“Tia sáng cuối cùng” – khi Bạch Tuyết kết hợp cải lương với rap

0
171

MV “Tia sáng cuối cùng” của Bạch Tuyết và Wowy phối rap với cải lương, được khen sáng tạo nhưng cũng bị nhận xét “khó nghe”.

Lần đầu tiên nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết cùng rapper Wowy thực hiện video nhạc hòa trộn pop, rap, world music và âm nhạc dân gian. Ra mắt trên YouTube vừa qua, MV nhận hàng trăm bình luận từ khán giả và giới chuyên môn.

Nhạc phẩm mang thông điệp: “Ai cũng chuẩn bị rất nhiều thứ trong cuộc đời nhưng có mấy ai thật sự quan tâm chuẩn bị cho hành trình di cư lớn của kiếp người”, ngụ ý về sự sống – cái chết. Giai điệu bài cải lương Tứ Đại Oán giữ vai trò như một drop – đoạn nhạc bất ngờ thay đổi nhịp điệu tác phẩm.

Nhiều người khen giai điệu, ca từ nhạc phẩm, cách êkíp pha trộn màu sắc cổ điển lẫn hiện đại. Thanh Hải – nghệ sĩ hơn 50 năm gắn bó nhạc cổ truyền – cho rằng sản phẩm giúp khán giả trẻ hiểu: Ngôn ngữ rap, hip hop có thể được phối linh hoạt với thể loại khác, trong đó có cải lương.

Tiến sĩ Lê Hồng Phước (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) – người nghiên cứu cải lương lâu năm – đánh giá việc kết hợp tân nhạc và cổ nhạc trong MV khá phù hợp. Khi ra đời đầu thế kỷ 20, cải lương đã dung nạp nhiều thể loại nghệ thuật, đưa chất liệu tân nhạc vào các tác phẩm. Về bài ca lẻ, ở những năm 1960, các soạn giả đã kết hợp tân nhạc và cổ nhạc (bài vọng cổ) tạo thành thể loại tân cổ giao duyên.

Nhạc sĩ Phạm Hải Âu – đảm nhận phần hòa âm phối khí cho Tia sáng cuối cùng – nhìn nhận việc hòa hợp hai thể loại nhạc sao cho tinh tế là một thử thách. “Chúng tôi muốn giữ đúng tinh thần âm nhạc mà vẫn làm bật cá tính nghệ sĩ”, Hải Âu nói.

Theo anh, phần ca từ có Xự, Cống, Xê, Xàng trong ngũ cung của Việt Nam tương ứng với bốn nốt Mi, Si, La, Sol của phương Tây, nên khi Bạch Tuyết cất tiếng hát tạo được sự giao thoa trong cảm xúc và giai điệu. Anh chọn bản phối đơn giản, không nhồi nhét các nhạc cụ, dùng chính chất giọng của nghệ sĩ để truyền tải tinh thần đến người nghe.

 

Nghệ sĩ Bạch Tuyết, rapper Wowy thực hiện bộ ảnh chung hồi tháng 6. Ảnh: Wowy

 

Tuy vậy, không ít bình luận chê cách kết hợp “thiếu ăn nhập”, “khó thấm”, “đánh mất bản sắc của hai thể loại”. Tiến sĩ Lê Hồng Phước nhận định điểm yếu ở ca khúc Tia sáng cuối cùng nằm ở phần lời văn khó hiểu, chất nhạc có phần khó nghe.

Theo dõi phản hồi của khán giả, Bạch Tuyết nói không ngại các lời chê. Bà cho rằng nhạc phẩm không dễ cảm nhận bởi gửi gắm thông điệp về lẽ vô thường, mỗi người sẽ có góc nhìn khác nhau.

“Cải lương vốn đã là cải biên cái cũ thành cái mới, phù hợp thời đại. Kết hợp với thể loại ‘progressive rap’ (rap tiến bộ), chúng tôi kỳ vọng mang đến trải nghiệm mới”, nghệ sĩ cho biết.

Với Wowy, rap không chỉ kết hợp được cải lương mà còn nhiều hình thức diễn xướng văn hóa, nhằm tạo ra thể loại nghệ thuật mới trong bối cảnh hiện tại và tương lai. Ở dự án chung với Bạch Tuyết, mục tiêu của rapper là tạo ra giao thoa giữa âm nhạc truyền thống và đương đại, giới thiệu đến khán giả trong nước và bạn bè quốc tế.

Nghệ sĩ Bạch Tuyết, 78 tuổi, quê ở Châu Đốc, An Giang. Năm 1965, bà đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm. Nghệ sĩ để lại nhiều dấu ấn qua các vở gồm Đời cô Lựu, Tuyệt tình ca, Tần Nương Thất, Kim Vân Kiều, Đoạn tuyệt. Năm 2013, bà được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Hồi tháng 4/2022, Bạch Tuyết từng kết hợp ca sĩ Hoàng Dũng, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, rapper 14 Casper thực hiện dự án Về nghe mẹ ru (Hứa Kim Tuyền), gây chú ý với hơn 18 triệu lượt xem trên YouTube, đoạt giải thưởng “Sự kết hợp xuất sắc” tại Làn Sóng Xanh 2022.

Nghệ sĩ còn cover loạt hit của ca sĩ trẻ sang vọng cổ, như Lạc trôi (Sơn Tùng M-TP), Em gái mưa (Mr. Siro), Hoa nở không màu (Hoài Lâm), Mang tiền về cho mẹ (Đen Vâu), được nhiều người đón nhận.

T.C-M.N (VNE)