa chỉ của nhà văn hóa. Giờ chưa cần nhìn ra thế giới, ngay tại Cao Lãnh đã có một nhà trưng bày của nhạc sư Vĩnh Bảo; TP Huế có nhà Điềm Phùng Thị, nhà Lê Bá Đảng; còn chúng ta vẫn chưa có một không gian nhỏ nào đó cho GS Khê? Có thể không gian đó chính là nơi còn hơi ấm của giáo sư những ngày cuối đời. Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin TP.HCM |
Quỳnh Trang (HNS)