Nếu Mozart sống lâu hơn

0
1352

Nhà soạn nhạc thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart (1756–1791) qua đời năm 35 tuổi trong sự nghèo túng. Đây là một điều đáng tiếc bởi lẽ ra, nhà soạn nhạc Mozart có thể thừa hưởng được nhiều nhất bộ gene tuổi thọ truyền thống từ gia đình. Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc đã mong muốn hình dung ra trật tự của thế giới âm nhạc sẽ ra sao nếu như Mozart sống thọ như những người trong cây phả hệ của mình.

Cha của Mozart, ông Leopold Mozart, thọ đến 67 tuổi, một độ tuổi hiếm hoi ở châu Âu trong thời kỳ nạn dịch cúm có thể cướp đi bất kỳ sinh mệnh nào. Bà Anna Maria, người mẹ bất khuất của Mozart, dù qua đời do virus cúm khi đang hết lòng chăm sóc đứa con 22 tuổi của mình, thọ 58 tuổi. Chị gái của Mozart, Nannerl, người cũng có tài năng phi thường về âm nhạc như em trai, mất năm 1829 tại Salzburg ở độ tuổi 78, thậm chí sống lâu hơn ông chồng không chính thức người Áo của mình. Mozart qua đời năm 1791 do nhiễm cầu khuẩn chuỗi, thận không bài tiết được, phổi bị viêm vào giai đoạn cuối và bị ảnh hưởng từ nhiều chứng bệnh khác từ thời thơ ấu, khi gia đình đưa ông đi lưu diễn vòng quanh châu Âu, một bi kịch của một thiên tài âm nhạc.

Thật khó tưởng tượng ra lịch sử âm nhạc viết lại như thế nào nếu Mozart sống thọ như chị gái Nannerl của mình. Lẽ ra, ông có thể chết năm 1843, nghĩa là sống lâu hơn Ludwig van Beethoven tới 7 năm và hơn Franz Schubert 6 năm. Điều gì sẽ xảy ra? Có thể lúc đó chất thử nghiệm đầy mạo hiểm trong các bản giao hưởng của Beethoven sẽ mất sạch bong như Mozart vẫn từng làm trong thời kỳ của ông. Điều gì cũng có thể xảy ra và người ta cũng đã từng tưởng tượng ra viễn cảnh cuộc gặp gỡ giữa một Mozart héo hon vì tuổi già với một Chopin trẻ măng mới 19 tuổi, khi nhà soạn nhạc người Ba Lan tới Vienna lần đầu tiên trong chuyến đi ngắn ngày vào năm 1829. Có thể là Mozart già nua sẽ đóng vai trò khán giả trong buổi biểu diễn của Chopin, với chương trình là tác phẩm đầu tiên nhà soạn nhạc trẻ tuổi viết cho piano và dàn nhạc, khúc biến tấu “Là ci darem la mano” từ chính vở opera Don Giovanni của Mozart. Một lần nữa, sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Don Giovanni đối với nhà soạn nhạc trẻ như Chopin có thể sẽ không hoàn toàn giống như Mozart khi ông sống và viết các vở opera.

Nếu tăng thêm tuổi cho cuộc đời của Mozart thì có thể sẽ có thêm nhiều điều ngạc nhiên. Nếu có thêm nhiều thời gian để ngẫm nghĩ, có thể Mozart sẽ thay đổi quan điểm đầy chê bai của ông đối với âm nhạc tại Paris khi được nghe “Symphonie Fantastique” (bản giao hưởng Hoang tưởng) của Berlioz vào năm 1830, trong đợt công diễn đầu tiên. (Vào năm 1778, khi chán nản với đời sống âm nhạc Paris, Mozart đã viết thư gửi cha, trong đó có than thở: “Con sống giữa thế giới âm nhạc đầy sự thô lỗ, cục cằn.”)

Để đưa ra một kết luận có phần xác thực, các nhà nghiên cứu âm nhạc đã xem lại sự nghiệp của nhà soạn nhạc người Áo này, đặc biệt vào các tác phẩm cuối đời. Mozart được yêu mến ở khắp mọi nơi trên thế giới qua tất cả các tác phẩm của mình, nhưng có thể thấy rõ ràng là trong những tác phẩm viết vào giai đoạn cuối của ông có nhiều nét sáng tạo độc đáo vượt trội, thể hiện theo 2 hướng là opera và symphony. Đó là tất cả tiến trình của một sự chiêm nghiệm thuần túy. Bộ ba tác phẩm nổi tiếng Le Nozze di Figaro (Đám cưới Figaro), Don Giovanni và Così Fan Tutte (Đàn bà là như thế) được Mozart phổ nhạc trên phần lời của người cộng sự Lorenzo Da Ponte đã đưa Mozart vào vị trí bậc thầy trên sân khấu nhà hát. Bằng ba vở diễn này, Mozart đã truyền tải chất hài hước, hóm hỉnh vào thể loại opera, vốn từ lâu đã là thánh đường của sự phức hợp, sâu sắc và uy nghi. Mozart đã khéo léo cân bằng được chất hài hước với yếu tố bi thảm một cách tự nhiên đến kỳ lạ. Sự phi thường khó nắm bắt trong âm nhạc của Mozart đã đem lại cho các thế hệ khán giả những cảm xúc đa chiều qua các màn kịch. Nhà phê bình âm nhạc Virgil Thomson đã từng viết về Don Giovanni trên The New York Herald Tribune với bài viết “Chủ nghĩa cánh tả của Mozart”. Bình luận về quan điểm của Mozart, Thomson viết: “Sự cân bằng giữa mối đồng cảm và năng lực quan sát rõ ràng đến lạ thường. Don Giovanni là một trong những vở diễn hài hước nhất và bi thảm nhất. Ở trong đó gói ghém tất cả tình yêu, bài học về sự tiêu khiển đến đánh mất cả luân lý, phẩm hạnh”. Còn với hai vở opera cuối cùng Die Zauberflöte (Cây sáo thần) và La clemenza di Tito (Sự nhân từ của Tito) như một sự thỏa hiệp đầy ý nghĩa giữa xu hướng của các nhà soạn nhạc thế hệ Handel trước Mozart và thế hệ Verdi sau Mozart. Die Zauberflote là câu chuyện thần tiên về tình yêu và sự hài hước với nhân vật anh chàng bẫy chim Papageno còn vở opera cuối cùng La clemenza di Tito sáng tác năm 1791, vốn viết để chúc mừng lễ lên ngôi vua xứ Bohemia của Leopold II tại Prague, Mozart đã truyền tải quan điểm về tình yêu, sự nghi ngờ, lòng ghen tuông, âm mưu thù hận và cả sự cao thượng… Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu Mozart sống thêm một thập kỷ nữa, ông có thể tìm kiếm nhiều hơn chất bi kịch và đào sâu sự hài hước như đề tài của hai vở opera này.

Khí nhạc, một nhánh khác trong các tác phẩm cuối đời của Mozart, cũng được các nhà phê bình âm nhạc chú ý. Các tác phẩm khí nhạc của Mozart bao hàm sự đào sâu sáng tạo ngày càng tăng với yếu tố nhạc tố và kỹ thuật, đặt nền tảng cho sự phát triển. Sự phát triển của chủ nghĩa cổ điển thành Vienna đã cho phép một nhà soạn nhạc thành công từ việc sáng tạo ra nhạc tố chính, kết nối các phần nhỏ trong tác phẩm theo một chủ đề mang tính chủ đạo. Đó là hình thức sonata, được thể hiện rất rõ trong các bản giao hưởng của chủ nghĩa cổ điển. Haydn, một bậc thầy về kỹ thuật này, đã từng dạy Beethoven và chính Beethoven đã tiếp tục con đường sáng tạo của Haydn cho đến cuối cuộc đời mình. Mọi khán giả thường không có ý thức theo dõi sự phát triển của nhạc tố trong các tứ tấu đàn dây của Haydn hoặc giao hưởng của Beethoven. Dẫu vậy, sự lấp lánh chói sáng của hình thức sonata đã được Beethoven sử dụng đầy kiên định trong Giao hưởng “Eroica” với 4 chương nhạc, đã đến với người nghe, dù bằng tiềm thức, một cách nguyên vẹn và đầy đủ.

Mozart là một mắt xích quan trọng của kỷ nguyên Cổ điển. Con đường sáng tạo của ông không hề dễ dàng như nhiều người vẫn tưởng, dù cho ông được trời phú cho món quà của giai điệu, một khả năng thẩm âm tuyệt vời về sự hài hòa và sự làm chủ trong nghệ thuật đối âm. Và một cách tự nhiên, Mozart đã trở thành bậc thầy của sân khấu. Các bản concerto, tứ tấu đàn dây hoặc giao hưởng và những bản sonata của Mozart cũng đều được sáng tác một cách tự nhiên như các vở opera. Nhưng trên thực tế, Mozart đã phải lao động hết sức cực nhọc và vất vả để có được điều này. Trong lời đề tặng 6 tứ tấu đàn dây cho nhà soạn nhạc Haydn năm 1785, Mozart có viết “Đó là quả ngọt của quá trình lao động cực nhọc và kiên trì”. Người vợ của Mozart, Constanze, đã từng cảnh báo người chồng tài năng của mình là có thể sẽ phải chết vì làm việc quá vất vả, và thực tế thì bà đã có lý…

Đã có nhiều cuộc truy tìm nguyên nhân vì sao, trong mùa hè năm 1788, Mozart đã đồng thời viết lên 3 bản giao hưởng cuối cùng: số 39 giọng Mi giáng, số 40 giọng Son thứ và số 41 “Jupiter” giọng Đô trưởng. Qua các cuộc tranh luận của các học giả âm nhạc, có thể thấy Mozart không sáng tác theo lời yêu cầu nào, cũng không để cho buổi trình diễn nào. Vậy thì tại sao ông lại sáng tác 3 bản giao hưởng này? Cuối cùng, có một ước đoán có vẻ xuôi tai hơn cả là Mozart muốn kết thúc một cách hoàn hảo phần kỹ thuật trọng yếu của chủ nghĩa cổ điển. Với 3 tác phẩm này, phần công việc của Mozart với lịch sử âm nhạc như vậy đã được coi là trọn vẹn. Điều đó được thể hiện rõ đặc biệt bản số 41 “Jupiter”, tuy thật khó khăn để trình bày cặn kẽ vấn đề này bằng con chữ. Các nhà phê bình âm nhạc cho rằng, nếu không có “Jupiter” sẽ không thể có được những cách tân táo bạo về hình thức và nội dung tư tưởng trong các bản giao hưởng của Beethoven sau này.

Người ta có thể dễ dàng hình dung ra vị trí dẫn đầu như một bậc thầy sáng tạo của Mozart. Với sáng tạo của mình, Mozart đã đóng góp lớn vào tiến trình phát triển của chủ nghĩa Cổ điển. Nhưng dường như tất cả mới chỉ bắt đầu, bởi nếu cuộc đời Mozart kết thúc ở độ tuổi 50, có thể sự nghiệp sáng tác của ông sẽ có nhiều thay đổi lớn lao hơn. Vì thế, cái chết ở tuổi 35 của Mozart thực sự là một mất mát lớn với âm nhạc cổ điển.

(HNS)