Chuyện tình nhạc sĩ Văn Cao – “Người tình duy nhất” trong đời của nhạc sĩ tài hoa

0
464
Vào năm 1993, khi được hỏi về vợ là bà Nghiêm Thuý Băng, nhạc sĩ Văn Cao đã nói đại ý như sau:

“Tôi không được như anh Phạm Duy, anh ấy có nhiều quá, mà tôi chỉ có một. Có lần có người hỏi tôi về những mối tình, tôi mới nói là tôi làm gì có mấy cái tình, mà nếu có thì cũng toàn là tình mộng mơ cả chứ không thành người tình. Tôi chỉ có duy nhất một người tình này, cây chỉ có 1 quả, và tôi chỉ “ăn” một quả duy nhất rồi thôi. Đây là khuôn mặt đầu tiên cũng là cuối cùng, là khuôn mặt không bao giờ thay đổi. Nhờ người vợ của tôi chăm sóc tôi trong những năm tháng ốm đau triền miên, cũng như trong những năm tôi bị xiêu đảo nhiều về những vấn đề “tư tưởng”, vấn đề tinh thần… Người “trấn” cho tôi việc này cũng là người duy trì tình cảm của tôi, bà ấy không vì vấn đề “xiêu đảo về tư tưởng” của tôi mà thay đổi tình cảm. Do đấy chúng tôi bền bỉ và chịu khổ được. Đến giờ hãy còn khổ, còn nghèo nàn rách thế này, thì sự rách này, nghèo này là chuyện chúng tôi chịu được”.

Đó là đoạn tâm sự của nhạc sĩ Văn Cao được trích từ buổi nói chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã.

Khi ông Nguyễn Nhã quay sang hỏi chuyện bà Nghiêm Thuý Băng, bà nói thêm về buổi đầu gặp gỡ với người chồng là nhạc sĩ nổi tiếng:

“Chúng tôi sống với nhau không có gì khác ngoài tình yêu, khi đó tôi mới 16,17 tuổi, còn anh Văn Cao 23 tuổi, đã đến tuổi muốn yên bề gia thất. Tôi thuộc gia đình tư sản, bố là Nghiêm Xuân Huyến, bị quân Nhật hại khi in truyền đơn ủng hộ Việt Minh. Gia đình tôi có nhà in Rạng Đông sau này đã hiến toàn bộ cho nhà nước để in giấy bạc Việt Nam đầu tiên. Gia đình tôi như thế nên mẹ tôi rất ủng hộ Việt Minh. Năm đó anh Văn Cao đang làm cho báo Độc Lập, phụ trách trang văn nghệ, kiêm phần trình bày cho báo. Anh đến nhà in Rạng Đông để in báo Độc Lập, lúc đó nhà in của nhà chúng tôi do ông anh họ là Nghiêm Bình phụ trách. Chúng tôi quen nhau qua sự giới thiệu của anh Nghiêm Bình, sau đó còn có anh Nguyễn Thành Lê phụ trách báo Độc Lập nói thêm vào với mẹ tôi để bà cụ đồng ý cho chúng tôi đến với nhau”.

Trước đó, dù đã biết mặt nhau và gặp đôi lần tại nhà in và có cảm tình với nhau, nhưng vì những quan niệm khắt khe về tư tưởng gia giáo nên tình cảm của nhạc sĩ Văn Cao và bà Nghiêm Thúy Băng mới chỉ dừng lại ở những buổi trò chuyện ngắn, những ánh mắt dành cho nhau. Điều đó không qua mắt được bà mẹ của Thuý Băng, nhưng vì Văn Cao lớn hơn Nghiêm Thuý Băng 7 tuổi nên gia đình ái ngại sợ rằng ông đã có gia đình ở quê.

Sau, nhờ có ông Nguyễn Thành Lê đứng ra cam đoan, gia đình bà Nghiêm Thuý Băng mới tin tưởng và vun vén chọ họ thành đôi. Bà kể lại:

“Tôi với nhà tôi từ lúc yêu đến lúc cưới chưa đi chơi riêng với nhau lần nào. Khi dạm ngõ xong, mẹ tôi mới cho phép để Văn Cao đưa tôi ra ngoài đi dạo”.

Họ quen nhau vào khoảng năm 1946 và cưới nhau năm 1947. Kết hôn xong, gia đình Văn Cao tản cư về gần dòng sông Ba Thá, nơi có nhà thờ Chương Mỹ, và từ đây đã ra đời bài hát Làng Tôi nổi tiếng, như là món quà cưới của người nhạc sĩ tài hoa:

Làng tôi xanh bóng tre,
Từng tiếng chuông ban chiều,
Tiếng chuông nhà thờ rung
Đời đang vui đồng quê yêu dấu
Bóng cau với con thuyền, một giòng sông.

Hồi trẻ bà Nghiêm Thuý Băng là nữ sinh trường Đồng Khánh ở Hà Nội, có tên cũ là trường College de Jeunes Filles, được thành lập năm 1917, là ngôi trường duy nhất của toàn miền Bắc chỉ dành rêng cho nữ sinh tới cấp trung học. Ngôi trường này ngày nay mang tên THCS Trưng Vương.

Trường nữ sinh Đồng Khánh ở Hà Nội

Ngày đó, muốn vào trường Đồng Khánh học, các học trò phải vượt qua các kỳ thi gắt gao, chỉ ai thực sự học giỏi mới đỗ được nhận vào. Tại đây, nữ sinh được học toàn diện, không chỉ có được học văn hóa, học tiếng Pháp mà còn được học nữ công gia chánh, hát, đàn piano, thể dục thể thao…

Điều đó có nghĩa rằng bà Nghiêm Thuý Băng không phải là thôn nữ quê mùa, mà cũng là tiểu thư khuê các con nhà tư sản và theo Tây học. Về phần nhạc sĩ Văn Cao, ông là một trí thức nổi tiếng, đa tài và rất tài hoa, nên cuộc hôn nhân của họ được xem là xứng đôi vừa lứa, và thực tế họ đã gắn bó với nhau gần 50 năm, cho đến khi nhạc sĩ qua đời vào năm 1995.

Trong suốt thời gian đó, bà Nghiêm Thuý Băng từ một tiểu thư sống trong nhung lụa đã một tay vun vén chăm sóc gia đình, chưa bao giờ bà để chồng phải đụng tay vào việc nhà, để cho ông toàn tâm toàn ý với nghệ thuật, cùng chồng trải qua nhiều vinh nhục của cuộc sống có nhiều lần khắc nghiệt. Có những lần nhạc sĩ Văn Cao bị viêm phổi nặng, bà Thúy Băng vừa lo nuôi con, vừa làm công việc của một y tá chăm sóc cho chồng. Hầu như mỗi lần Văn Cao bị đau ốm, bà đều tự tay chăm sóc ông.

Theo bà Nghiêm Thúy Băng kể, nhạc sĩ Văn Cao dạy con nghiêm khắc nhưng cũng rất yêu thương các con. Khi dạy hai con trai là Nguyễn Văn Thao và Nguyễn Nghiêm Bằng học đàn, hôm nào con mải chơi ông lấy roi đánh vào mông con, đánh xong ông lại lấy dầu xoa cho con.

Lần con trai Nguyễn Nghiêm Bằng lên 2 tuổi bị bỏng, vết thương gây rát, khiến cậu khó chịu, đêm không ngủ, khóc ngằn ngặt. Nhạc sĩ Văn Cao liền thức trắng đêm, quạt cho con ngủ, cứ thế ròng rã 3 tháng trời cho đến khi con trai khỏi hẳn.

Trong những ngày tháng cuối đời, nhạc sĩ Văn Cao lâm bệnh nặng phải nằm viện và xuống sức rất nhanh. Hằng ngày, bà Nghiêm Thúy Băng lại vào chăm sóc chồng. Một buổi chiều, nhạc sĩ nhìn vào mắt bà và nói: “Khuôn mặt em sáng trong và bình lặng lắm”.

Biết mình không qua khỏi, ông dặn dò vợ rất nhiều điều, khi đó nước mắt bà cứ giàn giụa, không dám nghĩ đến ngày rời xa nhau. Gần nửa thế kỷ, họ luôn ở bên cạnh nhau, vượt qua những kiếp nạn lớn của người nghệ sĩ có vóc người nhỏ bé nhưng rất tài ba đó. Ngày cuối đời, nhạc sĩ Văn Cao ăn chút cháo loãng rồi nhắm mắt lại, cứ thế ra đi nhẹ nhàng và thanh thản.

Mùa đông năm 2002, bảy năm sau ngày mất của chồng, người phụ nữ ấy đã sáng tác bài thơ “Tìm anh trong giấc mơ” để tưởng nhớ đến tình yêu lớn nhất cuộc đời. Trong đó có đoạn:

“Mùa đông dài và lạnh
Lòng em buồn vô tận
Anh ra đi lâu rồi
Không ngoái lại tìm em…”
Đông Kha (biên soạn)
(HNS)