“Cuộc đời là một bi kịch với những kẻ biết cảm nhận và là một hài kịch với những kẻ biết tư duy”, nhà hài kịch Molière từng nói.
Góc độ nghiêm túc của những người thích đùa
Một người nghệ sĩ dương cầm bước vào sân khấu, cúi chào khán giả rồi ngay ngắn ngồi vào cây đàn. Ông mở bản nhạc, đeo kính, rồi đưa tay như chuẩn bị nhấn phím, nhưng không, ông ngồi yên bất động, và cứ bất động như thế vừa đúng 4 phút 33 giây, hoàn toàn không một âm thanh phát ra, rồi ông đứng lên, cúi chào khán giả, ra khỏi cánh gà.
Tưởng là đùa, mà lại là thật. 4’33’, một bản nhạc hoàn toàn yên lặng lại là tác phẩm được biết tới nhiều nhất của John Cage – một trong những nhà soạn nhạc lớn của nửa sau thế kỷ 20. Buồn cười không? Quả là rất buồn cười. Nhưng nếu Cage có khiếu hài hước thì đó chẳng qua cũng là một khiếu hài hước được thừa kế từ truyền thống của những nhà soạn nhạc vĩ đại đi trước đó thôi.
“Cuộc đời là một bi kịch với những kẻ biết cảm nhận và là một hài kịch với những kẻ biết tư duy”, nhà hài kịch Molière từng nói. Mặc dù vậy, rất thường xuyên, chúng ta từ chối thừa nhận khả năng “tư duy” của những nghệ sĩ vĩ đại. Kiểu như không ai tin rằng những tác phẩm của Kafka thực sự rất buồn cười.
Nói về Kafka là nói về bi kịch của sự cô đơn, bi kịch của cái phi lý, thế nhưng chuyện kể rằng khi Kafka lần đầu đọc những trang viết đầu trong tiểu thuyết Vụ án cho những người bạn nghe, ai nấy đều bò lăn ra cười ở đoạn anh chàng K. bị bắt mà không biết mình mắc tội gì.
Phần lớn thời gian, con người không thể tin rằng cái hài hước bông lơn có thể đi kèm những suy nghĩ nghiêm túc và sâu sắc. Điều đó dường như càng đúng đắn hơn trong địa hạt nhạc cổ điển – thể loại nhạc mà khi nghĩ đến nó, cái ta nghĩ đến ngay lập tức sẽ là không gian nhà hát quý tộc, những nghệ sĩ diễn tấu ăn mặc trang trọng, thứ âm nhạc phức tạp khó hiểu chỉ dành cho số ít những trí thức và giới thượng lưu.
András Schiff, một nghệ sĩ dương cầm và chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng từng kể lại chuyện một lần biểu diễn bản Symphony số 80 cung Rê thứ. Đó vốn dĩ là một bản nhạc cực kỳ dí dỏm với đầy những bất ngờ được cài cắm từ chương đầu tới tận chương cuối, chẳng hạn, đang trong một đoạn bão táp và xung kích, đột ngột nhạc chuyển thành giai điệu êm du dương, hay ở chương cuối Presto, Haydn nhấn nhịp rất mơ hồ, khán giả không tài nào đoán được phách mạnh ở đâu và phách yếu ở đâu, cứ thế đến hết 32 ô nhịp mới trở lại bình thường. Thế nhưng, khán giả chỉ chăm chú lắng nghe (hoặc họ giả vờ thế), chứ không ai cất tiếng cười.
“Đến mỉm cười cũng không”, Schiff mô tả. Không biết từ bao giờ, những trải nghiệm âm nhạc cổ điển bị đóng vào khuôn phép, người đến nghe chỉ cần phát ra một tiếng động đã bị người bên cạnh lườm nguýt và nhắc nhở, và họ quên mất rằng, âm nhạc cổ điển cũng được quyền gây cười.
Thế là đa phần hậu bối sau này chỉ nhớ Haydn như là cha đẻ của giao hưởng, cha đẻ của tứ tấu dây, thầy dạy và thần tượng của cả Mozart và Beethoven, nhưng quên béng mất ông là một thiên tài hài hước và khoái “chơi khăm” khán giả. (Một lưu ý tinh tế khác, bạn có để ý rằng tiểu thuyết gia đầu tiên của phương Tây – Miguel Cervantes – cũng là một tác giả cực kỳ hài hước, có vẻ như những người khai sinh ra một bộ môn nghệ thuật nào đó đều có khiếu hài hước bẩm sinh).
Haydn có hẳn một bản tứ tâu dây được đặt biệt danh là The Joke – Trò đùa. Bản nhạc vờn giỡn với thính giả, trêu chọc họ một cách cố ý, nó được Haydn thêm vào những đoạn yên lặng dài khiến cho người nghe cứ tưởng như bản nhạc đã hết rồi, nhưng rồi lại bất ngờ quay trở lại bằng một nốt rền vang làm họ hoảng hồn. Trò đùa “kết thúc giả” còn được lặp lại thêm mấy lần nữa mới xuất hiện kết thúc thật. Ở khía cạnh này, Haydn cũng hài hước chẳng kém chi chú bé nói dối trong ngụ ngôn.
Thầy như thế thì trò chắc chắn cũng không thể không vui tính. Mozart hay Beethoven có thể sống cuộc đời nhiều đau khổ bệnh hoạn, thế nhưng ở một chừng mực nào đó, họ đều có nét vui tính của riêng mình, thậm chí nét hài hước của họ chẳng những không cao sang mà còn có phần hơi tục tằn nữa.
Những nhạc phẩm của Mozart thường đem lại một cảm giác tuyệt đẹp phi trần tục như được ban xuống từ thiên đường. Trong bộ phim tiểu sử Amadeus kể về nhà soạn nhạc từ điểm nhìn của “đối thủ” lớn nhất đời ông là Salieri, Salieri cảm thấy đố kỵ với Mozart vì làm sao Chúa có thể giao thứ âm nhạc thần thánh ấy cho một con người vô tổ chức, trác táng và đầy tật xấu như vậy. Song, Salieri ơi, xin ngài hãy ăn mừng đi, vì âm nhạc của Mozart không phải lúc nào cũng thuần khiết trong ngần.
Bản nhạc về cơn giận khi mất tiền của Beethoven.
Một trong những vấn đề gây tranh luận nhất về Mozart là những miếng hài thô thiển đường phố đôi khi xuất hiện trong nhạc phẩm của ông, như bản canon cung Si thứ mang tên Leck mich im Arsch, có nghĩa đen là “liếm mông tôi đi”.
Người ta cố gắng lý giải làm sao mà Mozart lại cợt nhả khiếm nhã như thế, có học giả thì cho rằng câu đó là một câu mà gia đình Mozart hay nói vui với nhau, có người thì bảo Mozart mắc bệnh tâm lý, lại có người bảo những bản canon đó Mozart sáng tác chơi cho vui thôi.
Những tác phẩm kiểu như vậy luôn được xếp ở ngoại vi trong di sản để lại của bậc thầy Mozart, nhưng bản thân Mozart không loại bỏ chúng mà vẫn đưa chúng vào danh mục sáng tác của mình, cho phép mọi người sao chép lại chúng và thích thú với chúng chẳng khác chi thích thú những tác phẩm thực sự quan trọng.
Người kế vị Mozart là Beethoven – một nhân vật mà thế hệ sau mỗi khi nhắc tới thường nghĩ về ông như một thiên tài khổ hạnh. Làm sao một người bị coi là kẻ ghét đời, người từng viết chúc thư Heiligenstadt bày tỏ sự nghiệt ngã mà số phận đã trao cho mình, tâm sự thống thiết rằng mình “hầu như phải sống đơn độc, giống như một người bị lưu đày” và “không thể hòa nhập với xã hội dù chỉ ở mức thực sự cần thiết”, lại có thể có khiếu hài hước? Ông quá đau khổ để mà hài hước, nhưng ở chiều hướng ngược lại, ta có thể nghĩ rằng, chính vì ông quá đau khổ mà đôi khi ông phải hài hước.
Beethoven thực sự gây cười ngay trên chính những đớn đau thể xác hành hạ tra tấn mình. “Một con rồng bị thương, quằn quại ghê gớm mà không chịu chết, nhưng nó đang quằn quại trong cơn đau cuối, và ở chương 4, nó chảy máu tới chết” – đây là lời phê bình của một nhà phê bình từng viết về bản Giao hưởng số 2 của Beethoven.
Khi bản giao hưởng này ra mắt, nó đã gây ra một cơn chấn động, có thể hiểu theo cả nghĩa tích cực và tiêu cực. Nếu như chương chậm của Giao hưởng số 2 trở thành “tiêu chuẩn của cái đẹp và chất ngây thơ trong âm nhạc” thì chương kết lại bắt đầu bằng một âm hình quái đản, chuyển đột ngột từ những nốt cao nhất sang những nốt thấp nhất mà không có một phần đệm ở giữa.
Giai thoại kể rằng, âm hình kỳ quặc này thực chất là để mô tả chứng bệnh đầy hơi mà Beethoven đang mắc phải, hay nói cách khác, giống như một cú ợ hơi hay một cú xì hơi của nhà soạn nhạc, và giai thoại trên đã được truyền tai nhau ngay từ khi bản nhạc ra đời nhưng Beethoven chưa từng có ý định phủ nhận nó.
Nếu như giai thoại ấy vẫn chưa đủ sức nặng thì ta cũng có thể nhìn vào những tác phẩm nhỏ hơn của Beethoven, như bản rondo được đề tựa Rage over a lost penny, tạm dịch là cơn tức tối vì mất tiền.
Được viết ở tốc độ nhanh, bản nhạc tuôn ra hối hả nhưng một cơn giận dữ vô hại và hết sức đáng yêu, thể hiện khía cạnh rất con người của một đầu óc thiên tài, và nên nhớ rằng, ngoài đời, Beethoven luôn bị giằng xé bởi tinh thần tự do, sự ngang bướng không chịu khuất phục và những tính toán thực tế về chuyện tiền bạc vật chất.
Đôi khi, sự dí dóm là vũ khí duy nhất để các nhà soạn nhạc chống lại thế giới luôn cố gắng đầy đọa họ. Trong khi Beethoven dùng sự hài hước để đối đầu với bệnh tật, với những khó khăn về tài chính trong một vài thời điểm của cuộc đời thì Shostakovich lại dùng sự hài hước để đối đầu với những thế lực chính trị luôn o ép ông.
Khi buộc phải sáng tác một bản nhạc vinh quang ca ngợi chiến thắng của đất nước mình, ông đã sáng tác ra bản Giao hưởng số 9 tràn ngập sự mỉa mai và màu sắc của “uy-mua đen” bằng cách sử dụng âm nhạc để diễn tả những nỗi buồn sâu xa cất giấu dưới vẻ ngoài vui vẻ, hạnh phúc. Đáng buồn cười là khi bản nhạc mới được công bố, chẳng có nhà phê bình cánh hữu nào phát hiện ra tiếng cười khinh thị của nhà soạn nhạc.
Sự sùng bái hóa một nhân vật dường như không chỉ là một trào lưu nhất thời trong mấy mươi năm trở lại đây. Chúng ta vẫn thường nhìn người hâm mộ của các thần tượng Hàn Quốc một cách kỳ thị vì họ luôn đánh giá thần tượng của mình không theo tiêu chuẩn của một con người bằng xương bằng thịt. Nhưng chúng ta có khác hay không?
Chúng ta cũng thích hoàn mỹ hóa những thiên tài và coi họ như những siêu nhân, những mẫu hình lý tưởng đấy thôi! Xét cho cùng Haydn, Mozart hay Beethoven thì cũng được Thượng đế nặn nhào từ đất – như tất cả chúng ta – và tại sao lại tước đoạt cái quyền được nhả nhớt và bông lông của họ? Mà, cuộc đời là gì nếu không phải một trò cười?
“Khi nhìn gần thì đời là bi kịch mà khi nhìn xa thì nó là hài kịch”, Charlie Chaplin từng nói. Và nếu như nghệ thuật bắt rễ từ cuộc đời thì chính lúc này, khi nhạc cổ điển không thể khiến ta cười được nữa, khi ta nghe nó với sự e dè kính cẩn trọng vọng hơn là những cảm xúc thế tục, là lúc đáng để ta lo lắng cho tương lai của nó.
(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/)