UNESCO ghi danh Thực hành Then của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

0
847
Thày Then đang thực hiện nghi lễ. (Ảnh: Hồ sơ đệ trình UNESCO)

Di sản Thực hành Then của của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vinh dự là một trong 36 di sản thực hành mới vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Quyết định này được công bố vào hồi 15 giờ 23 phút ngày 12-12-2019 giờ địa phương (3 giờ 23 phút ngày 13-12- 2019 theo giờ Việt Nam), tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra từ ngày 9 đến 14-12 tại Bogotá, thủ đô nước Cộng hòa Colombia.

Trên trang thông tin, UNESCO nhấn mạnh “Then là một thực hành nghi lễ thiết yếu trong đời sống tinh thần của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ”.

Đoàn Việt Nam tại Phiên họp thứ 14.

UNESCO cũng miêu tả kỹ về cách thực hành Then như: “các lễ Then diễn tả hành trình Thầy Then (Ông Then, Bà Then) điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ: cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới… Khi các Thầy Then cất tiếng hát, gảy tính tẩu là khởi đầu cuộc hành trình. Tùy theo mục đích của việc cầu cúng mà Thầy Then sẽ bày mâm cúng và cầu khấn trước bàn thờ Then những vị thần bản địa khác nhau. Thầy Then thường sử dụng các đồ vật như: kiếm trừ tà, thanh âm dương, chuông… để thực hiện lễ Then tại nhà tín chủ, ở ngoài trời hoặc tại bàn thờ Then ở nhà của Thầy Then. Thầy Then mặc lễ phục và vừa hát tiếng dân tộc mình vừa gảy tính tẩu, xóc chùm xóc nhạc, phất quạt; có buổi lễ còn có tốp nữ múa phụ họa. Then luôn luôn được trao truyền bằng truyền khẩu khi thực hành nghi lễ Then, thể hiện sự kế tục giữa các thế hệ, và các thầy Then đóng vai trò chính yếu trong việc chuyển giao các kỹ năng và bí quyết liên quan, một số thầy Then thực hiện khoảng 200 nghi lễ Then một năm”.

Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang), vùng Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai) và một số địa phương khác ở Việt Nam.

Đoàn Việt Nam tại Kỳ họp của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 công bố ghi danh Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: Cục Di sản Văn hóa)

Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đáp ứng những tiêu chí để đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại gồm:

Thực hành Then ở Việt Nam tạo thành một phần cơ bản trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng, Thái, phản ánh mối quan hệ giữa con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Nghi lễ Then thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc này, từ phong tục đến nhạc cụ, múa và âm nhạc. Nhờ các chức năng văn hóa xã hội, Then góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân đạo và bảo vệ các phong tục và truyền thống văn hóa ở Việt Nam.

Việc ghi danh Nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam sẽ làm nổi bật sự đóng góp của di sản trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc khác nhau. Việc ghi danh cũng sẽ thu hút sự chú ý đến các di sản khác trên khắp thế giới, bao gồm các thực hành nghi lễ, nghi lễ mang tính xuất nhập thần và nghi lễ shaman.

Sức sống của di sản được bảo đảm bởi các cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng, những người mời thầy Then đến làm lễ cầu sức khỏe, cầu an và cầu mùa. Từ năm 2001, Chính phủ đầu tư kinh phí từ các Chương trình quốc gia về văn hóa để bảo vệ di sản văn hóa của các cộng đồng dân tộc Việt Nam, trong đó có nghi lễ Then. Các biện pháp bảo vệ được đề xuất theo định hướng mà các chương trình này khởi xướng, bao gồm việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và tạo điều kiện phù hợp phục vụ nghiên cứu; triển khai các hoạt động nhận diện, kiểm kê và tư liệu hóa; nghệ nhân dân gian truyền dạy kiến ​​thức bằng cách kết hợp đưa hát Then và tính tẩu vào chương trình giảng dạy ở trường và xuất bản các ấn phẩm để nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá, di sản Then bằng cách thúc đẩy, khuyến khích những người trẻ quan tâm đến việc thực hành. Các cộng đồng và nghệ nhân đã tích cực tham gia vào việc lập kế hoạch, đề xuất các biện pháp bảo vệ di sản.

Nghệ nhân dân gian và các cộng đồng liên quan tích cực tham gia vào tất cả các giai đoạn chuẩn bị hồ sơ đề cử thông qua các cuộc họp, hội thảo, hội nghị và tập huấn. Các cộng đồng, nhóm người, cá nhân, câu lạc bộ, thầy Then và gia đình đang thực hành Then đều thể hiện sự đồng thuận một cách tự nguyện bằng văn bản và thông qua các bản ghi âm, ghi hình, bao gồm cả ý kiến về mong muốn hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ đề cử cũng như các cam kết của họ để bảo vệ di sản văn hóa.

Việc UNESCO ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Thực hành nghi lễ Then thể hiện tình đoàn kết giữa các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người theo mục tiêu của UNESCO; giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản các cộng đồng dân tộc không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Đoàn Việt Nam nhận lời chúc mừng của bạn bè quốc tế.

Thực hành Then là di sản văn hoá phi vật thể thứ 13 của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Trước đó, các di sản của Việt Nam đã được ghi danh gồm Nhã nhạc, Âm nhạc cung đình Việt Nam (năm 2008); Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên (2008); Dân ca quan họ Bắc Ninh (2009); Hội Gióng ở đền Phù Đổng và Đền Sóc (2010); Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012); Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ (2013); Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (2014); Nghi lễ và trò chơi kéo co (2015, di sản đa quốc gia gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Philippines, Campuchia); Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (2016); Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam, Hát xoan Phú Thọ được ghi danh trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Ca Trù được ghi danh trong Danh sách các di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (2009). Các di sản này đã góp phần làm giàu bản sắc các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, nâng cao vị trí, ảnh hưởng văn hoá của Việt Nam trên quốc tế và đóng góp vào phát triển bền vững của các địa phương có di sản

Thay mặt Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch và cộng đồng thực hành nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, TS. Lê Thị Thu Hiền, đã đọc bản cam kết thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ các giá trị của thực hành Then cám ơn Hội đồng thẩm định, các thành viên của Ủy ban Liên Chính phủ, Ban Thư ký đã làm việc tận tình để ghi danh di sản này của Việt Nam.

V.T (HNS)