Thể nghiệm quan họ: Cần rất thận trọng

0
518
Các nghệ sĩ tham gia vở kịch hát quan họ “Trương Chi”.

Sáng tạo thể nghiệm quan họ là cách để quan họ có hơi thở mới, tiếp cận được với khán giả đương đại, tuy nhiên cần rất thận trọng, nếu không sẽ làm “hỏng” quan họ. Mới đây, Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh đã dàn dựng vở kịch hát quan họ “Trương Chi” (dự kiến công chiếu khán giả vào giữa tháng 12) được coi là bước đi đầy táo bạo trong cách thể nghiệm loại hình âm nhạc truyền thống này.

Cách làm không mới

Đầu tiên phải khẳng định thể nghiệm quan họ là cách làm không mới, nó đã được Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh sáng tạo cách đây nhiều năm. Trước đây NSƯT Quý Tráng cùng nghệ sĩ Xuân Hồng và nhạc sĩ Đức Miêng đã phối hợp xây dựng nhiều chương trình thể nghiệm chất lượng, như tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 1985, Nhà hát đã giành giải Đặc biệt toàn đoàn, trong đó 2 tiết mục “Ai xuôi về” và “Gửi về quan họ” giành Huy chương Vàng… Hay như phong cách hát quan họ “Mời nước, mời trầu” mà công chúng thưởng thức bây giờ cũng khởi đầu từ chương trình mà bộ ba nghệ sĩ này dàn dựng cho Công an tỉnh Hà Bắc tham dự Hội diễn toàn quốc năm 1982.

Là người có nhiều năm biểu diễn, nghiên cứu về quan họ, nghệ sĩ Quý Thăng lấy dẫn chứng sự thể nghiệm quan họ đã có trong 2 chương trình quan họ “Ngày hội” và “Đón bạn ngày xuân” khi các nghệ sĩ, diễn viên ca quan họ thể hiện các câu ca, làn điệu cổ. Đặc biệt trong vở diễn “Từ Thức gặp tiên” được Nhà hát biểu diễn trong một thời gian. Sự thể nghiệm quan họ còn được thể hiện qua việc phối nhạc cho hai câu (bài ca) cổ “Lúng liếng” và “Ngồi tựa mạn thuyền”. Cái hay là các nghệ sĩ đã dùng giọng ca solo nam, solo nữ (lĩnh xướng) cùng tốp ca nam, tốp ca nữ hay hát 1 hoặc 2 trổ bài này và tiếp bằng 1 hoặc 2 trổ bài khác mà không hát trọn vẹn bài này rồi chuyển sang trọn vẹn bài khác như trước kia.

Riêng trong ca cảnh (là tác giả lấy câu chuyện, nội dung nào đó để viết với các trổ, đoạn, lời ca theo điệu cổ nhưng lời mới cho phù hợp nội dung, thời lượng 15 đến 30 phút) đã có sự thành công khi phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam như các ca cảnh “Quan họ nơi đảo xa” (của nhạc sĩ Đức Miêng viết năm 1979) hay “Vui cùng hội xuân” (do các nghệ sĩ Xuân Trường, Quý Thăng, Thanh Hiếu, Bích Hạnh hát và nói) rồi “Tiếng hát bên sông quan họ” (tác giả Quý Thăng, biểu diễn Ba Trọng, Lan Hương)…

Bước đầu được ghi nhận

NSƯT Khánh Toàn, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc được lãnh đạo Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh tin tưởng mời làm đạo diễn kiêm tác giả kịch bản vở kịch hát quan họ “Trương Chi”. Vốn là người gắn bó với quan họ nhiều năm, NSƯT Khánh Toàn đã tâm huyết dựng lên vở kịch hát quan họ với mong muốn bảo tồn, phát triển quan họ trong cuộc sống với thế giới nghe nhìn hiện nay.

“Trước đây Nhà hát Dân ca quan họ đã mời tôi làm hoạt cảnh ngắn, khoảng 20 -25 phút, trong đó làn điệu quan họ gắn vào các nhân vật chung chung, như anh bộ đội, cô thôn nữ, anh hai, chị hai… Như chúng ta đã biết, trong sự giao đãi của quan họ chủ yếu là tình yêu, sinh hoạt đời sống, lao động mà không có sự xung đột trong tiếng hát, trong câu chuyện. Trong khi đó khán giả Việt Nam nói chung và khán giả miền Bắc nói riêng đều yêu mến loại hình nghệ thuật có nội dung câu chuyện. Bởi vậy, tôi đã chọn câu chuyện tình yêu để gắn bó với không gian, thời gian, nhịp sống, phong cách của quan họ”, NSƯT Khánh Toàn chia sẻ.

Diễn ra trong thời gian 80 phút, vở kịch hát quan họ “Trương Chi” đã đề cập sự khác biệt giữa mộng ảo và cuộc sống thực, giữa nghệ thuật và cuộc sống. Nếu coi tiếng sáo của Trương Chi là nghệ thuật, thì sự phân biệt giai cấp giàu nghèo giữa Mị Nương và Trương Chi lại không vượt qua được. Đây cũng chính là nỗi đau, niềm khắc khoải của con người. Để thực hiện được vở diễn này, các nghệ sĩ quan họ đã vượt qua nhiều khó khăn mà khó khăn nhất vốn là các nghệ sĩ hát nhưng lại chuyển tải qua nhân vật có hỉ nộ ái ố.

Một cảnh trong vở kịch hát quan họ “Trương Chi”.

Theo NSƯT Khánh Toàn, trong buổi diễn báo cáo, nhiều người đánh giá giai điệu quan họ được lồng thể vào khi Trương Chi, Mị Nương đối đáp thể hiện tình yêu rồi cảnh bố mẹ Mị Nương đối đáp thể hiện sự băn khoăn… rất ăn khớp.

“Đặc biệt có khán giả khi xem vở diễn báo cáo đã nói tôi nghe và yêu quan họ từ nhỏ nhưng đây là lần đầu tiên tôi khóc vì quan họ. Sau buổi diễn báo cáo, Lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Bắc Ninh đã đánh giá rất cao vở diễn và dự kiến sẽ cho công diễn khán giả vào dịp tỉnh Bắc Ninh và một số cơ quan Trung ương phối hợp tổ chức Hội thảo văn hóa 2022 “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” tại Bắc Ninh. Dù đã có những tín hiệu tích cực ban đầu nhưng chúng tôi đều hiểu sự sáng tạo, phát triển phải khéo léo, nếu phát triển quá sẽ thành… biến dạng di sản”, NSƯT Khánh Toàn nhấn mạnh.

Nghệ sĩ Thanh Quý, Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh cho rằng, việc đưa quan họ vào trong kịch hát chính là tiến thêm bước dài trong hành trình bảo tồn và phát triển dân ca quan họ trong thời kỳ mới, khiến nghệ sĩ trở nên đa năng nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo riêng không thể trộn lẫn của dân ca quan họ. “Để vở diễn đạt đến chất lượng nghệ thuật cao hơn nữa đòi hỏi cần trau chuốt thêm nhiều khâu, nhiều công đoạn. Hành trình thử nghiệm mới của Nhà hát mới chỉ là sự khởi đầu. Nhưng với tâm thế, với nhiệt huyết của các nghệ sĩ, của Ban Giám đốc và các cấp lãnh đạo, tin rằng vở diễn sẽ được công chúng đón nhận, dân ca quan họ sẽ trường tồn và lan tỏa”, nghệ sĩ Thanh Quý khẳng định.

Phải biết đủ độ

Là người có nhiều tâm huyết trong sáng tạo thể nghiệm quan họ, NSƯT Quý Tráng, nguyên Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh cho rằng, việc nỗ lực tìm tòi, sáng tạo thể nghiệm để làm mới quan họ cho phù hợp cuộc sống đương đại luôn cần thiết và đáng trân trọng. Song, phát huy dân ca quan họ không dễ, không phải cái gì cũng mang ra cải tiến, cách tân. Muốn cách tân, muốn sáng tạo cần dựa trên quá trình đào luyện, phải rất hiểu và hiểu rất sâu. Nếu không có nội lực nghệ thuật mà cứ thấy người ta phát triển, mình cũng phát triển nhưng theo kiểu vay mượn, chắp vá sẽ thành ra sống sượng. Như việc quá lạm dụng múa khi dàn dựng các tiết mục quan họ bây giờ cũng thế.

“Nếu nói đưa ngôn ngữ múa vào dàn dựng quan họ thì chúng tôi là lớp người đầu tiên nhưng cách điệu ở mức độ nào, sàng lọc, tiết chế làm sao cho phù hợp để vẫn giữ được chất dịu dàng, duyên dáng, nền nã đặc trưng của quan họ. Trong sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là làm về quan họ mà không biết tiết chế cho đủ độ, chỉ cần quá một chút là hỏng. Quan họ đậm chất trữ tình, không có những bài hát rộn ràng hoặc đau buồn như chèo nên khi dàn dựng chương trình cần biết kết hợp giữa thơ, nhạc, múa và phải cực kỳ cẩn thận…”, NSƯT Quý Tráng diễn giải.

Cũng theo NSƯT Quý Tráng, gần đây xuất hiện nhiều cách thể nghiệm mới như phối khí quan họ với âm nhạc phương Tây, kết hợp quan họ với balê… mặc dù có tạo ra sự khác biệt nhưng chưa đủ độ đầm, độ sâu để đọng lại trong công chúng. Thể nghiệm quan họ trong bối cảnh hiện nay đang là một thách thức bởi quan họ truyền thống với độ phủ sóng sâu rộng, có độ bám bền chặt trong lòng người mến mộ. Vì thế, để tạo ra tác phẩm mới chất lượng, đòi hỏi người nghệ sĩ sáng tạo phải thực sự hiểu truyền thống và thăng hoa, khi tác phẩm mới ra đời, bản thân nghệ sĩ phải cảm thấy hài lòng, được công chúng chấp nhận, khán giả thỏa mãn.

N.K (HNS)