Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Khổ ải nhưng hạnh phúc

0
550
Tôi gặp Đỗ Bảo, nhạc sĩ của những bức thư tình, trong một chiều mùa đông tĩnh lặng, khi cơn rét năm nay chừng như đến muộn. Bên ly cà phê tỏa thơm thong thả, như bao lần, tôi lại được nghe anh chia sẻ nhiều điều thẳm sâu về âm nhạc và cuộc đời. Những chia sẻ mộc mạc, khiêm nhường ấy càng làm đầy thêm trong tôi cảm nhận đẹp đẽ về anh, như khi xưa tôi từng nhìn anh từ phía xa, đơn thuần qua âm nhạc, bằng con mắt tươi non tuổi trẻ.

Với tôi và hẳn là với nhiều người, âm nhạc Đỗ Bảo có những nét độc đáo riêng không thể nhòa lẫn, hàm chứa những triết lý nhân sinh giản dị mà sâu sắc. Ai đã nghe đủ lâu, từ “Cánh cung” (2002), “Thời gian để yêu” (2008) tới “Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta” (2013) và cùng đi qua những tháng năm sôi nổi của ban nhạc Sao Mai (1993) hay say mê “Nhật thực” (hòa âm phối khí của Đỗ Bảo)… sẽ hiểu rõ cá tính âm nhạc của người nghệ sĩ này.

Đó là thứ âm nhạc chất chứa nhiều nghĩ suy, trăn trở về tình yêu, nỗi niềm và thân phận con người. Ngôn từ đa dạng nên thơ, giai điệu thanh tân lôi cuốn, đủ sức khắc họa được tâm tư, tình cảm lắng sâu qua từng chi tiết ít người để tâm nhìn ra được. Bởi vậy, nhạc anh không dễ hát, nó cần người cất giọng phải có sự thấu cảm để không làm vụn vỡ những điều ý nhị mà anh tinh tế gửi gắm vào.

Âm nhạc Đỗ Bảo đã giúp nhiều người đi qua nỗi buồn nhẹ nhàng hơn giữa “muôn khắc thời gian xếp nên đời ta”. Bởi dẫu nỗi buồn có “dậy sóng những dòng sông” thì còn đó “mùa cây trổ lá”, “dù buồn hay vui dù nắng hay mưa em vẫn có một thế giới của riêng mình để ngắm nhìn và mê say”. Buồn của sự tự ý thức, tự thấu rõ “biết buồn như đã, biết khổ đau như đã”.

Dù hiểu “từ lâu người vẫn vô tình với nhau” nhưng vẫn “cám ơn đời mang anh đến điều ngọt ngào nhất trên đời”. Dù chia tay, nhưng vẫn sống trọn phút giây hiện tại: “Hãy nói mình yêu nhau một lần cuối, rồi cho những khoảng trời hạnh phúc nhạt nhòa đôi tay níu giữ”. Ở hình dung tôi, những người yêu nhau trong nhạc anh đều ân cần tử tế. Họ luôn dành cho nhau thái độ nâng niu, dịu dàng dù đang là hiện tại hay đã thành ký ức của nhau.

Nghĩ cho nhau ngay cả khi xa nhau: “Mai xa nhau, anh nguyện làm ánh nắng mùa thu rơi”. Biết ơn kỷ niệm: “Nhìn theo đường hun hút còn xa, xin cám ơn những điều đã qua”. Tôn trọng quá khứ của nhau vì hiểu hiện tại là quan trọng nhất: “Chẳng cần biết dĩ vãng xưa cũ anh đã yêu người, chẳng cần biết em đã bên ai ngày xa xôi. Một ngày mới, ta biết sâu kín nơi trái tim mình, tình yêu ở đó, lấp lánh ánh trăng đầy, tình yêu ở đó, sẽ mãi cùng tháng năm”.

Nói về quá trình sáng tác một bài hát, Đỗ Bảo nhắc tới từ “ấp ủ”. Để ra đời được một tác phẩm, người nhạc sĩ phải có một quá trình ấp ủ đủ chín, đủ thấm nhuần. Ý tưởng sẽ nảy sinh khi nhạc sĩ gặp được điều mình tâm đắc, và ý tưởng đó như là hạt giống gieo xuống rồi được nuôi dưỡng để bài hát được nảy mầm, đơm hoa. Có những bài anh phải ấp ủ hàng năm như “Những mùa đông yêu dấu” hay “Điều hoang đường nhất”. Vì được ủ rất kỹ, đã thấm nhuần trong tư duy, nên khi chúng ra đời, anh không còn phải phân vân hay nghi ngại gì thêm nữa. Song vẫn có những bài anh viết rất nhanh như “Thời gian để yêu”, giống như quá trình ấp ủ đã mơ hồ, nằm trong tiềm thức từ bao giờ. Và vào thời khắc đó, bỗng một cánh cửa mở ra, anh nắm bắt lấy rồi hoàn thành bài hát chỉ trong vài ngày.

Tôi hỏi anh về những thứ khác ngoài âm nhạc, anh cười “khi không làm nhạc thì tất cả với anh đều là nghỉ”. Đó là ý nghĩ của một người lao động nghệ thuật nghiêm túc và đam mê với nghề, vì chỉ khi đắm chìm trong âm nhạc, anh mới thực sự được là chính mình theo nghĩa trọn vẹn nhất. Trong rất nhiều năm, qua rất nhiều đêm, anh lặng lẽ lao động và tự kiểm duyệt âm nhạc của chính mình để từng sản phẩm khi ra đời đều xứng đáng có một đời sống bền bỉ riêng. Anh cho rằng, người nghệ sỹ lao động nghệ thuật trước hết để thỏa mãn mình, đồng thời dùng nghệ thuật làm phương tiện biểu đạt suy nghĩ và tiếp cận gần với đời. Vì cuộc sống đâu chỉ đơn giản là tồn tại, mà còn là sự trải nghiệm của những cung bậc cảm xúc khác nhau. Và nhu cầu chia sẻ, cống hiến của người nghệ sỹ với cuộc đời có bao giờ vơi cạn.

Về chủ đề nỗi niềm và thân phận con người, anh chia sẻ: Bất cứ tác giả nào lao động nghệ thuật đủ lâu, có sự trưởng thành trong sáng tác thì ít nhiều đều có sự quan tâm, trăn trở về nó. Bởi vì luôn phải đào sâu suy nghĩ, nên họ sẽ gặp những câu hỏi lớn về nỗi niềm và sinh mệnh con người, đó chính là bản chất của người nghệ sỹ. Với anh, con người vốn là những thân phận nhỏ bé có đời sống mong manh trong quỹ thời gian hữu hạn: “Ta quá bé nhỏ để níu giữ những gì ta mơ”, “Anh đâu phải tiên phật mà nhìn ra khoảng trống thấy được vạn vật… anh là một người trần đỏ mắt khô biết nấu nung điều gì nghĩ thêm chi”. Nên ta cần khiêm tốn, bớt ảo tưởng mình vĩ đại, bởi sinh mệnh này chịu sự chi phối của bao yếu tố. Trước nhiều vấn đề của đời sống, ta bất lực không thể giải quyết và mãi mãi phải đi tìm câu trả lời giữa mênh mông vô hạn: “Ta là từng người buồn, thì mãi mãi biết là bao lâu”. Và nghệ sĩ chính là người nhạy cảm để tiên phong, giải mã những điều phức tạp ấy thành cụ thể, dễ hiểu hơn – “Nào có đâu thánh thần, nào có đâu tiên phật nơi vết dấu người đi”.

Đỗ Bảo có quan điểm sống của riêng mình, và trong thẳm sâu nhận thức, anh đã suy nghĩ xong, nên cứ kiên định đi trên con đường ấy. Như ca sĩ Trần Thu Hà từng nói: “Bảo thấy cuộc sống trần trụi, hiểu những bi kịch của thời đại. Cũng như tôi, Bảo là một người buồn, nhưng thay vì chế nhạo, giễu cợt hoặc đấu tranh với những cái xấu cho một sự thức tỉnh, Bảo chọn cách nhắn nhủ, nhắc nhớ về những giá trị tốt đẹp của con người như tình yêu và lương tâm. Thái độ sống và viết của Bảo trung thành với quan điểm đó”. Đúng như anh nói, anh sống với những suy tư như vậy khá nhiều, đặc biệt là những năm còn trẻ với bao băn khoăn về đời sống: “Người buồn đi vòng quanh, đời dài rộng cũ kỹ, nghĩ sao cho vơi nỗi sợ và mê si”…

Đỗ Bảo cho rằng, ngôn ngữ có giới hạn, âm nhạc cũng vậy, không thể biểu đạt hết thế giới suy tư mênh mông bất tận như vũ trụ bên trong con người. Bởi con người rất nguyên bản, ai cũng có cái tôi khác nhau, quá nhiều mảnh ghép cái tôi, một chuỗi “cái tôi điệp trùng”. Và ta phải tổ chức tốt cái tôi xã hội trước khi trở về với cái tôi riêng tư, dù chính cái riêng tư đó mới giúp xác lập ta là ai trong cuộc đời này. Anh luôn đề cao sự cân bằng, hài hòa (dẫu có lúc bị xem là quá an toàn) để không rơi vào cái bẫy nghĩ mình là ai đấy với những rao giảng triết lý. Anh nghĩ, con người thường quên đi nhiều thứ nên dễ rơi vào nhầm lẫn, ảo tưởng; chỉ cần ta không quên vị trí, đặc tính của mình trong vũ trụ thì cuộc sống sẽ bớt mâu thuẫn và dễ chịu hơn nhiều.

Bên cạnh những bài nhạc tình yêu và thân phận thành công, Đỗ Bảo còn được tín nhiệm ở mảng âm nhạc viết cho cộng đồng, là những sáng tác cho các ngành nghề hay vùng miền. Lối viết nhạc rất riêng của anh khiến cho những nội dung tưởng chỉ mang tính tuyên truyền vẫn có chiều sâu lắng đọng. Anh cho đó cũng là một đóng góp ý nghĩa của người nhạc sĩ với cuộc đời, khi âm nhạc vẫn vang lên đẹp đẽ nhưng lại phục vụ thiết thực trong từng tình huống cụ thể của đời sống. Gần nhất anh có bài hát “Tôi là anh lính binh nhất” với giai điệu lạc quan, tươi vui viết về anh bộ đội trẻ tham gia phòng chống dịch COVID-19, được dư luận đón nhận tích cực. Chưa kể với vai trò người thầy, tổ trưởng bộ môn Sáng tác Chỉ huy tại khoa Âm nhạc ở trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, anh đang từng ngày truyền kiến thức và lửa đam mê cho học trò, giúp tạo nên một thế hệ nghệ sĩ trẻ có nhận thức đúng đắn, nghiêm túc về con đường nghệ thuật.

Trên con đường sáng tạo của người nghệ sĩ, có bao niềm vui nhưng cũng không ít khổ ải. Dẫu có nhiều điều bị khuất lấp, nhưng anh luôn làm chúng với thái độ cẩn trọng và tử tế. Và thành quả cho nỗ lực ấy chính là tiếng vọng cuộc đời mà anh được nhận lại từ khán giả, những người yêu và tìm đến âm nhạc anh để được đồng cảm và ủi an. Đó chính là động lực giúp anh tiếp tục sáng tác, bởi với người nghệ sĩ, còn gì hạnh phúc hơn khi được khán giả cần đến, để âm nhạc của mình bước thật sâu vào đời họ.

Với tôi, Đỗ Bảo là tinh hoa âm nhạc, một người làm nhạc chân chính, không ảo tưởng danh xưng, giàu cảm xúc nhưng luôn đề cao sự cân bằng. Đỗ Bảo vẫn kiệm lời về mình, mà phải, anh đâu cần nói thêm gì khi âm nhạc anh chính là tâm hồn anh. Ai được tắm trong dòng suối ấy coi như đã thấm được thứ cốt lõi ở người nhạc sĩ này. Như câu hát “giờ đã là lúc mà thời gian để yêu, giờ là lúc sống giấc mơ đời mình”, tôi nghĩ đây chính là thời điểm Đỗ Bảo sống trọn vẹn với giấc mơ của đời anh. Bởi “con tim không tuổi còn mơ những tia nắng non”. Bởi sáng tạo thì luôn mới mẻ, khi giây phút nào chẳng là “giây phút bắt đầu cho những ngày mai”.

Phạm Thùy Dung (HNS)