Gỡ tiếng oan “nhạc ăn xin” cho xẩm

0
1286
Nhóm xẩm Hà thành.

“Biết bao lần, họ ném cho tôi những đồng xu lẻ rồi xua đuổi, chửi mắng. Những lúc ấy, tôi nhã nhặn trả lại tiền cho họ và nói: Tôi đi hát chứ không phải đi ăn xin. Tôi luôn giữ tự trọng và giữ nét đẹp của nghệ thuật hát xẩm”, ông Nguyễn Văn Gia – nghệ nhân hát xẩm tàu điện đất Kinh kỳ bùi ngùi.

Điệu hát đường phố hơn 700 tuổi

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Gia (Phú Đô, Hà Nội), hát xẩm ra đời từ rất sớm, từ thời nhà Trần cách đây hơn 700 năm. Tương truyền, tổ nghề hát xẩm là thái tử Trần Quốc Đĩnh – một trong hai người con trai của vua Trần Thánh Tông.

Nửa đầu thế kỷ 20 về trước, hát xẩm thường là các nhóm đi khắp chốn cùng quê, hay trên những chuyến tàu điện. Sau này, hát xẩm chủ yếu dành cho người khiếm thị ở miền Bắc nước ta. Nhờ có xẩm mà “những người khiếm thị như chúng tôi luôn tìm được sự lạc quan, niềm vui sống”.

Người hát trải chiếu xẩm quanh những khu chợ đông người qua lại, hoặc lên tàu, xe để hát kiếm tiền. Những câu hát xẩm thường do các nghệ nhân tự sáng tác hoặc theo các bài ca dao lưu truyền trong dân gian.

Ca từ của xẩm thể hiện các vấn đề nóng của xã hội, của cuộc sống, thể hiện tâm tư, tình cảm của nhân dân, đả kích thói hư, tật xấu của con người. Những chuyến tàu điện đến và đi đã trở thành không gian diễn xướng lý tưởng cho xẩm – loại hình âm nhạc đường phố “độc nhất vô nhị”.

Mỗi khi đến trạm tàu điện hay ngồi trên các toa tàu, hành khách lại được nghe những người nghệ sỹ cất giọng hát trầm bổng tha thiết cùng tiếng nhị, tiếng phách đồng hành trên mọi tuyến đường. Suốt gần một thế kỷ tồn tại, xẩm tàu điện đã trở thành món ăn tinh thần và lưu dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân Hà thành.

Cụ Gia bồi hồi: “Hát xẩm với những giọng hát mộc mạc được cất lên trên những chuyến tàu điện leng keng. Sau gần một thế kỷ gắn bó với người dân Hà Nội, năm 1992, xẩm tàu điện đã chính thức từ giã phố phường và mang theo tất cả những ký ức đất Kinh kỳ”. Chẳng còn đất diễn, cụ Gia lại mang “đồ nghề” về hát cho bà con chòm xóm nghe cho đỡ nhớ.

Không phải ngẫu nhiên cụ Gia được Trung tâm Văn hóa âm nhạc nghệ thuật Việt Nam công nhận là nghệ nhân hát xẩm tàu điện, coi như một “pho sử sống về xẩm tàu điện”. Cụ được Hội Âm nhạc Việt Nam trao Bằng khen vì đã đóng góp tích cực trong việc sưu tầm, phục hồi và phát huy nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Những bạn hát xẩm tàu điện của cụ thời xưa, người còn, người mất, nhưng chẳng ai níu kéo hay còn đắm say điệu hát hơn 700 tuổi này.

Nhưng cụ có nỗi buồn, nỗi lo hơn nỗi lo cơm gạo áo tiền, đó là thế hệ nối nghiệp hát xẩm. Quá yêu quý làn điệu xẩm, cụ sẵn sàng truyền nghề, dạy hát, dạy đàn miễn phí cho những ai nặng lòng với môn nghệ thuật dân gian này.

Nhưng theo cụ, bây giờ, có không ít bạn trẻ chỉ học hát xẩm theo trào lưu. Cụ từng được mời giảng dạy các học viên theo học ở các trường nhạc. Rất hiếm người chuyên tâm học hành, đa phần chỉ học để lấy “le”. Họ học cấp tốc vài ba làn điệu rồi “lòe” thiên hạ. Họ còn bảo: “Chỉ học thế thôi, học nhiều làm gì loại nhạc “đám ma”, nhạc “ăn xin” này”.

Lẫn trong tiếng nhạc, vẫn là lời hát buồn man mác: “Mặt nước cánh bèo, bấy lâu nay mặt nước cánh bèo. Đã từng lưu lạc, đã từng lưu lạc để nhiều điều vất vả gian truân”. Lời ca, giọng hát ngậm ngùi, lênh đênh và buồn thương như chính cuộc đời người hát.

Gỡ tiếng oan nhạc “ăn xin”

Nghệ sĩ – nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết: “Nhiều người đánh đồng hát xẩm với ăn xin nhưng trên thực tế, xưa nay, người hát xẩm không xin ăn mà sống bằng những đồng tiền thưởng từ công chúng. Trước khi được thưởng, người hát phải chinh phục bằng tiếng đàn và lời ca như câu hát nổi tiếng: “Ai ơi thương kẻ dở dangMiệng ca tay gẩy khúc đàn tương tư”.

Nửa đầu thế kỷ 20 về trước, hát xẩm thường là các nhóm đi khắp chốn cùng quê. Hầu như nhóm nào cũng có ông trùm là người khiếm thị… Và nhất thiết phải dùng từ chuyên nghiệp cho người hành nghề này.

Họ dùng tiếng hát để kiếm sống. Tính chuyên nghiệp còn ở chỗ, nghề hát xẩm mang tính tổ chức – các gánh xẩm kết nối với nhau và chịu sự chi phối của những “ông trùm” chứ không hoạt động đơn lẻ”.

Với mong muốn phục dựng bộ môn hát xẩm, nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa cùng một số các nghệ sĩ trẻ tài năng và tâm huyết với nghệ thuật dân gian như nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, nhạc sĩ Giáng Sol, nghệ sĩ Khương Cường… thành lập ra nhóm Xẩm Hà thành.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, thành viên Câu lạc bộ Xẩm Hà Thành, cho biết: “Việc bảo tồn nghệ thuật hát xẩm mới dừng lại ở việc giữ lại cho dân tộc những nét đặc trưng của một loại hình nghệ thuật quý. Hát xẩm trước đây có 20 làn điệu nhưng bị thất truyền. Xẩm Hà thành mới chỉ khôi phục được khoảng 10 làn điệu. Trong những lúc đi biểu diễn, chúng tôi cố gắng tái hiện lại không gian ảo của nghệ thuật hát xẩm”.

Ngoài việc kết hợp xẩm với các loại hình nghệ thuật hiện đại như hiphop, beatbox, nhóm còn cho ra đời các tác phẩm mới mang hơi thở thời đại như “Xẩm Tiễu trừ cướp biển”, “Xẩm Trà đá” bàn chuyện thời sự, hay là “Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội”, Xẩm “Đường lưỡi bò”…

Đặc biệt, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa còn phối hợp Trường Đại học Temple (Mỹ) thu thập dữ liệu để số hóa một số bản ký âm về xẩm.

Đến nay, những ai yêu thích với nghệ thuật xẩm có thể truy cập vào trang thông tin của nhóm xẩm Hà thành để học. Tuy thời gian dạy online chưa được lâu, nhưng Mai Tuyết Hoa đã kiếm tìm được những nhân tố hát xẩm độc đáo từ khắp các vùng miền của cả nước, kể cả những học viên là người nước ngoài.

Hạnh phúc về điều này, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa nói: “Điều tôi thấy hay nhất ở xẩm là tính cộng đồng, không phân biệt già trẻ, gái trai, tầng lớp trí thức hay tiểu nông… Xẩm là nhân dân, là gắn kết con người lại với nhau, tạo nên tính lạc quan như chính bản chất âm nhạc của xẩm. Những ai mệt mỏi hãy đến với xẩm, họ sẽ tìm thấy được sự đồng cảm trong đó”.

B.T (HNS)