Theo các nhà nghiên cứu, hò Nam Bộ hình thành theo quá trình các lưu dân vào phương Nam khai khẩn, đa phần lấy ca dao làm nền tảng thể hiện qua giọng ngâm, ru có luyến láy. Dần dần qua mấy trăm năm, hò cũng như nhiều loại hình văn hóa đã có những biến đổi thích nghi với những điều kiện mới, trên vùng đất mới khai mở. Có nhiều thể loại hò trong sinh hoạt văn hóa, sản xuất ở Nam Bộ những năm đầu thế kỷ XX, nhưng khi thể hiện thì quy về 3 mối: “hò mép” còn gọi là “hò môi”, “hò văn” còn gọi là “hò sách”, “hò truyện” còn gọi là “hò tích”.
Hò mép là một loại hình mang tính ngẫu hứng, tức cảnh sinh tình, diễn ra trong một không gian, cảnh quan gắn liền với cảm xúc, cảm hứng của người thể hiện. Người hò mép thường có năng khiếu sắp đặt văn nói sao cho hợp vần, êm tai trong một thời gian rất ngắn ngủi:
“Vai mang nóp rách
Tay xách cổ quai chèo
Thương con nhớ vợ trông theo
Để bớt vận nghèo anh phải ra đi”
Hay:
Con chim nho nhỏ
Cái lông nó đỏ
Cái mỏ nó vàng
Nó kêu người ở trong làng
Đừng thương vải lụa phũ phàng vải bô
Sông nước miền Tây giúp hình thành nên những điệu hò nổi tiếng. Trong ảnh: Thương hồ chèo xuồng ở chợ nổi Ngã Bảy
(Hậu Giang) năm 2000. Ảnh: DUY KHÔI
Hò văn hay hò sách tức là vận dụng những câu văn trong sách nho ghép vào câu hò. Loại hò này đòi hỏi người sáng tác và người thể hiện phải có “kiến văn”, ít nhiều hiểu biết văn chương, điển tích, điển cố… để không nhầm lẫn trong dụng ngữ. Nhiều câu hò văn mang giá trị nội dung sâu sắc:
Sách có câu phu xướng phụ tùy
So hơn tính thiệt ích gì gia cang
Phu lìa thê như chim kia trích cánh
Thê lìa phu như như chim nọ lạc bầy
Thời Pháp thuộc ở nước ta, truyện và tích từ Trung Quốc khá phổ biến trong dân gian do có sự tương đồng về văn hóa phương Đông, cách ứng xử, nếp sinh hoạt, ăn ở… Các tuồng, tích cổ điển được dịch ra phổ biến rộng rãi trong dân gian. Dù vậy, hò truyện không đơn giản là kể lại những truyện tích kia, mà vận dụng những câu chuyện đó để chuyển tải những nội dung đề cao nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, phản ảnh được nội tâm của nhân vật và ý chí của chủ thể:
Chẳng thà em chịu đói chịu rách
Học theo cách bà Mạnh, bà Khương
Không thèm như con Võ Hậu đời Đường
Làm cho bại hoại cang thường hư danh
Tuy nhiên, không phải lúc nào các thể loại hò cũng rạch ròi, mà trong quá trình giao lưu biểu diễn đã phát sinh ra sự cộng hưởng, hòa nhập, thẩm thấu kết hợp giữa các thể loại hò. Ví dụ như kết hợp hò văn với hò truyện:
Quân vi thần cang
Phụ vi tử cang
Phu vi thê cang
Cố viết tam cang
Lòng em giữ trọn như nàng Nguyệt Nga
Hoặc sự kết hợp giữa hò mép với hò tích:
Đồng khô giếng cạn
Tôi mắc nghe lời chị bạn
Cho nên chiếc thuyền tôi mắc cạn nửa vời
Ba bốn nơi tới hỏi tôi lỡ thời không ưng
Bạch Viên đem lòng bội bạc
Cho nên anh Tôn Các ảnh hờn mát đem dạ hồi hương
Các tư liệu xưa và dân gian kể lại rằng, thuở xưa những người “chơi hò” đam mê rất mãnh liệt. Có thể đang ngủ ngon, bỗng giữa đêm giật mình chợt nghe trên sông vọng tiếng hò ngọt ngào, cũng bật dậy vội vã ra bến, nhổ sào, cố lướt thuyền theo tiếng hò còn vọng lại phía xa. Và khi đã đuổi kịp thì nhất thiết sẽ diễn ra cuộc hò đối đáp, và sau đó phải chia xa:
Chim vỡ ổ khắp ngàn xao xác
Gà gáy tan cả xóm vang vầy
Đôi ta từ giã chốn này
Để hai bên cô bác nghe rầy lỗ tai!
Và cuối cùng thì cũng phải chia tay, ai đi đường nấy, buồn vui ngậm ngùi:
Trời mọc bên Đông
Thức hồng chói rạng
Trăm thảm ngàn sầu giã bạn tri âm!
Từ xa xưa cho đến thời hiện đại, lịch sử đã chứng minh sự phát triển của xã hội dựa trên cơ sở những phát minh và sáng tạo, trong đó có sáng tạo trong văn học nghệ thuật. Từ những câu hò, đã dần phát triển, kết hợp nhiều loại hình sáng tạo dân gian để trở thành dân ca, lý… Qua tìm hiểu, nghiên cứu về hò, người ta có thể hình dung, mô phỏng lại một góc văn hóa của xã hội Nam Bộ thời xưa. Từ đó, góp phần xác định văn hóa, văn nghệ dân gian là một trong những thành phần, nhân tố cốt lõi tạo nên những giá trị tinh thần của dân tộc. Và văn chương bình dân như: hò, vè, ca dao, tục ngữ… là những giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá.
Mai Lý (HNS)