Khóa Sol diệu kỳ của nhà cổ nhân học

0
611
Cuốn “Nhật ký trên khóa Sol” tỏa ra những giai điệu trẻ trung, năng động. Ảnh: Bình Thanh.

PGS.TS cổ nhân học, nhạc sĩ Lân Cường vừa “trình làng” cuốn sách ca khúc, hợp xướng chọn lọc mang tên “Nhật ký trên khóa Sol” do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành.

Hướng đôi mắt lấp lánh niềm vui, nhà khoa học mang tâm hồn nghệ sĩ ấy bảo, đây là một trong hai sự kiện ông cố gắng thực hiện trong năm nay để tổng kết lại chặng đường hoạt động âm nhạc đầy thú vị trong suốt cuộc đời làm khoa học của mình.

Hào sảng mà lắng sâu

Câu chuyện âm nhạc mà Lân Cường kể trong cuốn “Nhật ký trên khóa Sol” dày hơn 300 trang có sức hấp dẫn và lôi cuốn, tỏa ra từ những giai điệu được viết bằng tâm hồn trẻ trung, năng động, nhiệt huyết của một nhà khoa học mang tâm hồn nghệ sĩ.

Đó là những bài ca, những bản hợp xướng hào sảng mà lắng sâu về đất nước, anh hùng dân tộc, những lực lượng tiên phong trên tuyến đầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiêu biểu như: “Tiếng ca trên bè gỗ“, “Book Hồ sống mãi với lũ làng”, “Vị tướng của lòng dân” “Bài ca địa chất”, “Lá phiếu ngày bầu cử”, “Cảm xúc Hoàng thành”, “Chào Hà Nội! Tôi lên đường nhập ngũ”, “Dấu chân trên những miền hoang”, “Kể chuyện 10 dũng sĩ trên ngọn đồi không tên”, …

Thật thú vị khi hợp xướng “Tiếng ca trên bè gỗ” được Lân Cường viết lúc đang ngồi trên ghế nhà trường (Trường Phổ thông 3A – nay là Trường THPT Việt Đức). Khi đó, cảm xúc về quê hương đất nước trong những năm tháng đầy gian khó vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội (miền Bắc) vừa kháng chiến chống Mỹ (miền Nam) của chàng trai 19 tuổi Lân Cường sao mà tự hào, kiêu hãnh trong từng con chữ, nốt nhạc: “Hồng Hà cuốn bè gỗ trôi. Ánh nắng mai chiếu rực đôi bờ.

Nhịp nhàng vui vui bao nhiêu trai gái rộn ràng vui kiến thiết. Chung tay rộn ràng kiến thiết. Chung tay đắp xây quê nhà tươi sáng. Mau thống nhất quê hương của chúng ta. Mau thống nhất quê hương miền Nam…”.

Còn gì vinh hạnh hơn khi bản hợp xướng vừa ráo mực đã được nhà trường chọn tham dự hội diễn của sinh viên và học sinh toàn thành phố Hà Nội. Nhà trường còn cử chính tác giả phối cho dàn nhạc cũng như dàn dựng, chỉ huy biểu diễn và kết quả là “rinh” về giải Nhất.

“Tôi bắt đầu viết ca khúc từ năm 1959 với tác phẩm đầu tay “Tiếng hát bản Mường” và đã giành Huy chương Bạc khi được tốp ca nữ của Trường Phổ thông Lý Thường Kiệt thể hiện tại cuộc thi toàn thành phố Hà Nội, mà trong tốp ca ấy có cả cô học sinh Diệu Thúy, mà sau này trở thành Nhà giáo Ưu tú, Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội (tiền thân của Nhạc viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Niềm vui này trong tôi càng nhân lên gấp bội với thành công của hợp xướng “Tiếng ca trên bè gỗ”. Đấy là niềm hạnh phúc, hưng phấn thật khó diễn tả về những “lần đầu tiên” của một học trò viết nhạc: Lần đầu tiên viết hợp xướng, lần đầu tiên trở thành nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc, dàn hợp xướng cả trăm người…”, PGS.TS, nhạc sĩ Lân Cường hạnh phúc nhớ lại.

Với hợp xướng 3 chương “Bài ca người địa chất”, hẳn rằng, không ít người phải ngạc nhiên khi một nghề khô khan, cứng nhắc như địa chất bỗng trở nên lãng mạn, bay bổng trên giai điệu, lời ca của anh cán bộ khảo cổ.

Bắt đầu từ “Tiếng hát trên đèo Lũng Lô” (chương 1), mở ra những vùng đất mới cần khám phá: “Qua những miền không còn dấu chân…”, lắng đọng những câu chuyện sum vầy của người dân bản xứ: “Này này mấy cán bộ ơi! Ghé đây thăm dưới mái nhà sàn. Đây sắn lùi cán bộ “kín” đi, đây rượu cần cán bộ “oóng” đi…”. Để rồi, đoàn quân địa chất hăng say khám phá: “Ta cứ khoan vào sâu lòng đất. Mặc nắng hè cháy xém thịt da… (Ta cứ đi – chương 2).

Và cuối cùng sau bao nhọc nhằn, gian khó đoàn quân địa chất bắt gặp “Niềm vui” (chương 3) vì “một mỏ mới tìm ra”: “Đồng chí ơi khắp đất nước sẽ truyền tin vui. Về với phương Nam, từ Trường Sơn tới Cà Mau… Tin vui bay tới Thủ đô… Tổ quốc mai ngày một nhà máy mới mọc lên. Non nước tươi đẹp. Kìa bình minh đang lên…”.

Không ít bộn bề, ngẫm suy…

PGS.TS, nhạc sĩ Lân Cường là nhà khoa học mang tâm hồn nghệ sĩ. Ảnh: NVCC.

Thật xúc động biết bao khi trong những ngày cả nước vẫn tiếp tục đồng lòng chống dịch Covid-19, ta được nghe câu hát: “Chiều nay nếu anh không về, đừng buồn và lo âu quá. Chiều nay chắc anh không về, vì Tổ quốc gọi tên anh.

Em thấy không cơn dịch đang lan nhanh… Chiều nay chúng anh lên đường, cùng đồng đội mang áo trắng. Hiểm nguy vẫn luôn sẵn sàng. Vì Tổ quốc gọi tên anh…”. Đó là ca từ của ca khúc “Chiều nay nếu anh không về” được nhạc sĩ Lân Cường viết (phỏng theo ý thơ Vũ Tuấn) ngay trong đợt đầu dịch Covid-19 hoành hành, năm 2020.

Nhạc sĩ Lân Cường bảo, hơn 60 năm nay ông có thói quen ghi nhật ký bằng âm nhạc. Ca khúc “Chiều nay nếu anh không về” cũng là một trang nhật ký ông muốn ghi bằng cả tình yêu mến và lòng tri ân đến những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch.

Và, cuốn sách tuyển chọn ca khúc, hợp xướng bao chứa chuỗi câu chuyện về cuộc sống tươi đẹp mà không ít bộn bề, ngẫm suy; về những con người nhỏ bé, mến yêu mà không ít khát vọng, ước mơ, hoài bão… được ông đặt tên là “Nhật ký trên khóa Sol” cũng vì lẽ đó.

Đó còn là những trang nhật ký chan hòa niềm vui khi đội bóng nước nhà giành chiến thắng trên đấu trường quốc tế trong “Trên đỉnh cao vinh quang”, “Việt Nam chiến thắng”; trang nhật ký dí dỏm kể câu chuyện một em bé “lêu lêu” bố sao không tuân thủ luật giao thông trong “Đèn đỏ thì dừng, đèn xanh mới đi” và cả trang nhật ký “Đua xe” ghi trực tiếp cảnh đua xe để rồi gióng lên hồi chuông cảnh báo cho giới trẻ…

Hay như, nguồn cơn để Lân Cường viết hai ca khúc “Chú bộ đội dạy cái chữ cho em”, “Con thích làm nghề gì?” với giai điệu trìu mến, yêu thương là từ kỷ niệm những lần ông công tác ở làng Đắk Mế, xã Bờ Y, Ngọc Hồi, Kon Tum và bản Tu San, xã Tà Mung, Than Uyên, Lai Châu.

Dịp đó, ông đã hỏi các em bé mà ông gặp là thích làm nghề gì thì đều nhận được câu trả lời các em thích làm cô giáo. Em bé dân tộc Brâu ở Kon Tum thì lý giải là vì muốn dạy cho trẻ em của lũ làng biết đọc, biết viết. Còn em bé ở Lai Châu thì kể, cô giáo miền xuôi không lên, toàn các chú bộ đội dạy chữ cho các em.

Nhất là, trang nhật ký “Về đi em” được ghi lại từ cảm xúc ngay sau khi ông đến Trại cai nghiện 05-06 và nghe bệnh nhân B.N kể về cuộc đời  mình: “Về đi em, phía trước là tình người, là quê hương của em.

Về đi em, nơi ấy mẹ từng giờ mong tin em. Giọt nước mắt trên gò má, không quên em như những năm nào. Mẹ thức trắng đêm đan cho em tấm áo mới…”. Viết xong ca khúc, nhạc sĩ Lân Cường đã gửi tới B.N. Sau đó, ông bất ngờ nhận được thư của B.N: “Thầy Lân Cường kính mến!… Chúng em gồm 13 người chụm lại đọc bức thư của thầy, chúng em đã bật khóc… Sau khi đọc lời bài “Về đi em” em cảm thấy mình có lỗi nhiều lắm, đã phụ lòng tin yêu của mọi người. Mình cần phải có lý trí, cần phải từ bỏ nó, không thể để nó rình rập hại mình nữa…”.

“Với mỗi người sáng tác, còn niềm hạnh phúc nào hơn khi tác phẩm của mình làm lay động trái tim và thức tỉnh những người lầm lỡ trở về hoàn lương? Tôi thấy mình thật may mắn”, nhạc sĩ Lân Cường hạnh phúc chia sẻ.

Là một nhà cổ nhân học lúc nào cũng bận rộn với công việc nghiên cứu di cốt người cổ ở Việt Nam (ông đã nghiên cứu được khoảng 800 di cốt), vậy nhưng nhạc sĩ Lân Cường vẫn luôn dành thời gian sáng tác ngay trong lúc làm công tác khảo cổ và cả những lúc đang… đi trên đường, ngồi quán nước xé miếng bìa cát tông để ghi nhật ký bằng nhạc như thế.

Bởi vậy, vừa tròn tuổi 80, bằng khóa Sol diệu kỳ, nhà cổ nhân học này đã cống hiến cho khán giả cả trăm ca khúc, hợp xướng, thậm chí còn phối âm cho hai bản hợp xướng “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi), “Lời ru trên nương” (thơ: Nguyễn Khoa Điềm, nhạc: Trần Hoàn).

Những tưởng nhạc sĩ Lân Cường đã tạm gác bút để dành thời gian hoàn thành 3 chương: “Dưới cờ khởi nghĩa Lam Sơn”, “Nỗi oan Lệ Chi Viên”, “Sống mãi với non sông” của bản giao hưởng lịch sử “Nguyễn Trãi” mà ông ấp ủ mấy năm qua.

Thế nhưng mới đây, ông bất ngờ công bố ca khúc “Sau lời tuyên thệ” (lời: Lê Cảnh Nhạc, Lân Cường) hưởng ứng cuộc thi sáng tác ca khúc “Hát lên Việt Nam” của VOV.

Điều thú vị là ca khúc này không chỉ là lời ngợi ca về Đảng quang vinh mà còn đặt ra câu hỏi: Sau lời tuyên thệ mỗi đảng viên sẽ làm gì để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, của nhân dân và đất nước?

Theo nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, ông đã rất bất ngờ khi Lân Cường chọn bài thơ khó nhất để phổ nhạc một cách ngọt ngào mà ôm chứa không ít điều cần trăn trở.

“Một điều đáng trân quý ở Lân Cường là ông luôn gắn với cuộc sống, bám sát cuộc sống, cháy với cuộc sống. Để có thể viết về cuộc sống và làm sao toát được hơi thở cuộc sống để mọi người nghe và cảm được, rung động được là điều rất khó.

Vậy mà, sự rung động của nhạc sĩ Lân Cường đã chạm đến trái tim của mọi người, chạm đến những vấn đề nóng hổi cuộc sống, chính điều đó đem đến cho sáng tác của anh sức trẻ không bao giờ phai nhạt”, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc bày tỏ.

PGS.TS cổ nhân học, nhạc sĩ Lân Cường sinh năm 1941, quê ở Mỹ Hào, Hưng Yên, là một trong 8 người con tài danh của NGND Nguyễn Lân. Tốt nghiệp Khoa Sinh vật Trường Đại học Tổng hợp, ông về công tác tại Viện Khảo cổ học cho đến khi nghỉ hưu. Song hành với công tác nghiên cứu khoa học, Lân Cường còn miệt mài viết nhạc dù không chính thức qua trường lớp đào tạo chính quy nào.

Theo PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Lân Cường sáng tác nhiều thể loại, từ hợp xướng, ca khúc cho các đối tượng: Thanh niên, sinh viên, công nhân, nông dân, chiến sĩ, bác sĩ, nhà giáo…, những bài ca xúc động về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những bài ca hữu nghị.

Chất âm nhạc của ông toát lên tính trẻ, yêu đời, lạc quan… “Những sự việc đã qua, những con người đã gặp được anh ghi nhớ, nghiền ngẫm và ghi chép vào quyển nhật ký bằng âm thanh để chuyển thành hình tượng, giai điệu, kết tinh thành những bài ca chân thực, lắng đọng, chạm đến tình cảm người nghe. Địa chỉ mà anh hướng tới là công chúng yêu nhạc từ người già cho đến em thơ”, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.

Bình Thanh (HNS)