Là một trong những nhạc sĩ nhạc khí chuyên sáng tác cho dàn nhạc giao hưởng thính phòng hàng đầu Việt Nam, âm nhạc của Trần Mạnh Hùng có sự kết hợp giữa nghệ thuật, tính thời đại và bản sắc dân tộc.
– Hòa nhạc quốc gia Điều Còn Mãi 2019 đánh dấu 10 năm Báo VietNamNet tổ chức và một trong những tiết mục được khán giả khen ngợi chính là bản rock “Tâm hồn của đá” của nhạc sĩ Trần Lập và Tùng Dương trình bày. Theo đánh giá của nhiều người thì một trong những điều làm nên thành công của tiết mục này chính là bản phối của anh quá xuất sắc. Cá nhân anh có hài lòng với phần trình diễn của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam và Tùng Dương?
Đây là lần đầu tiên tôi phối khí một bản nhạc rock với dàn nhạc giao hưởng mặc dù trên thế giới họ đã làm nhiều rồi. Khi tác phẩm này được vang lên ở Điều Còn Mãi năm nay tôi cũng thấy màu sắc mới lạ và tương đối hài lòng. Bản tổng phổ của tôi được trình diễn ở chương trình Điều Còn Mãi trước tiên là sự ghi nhận táo bạo của BTC vì đưa bản nhạc rock vốn dành cho các bạn sinh viên mà vào trình diễn ở buổi hòa nhạc lại vào ngày đại lễ 2/9 là sự cởi mở và khán giả khi thưởng thức thấy được sự sáng tạo, thú vị, hấp dẫn mà những năm trước đó Hòa nhạc quốc gia Điều Còn Mãi không thấy có.
Tùng Dương theo đánh giá của tôi là đã hát rất đạt tiết mục này bởi hát nhạc nhẹ và rock vốn là sở trường của bạn ấy. Chỉ có điều đáng tiếc nho nhỏ đó là giá như dàn nhạc đừng tự ý đưa các nhạc cụ của nhạc nhẹ như trống, guitar, organ vào thì tiết mục còn hay và sang trọng hơn nữa bởi việc sử dụng các nhạc cụ của nhạc nhẹ đôi khi vô tình làm cho tác phẩm không còn cái hay, cái đẹp của dàn nhạc giao hưởng nữa.
– Anh từng là giám đốc âm nhạc liveshow của NSƯT Đăng Dương hay ca sĩ Lan Anh hát với dàn nhạc giao hưởng nhưng sắp tới lại kết hợp với gương mặt trẻ như Phạm Thùy Dung, đâu là áp lực của anh khi làm với nữ ca sĩ này?
Một ca sĩ hát với dàn nhạc giao hưởng bây giờ rất ít vì nó quá tốn kém và mất nhiều thời gian, phải là những người có tiềm lực, có khả năng và quyết tâm rất cao. Tôi thấy trước tiên mình tham gia với Phạm Thùy Dung vì đó là việc thú vị hơn nữa lại thêm một lần được làm việc với Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời – dàn nhạc theo đánh giá của tôi là số 1 Việt Nam hiện nay.
Thực tế có nhiều chương trình ở Việt Nam ca sĩ hát với dàn nhạc giao hưởng nhưng lại không tin giám đốc âm nhạc, còn cá nhân tôi chỉ làm việc với những người đặt lòng tin ở mình và đảm bảo âm nhạc vang lên đúng với điều mình mong muốn. Khi làm việc với Phạm Thùy Dung, tôi thấy sự tôn trọng của cô ấy dành cho mình. Việc của tôi cũng không phải làm được vài tổng phổ phối bài là xong, hơn 2 tháng qua, tôi liên tục bay ra Hà Nội, còn cô ấy bay vào Sài Gòn để tập với nhau từng bài.
Phạm Thùy Dung tập với một pianist trong vòng một tháng, tôi luôn giám sát sát sao để điều tiết cho Phạm Thùy Dung thể hiện đúng điều tôi muốn, nhiều chương trình khác nghệ sĩ tự tập những điều không đúng ý nhạc sĩ. Một tháng trước khi diễn, Phạm Thùy Dung sẽ tập lại thật nhuần nhuyễn với dàn nhạc và nhạc trưởng. Chưa có một chương trình nào tôi yêu cầu ca sĩ tập kỹ đến vậy.
– Tôi muốn biết lý do sâu xa khiến anh nhận lời giúp Phạm Thùy Dung?
Phải thú thật rằng trước đây tôi và Phạm Thùy Dung không có quen biết gì, qua một số người bạn giới thiệu tôi bắt đầu tìm hiểu cô ca sĩ này. Cũng phải thực sự có năng lực tôi mới nhận lời và qua những buổi làm việc tôi thấy điểm đáng quý nhất ở Phạm Thùy Dung đó là rất khiêm tốn và chịu khó học hỏi. Thậm chí khi tôi khuyên em nên đi học thêm cái này, cải thiện cái kia những môn không liên quan đến thanh nhạc và Phạm Thùy Dung đã rất nghe lời.
Tôi luôn quan niệm ca sĩ không phải là một cái máy hát, bên trong họ luôn có một cái gì đó muốn giãi bày, nôm na là phải có cá tính, có ý đồ. Trước đây tôi thấy Phạm Thu Hà có điều ấy và bây giờ Phạm Thùy Dung cũng vậy. Ngoài chuyện đam mê, mong muốn người ca sĩ phải có ý tưởng chứ không phải mình muốn như thế này và để người khác tô vẽ thế nào thì tô vẽ đâu. Phạm Thùy Dung trong tương lai tôi tin tưởng rằng sẽ bứt phá vì cô ấy biết mình đến đâu.
– Anh có nhiều lần làm việc với Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời và ai cũng biết nhạc trưởng tài năng chỉ huy ở đó là người Pháp. Rào cản về ngôn ngữ có khi nào khiến anh và nhạc trưởng Olivier Ochanine làm việc với nhau khó khăn?
Ngày trước đi học một chuyên gia dạy sáng tác lúc ấy tôi không cần phiên dịch, cũng không biết tiếng Anh bởi âm nhạc khi hiểu và cảm được không cần nói. Nếu đã nói đến lần thứ 2 mà không làm được thì không bao giờ làm được. Cho nên khi tôi làm việc với nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời Olivier Ochanine phải nói rằng tôi rất khoái bạn này.
Khi làm với concert của ca sĩ Lan Anh tôi thậm chí chẳng phải nói với nhạc trưởng những ý tưởng như ”chỗ này anh cần chậm lại, chỗ kia anh cần nhanh hơn” bởi Olivier Ochanine tự cảm được. Có những bài nhanh lên hay chậm xuống một chút là hỏng, nhưng để cảm được điều đó là cả một bài toán và nhạc trưởng Olivier Ochanine rất giỏi trong việc này. Vì vậy giữa chúng tôi không có rào cản gì về ngôn ngữ.
Âm nhạc là không có biên giới và Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời có những con người quá giỏi, đó là những nhạc công người nước ngoài, đặc biệt bộ kèn đồng. Dàn nhạc này đã đạt ở đẳng cấp châu lục và không có dàn nhạc nào của Việt Nam có thể so sánh được. Sau lần làm việc với ca sĩ Lan Anh tôi quá thích dàn nhạc này và tôi cho rằng đây là một tín hiệu mừng cho sự phát triển âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và nhạc trưởng Olivier Ochanine.
”Cỡ như tôi ở nước ngoài chỉ làm trông xe!”
– Anh là một nhạc sĩ có tài, đặc biệt các bản phối của anh cho dàn nhạc giao hưởng thường rất ấn tượng và được đánh giá cao. Tuy nhiên, anh có buồn không khi những chương trình anh làm giám đốc âm nhạc với các ca sĩ dòng thính phòng kén người nghe và không được đón nhận như các dòng nhạc khác?
Chúng tôi quen với chuyện ấy rồi nên chẳng bao giờ nghĩ nhiều bởi không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng thế. Âm nhạc nếu để ý những cái gọi là hot hit của giới trẻ thế giới chỉ một số thôi nhưng những danh ca nổi tiếng nhạc thính phòng giao hưởng có thể lúc xuất hiện êm ái không rầm rộ nhưng sẽ đứng lâu hơn và tuổi nghề lâu hơn. Quan trọng nhất người nghệ sĩ tự thấy thích gì và làm gì thôi vì mình yêu công việc đó sẽ thấy ý nghĩa và hạnh phúc.
Như tôi học nhạc cụ dân tộc sau học nhạc nhẹ nhưng giờ lại đi theo nhạc giao hưởng vì đơn giản tôi thích thì theo. Mỗi người có một cách lựa chọn để gắn kết với nó cả đời. Thấy hạnh phúc và mang lại ý nghĩa cuộc đời mình cứ làm thôi, còn giàu hay nghèo không quan trọng. Nói chung nghệ sĩ thính phòng thời đại này sống khá bình thường, không quá khó khăn.
– Có một điều kỳ lạ, khi anh còn sinh sống và làm việc ở Hà Nội với công việc sáng tác, phối khí lại không đắt show bằng lúc đã chuyển hẳn vào TP.HCM lập nghiệp. Anh đã bao giờ đặt câu hỏi tại sao và lý giải điều này?
Có nhiều chuyện lắm bạn ạ. Thứ nhất tôi mới vào Sài Gòn nên chưa có sự quen biết nhưng tới đây có những dự án còn lớn hơn cả ngoài Hà Nội mà tôi sẽ làm với ê kíp trong đó. Có những đơn đặt hàng viết nhạc tôi nhận được trong đó nhưng điều này chưa được quảng bá mạnh. Tại sao tôi hay làm ngoài Hà Nội vì ở đây có nhiều ca sĩ dòng thính phòng và cho dù tôi có ở đâu đi nữa thì thời đại 4.0 mọi thứ phát triển tôi chỉ cần xách laptop là xong.
Còn việc gần đây tôi làm nhiều concert của ca sĩ Hà Nội thành công là một phần bởi tôi đưa một ê kíp ở TP.HCM ra hỗ trợ mình từ đạo diễn, chỉnh âm thanh, ánh sáng, dàn dựng sân khấu chứ không phải cá nhân tôi có thương hiệu gì ghê gớm đâu. Thành quả là sự tổng hòa của nhiều người chứ không chỉ một cá nhân.
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Cỡ như tôi ở nước ngoài chỉ làm trông xe!
– Lâu nay nhắc đến anh người người mặc định bằng cụm từ “người nhạc sĩ khó tính và kỹ tính”. Anh có thích sự nhận xét vốn không được mỹ miều ngọt ngào này?
Tôi lại thích thế. Tôi vẫn nói với sinh viên của mình là các cậu đừng bao giờ nghĩ bằng bọn tôi là xong chuyện, đừng lấy bọn tôi ra làm gốc vì cỡ như tôi ở nước ngoài không ai thuê dạy sáng tác cả có khi chỉ làm trông xe ở nhạc viện. Tại sao tôi lại trở thành người khó tính vì người Việt Nam mình dễ tính thấy chỉ cần trở thành mức này mà tôi lại mong mức khác là có chuyện rồi.
– Anh được đánh giá là một trong những nhạc sĩ hàng đầu với những tác phẩm phối khí cho dàn nhạc giao hưởng, vậy anh có sợ rằng thế hệ của mình sẽ khó tìm người có đủ đam mê để tiếp nối?
Không, tôi nghĩ là không khó đâu, giới trẻ bây giờ nhiều bạn khá lắm, có một số nhân vật đang học ở nước ngoài như con trai của đạo diễn Tất My Loan rất giỏi hay con trai của nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng vậy. Tôi tin các em sẽ trở về nước và kế nhiệm làm nhạc tốt thậm chí còn tốt hơn thế hệ của tôi.
Điều này cũng giống như tôi không thể tin Việt Nam lại có một dàn nhạc giao hưởng tư nhân như Giao hưởng Mặt Trời vì khi nó ra đời mọi người bảo chỉ tồn tại được 1,2 năm rồi có khi bị bỏ đi. Nhưng thực tế, đâu có dễ thế, khán giả sẽ còn thấy dàn nhạc này có tác động rất nhiều vào âm nhạc Việt Nam và phát triển xa hơn.
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng sinh năm 1973, quê Nam Định. Anh là nhạc sĩ có khả năng sáng tác được nhiều thể loại tác phẩm với nhiều phong cách âm nhạc khác nhau. Là người được đào tạo chính quy tại Khoa sáng tác – Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã có nhiều đóng góp tích cực trong các hoạt động âm nhạc như sáng tác, phối khí, chuyển soạn, dàn dựng… Những tác phẩm sáng tác khí nhạc, những bản phối khí của anh luôn mang tính sáng tạo, thể hiện phong cách chuyên nghiệp, được giới chuyên môn ghi nhận.
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chính thức viết nhạc từ năm 2006 với tác phẩm đầu tay là “Tứ tấu đàn dây số 2”. Theo nhạc sĩ, khi còn bé, anh đã có niềm yêu thích nhạc cụ dân tộc, thời thanh nhiên thích tham gia các ban nhạc pop, rock, khi trưởng thành có sự trải nghiệm, lại gắn bó với giao hưởng thính phòng. Bên cạnh sự nghiệp sáng tác âm nhạc giao hưởng thính phòng, anh từng giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, sau này khi chuyển vào TP.HCM sinh sống, anh giảng dạy tại Nhạc viện TP.HCM.
S.H (HNS)