Tính tẩu đàn trời

0
1172
Nghệ nhân làm đàn tính ở Cao Bằng.
Ngày nay, nhiều nơi người ta vẫn quen gọi cây đàn của người Tày là đàn tính. Ở quê tôi mọi người vẫn thường gọi “tính tẩu”. Còn có vùng gọi là “tính then”. Có nơi gọi đàn “then”. Thậm chí có chỗ gọi mỗi chữ “tính”…

Gọi thế nào bà con người Tày cũng hiểu được đó cây đàn “boong hây” chúng ta. Đều là cây đàn “tùm rưng mì lẻ kin bấu mì lẻ da” (có thì ăn, không có thì thôi). Nhưng theo tôi, gọi “tính tẩu” là chính xác nhất. Bởi trong tiếng Tày, “tính” nghĩa là đàn, “tẩu” nghĩa là bầu.

Nếu dịch nguyên đai nguyên kiện, “tính tẩu” sẽ được hiểu là đàn bầu. Vậy nó có dính dáng gì đến cây đàn bầu của người Kinh dưới xuôi không? Chắc hẳn là có. Chắc chắn là có. Vào một ngày đẹp trời sắp tới, tôi sẽ hầu chuyện các quý bạn sau.

Ai cũng biết “tính tẩu” là một trong những loại nhạc cụ độc đáo nhất của người Tày, và nó đã trở thành biểu tượng của văn hoá Tày. Vậy nó xuất hiện từ bao giờ? Cho đến nay, các nhà khoa học, các nhạc sĩ, các nghệ sĩ đàn, hát… hình như vẫn đang loay hoay chưa xác định được ai là người sáng tạo, vào thời gian nào, không gian nào làm ra cây đàn thiêng này?

Tôi đã có lần nghe thấp thoáng bên tai ai đó cho rằng “tính tẩu” xuất hiện vào thời nhà Mạc (1594-1677). Họ còn lý giải thêm rằng vua quan quần thần nhà Mạc vì lánh nạn mà phải dắt díu bồng bế nhau lên tận miền rừng Cao Bằng đóng đô, trong lòng họ dằng dặc nỗi lòng nhớ nhà nhớ quê da diết mà sinh ra bệnh này bệnh khác. Các bậc trí giả vuốt râu cười khà khà bỗng nhớ ra, nghệ thuật âm nhạc có một sức mạnh kỳ diệu, nó có thể chữa lành vết thương tình cảm, giúp con người thăng hoa và khỏi bệnh một cách thần kỳ. Và thế là “tính tẩu” ra đời?

Lại có truyền thuyết trong dân gian Tày kể rằng, từ những năm con trâu trắng biết ngồi, ở một làng nọ, có một chàng thanh niên mồ côi cả cha lẫn mẹ, tên là Xiên Cân. Anh chàng này đã ngoài ba mươi tuổi mà vẫn chưa hỏi được cô gái nào về làm vợ.

Một hôm, chàng Xiên Cân xách “bẳng” (ống bương) đi ra ngoài suối lấy nước, khi nhìn xuống mặt nước thì thấy mình nhàu nhĩ cũ kỹ như quả bòng lạc mùa. Chàng buồn cho duyên phận của mình sao mà “khôm khỏ” đắng cay đến thế. Xiên Cân chỉ còn biết tựa lưng vào vách nhà mà hát. Chàng mở miệng hát như thở, hòng làm cho lòng mình nguôi ngoai khuây khoả nỗi buồn, nhưng nào có vui lên được, cô đơn vẫn hoàn cô đơn.

Rồi một hôm, có người trong bản mách chàng hãy lên mường trời xin hạt giống cây dâu về trồng. Khi cây dâu lớn, cành lá tốt tươi, chàng chăm chỉ miệt mài hái lá chăn tằm. Thế rồi một nong tằm cũng nở ra năm nong kén. Một nong kén nở ra chín nén tơ. Chàng lấy tơ xe thành giây to, giây vừa, giây nhỏ, giây mảnh… mắc vào thân đàn, thế là thành cây “tính tẩu” cho đến hôm nay và mai sau mai sau mai sau mai sau.

Trước khi đàn, ông giàng bà then gọi người nhà thắp hương thơm, thắp đèn nến sáng trưng rồi lẩm nhẩm một chập xin phép thần đàn cho con được đàn. Họ ngồi nhấp chén rượu đợi cho đến khi nào nghe tiếng lép bép nhỏ nhẹ trên ngọn nến, rồi mới được chơi. Ông giàng bà then kính cẩn dùng hai tay nâng đàn lên trên làn khói cảm tạ thần đàn. Nâng lên đưa xuống đủ ba nhịp, rồi mới bắt đầu lên giây cót, gẩy thử rề mi són sao cho thật cân bằng âm vực. Tiếp sau nữa mới đến khúc dạo đầu, nhạc “tính tẩu” bắt đầu khoan thai từ tốn “roong roong mả te cai” nào ngựa ơi ta cất bước lên đường.

“Tính tẩu” thường đệm cho hát giàng hát then, rất ít khi đem đàn ra trình tấu độc lập. Người miền Đông ở vùng núi đá gọi bằng giàng, thường là nam hát. Người miền Tây ở vùng núi đất gọi bằng then, thường là nữ hát.

Trong tiếng Tày giàng then đều nói nghĩa là trời. Nếu giàng miền Đông với những giai điệu hùng tráng, biến tấu nhanh mạnh, thì then miền Tây lại mềm mại, thong thả, nhấn nhá như ngân như nga. Nếu giàng miền Đông tung hoành trời đất thì then miền Tây lại ấm áp dịu dàng. Tiếng đàn ro ro như nước mới từ rừng ngập tràn hoa thơm cỏ lạ chảy về. Và như vậy then cùng giàng hoà quyện vào nhau, chính là khí âm với khí dương, như lửa với nước, như đêm với ngày, như đen với trắng…Nửa nọ phối với nửa kia mà thành tình yêu cây “tính tẩu” của người Cao Bằng.

Then và giàng đều là nghi thức diễn xướng trong các hoạt động thế giới tâm linh phục vụ cho con người. Ví dụ trong lễ cấp sắc dành riêng cho các ông giàng bà then. Ta hiểu nôm na đấy là lễ tốt nghiệp trong nghề cúng bái. Hay lễ cầu hoa cầu bjooc những ai hiếm muộn cầu xin con cái. Hoặc lễ bắc cầu mở đường, là hình thức cúng dường cho nhân quần xã hội. Rồi lễ “ma nhét” đầy tháng thôi nôi cho trẻ đầu lòng.

Lễ cầu an cầu mùa mỗi dịp xuân về. Lễ mừng thọ cho các bậc cao niên khi chạm vòng hoa giáp, sáu mốt tuổi, bảy ba tuổi, tám lăm tuổi và từ 90 tuổi trở lên gọi là kì ri thọ (chính là kì hi thọ, người Tày nói trệch chữ hi thành chữ ri). Hoặc lễ mừng nhà mới. Lễ nàng hai….  Nói tóm lại, tính tẩu toàn hướng đến việc thiện và việc vui.

Vậy đặc trưng của “tính tẩu” là gì? “Tính tẩu” thường nhắc lại quá khứ. Kể về những nơi mà đoàn quân then đã đi qua. Những vùng đất, vùng trời. vùng biển mà đoàn quân giàng đã tới. Ví dụ: Đoàn quân then đã vượt biển như thế nào trong trường ca “Khảm hải” (vượt biển)? Hoặc nói về số phận hai chị em A Sằm A Sòi đã thoát chết trong trận lũ ống ra sao…

Vì thế tiếng “tính tẩu” thường thì thầm, trầm trầm, mờ mờ, đục đục và rất giàu tính kịch. Tiếng “tính tẩu” không vang rền nền nẩy như đàn bầu, không réo rắt như tam thập lục, không nỉ non sâu lắng như đàn đáy, không trong vắt như đàn nguyệt. Âm sắc “tính tẩu” gợi cho người nghe thấy một mảng màu u tối, buồn bã của núi rừng. Tiếng “tính tẩu” cực kỳ phù hợp với cảnh sắc áo chàm truyền thống. Đặc biệt trong ngôi nhà sàn người Tày ám đầy khói bếp, ánh lên màu đen xít xịt.

Một tông màu lặng lẽ khiêm nhường trầm mặc, đó là nét tính cách nổi bật nhất của người Tày. Họ có quan niệm màu đen khác với các dân tộc khác. Nếu người phương Tây coi là tang tóc, thì người Tày cho màu đen là biểu hiện của tri thức, của sự hiểu biết. Màu đen tượng trưng cho trí tuệ là sao? Họ giải thích rằng hai con ngươi màu đen nhìn vào hàng hàng chữ đen. Từ đó đưa con người nhận thức từ đơn giản đến phức tạp. Từ hỗn độn đến trật tự. Từ tối tăm mông muộn đến ánh sáng văn minh, “tính tẩu” trầm đục là vì vậy!

“Tính tẩu” ngày nay được các nhà đạo diễn đưa lên sân khấu, trở thành những tiết mục ca nhạc dân tộc hấp dẫn người nghe người xem. Nhất là trong các cuộc thi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Cả một dàn “tính tẩu” hoà tấu trong những bản nhạc hiện đại, nhằm tôn vinh nghệ thuật truyền thống của dân tộc Tày. Có khá nhiều nghệ sĩ người Kinh họ thích thú về cây đàn này và lập tức chơi thành thạo các ngón “tính tẩu”. Tiếng đàn của họ nghe “nắt nỉu” thân thương như lời người yêu chuyển tới người yêu.

Y Phương (HNS)