Tuy là lĩnh vực nghệ thuật không mấy thu hút đông đảo khán giả ở Việt Nam, nhưng nhờ những nỗ lực tổ chức các chương trình, dự án, hoạt động hòa nhạc giáo dục của giới nghề, âm nhạc cổ điển đang dần được gieo mầm tình yêu trong cộng đồng. Từ đây, nhiều cơ hội được mở ra, đưa thể loại âm nhạc này ở Việt Nam tiến xa, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.
Mở đường khám phá
Đêm hòa nhạc giáo dục VYMI EduConcert “Classical Wonderland” do Học viện Âm nhạc trẻ VYMI tổ chức, diễn ra trong tháng 7 tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã đem lại trải nghiệm khó quên với cả những người yêu nhạc cổ điển và những người ít tiếp cận với thể loại âm nhạc hàn lâm này.
Ngay trên chiếc vé mời miễn phí của chương trình, khán giả có thể dùng điện thoại thông minh quét mã QR để xem clip giới thiệu về âm nhạc cổ điển. Và khi ngồi ở khán phòng, người xem thích thú như bước vào một không gian sống động, tràn ngập sắc màu của âm nhạc cổ điển qua những tác phẩm “Lễ hội muông thú”, “Hang động của vua Núi”, “Điệu nhảy Hungary số 5”, “Điệu nhảy Tritsch”, với sự góp mặt của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà và 5 tài năng piano trẻ được tuyển chọn trước đó cho chương trình.
Đồng hành trong suốt đêm hòa nhạc, nhà giáo dục âm nhạc, nghệ sĩ piano Trang Trịnh – người kiến tạo và xây dựng chương trình “Classical Wonderland”, giới thiệu những kiến thức hấp dẫn về âm nhạc cổ điển, các loại nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng và cách mà chúng tạo ra không gian kỳ diệu cho khán giả thưởng thức…
Có mặt trong buổi hòa nhạc, chị Tạ Minh Huyền (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cùng con gái Phạm Diệu Ly (12 tuổi) hào hứng chia sẻ: “Tôi đã có một hành trình trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời và có lẽ sẽ trở thành khán giả trung thành của âm nhạc cổ điển. Âm nhạc cổ điển rất gần gũi, sinh động như cuộc sống vậy”.
Trở về từ Mỹ với bằng Tiến sĩ biểu diễn nghệ thuật và kinh nghiệm hoạt động giảng dạy âm nhạc, nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc dành thời gian để thực hiện ước muốn lan tỏa âm nhạc cổ điển bằng cách sáng lập và điều hành dự án “Schubert in a Mug”, gồm chuỗi các buổi trình diễn kết hợp trò chuyện về âm nhạc cổ điển một cách tự nhiên, gần gũi với quy mô vừa và nhỏ tại Hà Nội. Đã qua 16 số, “Schubert in a Mug” dù chỉ diễn ra ở không gian nghệ thuật, quán cà phê nghệ thuật, nhưng luôn được khán giả đón đợi và thường xuyên hết vé trước ngày biểu diễn.
Mấy năm qua, tại Hà Nội, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) cũng bền bỉ phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức những chương trình hòa nhạc giáo dục miễn phí. Có thể kể đến là chương trình hòa nhạc “Mặt trời, mưa và chuyến đi của Pum” (6-2019), hòa nhạc giáo dục “Chú cá voi lưng gù” (8-2019), hòa nhạc giáo dục “Vườn cây của An” (12-2020), hòa nhạc trò chuyện “Storia dell’amore” (4-2021), hòa nhạc kể chuyện “Bé tre biết chạy” (5-2022)… Ở đó, các nghệ sĩ nổi tiếng của âm nhạc cổ điển Việt Nam, như: Đồng Quang Vinh (chỉ huy, sáo), Đinh Hoài Xuân (cello), Nguyễn Ly Hương (sáo), Nguyễn Hằng (soprano), Quang Công (tenor), Huy Phúc (piano)… biểu diễn, chia sẻ về nội dung, ý nghĩa các tác phẩm cổ điển thế giới và Việt Nam…
Chương trình “Schubert in a Mug” do nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc thể hiện nhằm lan tỏa âm nhạc cổ điển.
Hướng tới cộng đồng yêu nhạc hàn lâm
Ở Việt Nam, những chương trình hòa nhạc cổ điển luôn kén khán giả đại chúng. Song, vẫn có nhiều người từ chối lời mời hấp dẫn từ những môi trường hoạt động âm nhạc hàn lâm quốc tế để trở về Việt Nam với ước mơ đưa thể loại này đến gần khán giả đại chúng, nhất là khán giả trẻ. Bởi, hơn ai hết, họ biết được tác dụng của âm nhạc giao hưởng thính phòng đối với việc giáo dục và nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ của mỗi người.
Nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc cho biết, anh quyết định trở về nước hoạt động từ những lần biểu diễn trong khán phòng có đông khán giả trẻ – điều mà nhiều quốc gia khác không có được. “Tôi cảm thấy nguồn năng lượng, triển vọng phát triển âm nhạc cổ điển nước nhà. Nhưng để duy trì và thu hút nhiều hơn, cần có những chương trình giáo dục âm nhạc thông qua biểu diễn, trò chuyện về tác giả, tác phẩm, nhạc cụ thật gần gũi, thân thiết với khán giả”, nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc chia sẻ.
Chung quan điểm, nhà giáo dục âm nhạc Trang Trịnh cho hay: “Chúng tôi muốn kiến tạo những chương trình trải nghiệm học tập về âm nhạc cổ điển có sự hướng dẫn cùng hoạt động trực quan dành cho cả những người mới bắt đầu và những người yêu âm nhạc cổ điển lâu năm. Hòa nhạc giáo dục VYMI EduConcert “Classical Wonderland” là một chương trình như thế. Tôi tin rằng, khi khán giả được biết, được tìm hiểu, tình yêu âm nhạc cổ điển sẽ như một mầm cây gieo vào trái tim mỗi người”.
Tham gia cố vấn cho các chương trình hòa nhạc giáo dục tại Việt Nam, nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Jan Karlin (Mỹ) – người 2 lần đoạt giải Grammy cho rằng, không chỉ hướng tới thưởng thức vẻ đẹp của các tác phẩm âm nhạc, sứ mệnh lớn nhất của hòa nhạc giáo dục là mở ra cho mọi người ở mọi lứa tuổi và hoàn cảnh cơ hội tìm hiểu, khám phá âm nhạc. Thông qua việc cung cấp tài liệu, kiến thức cơ bản hay hoạt động thực hành ngay tại buổi biểu diễn, chương trình hòa nhạc giáo dục sẽ tạo làn sóng lan tỏa tình yêu âm nhạc cổ điển. Mỗi người trải nghiệm sẽ khuyến khích những người xung quanh theo học âm nhạc hoặc đến với các chương trình biểu diễn âm nhạc cổ điển…
Có cộng đồng người yêu mến âm nhạc cổ điển, thêm nhiều chương trình, nhiều sân khấu biểu diễn và thêm những người trẻ mới theo đuổi thể loại bác học này, sẽ góp phần đưa âm nhạc Việt Nam phát triển, tiến xa hơn.
Anh Nhi (HNS)