Đàn Nguyệt – Đàn Việt

0
649
Tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Đàn Việt chỉ có hai dây nên thuận cho việc chơi bằng kỹ thuật nhấn nhá, luyến láy, vê, rung để diễn cảm được đúng tiếng lòng của người Việt, tâm hồn Việt.

Khi giới thiệu về sắc, tài của Kiều, Nguyễn Du tả:

“Cung, thương, làu bậc ngũ âm

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”

Hiểu là Kiều vừa có tài sáng tác nhạc mà lại còn chơi đàn giỏi. Tất nhiên cũng hiểu thêm “nghề riêng” chính là phong cách, là khác biệt nữa. Nguyễn Du dùng chữ “nghề riêng” là cực khen tiếng đàn của Kiều nói chung chứ chưa chắc là cụ Nguyễn Du bảo Kiều chỉ biết chơi mỗi tỳ bà giỏi. Còn “hồ cầm” là đàn tỳ bà hoặc đàn nhị trầm, trùng tên nhưng tỳ bà thì bốn dây, nhị hồ chỉ có hai dây.

Cho nên ai vẽ Kiều chơi tỳ bà cũng hay. Nhưng tôi thích vẽ Kiều chơi đàn nguyệt. Tỳ bà và nguyệt đều là hai trong những nhạc cụ quen thuộc của người Việt. Ví dụ dàn nhạc ở chân tảng, chùa Phật Tích, Bắc Ninh, thế kỷ X. Các nhân vật vừa hát múa vừa sử dụng nhạc cụ: gõ sênh phách, đánh trống, kéo nhị, thổi sáo, gảy đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nguyệt. Riêng nhạc công đàn nguyệt bấm phím bằng bàn tay phải, gảy bằng tay trái, chắc do thuận tay trái? Hoặc các mảng chạm khắc gỗ trên cốn, ván nong ở chùa Thái Lạc, Hưng Yên, thế kỷ XIII cũng có cảnh tiên nữ chơi đàn tranh, tỳ bà và nguyệt. Đặc biệt là bức tranh sơn mài ở đình Lỗ Hạnh, Hiệp Hòa, Bắc Giang dựng năm 1576 vẽ cảnh tám cô tiên, mỗi người một nhạc cụ, đứng trên mây, trong đó có một cô chơi đàn nguyệt (cần dài, hai dây). Hoặc đồ án trang trí đường diềm tám món đồ quý của hoành phi câu đối sơn son thếp vàng, ngoài thanh kiếm, cây bút … thì có tỳ bà, có khi là sáo trúc. Đó là biểu tượng cho âm nhạc thôi, chứ không phải chỉ có tỳ bà và sáo trúc mới quý.

Lần đầu Kiều chơi đàn ấy là buổi tối Kiều “xăm xăm băng lối” sang nhà Kim Trọng, Kim bảo nghe nói Kiều đàn rất hay và muốn Kiều chơi tặng mình một bản, Kiều nhận lời, Kim đưa đàn cho Kiều:

“Hiên sau treo sẵn cầm trăng

Vội vàng sinh đã tay nâng ngang mày”

Ảnh: TTXVN.

Cầm trăng là đàn trăng, đàn nguyệt, đàn trăng rằm, gợi ý tạo hình đẹp! Có đường cong, đường thẳng, có mảng, có nét (bầu đàn, cần đàn).

Khi Kiều buộc phải “bán mình chuộc cha”, mụ mối ép Kiều chơi đàn cho Mã Giám Sinh:

“Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ”

Đấy là lần thứ hai, đàn nguyệt được nhắc đến.

Đàn nguyệt của Trung Quốc có bốn dây, tám đến mười phím và cần đàn ngắn. Khi vào Việt Nam, nguyệt thành đàn tứ. Còn đàn nguyệt của Việt Nam cũng vẫn có từng ấy phím, nhưng chỉ có hai dây và cần đàn dài, dài gấp đôi cần đàn nguyệt Trung Quốc. Đàn nguyệt Việt Nam là một nhạc cụ khác hẳn. Chính vì là một nhạc cụ khác, nên ngay từ hồi thế kỷ XVI, khi những người Minh Hương lưu lạc sang Việt Nam cho đến hôm nay, con cháu họ vẫn chỉ chơi đàn nguyệt của họ, đàn nguyệt cần ngắn, chắc đó là gene? Hơn năm trăm năm rồi chứ ít ỏi gì. Đặc biệt là các cây đàn nguyệt từ thời Lý, Trần, Lê vừa nêu trên đều đã là cây đàn nguyệt của Việt Nam: cần dài, đàn nguyệt – đàn Việt. Có lẽ cần đàn dài thì khoảng cách giữa các phím, nhất là các phím phía trên xa nhau, phím lại cao so với cần, cũng khác với đàn nguyệt Trung Quốc, phím thấp. Mà đàn Việt chỉ có hai dây nên thuận cho việc chơi bằng kỹ thuật nhấn nhá, luyến láy, vê, rung để diễn cảm được đúng tiếng lòng của người Việt, tâm hồn Việt, diễn cảm được thanh điệu của lời ăn tiếng nói Việt vốn đã có sẵn giai điệu trầm bổng ngân nga của huyền sắc hỏi ngã nặng, của thanh không (không dấu). Đó là tiếng của phóng khoáng, tự do, ngẫu hứng, “tiếng” của người Việt. Nghệ thuật nào mà chả là nghệ thuật người. Chả thế mà đàn nguyệt là nhạc cụ chính trong các loại hình âm nhạc cổ truyền từ Bắc xuôi Nam: Chèo, Bát âm, Ca Huế, Cải lương, Đờn ca tài tử. Nhất là hát văn, chỉ duy nhất có đàn nguyệt. Mà hát văn (chầu văn) thì gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng thờ Tứ phủ, tín ngưỡng Đạo Mẫu, đạo của người Việt.

(HNS)