Xẩm chợ, nghệ thuật hát Xẩm tại Hà Nam

0
1095
Hát Xẩm là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Ảnh minh họa: TTXVN

Hát Xẩm hay còn gọi là hát rong là một loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian. Tỉnh Hà Nam hội tụ những điều kiện như bến sông, bãi chợ, sân đình… để hát xẩm tồn tại. Vì thế, nghệ thuật hát Xẩm tại Hà Nam mang đặc trưng riêng là Xẩm chợ.

Người có công trong sưu tầm và truyền dạy các làn điệu hát Xẩm và mang nó trở lại đời sống xã hội tại Hà Nam là Nhạc sĩ Phạm Trọng Lực thông qua việc ghi chép 28 bài hát Xẩm về Hà Nam được ghi chép từ cụ thân sinh Phạm Thị Vỷ và những bậc cao niên của khắp miền Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm, Kim Bảng.

Theo Nhạc sỹ Phạm Trọng Lực, đặc trưng của Xẩm Hà Nam chủ yếu là Xẩm chợ. Mỗi bài Xẩm gắn với một danh làng, danh xã của Hà Nam hay kể một câu chuyện của thôn quê; khắc họa một phong trào, giai đoạn lịch sử nào đó ví như bình dân học vụ…

Hoặc đó là hình ảnh chợ sông, chợ đầm, chợ huyện; chuyện của cô cả cô hai, cô tú Thanh Liêm; chuyện của xóm bãi Cát Lại, Ngô Khê.

Nhạc sỹ Phạm Trọng Lực cho biết thêm, hát Xẩm là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc.

Thời phong kiến, hát Xẩm là tiếng nói lên án những bất công cường quyền, bênh vực những số phận bất hạnh nghèo khổ bị chà đạp.

Sau chiến tranh, các làn điệu Xẩm được các nhạc sỹ, cán bộ văn hóa sử dụng như một công cụ để tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Hiện nay, đời sống phát triển, đô thị hóa nông thôn đang diễn ra nhanh chóng, chợ quê không còn đông đúc tấp nập như xưa.

Do vậy, hát Xẩm dần mai một, song vẫn tồn tại trong tâm thức của người con Bắc bộ nói chung và Hà Nam nói riêng.

Vì hát Xẩm đánh thức lòng người, vực dậy tâm hồn hướng về cái thiện, hướng về một nơi tăm tối của ngõ đời, nơi có những con người đang cầu mong ánh sáng và hạnh phúc.

Hát Xẩm ra đời để phục vụ nhu cầu con người và khi con người còn rung động, hát Xẩm vẫn trường tồn.

Cùng trong dòng chảy âm nhạc dân gian, hát Xẩm ở Hà Nam chứa đựng nét đặc trưng trong các làn điệu riêng.

Một bài hát Xẩm trọn vẹn sẽ bao gồm các câu vỉa thường được ví như là phần dẫn dụ của câu chuyện.

Nhạc cụ chủ yếu của hát Xẩm Hà Nam cũng là nhị, trống, sênh và những lời hát mộc mạc nhưng điệu hát không bi ai mà rất lạc quan, yêu đời, mang cái kết có hậu, viên mãn.

Ngoài ra, cái lạ của Xẩm Hà Nam vừa có nét đặc trưng của hát Xẩm miền Bắc nhưng thấp thoáng trong đó lại là nét trữ tình của dân ca giao duyên, nét dí dỏm vui tươi của cò lả, sự mộc mạc chân tình của trống quân hay cái nhẹ nhàng bay bổng của điệu hát ru.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Câu lạc bộ văn nghệ dân gian Hà Nam cho biết, hát Xẩm cùng dạng với hát Chèo khi nội dung của nhiều bài nói đến lòng trung thực và đức hiếu nghĩa của con người. Trong hát Xẩm, người ta đưa trống quân, hát ru cò lả vào hát…

Ví dụ, hát Xẩm chợ: “Ai về chợ huyện Thanh Liêm/ Hỏi thăm cô Tú biết đánh vần hay chưa/ Cô Tú biết đánh vần năm ngoái, năm xưa/ Năm nay quên hết nên chưa làm gì”…

Tại Hà Nam, hiện chỉ có những thành viên trong Câu lạc bộ văn nghệ dân gian Hà Nam nắm giữ loại hình nghệ thuật dân gian này.

Họ không phải là nghệ nhân hát Xẩm mà đều là những người yêu thích hát Xẩm. Các thành viên trong câu lạc bộ đã lặng lẽ lưu giữ đam mê của mình hàng chục năm qua.

Những năm gần đây, Hà Nam đã chú trọng công tác lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật của loại hình nghệ thuật dân tộc này trước nguy cơ bị thất truyền.

UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm” để Trung tâm văn hóa nghệ thuật Hà Nam thực hiện; đồng thời, sẽ mời các nghệ nhân, nghệ sỹ trong tỉnh và ngoài tỉnh cùng các thành viên trong Câu lạc bộ văn nghệ dân gian Hà Nam sưu tầm, biên soạn, truyền dạy và phổ biến các bài hát Xẩm theo các làn điệu cổ truyền cho các diễn viên của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hà Nam và các học sinh tiểu học ở các trường trên địa bàn.

Ông Ngô Thanh Tuân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam cho biết, để duy trì và phát triển, hàng năm, Trung tâm đều tổ chức liên hoan văn hóa các di tích cho các đoàn về biểu diễn những loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, hát văn và cả hát Xẩm.

Trong thời gian tới, sau khi các diễn viên của Trung tâm đã được truyền nghề, các học viên tham gia dàn dựng, biểu diễn chương trình hát Xẩm nhằm giới thiệu, quảng bá sâu rộng nghệ thuật hát Xẩm tới công chúng và truyền nghề cho lớp trẻ ./.

Đ.N (HAN)