Nhạc trống lớn được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

0
438
Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật nhạc Trống lớn của người Khmer

Mới đây, Sở VH,TT&DL tổ chức Lễ công bố Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian Nhạc Trống lớn của người Khmer, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Trước đó, vào đầu năm 2022, Bộ VH-TT-DL có quyết định đưa Nghệ thuật nhạc trống lớn của dân tộc Khmer ở H.Thới Bình (Cà Mau) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nhạc Trống lớn ở Cà Mau được ông Hữu Pinh, Hữu Mốt ở Trà Vinh xuống Cà Mau lập gia đình, sinh sống ở vùng đất Tân Lộc thuộc huyện Thới Bình, mang theo và thực hành từ những năm cuối thế kỷ XIX. Đến năm 1922, các vị sư, đồng bào phật tử và người dân lân cận bắt tay nhau góp vốn xây dựng ngôi chùa có tên gọi là chùa Trâu Trắng (Bạch Ngưu), Nhạc Trống lớn ở khu vực này cũng bắt đầu được hình thành và thường xuyên chơi tại đây.

Đến năm 1958, chùa đã dời về cặp tuyến Quốc lộ 63, đổi tên thành chùa Cao Dân; cùng với việc xây dựng ngôi chùa, hoạt động trình diễn loại hình nghệ thuật Nhạc Trống lớn dần đi vào tổ chức ổn định. Hiện nay, nghệ thuật chơi Nhạc Trống lớn ngày càng được nhiều người biết đến và có nhiều thành viên trong và ngoài phum sóc khác đến học hỏi, như nhóm Phum Ph’niếc của ấp Cây Khô và Phum T’rung Khmer của chùa Rạch Giồng, là 2 nhóm nhạc thuộc huyện Thới Bình và một số thành viên ở các địa phương khác.

Theo các nghệ nhân, dàn nhạc trống lớn gồm 15 loại nhạc cụ: Skor Thom, Koông Thom, Skor Đay (02 cái), T’ruô – U, T’ruô – Khse bây (T’ruô Khmer, T’ruô Nguôk), T’ruô – sô, Chapay-chomriêng, Pay Puốc, Pay – O, Khloy, Khưm, Chhưng, Tà Khê và Krap.

Việc đưa nghệ thuật Nhạc Trống lớn vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia tạo động lực rất lớn cho tỉnh Cà Mau tiếp tục bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo, đem lại sức sống mới, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của Nhân dân trong tỉnh.

Thục Anh (HNS)