Nhạc sĩ Phú Quang: Đắng mới là đời

0
1401
Nhạc sĩ Phú Quang - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Với một người chuyên viết tình ca buồn như Phú Quang, ông hợp với những thức uống có vị cay, đắng và chát. Đôi khi vị cay của rượu, vị đắng của cà phê và vị chát của trà lại an ủi cho trái tim đa cảm của người nghệ sĩ.
Ngày nắng lạnh cuối tháng 11 năm 2018, trong một quán cà phê đầu đường Lý Thường Kiệt, Phú Quang đổ bốn gói đường dành cho người ăn kiêng vào ly cà phê đen đá, chậm rãi khuấy đều. Ông châm một điếu thuốc, uống một ngụm cà phê, mắt lim dim, thả hồn theo làn khói.
Phục vụ ở quán biết rõ thói quen của Phú Quang. Họ biết ông uống cà phê gì, loại đường nào, họ biết cả những người bạn hay ngồi với ông ở quán. Chốc chốc lại có người qua bắt tay Phú Quang. Ông có thể bị lôi sang bàn khác bất cứ lúc nào vì có quá nhiều người quen ở đây.
Phú Quang móc từ túi áo bốn viên kẹo sôcôla đen mời tôi. “Kẹo con gái tôi bỏ vào túi bố lúc sáng đấy” – ông nói về cô con gái riêng của vợ với tấm lòng trìu mến. Phú Quang có thể khắc nghiệt với ai đó, nhưng luôn nhẹ nhàng khi nhắc đến con cái của mình.
Đầu năm 2018, người viết vẫn thấy Phú Quang mang theo một chiếc ví da rất đẹp, mở ra bên trong là xì gà với bật lửa, dụng cụ cắt xì gà thật sành điệu. Cuối năm vì thể chất yếu hơn, ông chỉ còn hút thuốc lá loại nhẹ. Nhưng riêng cà phê, một ngày ông uống hai cữ, thậm chí ba cữ.
“Tôi uống cà phê từ năm 14 tuổi vì hay được bố sai đi pha cà phê. Ông già uống rồi cho mình thử, mỗi ngày một tí, riết rồi uống được lúc nào không biết. Ông già rất kỹ tính trong ăn uống, lại được mẹ tôi rất chiều”.
Cha của Phú Quang pha cà phê phin đặc biệt cầu kỳ phần đun nước. Biết anh con trai có tính sĩ diện, ông vẫn một mực nhờ con trên đường đi học về phải nhặt lõi ngô. Sau đó ông phơi khô lõi ngô để làm củi pha trà.
“Củi lõi ngô lửa xanh lắm, đun xong nước thơm hơn bình thường, pha cà phê rất ngon. Nhà tôi lát gạch hoa, ông cụ cạy một viên lên, thay vào đó viên gạch đỏ của Bát Tràng. Đun nước xong đổ nước xuống viên gạch đó thấy xèo một cái tức là nước đã đủ nóng pha cà phê. Bao giờ pha cà phê cho bố, tôi cũng phải làm như thế” – Phú Quang kể.
Năm 14 tuổi, Phú Quang nhận ra cuộc đời không hề ưu ái với mình. Ông cũng như rất nhiều nghệ sĩ cùng thời không có một tuổi trẻ dễ dàng. Sau những năm chiến tranh, họ vật vã sống tiếp qua thời hậu chiến. Có những thất vọng khiến tâm hồn họ thay đổi mãi mãi.
Những năm thất vọng nhất, Phú Quang lao vào học như để trả thù đời. Dù nhà ở Hà Nội nhưng ông vẫn xin mẹ cho vào ký túc xá ở, học đến suy nhược thần kinh. Nhưng phải có những năm tháng đó mới có Phú Quang sau này.
Năm 21 tuổi, Phú Quang chủ trì Dàn nhạc mùa thu thuộc biên chế của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ai cũng muốn được chơi cho dàn nhạc này vì một đêm dàn nhạc thu được bốn bài, nhạc công được trả 40 đồng, tương đương một tháng lương cho người vừa tốt nghiệp đại học. Ngoài dàn nhạc, Phú Quang còn nhận rất nhiều việc bên ngoài.
“Thời đó tôi làm cho nhiều đoàn ở miền Bắc, lương có 60 đồng thôi, nhưng kiếm từ chương trình ở ngoài có thể tới 3.000 đồng, một kỳ tích với tôi thời đó. Lúc đó mình ăn chơi lắm, toàn quần áo đẹp, 25 tuổi mà hút xì gà nghênh ngang nên người ta nhìn mình như quái vật. Tôi “hư” từ trẻ nhưng may chưa có gì hỏng” – Phú Quang nói tỉnh rụi.
Không hiểu sao những bản tình ca của Phú Quang có rất nhiều giọt đắng, giọt cay. Ông từng rất thích hình ảnh người phụ nữ “khuấy loãng thời gian” trong bài thơ Buổi sáng của thi sĩ Phan Ngọc Thường Đoan đến độ dựa vào ý thơ viết nên ca khúc Catinat cà phê sáng.
“Từng giọt cà phê rơi/Đắng lòng anh từng giọt/Mắt em màu mật ngọt/Tóc em màu cà phê/Từng giọt cà phê rơi/Trong lòng anh muộn phiền”.
Trong ca khúc Quán thời gian, lại một lần nữa nhạc sĩ mượn tới vị đắng cà phê: “Môi mặn đắng niềm yêu thương/Thời gian quên bỏ chút đường đó em”. Trong Lời rêu là vị cay của rượu: “Uống cùng nhau một giọt đắng cay nào chia đôi/Say cùng nhau một giọt trong mối đời pha phôi…”.
Tôi hỏi Phú Quang sao nhạc ông nhiều đắng, cay đến vậy? Ông trả lời: “Vì con người ta sinh ra khóc đầu tiên chứ có ai cười ha ha đâu”. Nhưng đời cũng có lúc vui chứ, ai mà chẳng hướng đến an vui, tôi căn vặn.
“Tôi không có cái hạnh phúc đó, đời sống của tôi nỗi buồn nhiều hơn. Nỗi buồn thường liên quan đến tình yêu, tất nhiên rồi. Đôi khi người ta cố gắng bấu víu vào tình yêu và luôn thất vọng. Tôi uống cà phê vì vị đắng của nó an ủi được lòng tôi. Để thấy hóa ra đời sống này đắng cay mới là chính” – ông trả lời.
Nghe nhạc của Phú Quang dễ nhận thấy những đắng cay ở đời đã trở thành một chất xúc tác, gợi cảm hứng sáng tác cho ông. Có lẽ vì thế mà Phú Quang nhớ lâu những ký ức đắng cay hơn là ký ức hạnh phúc.
Ở độ tuổi này ông đã nuốt trôi những đắng cay của đời sống thanh thản như uống một ngụm cà phê. Khi những giọt đắng trôi qua cuống họng, Phú Quang cảm nhận được vị đậm đà. Và ông nghiền vị đậm đà của những giọt đen ấy.
N.D (TTO)