Bí quyết thành lập và điều hành một dàn nhạc

0
155
Cuốn sách Nghệ thuật chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng

Vừa qua, lễ ra mắt sách “Nghệ thuật chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng” và cuốn sách “Hòa âm vui” đã diễn ra tại Đường sách TP HCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1).

“Nghệ thuật chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng” và “Hòa âm vui” là hai tác phẩm của Tiến sĩ Nguyễn Bách, do Đồng Hành Art cùng với Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam và Nhà Xuất bản Tổng hợp TPHCM xuất bản. Sách cung cấp cho người đọc một số kiến thức căn bản về điều khiển ban hợp xướng, ca đoàn và điều khiển dàn nhạc.

Hiện nay, tài liệu tiếng Việt về nghệ thuật chỉ huy khá là khan hiếm, nên có nhiều người đã từng điều khiển ban hợp xướng nhà thờ, trường học hoặc muốn bước vào lãnh vực điều khiển, nhưng không có tài liệu học tập nghiên cứu. Vì vậy, cuốn sách là tài liệu cần thiết trong lĩnh vực chỉ huy dàn nhạc.

Cuốn sách gồm 3 phần, gồm Phần I: Kỹ thuật điều khiển tổng quát, trình bày về các vấn đề liên quan đến kỹ thuật điều khiển đã được hệ thống hóa theo tiêu chuẩn quốc tế như: thế đứng trong khi chỉ huy, biểu đồ hướng dẫn đánh các loại nhịp với kỹ thuật non espressivo, espressivo, molto espressivo – legato, staccato, marcato, kỹ thuật khởi tấu và chấm dứt, kỹ thuật “hot stove”, kỹ thuật diễn tả cường độ, kỹ thuật sử dụng tay trái, kỹ thuật điểm bè…

Phần II: Chỉ huy hợp xướng đề cập các vấn đề liên quan đến ban hợp xướng, từ việc thành lập hoặc chấn chỉnh ban hợp xướng, cách sắp xếp, tổ chức tập dượt đến phương pháp huấn luyện.

Ngoài ra, sách còn hướng dẫn cách phân tích nhạc phẩm, nêu lên những tiêu chuẩn để xét giá trị của bản nhạc giúp người chỉ huy hợp xướng nắm được những yếu tố để đánh giá một nhạc phẩm trước khi quyết định chọn để tập.

Phần III: Chỉ huy dàn nhạc đề cập đến khái niệm về nhạc khí, các loại dàn nhạc và cách sắp xếp dàn nhạc. Mục đích của phần này là giúp người đọc làm quen với các loại nhạc khí và chỗ ngồi của các nghệ sĩ trong dàn nhạc để không bỡ ngỡ khi có dịp chỉ huy hợp xướng hoặc dàn nhạc.

Bên cạnh nội dung chính còn có phần phụ lục để hỗ trợ thêm cho người học, đặc biệt là Phụ lục 3, “Tra cứu thuật ngữ chuyên ngành” và Phụ lục 4, “Danh mục các hình và biểu đồ liên quan đến kỹ thuật chỉ huy”. Đây là hai phụ lục chưa có trong lần xuất bản trước đây.

(HNS)