Một bộ phận diễn viên sân khấu đang ‘sáng tạo’ rất… tự nhiên chủ nghĩa, cố tình thay đổi, thêm bớt lời thoại để mua vui cho người xem hoặc thể hiện quan điểm, cái tôi, bất chấp nguyên tắc, quy định.
Công tác hậu kiểm: Không thể xem nhẹ
Bản phúc khảo để xin cấp giấy phép một đằng, nhưng bản công diễn một nẻo đang ngày càng trở nên phổ biến trong hoạt động biểu diễn sân khấu ở TP.HCM. Khi thiếu sự kiểm soát và chưa có những biện pháp xử phạt kiên quyết thì hiện tượng này đang có xu hướng trở thành “thông lệ” xấu, khó thay đổi. |
Với đặc thù của sân khấu, diễn viên (DV) giỏi sẽ không ngừng sáng tạo để nhân vật của mình luôn mới mẻ, khác biệt trong từng xuất diễn. Nhưng, sự khác biệt này nằm ở cách khai thác tâm lý, thể hiện tính cách nhân vật để luôn giữ được thanh xuân cho vai diễn nhưng vẫn đảm bảo ý đồ dàn dựng của đạo diễn và mạch kịch của tác giả.
Thế nhưng không biết từ khi nào, một bộ phận diễn viên nảy sinh lối suy nghĩ không chịu kém miếng trên sân khấu, đặc biệt là những mảng miếng hài. Ai cũng muốn mình phải hài hước, dí dỏm hơn bạn diễn. Ứng khẩu, “cạnh tranh” tiếng cười khiến những câu thoại cứ nhạt dần, rồi chuyển sang nhảm nhí, thậm chí dung tục. Họ phấn khích sáng tạo theo sự tương tác, hiệu ứng của khán giả; cố tình thay đổi, thêm bớt lời thoại để mua vui cho người xem hoặc thể hiện quan điểm, cái tôi mà bất chấp mọi nguyên tắc, quy định.
Lỗi ở người trẻ đã đành, có những vở diễn, khán giả giật mình thon thót khi nghe những câu từ về các loại chất thải của con người được nghệ sĩ “có tuổi, có tên” hồn nhiên phun ào ào trên sân khấu. Của đáng tội, phía dưới hàng ghế khán giả vẫn có người cười. Cứ thế, DV tiếp tục hồn nhiên, vô tư tung hứng.
Chuyện cá nhân, chuyện đời thường của nghệ sĩ (NS), DV cũng được mang lên sàn diễn một cách vô tội vạ để chọc khán giả cười. Tất nhiên đó không phải là những câu chuyện có ý xúc phạm hoặc làm ảnh hưởng danh dự của người khác. Nhưng khi đời thường và sân khấu lẫn lộn thì sự bợt cỡn đó thể hiện thái độ không nghiêm túc, thiếu tôn trọng khán giả của DV.
Khán giả biết chuyện riêng tư của NS có thể sẽ bật cười, nhưng những ai “mù tịt” với thông tin đời tư, cá nhân của người được nhắc đến thì ngơ ngác, chẳng hiểu DV đang nói gì và tại sao những khán giả khác lại cười.
Sáng tạo của DV ở SK Hoàng Thái Thanh là nỗ lực để không lặp lại mình trong từng xuất diễn và nâng cao chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. |
Thêm bớt lời thoại một cách tự nhiên chủ nghĩa đã là chuyện thường ngày ở nhiều sân khấu (SK). Thậm chí các DV có thể tung hứng kéo dài thời lượng một lớp diễn dài hơn gấp rưỡi so với bản dựng đầu tiên. Điều đáng nói, sự tung hứng với những câu thoại vô tội vạ khiến cảnh diễn đó giống màn tấu hài hơn là tình huống liền lạc trong một vở kịch.
Thậm chí, một số SK còn mặc định bản dựng phúc khảo sẽ không phải là bản công diễn chính thức. Phúc khảo sẽ chọn sự an toàn, chỉ khi công diễn mới “bung”.
Tư duy này không sai bởi chắc chắn khi công diễn, hiệu ứng từ người xem sẽ giúp các NS, DV thăng hoa, tung tẩy hơn với vai diễn. Sự sai lệch là do cách làm nghề dễ dãi của một bộ phận đạo diễn, DV.
Trước đây vở diễn Mùi da người từng gây bất bình bởi những cảnh nóng quá phản cảm và phi nghệ thuật. Câu hỏi được nhiều người đặt ra khi đó là vì sao một vở diễn dung tục như vậy vẫn có thể vượt qua vòng phúc khảo. Câu trả lời sau đó xác nhận những cảnh nóng đã được thêm vào sau khi phúc khảo.
Nhiều thành viên hội đồng nghệ thuật (HĐNT) được hỏi vì sao vòng phúc khảo đã để lọt lưới không ít vở diễn có lời thoại tự nhiên chủ nghĩa, những mảng miếng dung tục hoặc những hành động bạo lực? Câu trả lời rất giống nhau của các thành viên này có lẽ là một thực trạng đáng báo động: Có một vài SK làm ngược lại những nhận xét, góp ý của HĐNT. Những gì được đánh giá là nghệ thuật bị lược bỏ khi công diễn, thay vào đó, những mảng miếng được hội đồng góp ý cần tiết chế vì đó là chiêu câu khách dễ dãi, thì lúc công diễn họ lại “tô đậm”, thậm chí sáng tác cho dày thêm.
Có trường hợp đạo diễn hồn nhiên trả lời HĐNT “Sẽ thêm một số lớp diễn khi công diễn” cho câu hỏi “Đâu là yếu tố hấp dẫn khán giả ở vở diễn này?”.
Những sáng tạo mang tính chủ quan cá nhân sẽ phá hỏng một tác phẩm sân khấu, thậm chí làm sai lệch tư tưởng, chủ đề của vở diễn. |
Nếu như ở phim ảnh, bản trình chiếu sẽ khó có sự khác biệt so với bản được duyệt cấp giấy phép, thì ở SK, bản công diễn có thể khác bản phúc khảo. DV hoàn toàn chủ động, làm chủ sân khấu và có thể sáng tạo trong từng suất diễn dưới tác động của khán giả, bạn diễn… Với thời gian, khả năng cảm thụ nhân vật cũng sẽ thay đổi.
Thiếu bản lĩnh, dễ dãi chạy theo thị hiếu tầm thường hoặc muốn thể hiện cái tôi chủ quan của mình trên sân khấu, những sáng tạo ngẫu hứng của DV dễ dẫn đến tác động xấu, có thể làm vở diễn, chương trình thay đổi theo hướng tầm thường hoá, thậm chí lệch lạc về chủ đề tư tưởng.
Khi các chương trình nghệ thuật xuất hiện thêm vai trò người dẫn chuyện, do ít chịu sự tác động của bạn diễn, khả năng biến tấu, việc thay đổi kịch bản theo ý muốn chủ quan của người dẫn chuyện dễ dàng hơn bao giờ hết.
Sự tuỳ tiện trong sáng tạo nghệ thuật khiến tác phẩm công diễn bị đẩy đi quá xa so với bản được phúc khảo đã không còn là chuyện hiếm hoi của hoạt động biểu diễn. Tuy nhiên cho đến nay mới chỉ có những phản ứng, bức xúc từ phía khán giả, dư luận mà chưa có bất kỳ trường hợp nào bị xử phạt. Đã đến lúc không thể xem nhẹ công tác hậu kiểm và những quy định cụ thể về mức độ thay đổi cho phép giữa tác phẩm công diễn so với tác phẩm phúc khảo càng.
T.V (PNO)