PHÁT HÀNH SÁCH “NHẠC GIAO HƯỞNG THÍNH PHÒNG – QUYỂN 1”

0
171

Đây là cuốn sách đầu tiên, in bản tổng phổ có các nhạc cụ dân tộc truyền thống của Việt Nam hoà vào cùng dàn nhạc giao hưởng, đệm cho ca khúc, được xuất bản và phát hành rộng rãi trong chương trình của Viện Âm nhạc hàn lâm Nam Việt. Còn nhớ, khi nhạc sư quyết định thành lập Viện, có một bạn thơ nói với tôi “đặt tên hoành tráng thế?”. Tôi chân tình giải thích, vấn đề không phải là hoành tráng hay không, mà là cần đặt tên để đọc chính xác bản chất của thể loại âm nhạc và nội dung chương trình mà nhạc sư cùng với các cộng sự, đã và đang thực hiện, đơn giản chỉ có thế, chúng tôi không có đủ thời gian để quan tâm tới những điều khác. Không có ai tên là “Nổ” ở đây, chỉ có những người chăm chỉ làm việc và tận hiến.

Chúng ta có được kiến thức ngày hôm nay là nhờ công ơn của tiền nhân để lại. Vậy, trước khi trở thành tiền nhân, nếu có khả năng, chúng ta cũng nên để lại tài sản trí tuệ cho thế hệ mai sau, để họ có thêm tài liệu nghiên cứu, phát triển tiếp nối. Đó chính là sự đền đáp công ơn của tiền nhân và dâng hiến cho đời, thực hiện bổn phận đối với xã hội đã nuôi dưỡng mình sinh sống. Việc thành lập Viện theo đúng pháp luật hiện hành để hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào sự phê duyệt của bất cứ tổ chức nào, nhằm bớt đi những nhiêu khê có thể có, là phương án đem lại hiệu quả cao nhất, phù hợp với quỹ thời gian còn lại ít ỏi của nhạc sư. Trong công việc, nhạc sư nói với tôi rằng “chúng ta chưa phải đại gia, chúng ta cần tiền nhưng không vì tiền”, đặt mục tiêu cống hiến lên trên hết!

Để có được quả ngọt dâng đời ngày hôm nay, tôi xin được phép thay mặt thầy tôi, composer Bùi Đức Thịnh, chân thành cảm ơn anh TS. nhạc sĩ Lê Chí Hiếu, anh TS. nhạc trưởng Nguyễn Bách, em nhạc sĩ Bạch Xuân Sơn, em Trần Võ Thành Văn và cảm ơn cả cái bản thân tôi nữa, những người đã cùng chung vai, tiếp sức, để cuốn sách được ra đời trong bối cảnh sức khoẻ của nhạc sư không được tốt, không thể một mình đảm đương. Cá nhân tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc khi được tham gia vào việc có ý nghĩa lớn như thế này, bởi tôi không phải là nhạc sĩ, tôi chỉ là người yêu nghệ thuật, ham thích học hỏi, rồi do cơ duyên dẫn dắt để được thầy tôi đào tạo bài bản, trở thành nhạc sĩ bất đắc dĩ và có cơ hội được làm những việc mình yêu thích.

Hơi nhiều lời một chút do tinh thần đang phấn khích, những viên gạch đầu tiên cho nền móng sự phát triển của Viện Âm nhạc hàn lâm Nam Việt vẫn đang được nhạc sư và các cộng sự miệt mài đặt xuống, gây dựng. Còn sống, còn làm việc, còn cống hiến, vạn sự khởi đầu nan, nếu kịp xây được thành guồng, thì lúc đó sẽ chuyển giao sức trẻ tiếp nối. Phải có đi thì mới có đến, không đi, sẽ chẳng đến đâu cả. Vì thế, còn sống, còn đi…

H.N