Thế Phùng – Nhạc sĩ của những ca khúc quê hương

0
1090
Nhạc sĩ Thế Phùng. Ảnh: Long Vũ

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống âm nhạc, ngay từ nhỏ nhạc sĩ Phan Thế Phùng (sinh năm 1946, ở Thái Thụy, Thái Bình) đã được nuôi dưỡng bởi những mạch ngầm âm nhạc của miền đất chèo. Lớn lên, ông sống và công tác tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Dù sống xa quê, nhưng những kỷ niệm, tình yêu quê hương, hình ảnh của “nơi chôn nhau cắt rốn” vẫn cứ ùa về trong tâm hồn ông, để cho ra đời những bài hát mang đậm hồn quê.

Trước khi về công tác tại Uông Bí, Thế Phùng từng là bộ đội đánh Mỹ và trải qua nhiều vị trí công tác văn hóa nghệ thuật ở quân đội và quê hương Thái Bình. Năm 2000, ông về làm quản lý Hội Văn học nghệ thuật thành phố Uông Bí.

Với vai trò là Đội trưởng Đội Nghệ thuật dân tộc ở Yên Tử, với tình yêu âm nhạc cháy bỏng, ông đã sáng tác 20 ca khúc về mảnh đất này. Các ca khúc mang âm hưởng của dân ca hòa lẫn với cảnh trầm lắng, tĩnh mịch của non thiêng Yên Tử. Có thể kể đến như: “Trăng Yên Tử”, “Lên chùa Đồng”, “Trầm hương tháp tổ”, “Khúc hát thiền”, “Lời suối Giải Oan”, “Mùa xuân Yên Tử”, “Dấu tích Ngọa Vân”… đã đi vào lòng người bởi sự mênh mang, êm dịu và lắng đọng sâu sắc.

Hiện nay, trong số các nhạc sĩ tại Quảng Ninh, Thế Phùng là một trong hai nhạc sĩ xuất bản được các tập ca khúc quê hương cho riêng mình. Những ca khúc của Thế Phùng được lấy cảm hứng từ những  nét đẹp của quê hương như cây đa, bến nước sân đình, lũy tre làng, con sông quê yêu dấu, những ruộng lúa, con trâu… Và điều quan trọng hơn những tình khúc của ông còn mang hơi thở từ truyền thống gia đình (bố mẹ ông đều là những kép hát trong làng ngày trước).

Nhạc sĩ Phan Thế Phùng tâm sự: “Ngày còn nhỏ, tôi có nhiều dịp đi theo ông, bà nội đến một số chiếu chèo. Vì họ là những nghệ sĩ hát chèo dân gian điệu nghệ, có thể thi tài nhuần nhuyễn trong các hội làng chèo khắp xứ Đông, xứ Đoài… Không gian âm nhạc từ thuở bé thơ đó tạo niềm đam mê, tác động tích cực đến tôi”.

Không chỉ say mê với âm nhạc mà nhạc sĩ Thế Phùng còn rất nhiệt tình trong công tác bồi dưỡng huấn luyện những thế hệ trẻ có tài năng về âm nhạc. Ông còn mở nhiều lớp dạy học nhạc miễn phí cho các em ở Quảng Ninh và Thái Bình để các em có thể phát triển niềm đam mê mơ ước của mình. Cũng từ các lớp học nhạc này, nhiều em đã trưởng thành và sử dụng tốt các loại nhạc cụ dân tộc như sáo, đàn nguyệt, đàn tì bà…

Các ca khúc của nhạc sĩ Thế Phùng đi cùng những câu chuyện dung dị của những làng quê. Điều đặc biệt nhất trong các sáng tác của mình là ông đều chú ý sử dụng chất liệu dân gian vào trong các ca khúc. Nhờ những giai điệu âm nhạc diệu kỳ mà ông đã biến điều tưởng chừng là nhạt nhẽo, buồn tẻ trở thành những nét nhạc, lời ca bay bổng, sâu lắng đến lạ kỳ.

Chia sẻ về dự định sắp tới của mình, nhạc sĩ Thế Phùng cho biết: “Tôi đã sáng tác hơn 300 ca khúc ở nhiều địa danh của quê hương Thái Bình và Quảng Ninh. Năm 2019, tôi sẽ cho ra mắt một đĩa DVD mang tên “Quê hương kỷ niệm”. Cùng với đó, tôi sẽ mở thêm nhiều lớp dạy nhạc, bồi dưỡng các tài năng trẻ miễn phí, để từ đó, âm nhạc quần chúng sôi nổi. Đó chính là phương châm sống không chỉ của tôi mà rất nhiều nhạc sĩ khác đang hướng tới”.

Đó là những ca khúc: “Làng Hương”, “Dấu tích Ngọa Vân”; “Yên Tử trường xuân”, “Quê em biển hát”, “Trăng Yên Tử”, “Sáng mãi Bạch Đằng Giang”, “Lên Chùa Đồng”, “Thành phố bình minh”, “Hai miền quê lúa”, “Nhịp cầu sông Diên”… Gần đây, nhạc sĩ Thế Phùng gây được tiếng vang lớn trong giới âm nhạc Việt Nam và được nhiều người biết đến, ái mộ với hàng loạt các ca khúc về biển như “ Mưa từ lòng biển”, “Biển gọi”… Đây là sự cảm nhận bằng tâm hồn và tình yêu đối với biển của ông.

Với ca khúc “Biển gọi”, những ca từ êm dịu, sâu lắng, có lúc trầm ấm nhưng vẫn có sức lay động lòng người, gợi về niềm tự hào dân tộc, khẳng định đanh thép về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Cái tài của người nghệ sĩ là nói về niềm tự hào, về lịch sử dân tộc, về chủ quyền quốc gia nhưng lại được lột tả trong hiện thực sinh động của cuộc sống trên biển. Trong bài “Biển gọi”, sự hòa quyện hình tượng đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật vừa nhẹ nhàng, thanh thoát, vừa ẩn dụ, bao hàm để khái quát giữa người và biển, người bám biển, hay giữa các chiến sĩ làm nhiệm vụ gác biển và ngư dân bám biển. Hình ảnh Trường Sa nhấp nhô và lưới chài rộn ràng đã trở thành biểu tượng của sự tranh đấu, bộc lộ quan điểm chủ quyền “Ta đi theo chân lý vì hòa bình/Giữ yên từng tấc biển thiêng liêng/Ông cha ta từng máu đổ xương rơi/Để cho ngư dân có biển vươn khơi/Như mắt mẹ ngời qua mắt lưới/Ta đi trên lãnh thổ quê hương”.

Với những đóng góp trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Thế Phùng đã được nhận nhiều giải thưởng của Trung ương, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, của tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh… Dù đã nghỉ hưu mấy năm nay, nhưng công việc sáng tác của nhạc sĩ Phan Thế Phùng chưa bao giờ ngơi nghỉ. Ông vẫn miệt mài với công việc mà mình đam mê cả cuộc đời, ấy là sáng tác âm nhạc.

 (bienphong)