Ngày 3/8 âm lịch năm 2020, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã ra đi trong niềm tiếc thương của gia đình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cơ quan, bạn bè và những người yêu mến.
Đã có nhiều bài trên các báo, đài, mạng Internet hết sức súc tích, chân thành, cảm động và rất có giá trị viết về cuộc đời và sự nghiệp của người nhạc sĩ nổi tiếng mà di sản để lại cho đời chính là khối lượng tác phẩm sống mãi với thời gian, với những âm hưởng lay động lòng người vẫn còn đọng lại trong tâm thức của rất nhiều người hâm mộ ngay từ ca khúc đầu tay sáng tác năm 1966 khi anh chưa vào học trường Âm nhạc Việt Nam.
Sau này tác phẩm của nhạc sĩ Phó Đức Phương cả khí nhạc và thanh nhạc phần nhiều hiện hình trong các vở sân khấu và phim. Có lần anh tâm sự: mỗi khi nhận được hợp đồng sáng tác là bị sức ép ghê gớm, vừa bị thôi thúc về việc phải thực hiện đúng hạn hợp đồng, vừa suy nghĩ chủ quan phải sáng tác sao cho hiệu quả và hay. Sau khi đọc kỹ kịch bản, phải làm việc với đạo diễn thống nhất thời gian cho từng phân đoạn, trường đoạn của vở diễn để viết nhạc cho phù hợp, từ nhạc mở màn, nhạc nền và ca khúc cho nghệ sĩ diễn, nhạc chuyển màn, chuyển cảnh, nhạc kết v.v.. anh nói rằng những lần như thế đều mất ăn mất ngủ hàng tháng để hoàn thành. Cách làm việc này thể hiện tư chất, trình độ, lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm của người nhạc sĩ chân chính luôn coi danh dự là trên hết, vì vậy những vở sân khấu do anh viết nhạc thường nhận được giải thưởng cao trong các kỳ hội diễn.
Những ca khúc của anh trong các vở diễn hát riêng đã hay, nhưng nếu được xem toàn vở, có nghệ sĩ sân khấu cùng thể hiện đúng tâm trạng và hoàn cảnh thì còn hay hơn nữa, bởi tác phẩm của anh thường có cấu trúc cân phương, bố cục chặt chẽ, các tuyến giai điệu uyển chuyển, vận dụng chất liệu dân gian nhuần nhuyễn, đặc biệt phần lời ca thường mang tính văn học cao, ngôn từ chọn lọc, khúc chiết, sâu sắc nhưng lại rất thanh tao, dung dị và duyên dáng. Khi viết về đề tài tình yêu thì nồng nàn tha thiết, viết về đề tài lịch sử thực sự là những khúc tráng ca lừng vang hùng khí, viết về đề tài tâm linh hay xã hội lại phảng phất màu triết lý, viết về đề tài quê hương đất nước thật đằm thắm du dương, tất cả tạo thành những dòng chảy âm thanh vô cùng truyền cảm.
Để các nhà lý luận chuyên nghiệp, các nhà báo, bạn bè và những người hâm mộ có thể tham khảo thêm, từ tư liệu cá nhân xin cung cấp bản danh mục ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương gồm những bài đã công bố hoặc đã giới thiệu trước công chúng, xếp thứ tự theo ABC đầu bài để dễ tìm:
DANH MỤC CA KHÚC
TT | TÊN BÀI | TÁC GIẢ LỜI | GHI CHÚ |
---|---|---|---|
1 |
Âm vang sông Đà |
|
|
2 |
Bài ca Thần chim Lạc |
|
|
3 |
Bài ca trên xe lăn |
|
|
4 |
Bán trăng |
phỏng thơ Hàn Mặc Tử |
|
5 |
Bên dòng sông Cái |
|
|
6 |
Biển mũi |
|
|
7 |
Biển ơi hãy lên tiếng |
|
|
8 |
Cánh đồng tình yêu |
|
|
9 |
Chảy đi sông ơi |
|
|
10 |
Chơi đến cùng |
|
bóng đá |
11 |
Có một mùa thu |
|
|
12 |
Có phải đây Tam Chúc |
|
|
13 |
Con sông tuổi thơ |
phỏng thơ Nguyễn Lãnh |
|
14 |
Cô Nụ thôn tôi |
|
|
15 |
Cũng một con đò |
phỏng thơ Tường Vân |
|
16 |
Dòng sông ánh sáng |
|
|
17 |
Dòng sông ký ức |
|
|
18 |
Đợi nàng |
|
chất liệu dân ca Nùng |
19 |
Đường thì dài |
|
bóng đá |
20 |
Gió Ô Quy Hồ |
|
|
21 |
Gọi anh (Rừng đợi) |
|
|
22 |
Gươm thiêng muôn thuở (Về với Lam Sơn) |
|
|
23 |
Hãy đón lấy tình yêu |
|
|
24 |
Hẹn gặp Manila |
|
|
25 |
Hồ trên núi |
|
|
26 |
Hội thề Mê Linh |
|
|
27 |
Huyền thoại hồ núi Cốc |
|
|
28 |
Hương Giang cổ bản |
thơ Nguyễn Xuân Hoa |
|
29 |
Khoảng trống |
|
|
30 |
Không thể và có thể |
|
|
31 |
Khúc hát phiêu ly |
|
|
32 |
Lạng Sơn chặng đường thiên niên kỷ |
|
|
33 |
Lễ tơ hồng cho em |
|
|
34 |
Lội dòng sông quê |
|
|
35 |
Lồng lộng quê Thanh |
|
|
36 |
Lời nguyền của tình yêu |
phỏng thơ Nguyễn Khắc Phục |
|
37 |
Lời ru cội |
|
|
38 |
Lời thề sông Hóa |
|
|
39 |
Mái chèo thiên thu |
|
|
40 |
Mãi mãi biển |
|
|
41 |
Mặt trời – Biển – Cát và em |
phỏng thơ Yến Nhi |
|
42 |
Mộng mị Sa Pa |
|
|
43 |
Một thoáng Tây Hồ |
|
|
44 |
Mùa xuân đoàn tụ |
|
|
45 |
Nao nao Thác Bà |
|
|
46 |
Ngũ Hành Sơn |
|
|
47 |
Người đi Tam Đảo |
trích thơ Tú Xương |
|
48 |
Người lính |
|
|
49 |
Nha Trang thu |
|
|
50 |
Những bước chân ngoan cường |
|
|
51 |
Những cánh hoa tuyệt vời |
|
|
52 |
Những cô gái Quan họ |
|
tác phẩm đầu tay |
53 |
Những gì đã qua |
|
|
54 |
Những giấc mơ trên biển |
|
|
55 |
Những thành phố sau lưng chúng ta |
|
|
56 |
Nơi áo chàm hồ xanh Ba Bể |
|
|
57 |
Nu na nu nống |
|
thiếu nhi |
58 |
Ô cửa sổ bỏ ngỏ |
|
|
59 |
Phiên chợ lòng hồ |
|
|
60 |
Phong Châu mở hội |
|
|
61 |
Rồng rắn lên mây |
|
thiếu nhi |
62 |
Ru |
|
|
63 |
Sa Vĩ của tôi |
|
|
64 |
Sân khấu và cuộc đời |
|
|
65 |
Sông Đà nỗi nhớ |
|
|
66 |
Sông Gianh 9 nhịp cầu |
|
|
67 |
Ta nghe Nha Trang |
|
|
68 |
Tacano – nhân chứng quả cảm |
|
|
69 |
Thanh niên hát về Đảng |
|
|
70 |
Thành phố biển xanh và cát trắng |
phỏng thơ Nguyễn Khắc Phục |
|
71 |
Thế trận xoay vần |
|
bóng đá |
72 |
Thương anh nhiều lắm đấy |
|
biên phòng |
73 |
Tin và yêu |
|
|
74 |
Tình ca trên những công trình |
|
|
75 |
Trẩy hội Đền Trần |
|
|
76 |
Trên đỉnh Phù Vân |
|
|
77 |
Trong vòng tay mẹ |
|
|
78 |
Tửu ca |
|
|
79 |
Văn Giang một khúc sông Hồng |
|
|
80 |
Về một cuộc chia ly |
|
|
81 |
Về quê |
|
|
82 |
Vị đắng tình yêu |
|
|
83 |
Vũ điệu con cò |
|
|
84 |
Xôn xao rừng quế |
|
chất liệu dân ca Dao |
Rất tiếc phần khí nhạc không lưu trữ được bởi ngày trước không có máy photocopy, tác giả viết xong phải giao ngay tổng phổ cho chỉ huy, phân phổ cho nhạc công, sau khi thu thanh xong không thu hồi lại thế là thất lạc hết. Phần ca khúc cũng chưa chắc đã đủ bởi có thể còn những bài lẻ viết tặng riêng cho tổ chức, cho bạn bè hoặc đang nằm trong số những tác phẩm di cảo – là những tác phẩm đã hoàn chỉnh nhưng vì dự định hoặc lý do khác mà cho đến khi qua đời, tác giả vẫn chưa bao giờ công bố hoặc giới thiệu ra ngoài.
Năm 2019 nhân dịp qua Trà Cổ, cảm xúc trước khung cảnh mênh mông rộng dài của Tổ quốc ôm sát biển Đông, Phó Đức Phương viết bài thơ Khúc tự tình Sa Vĩ:
(Ghi chú: Mũi Sa Vĩ tọa độ 21˚29’33” vĩ độ Bắc, 108˚4’5” kinh độ Đông thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh – là mũi cực đông của nước ta ở miền Bắc).
Anh đã phổ bài thơ này thành ca khúc Sa Vĩ của tôi, có lẽ đây là ca khúc cuối cùng của anh.
Nhân ngày giỗ đầu của nhạc sĩ Phó Đức Phương, bài viết này như một nén nhang thơm tưởng nhớ đến một nhạc sĩ tài danh – người khởi xướng, dấn thân, đầy nhiệt huyết và dũng khí trong công cuộc bảo vệ quyền tác giả.
Phan Đông Viên (HNS)