Ngắm nhìn nét xuân sắc của “Nhạn trắng Gò Công” Phương Dung năm 17 tuổi

0
1007

Phương Dung chia sẻ niềm vui khi gần đây được tạp chí Harper’s Bazaar mời chụp hình, phỏng vấn, tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19, kế hoạch này phải tạm hoãn lại. Nữ danh ca lộ rõ sự tiếc nuối vì bà luôn mong ước sẽ có cơ hội lan tỏa đến bạn bè quốc tế vẻ đẹp của những chiếc áo dài truyền thống, kín đáo, đầy quyến rũ của Việt Nam. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 78 (9/8/1942), Phương Dung mang đến Người Kể Chuyện Tình một cuốn album ảnh chưa từng được tiết lộ, đó là những bức ảnh bà chụp thời xuân sắc khi tròn 17 – 20 tuổi.

Thuở đôi mươi, danh ca Phương Dung với biệt danh “Nhạn trắng Gò Công” thường mặc những chiếc áo dài mộc mạc. Nét ngây thơ với nụ cười duyên của bà gây thiện cảm với đông đảo khán giả, báo giới thuở đó. Phương Dung trở thành nàng thơ của nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng đương thời, trong đó có Đinh Tiến Mậu – chủ tiệm ảnh Viễn Kính nổi tiếng Sài Gòn trước năm 1975.

Trong những bức ảnh, Phương Dung ở tuổi đôi mươi với kiểu tóc pin-up (tóc sấy phồng, búi cao) đặc trưng vào đầu thập niên 1960. Nhiều người cho rằng, so với thời thiếu nữ, Phương Dung vẫn giữ nguyên vẻ trẻ trung và tràn đầy năng lượng. Hiện tại, bà tận hưởng cuộc sống thoải mái bên 8 người con và luôn chăm sóc, yêu thương bản thân. Để giữ được sức khỏe, sự minh mẫn ở tuổi 78, nữ danh ca luôn duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Đặc biệt, bà không bao giờ thức khuya và luôn duy trì sự vui vẻ, thái độ lạc quan, năng lượng sống tích cực, khiến người hâm mộ càng thêm trân trọng và yêu mến.

Danh ca Phương Dung sinh ra và lớn lên ở Gò Công (Tiền Giang). Bà bắt đầu nổi tiếng từ năm 17 tuổi sau khi trình bày thành công ca khúc “Nỗi buồn gác trọ” của Mạnh Phát – Hoài Linh. Sau đó, nữ danh ca còn nổi tiếng với biệt danh “Nhạn trắng Gò Công” do thi sĩ Kiên Giang đề tặng. Danh hiệu đó luôn đi trước tên thật của bà. Trong suốt khoảng hai thập niên 1960 – 1970, bà cùng với Hoàng Oanh là cặp danh ca nổi tiếng nhất của dòng nhạc trữ tình quê hương. Sau khi kết hôn, bà định cư tại Úc và thỉnh thoảng vẫn tham gia hoạt động văn nghệ tại Mỹ.

Phương Dung từng kể thời điểm bà đi hát sớm, thu nhập từ phòng trà, thu âm, chạy show mỗi tháng lên đến 200 cây vàng. Bà nuôi cả gia đình, phụ giúp dòng họ. Sau này, bà lập gia đình và nghỉ hát. Nữ danh ca kể ông xã có tàu đánh cá, làm tôm đông lạnh xuất khẩu nên bà không có thời gian đi hát. Hơn nữa, lúc đó mỗi năm bà sinh một người con nên thỉnh thoảng mới đi thu âm cho đỡ nhớ nghề. Danh ca Phương Dung tiết lộ người chồng quá cố lớn hơn bà 13 tuổi. Với bà, sự nghiệp ca hát là trên hết nhưng sau khi lập gia đình, bà đã bước lùi lại để chăm lo cho chồng con. May mắn, ông xã hiểu được hy sinh của vợ nên sau này cùng con động viên “nhạn trắng Gò Công” đi hát trở lại.

Hiện tại, danh ca Phương Dung vẫn duy trì đam mê ca hát và sự nghiệp chưa từng đứt đoạn thời gian nào. Có lẽ chính nhờ tình yêu mà nữ danh ca mới duy trì được một sự nghiệp thăng hoa như vậy. Qua bao năm tháng, sắc vóc và giọng hát của Phương Dung vẫn được gìn giữ, đặc biệt là giọng hát không thay đổi theo năm tháng.

Chia sẻ trong hậu trường sau khi thưởng thức các tiết mục của 3 thí sinh Ánh Linh, Kiều Oanh và Dương Kim Ánh với chủ đề nhạc sĩ Hoàng Nguyên, danh ca Phương Dung bồi hồi nhớ về những kỷ niệm với cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên: “Thời đó, anh Hoàng Nguyên là người lớn, còn tôi mới tập tễnh vào nghề. Tôi từng đứng xa xa, len lén nhìn anh ấy. Anh ấy đẹp trai, dễ thương, kín tiếng, có nụ cười quyến rũ. Ngoài “Ai lên xứ hoa đào”, “Cho người tình lỡ”, tôi còn ấn tượng với bài “Đường nào lên thiên thai” của anh đó. Sau đó, tôi nghe anh bị tai nạn và mất khi tuổi đời còn khá trẻ”.

Hiện tại Phương Dung đã trở về Việt Nam phục vụ cho khán giả và tham gia làm giám khảo cho một số cuộc thi ca hát…

Bình Khanh