Phím đàn dìu dặt tay tiên

0
494
NSND Xuân Hoạch với cây đàn đáy cổ của Đinh Khắc Ban

Tôi lần mò đến ngõ Ao Phủ (phố Chùa Láng – Đống Đa – Hà Nội) theo cung đàn nguyệt thánh thót từ một ngôi nhà lá. Mặt hồ Ao Phủ đầy sương. Những cây bàng khô nghiêng nghiêng trong ngõ vắng. Tiếng đàn cất lên như lời kể chuyện của một người già. Âm thanh trải dài trên những mái ngói. Một giọng hát trầm khê vang lên: “Tiếng đàn tiếng của tơ lòng/ Tình ta khắc khoải đục trong mơ màng/ Tiếng đàn tơ bay mênh mang/ Nỉ non, xót đắng bàng hoàng con tim…”.

Não nuột cùng đường tơ

Người tôi tìm đến là NSND Xuân Hoạch. Ông được coi là vua của đàn nguyệt và nhị hồ. Tuy vậy ông còn chơi thành thạo các cây đàn khác và cũng đã từng đoạt Huy chương vàng (HCV) khi biểu diễn đàn đáy và đàn bầu. Sau hơn nửa thế kỷ gắn bó với những cây đàn, NSND Xuân Hoạch vẫn đam mê như ngày nào. Hàng tuần, ông lên phố cổ chơi đàn và hát cùng nhóm Đông kinh cổ nhạc. Hình ảnh ông lão hát xẩm rong hiện lên trước mắt mọi người với chiếc áo tơi nón lá gợi bao ký ức với người Hà Nội. Giọng xẩm của ông tràn ngập trong nỗi nhớ của tôi về những vỉa hè và toa tàu điện năm xưa. Khi ấy mọi người vòng trong vòng ngoài chăm chú lắng nghe xẩm hát về thân phận éo le.

Anh xẩm vừa kéo nhị vừa hát câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến rằng: “Một duyên hai nợ ba tình/ Hai nợ ba tình một duyên, hai nợ ba tình/ Chữ duyên kia với chữ tình ai mang…” (Mục hạ vô nhân). Gặp nhau chúng tôi hồ hởi nhắc bao chuyện một thuở “Xẩm tàu điện” hay “Lỡ bước sang ngang”. NSND Xuân Hoạch ngồi lọt thỏm trong những cây đàn đã gắn bó với ông suốt hơn nửa thế kỷ.

Sau khi tốt nghiệp khoa đàn nguyệt (Nhạc viện Hà Nội) ông được phân về Nhà hát Ca múa Việt Nam (1971). Khi đó nghệ sĩ Xuân Hoạch vừa tròn 19 tuổi. Một chân trời mới rộng mở với chàng trai Thái Bình này. Từ nghệ sĩ hòa tấu trong ban nhạc dân tộc, Xuân Hoạch trở thành cây đàn “sô lô” nổi tiếng với bản nhạc “Tình quân dân” (Xuân Ba) và “Chung một niềm tin” (Xuân Khải). Đây là những bản độc tấu đã đem lại HCV đầu tiên cho nghệ sĩ Xuân Hoạch (1995). Ông đã tìm bạn, tìm thầy học thêm đàn bầu, nhị và đàn đáy. Ít ai ngờ, với những cây đàn mới, nghệ sĩ Xuân Hoạch cũng đạt được những thành tựu rực rỡ. Đặc biệt ông kể trong cuộc thi độc tấu đàn với các nghệ sĩ quốc tế tại Nhật. Ông biểu diễn đàn đáy cùng với hai chân điều khiển các nhạc cụ tre khác. Với sự xuất hiện độc đáo của một người rất “chân quê” trong bản nhạc tuồng đã gây sự ngạc nhiên cho mọi người. Khi ông biểu diễn xong, cả hội trường đã đứng dậy vỗ tay vang dội. Và đó cũng là một HCV đặc biệt đối với ông.

Lúc này nghệ sĩ Xuân Hoạch đưa cho tôi xem cây đàn đáy mà ông đã biểu diễn. Ông kể, đây là kỷ vật do người thầy dạy đàn để lại. Ông nhớ không biết bao đêm thức trắng tập luyện với cây đàn cổ này. Bởi chơi đàn đáy phải khổ luyện mới chơi độc tấu được. Nghệ nhân Đinh Khắc Ban đã dạy ông từng ngón đàn tinh tế nhất của làng chơi ả đào xa xưa. Ngón tay ông đã chảy máu trong một thời gian dài khi luyện đàn. Vết sẹo vẫn còn để lại như một dấu ấn những ngày tháng đam mê vật vã. Nghệ sĩ Xuân Hoạch rất nhớ lời thầy dạy qua những câu thơ của Nguyễn Du, phải luyện tiếng đàn sao cho: “Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như nước suối mới sa nửa vời/ Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”. Hình ảnh cây đàn bầu cũng là câu chuyện kỳ thú đến với ông khi học thầy Trùm Nguyên. Cây độc huyền cầm là một thử thách lớn đối với ông mỗi khi vuốt cần hay nhấn nhá nảy từng nốt trên dây đàn. Nét óng ả bay bổng của âm thanh sợi đàn còn ẩn chứa những tâm cảm nỉ non, bi phẫn của đời người. Ông luôn thấu hiểu: “Tiếng đàn bầu thuở xưa/ Cung thương Kiều nức nở/ Than mình chẳng tự do/ Bi ai dân mất nước/ Não nuột cùng đường tơ/ Não nuột cùng đường tơ…” (“Tiếng đàn bầu” -Nhạc Nguyễn Đình Phúc – Thơ Lữ Giang). Sau này NSND Xuân Hoạch nổi tiếng và cũng đạt HCV với bản nhạc “Ru thuyền trên sông Hương” (Thao Giang).

Khắc khoải cung tơ

Khi nhắc lại câu chuyện chơi độc tấu đàn một thuở vang danh, NSND Xuân Hoạch luôn nói đi nói lại là nhờ âm thanh của dây đàn tơ. Ông kể hiện nay người ta chơi các loại đàn dân tộc thường dùng dây sắt hay dây ni lông. Những chất liệu này đem lại hiệu quả âm thanh vang ngân và réo rắt khi biểu diễn. Sau nhiều năm theo đuổi sự nghiệp ông thật bất ngờ khi nghe thầy Đinh Khắc Ban tâm sự: “Ngày xưa các cụ ta đánh đàn dây tơ hay lắm. Có tiếng trầm tiếng đục gần gũi với tiếng người”.

Nghệ sĩ Xuân Hoạch với cây nhị hồ

Do vậy khi học đàn đáy và được nghe tiếng đàn tơ rung lên, ông mới giật mình với tâm trạng Kiều chơi đàn cho Hoạn Thư nghe: “Một cung gió thảm mưa sầu/ Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay”. Từ đó nghệ sĩ Xuân Hoạch đi tìm mua tơ để làm dây đàn. Nhưng ai dè đâu có dễ. Dây tơ như biến mất theo năm tháng và cũng lận đận như cuộc đời nghệ sĩ vậy. Bởi một thời ông đã phải đi làm thêm để kiếm sống. Nhất là vào giữa thập niên 80, ông đã đi thổi thủy tinh bên ngọn lửa lò nóng bỏng. Hơi của giọng hát ông đã phải phồng má để thổi thủy tinh nóng chảy tạo thành chai lọ, bóng đèn. Những ngón tay chơi đàn đã chai sạn với sắt thép, than củi.

Nhưng rồi năm tháng cam go trôi qua, ông vẫn nuôi ước mơ về dây tơ. Trong lòng ông luôn đau đáu làm sao cho tiếng đàn phải ngọt ấm, trong đục kỳ ảo. Âm thanh cây đàn tính của dân tộc miền núi với những dây đan bằng chỉ đã đem lại tiếng đục lạ tai. Vậy âm sắc của sợi tơ chắc hẳn càng đẹp và mượt mà hơn. Ông đã tìm về làng Vạn Phúc (Hà Đông) để học nghề xe tơ làm dây đàn. Nhưng đâu còn những nghệ nhân xưa thành thạo thực hành. Bởi giờ đây việc dệt lụa đều làm trên máy và việc se tơ không còn như trước. Vậy để làm nên sợi đàn tơ phải bắt đầu từ đâu đây? Thật thú vị thay khi nghệ sĩ Xuân Hoạch đã cùng vợ tìm lại xa quay và dùng chiếc quạt con chuột cũ để làm máy xe tơ. Hai vợ chồng hì hục hàng đêm kéo tơ và se lại thành những sợi dây bền chắc. Nghệ sĩ đã tìm lại âm thanh tơ trên những cung đàn của mình như thế.

Đêm mắc dây tơ đầu tiên lên cây nhị thật hồi hộp. Khi cây vĩ kéo cọ trên dây đàn, tiếng tơ êm ru ngân lên ngọt lịm. Và âm đục đã hiện lên như tiếng thở dài của thân phận con người. Ông tưởng tưởng như âm thanh nấc nghẹn nước mắt của mẹ khi ru con. Đó là những nốt âm chuyển giọng trũng xuống vực sâu, mà ở nơi đó thác nước đang cuồn cuộn chảy. Cây nhị hồ trên tay ông thổn thức: “Phím đàn dìu dặt tay tiên/ Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa…” (Kiều). NSND Xuân Hoạch nổi hứng vớ cây đàn nguyệt chơi vài khúc cho tôi nghe, rồi ông khẳng định tiếng đàn dây tơ mới chính là nguồn gốc của âm nhạc truyền thống. Ông còn cho biết tiếng tơ là một trong tám âm thanh cơ bản của âm nhạc dân tộc ứng với bát quái trong kinh dịch bí ẩn. Tiếng âm “Ti” của dây tơ mới phát ra giọng “Trong-đục” mang sắc thái tình cảm của tiếng người. Đó là sự kỳ diệu của dây tơ. Chính vì thế những ngón đàn của Xuân Hoạch luôn khác biệt. Cây đàn như trái tim thứ hai của người nghệ sĩ khi biểu diễn. Và người ta ví ông là người có hai trái tim đập cùng một lúc khi vừa chơi đàn vừa hát. Tiếng hát ông say mê cùng cây đàn rung lên: “So dần dây vũ dây văn/ Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương” (Kiều). Năm 2007, nghệ sĩ Xuân Hoạch được phong tặng danh hiệu NSND.

Tằm vẫn nhả tơ

Giấc mơ cung tơ không bao giờ vơi cạn trong tâm hồn nghệ sĩ. Sau khi về hưu 2012, NSND Xuân Hoạch đã tham gia ban “Đông Kinh cổ nhạc”. Không ngờ đây là cũng là bước ngoặt kỳ lạ của ông. Ngón đàn nhị hồ tài hoa cùng giọng hát chân quê đặc sắc của nghệ sĩ đã được phát huy với những khúc ca xẩm. Trong nhiều năm, ban nhạc đã cùng ông xuất hiện ở sân khấu ca nhạc đường phố. Đặc biệt mỗi khi ông xuất hiện tại chiếu xẩm chợ Đồng Xuân luôn làm khán giả náo nức. Ông hát xẩm như lên đồng vậy. Giọng hát Xuân Hoạch lả lướt bay bổng, đôi khi còn thể hiện sự hóm hỉnh trong những làn điệu xẩm cổ quen thuộc. Không ít đêm ông chuẩn bị bước ra sân khấu người xem đã reo lên: “Vui nhất có chợ Đồng Xuân” đi! Thế là ông và nghệ sĩ Thanh Ngoan cất tiếng: “Hà Nội như động tiên sa/ sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần/ Vui nhất có chợ Đồng Xuân í a/ Mùa nào thức ấy xa gần xem í mua…”. Thật bất ngờ khán giả luôn hát đế theo rằng: “Mà cổng giữa có chị hàng dừa, hàng cau, hàng quýt, hàng dưa rồi hàng hồng…”. Tiếng vỗ tay cứ rầm rầm. Khán giả hối hả với những í a rồi cùng cười rũ cả người.

Vương Tâm (HNS)