Đưa di sản hát then vào trường học

0
1010

Để di sản hát then được bảo tồn và phát huy sâu rộng trong cộng đồng, thời gian qua các tỉnh phía Bắc, cội nguồn xứ sở của các điệu then cổ đang tích cực đưa việc truyền dạy hát then vào các nhà trường.Với nhiều hình thức sáng tạo và phương pháp hiệu quả, hát then đang được lan tỏa và trở thành niềm say mê, yêu thích của nhiều học sinh.

Khơi nguồn cảm hứng

Hát then là một loại hình văn hóa diễn xướng đặc sắc, tiêu biểu của đồng bào dân tộc Tày, việc bảo tồn di sản hát then là nhiệm vụ quan trọng cần sự chung tay của nhiều lực lượng trong cộng đồng.

Tại Lào Cai, trường học ở các xã Xuân Hòa, Vĩnh Yên, Nghĩa Đô, Tân Tiến cũng có nhiều biện pháp hiệu quả và đổi mới trong hình thức tổ chức để tạo sức lan tỏa của nghệ thuật hát tới thầy cô giáo và các em học sinh. Sự khéo léo lồng ghép nghệ thuật hát then vào các hoạt động ngoại khóa đã không chỉ đem lại kiến thức, hiểu biết về giá trị tinh hoa của dân tộc mình mà còn truyền cảm hứng vào tâm hồn các em.

Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của then, tỉnh Lạng Sơn đã đưa hát then vào môi trường học đường. Các nhà trường từ bậc tiểu học đến THPT ở Lạng Sơn đã gắn việc gìn giữ hát then với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Trường THPT Lương Văn Tri, huyện Văn Quan đã trở thành điểm sáng của Lạng Sơn khi bồi dưỡng kỹ năng hiểu và học hát then cho thầy trò suốt 10 năm qua.

Học sinh sẽ là “truyền nhân”

Câu lạc bộ hát then, đàn tính của Trường Tiểu học Bộc Bố (Pắc Nặm, Bắc Kạn) 

Khi đưa câu then vào hoạt động giáo dục, đa số học sinh thấy gần gũi và nhanh chóng hiểu được giá trị cũng như ý nghĩa của hát then trong đời sống của đồng bào Tày từ bao đời nay. Việc tổ chức dạy hát then trong nhà trường nhận được sự ủng hộ và quan tâm của ngành Giáo dục, phụ huynh học sinh và các tổ chức khác trên địa bàn.

Nghệ nhân Triệu Thủy Tiên – Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn và hát dân ca tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc thành lập các CLB Hát then – Đàn tính ở cộng đồng và trong các nhà trường là hoạt động vô cùng thiết thực để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Các bài then cổ khi được bảo tồn, khai thác, sưu tầm cũng giúp các em hiểu ý nghĩa và vốn từ tiếng Tày, nhớ lời hát, tiếp thu lời ăn tiếng nói, hát đúng làn điệu then…

Nghệ thuật hát then từ chỗ bị coi nhẹ và mai một trong cộng đồng, đến nay công tác giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống hát then đã có nhiều khởi sắc.

Nghệ nhân Xuân Bách, giảng viên Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc (Thái Nguyên) lạc quan cho biết: Việc đưa then vào các trường THCS, THPT tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn… là một trong những giải pháp rất hữu hiệu để bảo tồn di sản hát then, góp phần làm thăng hoa làn điệu dân ca quê hương.

Bộ “Giáo trình đàn hát then” hướng dẫn học đàn, hát then trong trường chuyên nghiệp, mang tính học thuật cao do Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc biên soạn đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt chính là bộ học liệu quan trọng giúp việc đào tạo giáo viên bài bản và đảm bảo chất lượng chuyên môn. Sau khi tốt nghiệp, về công tác tại các trường, các thầy, cô giáo trẻ sẽ góp phần cùng các nghệ nhân địa phương truyền dạy và nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc cho các thế hệ học trò. Nghệ nhân Xuân Bách,  giảng viên Trường CĐ Văn hóa  Nghệ thuật Việt Bắc.

D.V (giaoducthoidai)