Kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS-TS Trần Văn Khê (24/7/1921 – 24/7/2021), Quỹ Trần Văn Khê tổ chức nhiều hoạt động nhằm cổ vũ và gìn giữ, phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam theo di nguyện cố nhạc sĩ.
Năm 2021, Quỹ tập trung vào các hoạt động như thành lập Hội đồng chuyên môn để xét trình Hội đồng quản lý quỹ trao giải thưởng và học bổng lần thứ Nhất vào tháng 7 và tháng 11; Tổ chức hội thảo Trần Văn Khê nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh GS-TS Trần Văn Khê ngày 24/7 với các nội dung ra mắt Ban sáng lập và Hội đồng quản lý quỹ, tri ân các Mạnh Thường Quân đóng góp cho quỹ, trao tặng giải thưởng Trần Văn Khê lần thứ nhất, biểu diễn nghệ thuật của các thế hệ nghệ sĩ…
GS.TS Trần Văn Khê trọn đời theo đuổi nghiên cứu và quảng bá sâu rộng ra thế giới giá trị quý báu của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Các chuyên đề nghiên cứu và đào tạo của ông về đờn ca tài tử, về cải lương Việt Nam trong đối sánh với các loại hình âm nhạc, kịch nghệ của các quốc gia châu Á được giới âm nhạc quốc tế đánh giá rất cao. Từ sự đánh giá đó, nhiều bộ môn văn hóa – nghệ thuật dân tộc của Việt Nam với sự góp sức trực tiếp và gián tiếp của GS.TS Trần Văn Khê đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới như: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh, Đàn ca tài tử Nam Bộ…
Gần 10 năm cuối đời, GS.TS Trần Văn Khê đã chuyển về ở hẳn tại TPHCM, biến nhà ông tại địa chỉ 32 Huỳnh Đình Hai, Phường 24, quận Bình Thạnh trở thành một điểm giao lưu văn hóa đặc sắc. Sau khi GS.TS Trần Văn Khê qua đời, nơi đây được các học trò và thân hữu xây dựng thành Thư viện Trần Văn Khê với hàng chục nghìn cuốn sách, báo, sổ ghi chép, băng từ ghi hình và tiếng cùng nhiều kỷ vật ông mang về sau hơn nửa thế kỷ sống ở Pháp.
Thanh Xuân (HNS)