Tín hiệu vui từ Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018

0
1163
Chương trình của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng.

Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018 (đợt 1) diễn ra tại Cao Bằng từ ngày 29-6 đến 7-7. Dù đi được nửa chặng đường, với sự tham gia tranh tài của 5 đơn vị nghệ thuật, song với những gì các đoàn nỗ lực, cống hiến đã mang đến nhiều tín hiệu vui cho khán giả.

Những đêm diễn đậm bản sắc

Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018 (đợt 1) diễn ra tại tỉnh Cao Bằng đã mang đến “làn gió mới” cho đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Bằng chứng là các buổi diễn đều kín chỗ. Người dân địa phương háo hức xem liên hoan, bình luận sôi nổi các tiết mục của từng đoàn.

Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng với vai trò là chủ nhà có đêm diễn mở màn vào tối 30-6 với chương trình mang chủ đề “Sắc chàm miền non nước”. Chương trình có 14 tiết mục ca, múa, nhạc được xem là “đặc sản” của văn hóa Cao Bằng. Đó là các làn điệu dân ca của nhân dân các dân tộc đang sinh sống tại Cao Bằng như đàn tính, hát then, Hèo phươn, dân ca dân tộc Sán Chỉ, độc tấu sáo Mông…

Đoàn nghệ thuật tỉnh Lào Cai lại mang đến chương trình nghệ thuật với chủ đề “Khúc tự tình Phan Xi Păng”. Phần biểu diễn gồm 12 tiết mục hát, múa, cách thể hiện mang hơi hướng dân gian đương đại, hướng tới sự chuyên nghiệp cao, nhưng vẫn mang đậm màu sắc của vùng Việt Bắc.

Đoàn nghệ thuật Thái Nguyên thì khoe tài bằng chương trình “Khát vọng Gió ngàn”, đưa khán giả trở lại “thủ đô kháng chiến” ATK.

Nổi bật nhất trong ba ngày đầu tiên của liên hoan là chương trình “Mỵ” của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, do Ths Tuyết Minh làm tổng đạo diễn và chuyển thể kịch bản. “Mỵ” được lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, gồm 12 tiết mục mang đậm giá trị nghệ thuật và văn hóa Tây Bắc. Điểm nổi bật của chương trình này là “Mỵ” được thực hiện như một vở diễn có kết cấu hoàn chỉnh.

Một tiết mục trong vở “Mỵ” của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc.

12 tiết mục có sự liên kết chặt chẽ về nội dung và cách thể hiện. Ngoài bảo đảm kết hợp các yếu tố ca, múa, nhạc, “Mỵ” còn mang tính sân khấu kịch đậm nét khi các nhân vật thể hiện rõ cá tính trong từng động tác múa, diễn xuất.

Việc sử dụng các bài hát mới viết riêng cho chương trình hay cách thể hiện âm nhạc theo phong cách Acapella (dùng các dụng cụ nấu ăn như dao, thớt, nồi để tạo nhạc… thể hiện nhịp sống sôi động tại phiên chợ vùng cao), đã để lại nhiều cảm xúc cho người xem và giám khảo.

Ngay sau đêm diễn, Ths Tuyết Minh chia sẻ, chị và các nghệ sĩ của Đoàn đã mất hơn 5 tháng để dàn dựng. Để bảo đảm tính mỹ thuật của chương trình, các thiết kế sân khấu, ánh sáng được lên ý tưởng từ nhiều tháng. Riêng trang phục của các diễn viên mang đúng màu sắc văn hóa Tây Bắc được thiết kế tại TP Hồ Chí Minh.

“Chúng tôi muốn khán giả cảm nhận được đây không chỉ là chương trình biểu diễn mà còn là một sản phẩm nghệ thuật đẹp. Từng chi tiết của vở đều được cân nhắc kỹ lưỡng từ cách phối màu, chất liệu để đúng với văn hóa của vùng Tây Bắc”, đạo diễn Tuyết Minh cho biết.

Đánh giá về chất lượng của các đoàn đã biểu diễn, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan nhận đinh, các tiết mục đều cho thấy sự đầu tư công phu, chỉn chu. Một số tiết mục đã thể hiện sự sáng tạo đáng ghi nhận, khiến liên hoan trở nên hấp dẫn và gần gũi với khán giả đặc biệt là giới trẻ.

Vượt khó vì nghệ thuật

Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018 (đợt 1) có 12 đoàn nghệ thuật tham gia. Để được con số 12 đoàn tham gia là cả sự nỗ lực của Ban tổ chức, cũng như sự quyết tâm của nhiều địa phương. Bởi lẽ, ngành biểu diễn nghệ thuật tại các địa phương đang gặp không ít khó khăn về nguồn lực cũng như “đầu ra”.

Việc khán giả quay lưng, thờ ơ với sáng tạo của nghệ sĩ là nỗi trăn trở của nhiều địa phương. Chưa kể, thời gian tới, nhiều đơn vị sẽ phải thực hiện tự chủ hoàn toàn, số khác sẽ phải sáp nhập với các đơn vị nghệ thuật khác.

Nói về vấn đề này, ông Lê Minh Tuấn cho biết, những khó khăn của các đơn vị là có thật và đó cũng là bài toán “lâu dài” mà các đơn vị phải nghiêm túc nhìn nhận và lên kế hoạch cho tương lai.

“Việc tự chủ, xã hội hóa hay sáp nhập các đơn vị nghệ thuật với nhau là điều cần phải làm. Đó là chủ trương để có thể giúp các đơn vị năng động hơn, thực hiện những sản phẩm văn hóa gắn với thị trường. Nếu đơn vị nào đủ tự tin, đủ khả năng sáng tạo và chịu khó đổi mới thì sẽ chẳng có gì phải lo lắng cả. Trong bối cảnh hiện nay, việc đổi mới là điều rất quan trọng để giúp các đơn vị tiếp tục giữ vững thương hiệu của mình”, ông Lê Minh Tuấn nói.

Trong buổi khai mạc Liên hoan, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cũng nhấn mạnh đến những nỗ lực của các đoàn nghệ thuật: “Những hiệu quả tích cực, việc chuyển đổi, sắp xếp lại các đơn vị công lập lĩnh vực nghệ thuật theo Nghị quyết Trung ương 6 đang tác động trực tiếp đến cuộc sống, nghề nghiệp, tâm tư, tình cảm của các nghệ sĩ. Các nghệ sĩ, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đã có những cố gắng vượt bậc, vượt lên cả những nỗ lực các đơn vị đã từng có trong mấy chục năm tồn tại để đến tham dự liên hoan. Họ gửi gắm vào liên hoan những khát khao được cống hiến cho nghệ thuật”.

Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2018 đợt 1 đã ít nhiều mang đến sự phấn chấn cho các đoàn nghệ thuật. Ông Chu Tâm Huy – Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Hải Phòng cho biết, Hải Phòng có 5 đoàn nghệ thuật thì 3 đoàn nghệ thuật sân khấu là rối, chèo, cải lương sẽ hợp thành một đầu mối là đoàn nghệ thuật truyền thống. Đoàn Ca múa nhạc Hải Phòng tuy không bị sáp nhập nhưng sẽ phải tự chủ từng phần từ nay đến năm 2021.

“Đây là lần thứ 4 chúng tôi tham gia liên hoan. Năm nay, sự đổi mới trong cách tổ chức giúp các đoàn có nhiều thời gian để chuẩn bị cũng như có thể xem các đoàn bạn, từ đó chúng tôi có thể học hỏi thêm kinh nghiệm từ những đoàn có vở diễn hay”, ông Chu Tâm Huy cho biết.

Ths Tuyết Minh, đạo diễn vở “Mỵ” của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc bày tỏ, việc thực hiện những vở diễn đầu tư công phu đã khó nhưng khó hơn là làm thế nào để chương trình tiếp tục đến với khán giả. Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã có kế hoạch đưa chương trình “Mỵ” vào hoạt động biểu diễn, khai thác du lịch ngay sau khi liên hoan kết thúc.

Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018 đã mang đến những tín hiệu vui cho các đoàn nghệ thuật. Liên hoan giúp các đoàn nhận diện rõ hơn năng lực và sức sáng tạo của đơn vị mình cũng như tăng thêm nguồn cảm hứng để các nghệ sĩ nỗ lực hơn trong việc đổi mới trên con đường tiến tới tự chủ.

Hoàng Lân (hanoimoi)