Phạm Duy và cuộc tình nghìn trùng xa cách

0
1399

Nói đến chuyện yêu đương của nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) thì không biết bắt đầu và kết thúc thế nào cho đầy đủ. Tuy nhiên, có một mối tình rất thơ mộng kéo dài suốt hơn một thập niên từ 1956 đến 1968 đã mang lại cho công chúng nhiều ca khúc hay, đặc biệt là tuyệt phẩm “Nghìn trùng xa cách”. Người con gái có tên gọi Alice và làm thơ với bút danh Lệ Lan, đã đến và đã đi qua cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy như thế nào?

Trong hơn ngàn bài hát mà nhạc sĩ Phạm Duy từng công diễn, có một ca khúc có tên gọi “Tôi đang mơ giấc mộng dài”. Ngay khi ra mắt lần đầu tiên vào năm 1970, bản nhạc đã được ghi rõ ràng: “Nhạc: Phạm Duy – Thơ: Lệ Lan”. Lệ Lan là ai mà được chiếu cố như vậy? Trên thi đàn, Lệ Lan hoàn toàn vô danh. Về khách quan, ca khúc “Tôi đang mơ giấc mộng dài” dựa theo bài thơ “Năn nỉ” của Lệ Lan in trên tạp chí Bách Khoa xuất bản năm 1969. Về thực tế, bài thơ này đã được chính tác giả trao tay cho Phạm Duy trước đó nhiều năm. Ca khúc “Tôi đang mơ giấc mộng dài” được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Lệ Lan để cả hai cùng đàn hát cho nhau nghe rất nhiều năm, trước khi phát hành rộng rãi.

Vừa ra đời công khai, ca khúc “Tôi đang mơ giấc mộng dài” đã được ca sĩ Thái Thanh đưa lên thành một hiện tượng trong đời sống âm nhạc. Bây giờ, sau gần nửa thế kỷ, ca khúc “Tôi đang mơ giấc mộng dài” vẫn được nhiều trái tim xao xuyến khi lắng nghe: “Tôi đang mơ giấc mộng dài. Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh. Tôi đang nhìn thấy màu xanh. Ở trên cây cỏ rất lành rất thơm. Tôi đang nhìn thấy màu hồng. Của tôi thay đổi luôn luôn theo trời. Hoàng hôn màu đỏ mây tươi. Bình minh nắng trắng ấm trôi vào lòng. Những vì sao tím rất trong. Mảnh trăng vàng rỡ chờ mong tôi nhìn. Tôi đang nhìn thấy trong tim. Tình yêu bay những con chim tuyệt vời. Đừng lay tôi nhé cuộc đời. Tôi còn trẻ lắm cho tôi mơ mòng”.

Chuyện tình giữa nhạc sĩ Phạm Duy với Alice (tên thân mật của Lệ Lan) bắt đầu từ… mối hạnh ngộ Helene – mẹ của Alice trên đường nhạc sĩ Phạm Duy lưu diễn tại Phan Thiết vào năm 1944. Theo ký ức rộn ràng của nhạc sĩ Phạm Duy: “Tại thành phố sáng sủa và ấm áp này, nhờ bài hát “Buồn Tàn Thu” của Văn Cao, tôi làm quen với một goá phụ rất trẻ có hai dòng máu Việt-Anh tên là Helene. Nàng ở với mẹ già và hai đứa con, một gái là Alice, một trai là Roger, tại một đồn điền ở Suốt Kiết, cách tỉnh lỵ không xa. Giữa chàng du ca và người cô phụ trẻ tuổi có một cuộc tình rất nhẹ nhàng và trong sạch. Mối tình nửa kín nửa hở được hiểu ngầm là khá say sưa. Hai người đều biết có sự yêu mến lẫn nhau nhưng không ai dám lên tiếng yêu đương cả, chẳng khác chi trong những mối tình câm lặng khi tôi mới 16 tuổi. Mối tình thốt lên qua những lời ca tôi mượn của Đặng Thế Phong, Lê Thương, hay Văn Cao và qua những lời thơ nàng mượn của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu hay Huy Cận. Rất có thể vào lúc đó, tôi mang mặc cảm tự ti của anh hát rong trong gánh cải lương và nàng chưa ra thoát lối sống goá phụ thầm lặng, chúng tôi chỉ được coi đang ở mấp mé một cuộc tình. Suốt một tháng trời, hai người dạo chơi trên phố xá đông đảo hay trên bãi cát vắng vẻ, nói với nhau những chuyện trên trời dưới bể, chuyện con dế con giun nhưng không bao giờ dám nắm tay nhau hay nói những lời ân ái như trong tiểu thuyết hay trên màn ảnh cinema”.

Những giăng mắc chớp hiện ấy, có lẽ không có gì đáng nói, nếu nhạc sĩ Phạm Duy không gặp lại Helene ở Sài Gòn sau năm 1954. Thời gian thoi đưa, chàng du ca Phạm Duy đã thành một nhạc sĩ nổi tiếng. Vì vậy, ông trở thành thần tượng của cô bé Alice. Trong Hồi ký Phạm Duy ( chương 8, tập 3) đã viết khá rõ ràng: “Tôi ngỡ ngàng khi thấy Alice. Cô bé giống mẹ như đúc. Cũng như các nữ sinh khác, cô bé đã biết tới những bài hát của tôi như Tình Kỹ Nữ, Bên Cầu Biên Giới, Tình Ca, Tình Hoài Hương… Có lẽ trong tiềm thức của cô thiếu nữ 16 tuổi này đã có dư hương vòng tay bế bồng của tôi lúc cô mới lên bốn cho nên cô quấn quít tôi như người quen biết từ lâu. Đang có một thảm kịch trong lòng sau vụ ái tình được cả nước biết, tôi đi tìm an ủi ở người bạn cũ Helene. Nhất là ở người con gái giống mẹ như đúc. Trong lúc đang có cảm giác bị mọi người chung quanh khinh khi, ghét bỏ, tôi thấy nguôi ngoai trong lòng khi nghe cả hai mẹ con nói rằng tôi chẳng có tội gì cả ! Họ nói thế vì họ muốn kéo tôi ra khỏi một sự nhục nhằn, tôi biết vậy ! Để ghi lại cuộc gặp gỡ này, tôi phổ nhạc một câu ca dao thành một tình khúc nhan đề Nụ Tầm Xuân, khi in ra có đề tặng Hệ Liên (về sau nàng lấy tên là Huệ Liên, cũng do ở tên Helene mà ra): “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay”!

Nếu tính chi li thì nhạc sĩ Phạm Duy lớn hơn Lệ Lan khoảng 20 tuổi. Mối tình thuở nào dung dằng với người mẹ Helene bỗng trượt sang người con Alice, theo cách nghĩ và cách cảm của riêng nhạc sĩ Phạm Duy: “Trong suốt một năm, hằng tuần, tôi lái xe hơi tới đón Alice đi chơi… Một chiều mùa thu 1957, tôi tỏ tình với Alice và được nàng ban cho một cái ừ lặng lẽ. Lúc đó tôi có ngay quyết định là mối tình này cũng phải cao thượng như mối tình giữa tôi và Helene. Vì chênh lệch tuổi tác và vì không muốn làm phiền những người chung quanh một lần nữa, tôi quyết định ngay từ đầu rằng đây chỉ là một mối tình giữa hai tâm hồn mà thôi. Tôi cố gắng tránh mọi đụng chạm về xác thịt và tôi hãnh diện để nói rằng nàng vẫn là một trinh nữ khi rời xa tôi để lên xe hoa về nhà chồng. Là một nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở. Tôi không cần phải chiếm đoạtai cả, nhất là chiếm đoạt một người con gái còn ít tuổi. Mỗi cuối tuần gặp nhau, thế là quá đủ. Tôi nói lên điều này qua ca khúc Cho Nhau: cho nhau chẳng tiếc gì nhau, cho nhau gửi đã từ lâu, cho nhau cho lúc sơ sinh ngày đầu…”

Nhạc sĩ Phạm Duy khẳng định, trong hơn 10 năm, từ 1957 đến 1968, hầu hết các bản tình ca của ông đều viết cho Lệ Lan như “Ngày đó chúng mình, Đừng xa nhau, Cỏ hồng, Nha Trang ngày về… Về phía Lệ Lan, cô đã viết hơn 300 bài thơ tặng nhạc sĩ Phạm Duy. Lệ Lan khi đó sống ở Lái Thiêu – Bình Dương, còn nhạc sĩ Phạm Duy sống ở trung tâm Sài Gòn. Khoảng cách khoảng 20 cây số thôi, nhưng trở thành một không gian hư thực cho mối tình bất chấp chênh lệch tuổi tác. Thời khắc họ đến với nhau, nhạc sĩ Phạm Duy rạo rực: “Ngày đó có em đi nhẹ vào đời. Và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối. Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời. Và xe tơ kết tóc – giam em vào lòng thôi. Ngày đôi ta ca vui tiếng hát với đường dài. Ngâm khẽ tiếng thơ, khơi mạch sầu lơi. Ngày đôi môi, đôi môi đã quyết trói đời người. Ôi những cánh tay đan vòng tình ái. Ngày đó có ta mơ được trọn đời. Tình vươn vai lên khơi – tới chín trời mây khói. Ngày đó có say duyên vượt biển ngoài. Trùng dương ơi! Giữ kín cho lâu đài tình đôi…”

Năm 1969, Lệ Lan đi lấy chồng, và viết cho nhạc sĩ Phạm Duy một lá thư từ biệt: “Mười năm, quá đủ cho một mối tình đẹp và một đời người ngắn ngủi… Từ đây đến ngày cưới có thể L. sẽ xin gặp chú một, hai lần nữa. Chẳng để làm gì cả. L. chắc chú cũng nghĩ như L. Chẳng có gì bi thảm. Chẳng có gì tiếc hận. Một mối tình đẹp kết thúc một cách êm ái. L. chỉ xin giữ lại một chút dư hương để truyền lại cho các con của L. sau này cho chúng nó cũng có một tâm hồn biết yêu thương đằm thắm”. Như một sự đáp tạ, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết ca khúc “Nghìn trùng xa cách”, một bài hát đến nay đã thành tuyệt phẩm cho những đôi lứa yêu nhau: “Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà giữ cho người… Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời. Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui. Lời nói, lời cười. Chuyện ngắn chuyện dài. Trả hết cho người, cho người đi. Trả hết cho ai ngày tháng êm trôi. Đường em đi trời đất yên vui. Rừng vắng ban mai, đường phố trăng soi…”

Nhạc sĩ Phạm Duy nói về Lệ Lan: “Tôi yêu người phụ nữ ấy lắm. Trong gia tài các nhạc phẩm của tôi, tôi dành tặng bà ấy 40 bài hát. Có 3 bài hát đánh đấu thời điểm tôi yêu, tôi xa và tôi quên bà ấy là “Ngày đó chúng mình”, “Nghìn trùng xa cách” và “Chỉ chừng đó thôi”.

Gia Quan (HNS)