Một thời Hà Nội hát – chuyên khảo về tình khúc tiền chiến lấy Đoàn Chuẩn làm tâm điểm vừa được tác giả Nguyễn Trương Quý ra mắt tại rạp Đại Đồng, Hà Nội. Nơi này hơn 60 năm trước thuộc về Đoàn Chuẩn và được ông dành để lăng-xê “người tình âm nhạc” Thanh Hằng. Nhiều câu chuyện vốn là “bí sử” đã được tác giả làm rõ trong cuốn sách mà riêng phần tư liệu đã ngốn mất 10 năm chắt lọc.
Động cơ nào để anh cho ra đời công trình này?
Tôi theo đuổi đề tài Hà Nội cũng lâu rồi, muốn tìm hiểu tâm tình và suy nghĩ của người Hà Nội trong giai đoạn chuyển đổi từ tạm chiếm sang sau giải phóng. Trong đó ca khúc là phương thức giải trí nổi bật rất dễ nhận diện.
Tôi thích những bài hát của Đoàn Chuẩn từ khi còn bé. Lúc mới lớn cũng có gặp ông tìm hiểu các câu chuyện xung quanh cuộc đời và sáng tác của ông. Đoàn Chuẩn và âm nhạc thời của ông cũng là đề tài nghiên cứu của tôi khi học cao học bên Anh. Kết thúc khóa học tôi định xuất bản một tập tiểu luận bao gồm bài đó nhưng rồi thấy nên phát triển thành cuốn riêng. Tuy nhiên, tôi không có ý phục dựng chân dung hay tiểu sử ai cả. Nhiều người sẽ đọc theo kiểu tìm giai thoại về sự nghiệp cũng như tình ái của Đoàn Chuẩn- Từ Linh, nhưng tôi không làm điều đấy. Trên cơ sở câu chuyện của Đoàn Chuẩn, tôi tìm hiểu cơ chế tạo dựng một huyền thoại đô thị- là thứ luôn hấp dẫn các thế hệ sau.
Tất cả các bài hát của Đoàn Chuẩn đều liên quan đến một bóng hình hoặc một mối tình. Vậy anh đã gặp được bao nhiêu “người tình” của nhạc sĩ?
Bây giờ chỉ biết chắc chắn có hai người là ca sĩ Mộc Lan (mới mất năm kia) và ca sĩ Thanh Hằng. Bà ấy không phủ nhận nhưng né tránh. Tôi cũng rất hiểu, tôi cắt nghĩa tình cảm của giai đoạn đó nhiều khi chỉ thoáng qua. Mối quan hệ đó chỉ kéo dài có hai năm, cũng khó biết là đến mức độ nào. Tất cả đều rất hư ảo và đó là cái hay của huyền thoại. Lời bài hát của Đoàn Chuẩn có kể về chuyện tình nhưng không chi tiết hóa như Phạm Duy. Dù sao sẽ rất nguy hiểm nếu căn cứ vào lời ca để xác định mối quan hệ.
Bìa sách Một thời Hà Nội hát lấy cảm hứng từ câu chuyện Đoàn Chuẩn mua toàn bộ vé để được độc chiếm một buổi diễn của ca sĩ Mộc Lan tại Hà Nội – Ảnh tư liệu
Thời kỳ đầu kháng chiến, các nhạc sĩ rất hay xây dựng hình ảnh người chinh phụ chờ chồng, quay tơ đan áo kiểu chuẩn mực lễ giáo. Thời Đoàn Chuẩn phóng túng hơn, hai bên đến với nhau chỉ vì mỹ cảm: “Em mơ trong tiếng hát/ Anh mơ trong nét bút/ Đa tình sao…”
Đoàn Chuẩn tỏ ra khá bế tắc trong lối thoát tình yêu. Tất cả đều là chia tay xong viết một bài. Chả bài nào đang ở đỉnh cao của sự viên mãn. Đó cũng phản ánh một tâm thế tương đối hiện sinh và hiện đại của người Hà Nội cuối những năm 1950, ảnh hưởng nghệ thuật và trào lưu nhận thức về tình yêu kiểu phương Tây.
Sự giàu có cho phép Đoàn Chuẩn tiếp cận thoải mái với giá trị phương Tây cũng như những giai nhân của thời bấy giờ. Cùng với đặc quyền của người đàn ông trong gia đình được lễ giáo phong kiến yểm trợ. Đó chính là những yếu tố quan trọng làm nên huyền thoại?
Chính xác. Gia đình Đoàn Chuẩn giàu có nhất nhì miền Bắc. Thời trẻ ông chỉ rong chơi. Ông chỉ có một vợ cưới từ năm 18 tuổi. Bà là người độ lượng, chấp nhận: “Ông muốn dọc ngang gì tôi chiều hết…” Chỉ cần ông vẫn giữ nếp nhà.
Trong sách, tôi có dẫn Phạm Duy như một đối chiếu nhỏ. Phạm Duy một mặt khoe vợ hiền con thảo, gia đình êm thuận nhưng khẳng định vẫn cần những người tình để làm chất liệu sáng tác. Đoàn Chuẩn thì không ra mặt, chả lập ngôn. Tôi ngạc nhiên là trên báo chí thời kỳ tạm chiếm, Đoàn Chuẩn gần như không xuất hiện, các chương trình biểu diễn ở đài phát thanh Hà Nội thời tạm chiếm không tìm thấy bài Đoàn Chuẩn, dù ông sáng tác từ 1947. Ông nổi tiếng thời đó vì là một tài tử. Còn nổi tiếng như nhạc sĩ khá muộn. Ngay rạp Đại Đồng ông sở hữu suốt một năm, ngày nào cũng quảng cáo các bài hát nhưng không hề có bài của ông. Mặc dù rạp đó được cho là ông mua để làm sân khấu cho Thanh Hằng.
Tác giả Nguyễn Trương Quý và cuốn sách mới ra đời. Hai buổi ra mắt sách vào 14 và 16/12 tại Hà Nội cũng là dịp để các ca sĩ trẻ hát lại nhạc Đoàn Chuẩn. Ảnh: N.M.Hà
“Việc các nhạc sĩ, trong đó có Đoàn Chuẩn thời bấy giờ có nhiều mối tình không làm xã hội ngạc nhiên hay thắc mắc, chỉ xem các cô đẹp đến đâu thôi…”.
– Nhà văn Nguyễn Trương Quý –
Có khả năng ông vẫn cho hát bài của mình mà không đăng báo?
Bà Thanh Hằng trả lời hồi còn trẻ khỏe: “Tôi chưa hát bài nào của ông ấy cả”. Tôi phỏng vấn những người già già thời kỳ đấy họ toàn nhắc đến Dư âm, Ai về sông Tương, Ngày về… và nhiều bài của Phạm Duy. Hỏi mấy lần thì mới nói cũng có biết bài của Đoàn Chuẩn nhưng không phổ biến. Không NXB nào ở Hà Nội in bài của Đoàn Chuẩn, chỉ có 3-4 bài do nhà Vạn Vân (hãng nước mắm của gia đình Đoàn Chuẩn) lấy tên NXB Thời Gian tự in ở Hà Nội. Chia cắt đất nước rồi, nhạc Đoàn Chuẩn mới được xuất bản và tái bản nhiều, chủ yếu ở miền Nam. Đoàn Chuẩn xác định viết nhạc để chơi chứ không có nhu cầu khẳng định tên tuổi.
Nếu không giàu và phải kiếm sống bằng âm nhạc, chắc ông sẽ sáng tác nhiều hơn?
Nhưng bản chất từ bé đã là cậu ấm. Ra đường ông hào hoa, lịch thiệp, thế mà ở nhà rất nóng tính. Cái đấy không ai biết. Khi tôi phỏng vấn, chú Đoàn Đính (con trai Đoàn Chuẩn- PV) khá kín, chỉ nói: “Bố anh rất nghiêm khắc trong dạy đàn. Nhốt trong phòng khi nào tập được thì thôi.”
Chi tiết ném vỡ cửa kính có đưa vào sách nhưng lý do của nó thì chưa, vì có vẻ người nhà không muốn. Hồi chuyện cô Thanh Hằng đến tai bà Xuyên- vợ Đoàn Chuẩn. Từ Hải Phòng, bà lên Hà Nội gặp Thanh Hằng (chuyện này báo đã đăng rồi), sau đó cô Hằng xé tập bài hát ông tặng và mấy ngày liền không đến rạp. Ông về lầm lì, không tức được với ai, bèn lấy chìa khóa ném vỡ kính tủ.
Sau cuốn này, anh có tiếp tục du khảo trong lịch sử âm nhạc?
Người Việt mình sở trường cái ngắn nhỏ gọn. Bài hát là thứ nhanh nhẹ dễ chinh phục đám đông, quá hợp để nghiên cứu. Tôi muốn làm chuyên khảo về nhạc đỏ, trong đó Lưu Hữu Phước nhân vật rất hay. Ông là bậc thầy tạo nên nền móng cho nhạc đỏ, nhưng cuối đời dường như bị quên lãng… Nhưng chuyến này sẽ khó hơn vì nhạc đỏ trải mấy thập niên từ 1930 đến 1980.
Anh đã sẵn sàng đón nhận những sự phản đối khi cuốn sách ra đời, vì có thể sẽ tiết lộ những chuyện không mong muốn của vài người đang sống?
Tất cả đều có trích dẫn và nguồn báo đăng tải… Tôi cũng không mong đợi những việc cãi cọ, chả vui gì. Cuốn sách tôn vinh những sáng tạo của con người Hà Nội. Cuộc sống lúc đấy nhào nặn nên thực trạng đấy và người ta phải cố gắng để thoát ra khỏi hoàn cảnh đấy để xây mộng ước cuộc đời. Chẳng có gì gọi là dìm hàng ai cả. |
N.M.Hà (HNS)