Nghệ sĩ đàn tranh Trí Nguyễn: ‘Cách phổ biến văn hóa Việt Nam còn nhiều thiếu sót’

0
1437

‘Chúng ta đưa văn hóa âm nhạc của mình ra thế giới với cách thức quá ‘khó hiểu’ cho người ngoại quốc, vì không nhắm vào đại chúng’- nghệ sĩ đàn tranh Trí Nguyễn.

“Khán giả biết đến tôi thì tôi rất mừng, nhưng khán giả biết đến âm nhạc Việt Nam, cây đàn tranh, tôi mừng gấp bội. Có tên tuổi trên thị trường quốc tế rất quan trọng, ngoài ý nghĩa với bản thân, đó còn là cách đưa âm nhạc của Việt Nam, văn hóa Việt Nam ra bên ngoài” – nghệ sĩ đàn tranh Trí Nguyễn chia sẻ.

Có nhiều cách bảo tồn văn hóa, âm nhạc truyền thống

Phóng viên: Anh từng nói đến một ước mơ, về một ngày nghệ sĩ quốc tế chơi đàn tranh và mang theo bên mình giống như cây đàn guitar. Nhưng đàn tranh gắn với con người, hồn cốt Việt Nam; hình ảnh một người mắt xanh, tóc vàng ôm đàn tranh có vẻ hơi lạ lẫm?

Nghệ sĩ Trí Nguyễn: Đúng vậy. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể so sánh. Năm 2019, một người tóc vàng, mắt xanh ôm cây đàn tranh có thể rất lạ, cũng như hồi cuối thế kỷ XIX, một người da vàng, mắt đen chơi piano cũng rất là lạ. Tất cả tùy cái nhìn của thời đại, sự quen thuộc hay không.

Tôi nghĩ, vài chục năm nữa, những hình ảnh đó sẽ trở thành bình thường, nếu mọi người mở rộng tầm mắt, dang tay đón nhận văn hóa của nhau. Nếu người Á châu đã có thể đón nhận văn hóa Âu châu, văn hóa Mỹ thì chuyện ngược lại cũng là điều bình thường. Quan trọng là làm sao quảng bá văn hóa Việt Nam, để nó được tiếp nhận.

* Hiện tại, đàn tranh của Việt Nam đang có vị trí thế nào, thưa anh?

– Sau khi nghe tôi chơi đàn, nhiều khán thính giả ngoại quốc nói, đây là một khám phá vô cùng mới mẻ và đẹp đẽ. Có người nói: “Nhạc hay như thế này mà sao hồi đó đến giờ chúng tôi chưa nghe đến?”, hay “Cây đàn này thật tuyệt diệu, có phải đây là cây Koto không?” (koto là nhạc cụ truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản – PV), hay “Lần đầu tiên nghe nhạc này, chúng tôi muốn khám phá thêm”.

Khi nghe như thế, tôi thấy vui vì người ta cảm nhận được âm nhạc Việt Nam, nhưng cũng buồn vì từ trước đến giờ, không thiếu các nghệ sĩ độc đáo trình diễn đàn tranh hay nhạc Việt Nam trên thế giới, mà sao người nghe quốc tế họ không nhớ? Họ còn nhầm đó là cây Koto. Phải chăng, cách phổ biến văn hóa và âm nhạc mình còn thiếu sót? Nhưng cũng mừng là khán giả quốc tế đã dần quen quộc với cây đàn tranh.

Nhiều người mua nhạc của tôi trên iTunes, Amazon hay nghe trên Spotify, Deezer, Apple Music. Họ viết thư cho tôi để khuyến khích thêm. Các bạn đồng nghiệp từng làm việc với tôi thì dần gọi cây đàn tranh Việt Nam bằng hai chữ “đàn tranh”, chứ không gọi là “Vietnamese zither” như trước nữa. Đó là một thắng lợi nho nhỏ cho âm nhạc Việt Nam và cây đàn tranh của mình.

Nghe si dan tranh Tri Nguyen: 'Cach pho bien  van hoa Viet Nam  con nhieu thieu sot'

* Đàn tranh nói riêng và các nhạc cụ dân tộc nói chung thường gắn với sinh thái văn hóa trong nước và cũng có sức sống nhất khi ở trong nước. Trí Nguyễn lại mang đàn tranh ra bên ngoài, phổ biến khắp thế giới. Có hơi ngược đời không, thưa anh?

– Chuyện bảo tồn và phổ biến âm nhạc của mình trong nước là chuyện phải làm. Tôi thì chọn phương án phát huy ra nước ngoài theo cách người nước ngoài tiếp thu được. Có rất nhiều phái đoàn đi lưu diễn nhạc truyền thống Việt Nam trên thế giới. Nhưng khán giả đi xem một lần, bảo là “hay lắm”, nhưng vài ngày hay vài tuần sau họ lại quên. Vì sao? Vì những âm thanh độc đáo đó, giới trẻ Việt Nam bây giờ đôi khi còn nghe không quen, thì người ngoại quốc còn khó quen hơn. Khi nghe nhạc, người nghe phải có sự cảm thông với nguồn âm nhạc.

Khi tôi soạn lại những bài bản cổ truyền của Việt Nam với tứ tấu đàn dây hay những nguồn âm nhạc khác trên thế giới thì đó là “cái câu” để hai nguồn văn hóa có thể gặp nhau và hiểu nhau dễ dàng hơn, vì trong cái của “ta” có chút của “họ”. Khi đó, họ sẽ cảm thụ, khám phá, hiểu được và yêu mến âm nhạc của ta dễ hơn. Khi họ dần quen, họ sẽ tìm kiếm, học hỏi thêm về âm nhạc, văn hóa của Việt Nam sâu xa hơn.

Đưa ra bên ngoài nhưng cách thức quá khó hiểu

* Thời gian qua, một số nghệ sĩ đàn tranh trong nước đã nỗ lực đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới, nhưng hiệu quả chưa được bao nhiêu. Theo anh là vì sao? 

– Chúng ta đưa văn hóa âm nhạc của mình ra thế giới với cách thức quá “khó hiểu” cho người ngoại quốc, vì không nhắm vào đại chúng. Có những bậc thầy như giáo sư Trần Văn Khê, rất giỏi và chuyên về chuyện quảng bá âm nhạc Việt Nam, nhưng chủ yếu nằm trong giới hàn lâm, nghiên cứu hay đại học. Những chuyên gia của Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc… có mặt trong các đại học hàn lâm và xuất hiện cả ở những nhạc hội khắp thế giới, để ai cũng có cơ hội được nghe nhạc. Đưa đến đại chúng là tầm nhìn mà các nước này đề ra.

Khi tham dự những cuộc thi quốc tế như giải Grammy, Independent Music Awards, Global Music Awards, Akademia… tôi rất hãnh diện, nhưng cũng buồn và tủi thân vì Trí Nguyễn là cái tên Việt Nam duy nhất. Trong khi các nghệ sĩ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đông hơn nhiều. Vì thế, tôi luôn phấn đấu để hai chữ “đàn tranh” dần dần sẽ quen tai với các bạn nước ngoài.

Tôi nghĩ, muốn phát huy phải có cái mới, nhưng muốn làm cái mới cho đẹp, cho hay, cho có trình độ thì cái cũ phải thật vững chắc. Tôi mong các vị tiền bối và cả các bạn trẻ tích cực đem âm nhạc Việt Nam ra thế giới hơn, với những cách thức thích hợp với cách chơi và nghe nhạc trên thị trường quốc tế.

Nghe si dan tranh Tri Nguyen: 'Cach pho bien  van hoa Viet Nam  con nhieu thieu sot'

* Anh nổi tiếng ở nước ngoài, nhưng trong nước, cái tên Trí Nguyễn vẫn còn khá xa lạ; thậm chí, có người còn nhầm anh với Johnny Trí Nguyễn…

– Mình làm nghệ sĩ mà chạnh lòng chuyện đó chắc chết quá (cười). Trong các lĩnh vực nghệ thuật, hình ảnh, phim ảnh luôn đi vào tâm trí khán giả dễ hơn âm thanh, âm nhạc. Johnny Trí Nguyễn làm việc trong nước thường xuyên hơn Trí Nguyễn, nên chuyện khán giả biết, nhớ Johnny Trí Nguyễn là chuyện đương nhiên. Để làm nên danh tiếng, nghệ sĩ cần tài năng, cá tính, hình ảnh, nhân phẩm… và truyền thông lẫn báo chí cũng rất quan trọng. Tôi có cái may được báo chí nước ngoài nói đến nhiều nên được người ta biết đến nhiều cũng là chuyện dễ hiểu.

* Hầu hết nghệ sĩ đàn tranh dùng 3 ngón tay để chơi đàn, còn anh dùng 2 ngón. Anh tự làm khó mình hay đó là “ngón nghề” của anh?

– Từ thập niên 1960, 1970 tới giờ, các nhạc sĩ đa phần dùng 3 ngón. Tôi thuộc về trường phái thẩm mỹ xưa, nhấn nhá cũng theo xưa; lại có diễm phúc học được những ngón đàn cổ truyền từ nhạc sư Hai Biểu, nên chỉ dùng 2 ngón, theo xưa, không bị “lai”. Kỹ thuật xưa và kỹ thuật bây giờ khác nhau lắm. Kỹ thuật diễn tấu của cha ông mình rất hay. So với đàn của các nước như Nhật, Hàn thì kỹ thuật nhấn nhá của Việt Nam mình là phong phú nhất, nên tôi luôn quý trường phái xưa và mong có dịp truyền lại kỹ thuật đó.

* Cảm ơn anh. 

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống khoa bảng miền Nam Việt Nam, Trí Nguyễn từ nhỏ đã được thụ hưởng một nền giáo dục nghiêm khắc. Từ 5 tuổi, ngoài việc học chữ ở trường, anh được học song song đàn piano với giáo viên người Pháp và đàn tranh theo đúng phương thức cổ truyền với nhạc sư Hai Biểu. Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP.HCM), Trí Nguyễn tiếp tục theo học piano tại Trường Sư phạm Âm nhạc Paris. Hiện nay, anh là nghệ sĩ duy nhất trên thế giới có khả năng trình diễn tuyệt vời cả hai nhạc cụ là piano và đàn tranh. Những buổi biểu diễn của anh luôn đầy thú vị, bất ngờ nhờ sự kết hợp giữa âm nhạc cổ điển Tây phương với những giai điệu cổ truyền của Việt Nam.

Gia tài âm nhạc của anh gồm các album: Consonnances (Hòa điệu, năm 2014), đoạt giải vàng tại Global Music Awards (GMA) năm 2015 và giải Album được khán giả Mỹ yêu thích nhất ở thể loại âm nhạc cổ truyền Việt Nam và phương Đông; A journey between worlds (Du ngoạn nhân gian, năm 2016), Beyond borders (Vượt qua mọi biên giới, năm 2017), đoạt giải vàng GMA năm 2017, được chọn vào vòng chung kết giải IMA (Independent Music Awards) năm 2018 và lọt vào vòng 1 giải Grammy 2018. Anh cũng là thành viên Hội đồng bình chọn giải Grammy năm 2016.

Dù đã định cư 30 năm tại Paris và được chính phủ Pháp chào đón, Trí Nguyễn vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. “Tôi muốn khi nói đến âm nhạc mà Trí Nguyễn đang chơi là người ta biết đến Việt Nam. Tôi tự hào về nguồn gốc và mong muốn làm hãnh diện âm nhạc Việt Nam, đất nước Việt Nam” – Trí Nguyễn bộc bạch về chuyện không nhập quốc tịch Pháp, dù việc này gây không ít trở ngại về giấy tờ cho anh trong việc lưu diễn thế giới.

A.S (PNO)