Nhạc kịch – Xu hướng mới cho sân khấu Việt

0
567
Vở nhạc kịch “Sóng” trên sàn tập Nhà hát Tuổi trẻ.

Ngoài việc dựng lại những vở nhạc kịch kinh điển của nước ngoài, thời gian gần đây, nhiều đạo diễn, đơn vị sản xuất đã bắt tay dựng mới những vở nhạc kịch với mong muốn xây dựng thành công sân khấu nhạc kịch thuần Việt.

Được quan tâm, yêu thích

Nhạc kịch là một thể loại sân khấu có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc, kỹ năng diễn xuất, nghệ thuật sân khấu với ca khúc, lời thoại, vũ đạo. Nói cách khác, sự kết hợp giữa sân khấu và âm nhạc đã đưa tới kết quả là nội dung, sự biểu cảm của nhạc kịch hợp thành một chỉnh thể, cùng lúc đáp ứng được nhu cầu cảm thụ sân khấu và cảm thụ âm nhạc.

Không chỉ dàn dựng các vở nhạc kịch có kịch bản nước ngoài, các vở nổi tiếng trên thế giới, nhiều đơn vị nghệ thuật đã mạnh dạn đầu tư vào các nhạc kịch “made in Việt Nam” để ra những tác phẩm nhạc kịch thuần Việt. Có thể coi đây là xu hướng đáng quan tâm, thể hiện nỗ lực làm mới sân khấu của một số đơn vị nghệ thuật. Và chúng ta thấy ở khu vực phía nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh đã cho ra mắt vở “Dế mèn phiêu lưu ký”; Sân khấu kịch Idecaf dựng vở “Tiên nga”; Nhóm kịch trẻ Buffalo thực hiện liên tiếp các vở: “Chuyện tình nàng Giáng Hương”, “Tuyết Sài Gòn”, “Tấm Cám”, “Vũ nữ”, “Thủy Tinh – Ðứa con thứ 101”; Sân khấu Trịnh Kim Chi ra mắt vở “Lọ Lem truyền kỳ”; Sân khấu Thế giới trẻ có vở “Trót yêu”. Ở khu vực phía bắc, các năm gần đây Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long liên tiếp ra mắt công chúng các vở nhạc kịch thuần Việt như: “Hà Nội xưa và nay”, “Những thanh xuân rực rỡ” và mới nhất là vở: “Tôi đọc báo sáng nay”. Vở nhạc kịch thuần Việt của Nhà hát Tuổi trẻ có tên “Trại hoa vàng” dành cho khán giả ở tuổi mới lớn, được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và tạo được tiếng vang trong dư luận.

Gần đây nhất, Nhà hát Tuổi trẻ đang dựng nhạc kịch “Sóng”, lấy cảm hứng từ cuộc đời và tình yêu của Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh. Theo NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cũng là tổng đạo diễn của vở kịch, “Sóng” là vở nhạc kịch thuần Việt, 100% số người thực hiện là người Việt Nam.

Khó khăn, hạn chế

Dù được công chúng quan tâm như một “món ăn tinh thần” mới, song để có thể phát triển bền vững, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng, nhạc kịch đang phải đối mặt cũng như nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết không ít khó khăn, hạn chế.

Khó khăn đầu tiên dễ nhận ra đó là đòi hỏi khắt khe, phức tạp về đạo diễn, âm nhạc, ánh sáng, cùng nhiều kỹ thuật bổ trợ trên sân khấu. Về diễn viên, để hóa thân vào nhân vật trong một vở nhạc kịch, nghệ sĩ bắt buộc phải có khả năng hát, vũ đạo, đặc biệt là khả năng diễn xuất thể hiện tâm lý nhân vật. Sự thực là tính chuyên nghiệp của nghệ sĩ trong nhạc kịch hiện nay chưa cao. Bên cạnh đó, còn có các khó khăn mà khi dàn dựng nhạc kịch các đơn vị nghệ thuật phải đối mặt như: tốn kém thời gian, chi phí lớn, rủi ro cao, cho nên không phải đơn vị nào cũng đủ “dũng cảm” bỏ tiền đầu tư…

Một vấn đề cần thiết khác là việc quan tâm bồi dưỡng, đào tạo công chúng cho nhạc kịch. Vì một thể loại nghệ thuật được xếp vào “hạng sang” như nhạc kịch, nếu không có kiến thức nhất định về âm nhạc, khán giả sẽ khó mà cảm nhận cái hay, cái đẹp của vở diễn. Dường như số khán giả có trình độ thưởng thức âm nhạc thật sự trong thực tế vẫn chưa nhiều. Sự quan tâm của phần đông khán giả đối với nhạc kịch trong thời gian qua vẫn chủ yếu là thỏa mãn tò mò một “món ăn lạ” hơn là tìm đến với vở nhạc kịch để rung cảm, để cảm thụ một cách sâu sắc.

Dù vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng tín hiệu khả quan trong vài ba năm qua của nhạc kịch rất đáng để những người làm sân khấu tự tin, có động lực theo đuổi nhạc kịch, đưa nhạc kịch đến gần với người xem. Cần khẳng định nhạc kịch là một hướng đi cần khích lệ, một mảnh đất màu mỡ nhiều tiềm năng cho cả người làm sân khấu, âm nhạc và công chúng yêu nghệ thuật.

Xuân Mai (HNS)