Thương sao điệu lý quê nhà!

0
1242

Dân ca Nam bộ là dòng âm nhạc dân gian đã từng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam bộ, khởi nguồn từ thuở cha ông ta mở mang bờ cõi vào vùng sông nước miền Tây. Dân ca Nam bộ rất phong phú về thể loại: Hò, lý, hát đồng dao, nói thơ, nói vè, hát đưa em, hát huê tình, hát ru…, tất cả tạo nên một kho tàng văn hóa với giá trị nghệ thuật độc đáo; trong đó, lý là thể loại rất thịnh hành trong sinh hoạt đời sống tinh thần của nhân dân lao động ở Tiền Giang.

Nét đẹp của những điệu lý

Lúc nhỏ, hẳn nhiều người được nghe mẹ hoặc bà hát ru với những câu hò, điệu lý đã ăn sâu vào tiềm thức. Ví như, điệu lý “Đố ai kiếm được cái vảy con cá trê vàng, cái gan con tép bạc, mấy ngàn anh cũng mua. (…) Chẳng thương cái cổ em có hột xoàn, thương em áo vá giẻ, vá quàng tứ thân…” .

Hay lý áo vá quàng: “Áo vá vai, ai không biết / Áo vá quàng, chí quyết vợ anh”. Lý áo vá quàng là 1 trong 21 bài lý đã được lưu truyền rộng rãi bằng phương thức truyền miệng trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt văn hóa, lễ hội của người dân Nam bộ.

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do Hoàng Phê chủ biên, ghi nhận từ “vá quàng” như sau: “Vá quàng” (phương ngữ) là “áo dài kiểu cũ, đã vá thay vai và một phần ống tay bằng vải khác”. Theo lý giải của ông bà ta, do người xưa thường muốn tạo kiểu mới cho chiếc áo nên các mẹ, các chị thường may ráp vải khác vào áo hoặc vì túng thiếu không đủ tiền mua một tấm vải lớn nên đắp mảnh vải khác vào vai thể hiện cuộc sống tần tảo, khó khăn nhưng vẫn tìm mọi cách để cải thiện cuộc sống, vươn lên và lạc quan trong lao động.

Theo Báo cáo nghiên cứu khoa học về một số loại hình văn hóa phi vật thể tại Tiền Giang, do nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Ngọc Minh chủ nhiệm: Lý là điệu hát thoát thai từ ca dao, chinh phục đông đảo quần chúng do đề tài và nội dung phong phú, phản ánh mọi khía cạnh sinh hoạt hằng ngày ở nông thôn Việt Nam, ca ngợi cuộc sống và khát vọng hạnh phúc của con người.

Lý vùng Tiền Giang khá phong phú, với hàng chục điệu lý, nhưng phổ biến có thể kể đến các điệu lý sau: Lý cây ổi, lý cây khế, lý trái mướp, lý đương nệm, lý con sáo, lý quy phụng, lý hò khoan, lý áo vá quàng, lý trăng soi…; có thể bất cứ loại trái cây, hoa, quả hay vật dụng nào hoặc hoạt động nào đều có thể đặt tên cho lý, như: Lý qua cầu, lý bánh bò…

Về nghệ thuật hát lý: Lý có nhạc tính hơn hò, do lý thoát thai từ ca dao. Ca từ chính là những câu ca dao, phong dao, được đệm lót thêm một số nhóm từ, cụm từ, tuy là hư từ, sáo rỗng vô nghĩa nhưng lại rất cần, nhằm ngâm nga, đưa đẩy hỗ trợ làn hơi.

Có thể hiểu, hát lý là vừa kể vừa hát và hát theo điệu ca ngâm; mà ca ngâm thì muôn màu muôn vẻ, thành ra hát lý có rất nhiều điệu. Mỗi bài lý là một điệu, nên người ta có thể sáng tác rất nhiều bài với nhiều điệu lý khác nhau…

Thật vậy, từ xa xưa, ông cha ta đã có câu tổng kết: Nam lý, Bắc thơ, Huế hò. Theo Trương Vĩnh Ký, thì người trong Nam hát lý hay hơn cả. Lý có nguồn gốc từ lối hát giao duyên, hình thức hát giao duyên đã trở thành cốt cách của hát ghẹo, hát đúm, hát trống quân, hát quan họ… Do vậy, có thể lý đã tách khỏi lối hát truyền thống, theo bước chân của những người di dân từ thế kỷ XVI vào châu Ô, châu Lý, để sau đó đâm chồi nảy lộc, khai sinh ra nhiều làn điệu khác nhau ở Nam bộ từ sau thế kỷ XVII.

Gìn giữ bản sắc văn hóa

Có thể nói, lý là những khúc hát bình dị, nội dung phản ánh nhiều khía cạnh, hiện tượng của đời sống, mọi trạng thái tình cảm và ước mơ của quần chúng nhân dân. Ở Tiền Giang có các điệu lý khá phổ biến như: Lý trái mướp, lý đương đệm, lý con sáo, lý hò khoan, lý áo vá quàng, lý trăng soi… Những điệu lý này trong nhiều năm qua được sử dụng nhiều trên sân khấu biểu diễn.

Theo Đề tài nghiên cứu nói trên của ông Nguyễn Ngọc Minh, bên cạnh những tương đồng với lý của các địa phương khác, lý vùng Tiền Giang có những tiểu dị, tuy không nhiều, nhưng đã nói lên sự sáng tạo nghệ thuật diễn xướng độc đáo của cư dân vùng Tiền Giang trong những thế kỷ trước, đặc biệt là thế kỷ XIX, XX.

Ngày nay, ở Tiền Giang các điệu lý vẫn còn được nhiều người yêu thích và thường được trình diễn ở các hội thi, hội diễn liên hoan, vừa phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa tuyên truyền để thế hệ trẻ ý thức và giữ gìn.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Mỹ Nương, chia sẻ: “Những làn điệu mượt mà, sâu lắng của các bài lý, câu hò hay bài vọng cổ đã gắn liền với vùng sông nước miền Tây nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Do đó, đoàn viên, thanh niên hát dân ca, vọng cổ không chỉ thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, mà còn chung tay gìn giữ những nét đẹp đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn phát triển chung của đất nước hiện nay, việc xây dựng các phong trào văn hóa – văn nghệ luôn là một trong những hoạt động thiết thực, bổ ích để giúp đoàn viên, thanh niên phát huy những kỹ năng sinh hoạt tập thể, qua đó mở rộng mặt trận tập hợp, đoàn kết thanh niên trên các lĩnh vực; đồng thời, góp phần bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc như: Làn điệu dân ca, điệu lý, câu hò hay những bài vọng cổ đã đi vào lòng người mộ điệu…”.

(HNS)