Nghị quyết đã đề ra nhiều chủ trương, nội dung, giải pháp quan trọng nhằm xây dựng nền văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để nhìn lại những thành tựu, kết quả đạt được cũng như những vấn đề đặt ra sau 10 năm thực hiện nghị quyết này, Báo Quân đội nhân dân giới thiệu vệt bài “10 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về văn học nghệ thuật”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò đặc biệt của văn hóa trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và nhấn mạnh văn hóa là một bộ phận hữu cơ cấu thành quan trọng của cách mạng, không đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Trong “Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951”, Người khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Nhìn một cách hệ thống, xuyên suốt cho thấy Đảng ta từ khi ra đời đến nay, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh luôn coi VHNT là một giá trị văn hóa có sức sống lâu dài, bền vững, tác động tích cực, to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngày 28-11-1987, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 05 về “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”. Đại hội VIII của Đảng nêu mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhằm xây dựng con người Việt Nam tiên tiến về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, lối sống. Văn kiện Đại hội VIII nêu rõ: “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác động sâu sắc xây dựng con người. Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng. Bài trừ các khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính”.
Nhằm tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh cao quý của VHNT đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong quá trình hội nhập quốc tế, ngày 16-6-2008, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
Ba mục tiêu của Nghị quyết số 23 nêu ra là mục đích đi tới, là phương châm hành động, cũng là động lực thúc đẩy VHNT phát triển. Một là, tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền VHNT Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Hai là, xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình, có năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc, có tình yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó sâu sắc với nhân dân, với sự nghiệp đổi mới; Ba là, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, bảo đảm yêu cầu phát triển lĩnh vực này trong thời kỳ mới.
10 năm sau, nhìn sâu vào tình hình đất nước, nhìn rộng ra về bối cảnh văn hóa thế giới càng thấy các mục tiêu ấy là đúng với thời điểm lịch sử, phù hợp với bản chất, đặc trưng của VHNT và hòa nhịp cùng bước đi toàn cầu hóa của văn hóa nhân loại.
Từ sau đổi mới năm 1986 đến những năm đầu thế kỷ 21, cách mạng nước ta gặt hái những thành công to lớn, kinh tế khởi sắc; quá trình dân chủ hóa đời sống diễn ra ngày một mạnh mẽ, hiệu quả; quá trình giao lưu, hợp tác quốc tế sâu rộng; trình độ dân trí, trong đó thị hiếu thẩm mỹ ngày một nâng cao. Đó vừa là những tiền đề cơ sở, vừa là đối tượng phản ánh, sáng tạo của VHNT. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tự thân VHNT cũng tất yếu đổi mới cho phù hợp với bước đi của lịch sử, tư tưởng nhân văn được đề cao, phẩm chất nhân đạo được coi trọng, giá trị nhân bản được phát huy. Quan niệm về con người trong VHNT được nhìn nhận đa dạng, phong phú và tinh tế hơn, không chỉ là con người lý tưởng, còn là con người hạnh phúc đời thường với bao khát khao bản thể. Quan niệm về sứ mệnh, chức năng của VHNT cũng mới mẻ, đa dạng hơn, không chỉ là giáo dục, nhận thức, mà còn là giải trí, vì giải trí lành mạnh cũng là góp phần nhân đạo hóa hoàn cảnh, nhân tính hóa con người tích cực hơn. Bởi thế, VHNT ngày càng đi sâu vào bản chất cuộc sống tìm ra những nhân tố mới, khẳng định và cổ vũ cái tiến bộ, cái tốt, đấu tranh trực diện với cái ác, cái xấu, cái lỗi thời, lạc hậu. Do vậy, hiện đại hóa VHNT cả về nội dung và hình thức cũng là một nhu cầu chính đáng, cần được khuyến khích, tôn trọng.
Trong khi đó, công cuộc hội nhập với thế giới của nước ta đang diễn ra, nhất là hội nhập văn hóa ngày càng mạnh mẽ và đa dạng đúng với quy luật ảnh hưởng, tiếp biến, giao thoa. Những luồng gió văn hóa, cả gió lành và gió độc, cả nhân văn và phản nhân văn tràn vào. Gió lành nhân văn nhân thêm hương sắc, làm mới truyền thống, làm tăng lên giá trị; còn gió độc phản nhân văn thì ngược lại. Xét về bản chất sáng tạo thì văn nghệ sĩ sáng tạo bằng cái tôi cá tính, nếu được đề kháng tốt thì “cái tôi” ấy sẽ hít thở gió lành giúp cơ thể thêm khỏe khoắn, cường tráng để sáng tạo. Điều này một phần lý giải bên cạnh những tác phẩm hay, lành mạnh vẫn có cả những “thứ phẩm” tầm thường, xa lạ. Trong bối cảnh ấy rất cần một tư tưởng chỉ đạo vừa quán xuyến vĩ mô, vừa chi tiết, cụ thể. Nghị quyết số 23 ra đời như là ánh sáng, là niềm tin làm rõ đường hướng, củng cố đội ngũ, khẳng định giá trị, tiếp thêm động lực cho văn nghệ sĩ.
10 năm (2008-2018) thực hiện Nghị quyết số 23, chúng ta vui mừng với những thành tựu đáng chú ý. Trước hết, không khí sáng tạo của văn nghệ sĩ bừng lên mạnh mẽ. Năm 2013, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc thi sáng tác, sưu tầm các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng có tới 97 tiểu thuyết, trường ca, hồi ký; 350 tác phẩm điêu khắc, tranh sơn dầu, khắc gỗ…; 1.000 tác phẩm ảnh; 120 kịch bản phim… Số lượng chỉ là bề nổi, nhìn vào bề sâu là niềm vui VHNT đã làm tốt chức năng giáo dục lý tưởng về quá khứ anh hùng, về bài học nhớ ơn nguồn cội, về tinh thần phát huy truyền thống. Nghị quyết khuyến khích, đổi mới và tôn trọng các phương pháp sáng tác đã tạo ra sự đa dạng, đa sắc trong sáng tạo nghệ thuật. Hàng năm, liên hiệp và các hội chuyên ngành đều tổ chức trao giải thưởng những tác phẩm có giá trị, góp phần động viên, khuyến khích các văn nghệ sĩ sáng tạo theo tư tưởng thẩm mỹ có tính chuyên nghiệp cao với mục đích vì con người, vì sự nghiệp cách mạng.
Theo số liệu từ Trung tâm Hỗ trợ sáng tác VHNT (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hàng năm trung tâm tổ chức từ 60 đến 80 trại sáng tác cho các loại hình nghệ thuật với sự tham gia từ 1.000 đến 1.200 văn nghệ sĩ. Riêng trong hai năm 2015-2016 đã tổ chức 131 trại sáng tác, đón 2.010 lượt văn nghệ sĩ và sản phẩm là gần 6.000 tác phẩm các loại hình ra đời, được đánh giá cao.
VHNT Việt Nam đã vươn tầm ra ngoài thế giới, ngoài mỹ thuật vốn được thế giới chú ý, ca ngợi, thì văn học những năm gần đây đang dần trở thành sứ giả của văn hóa Việt đa bản sắc giao lưu, hòa nhập với bạn bè quốc tế. Những tác phẩm xuất sắc của các tác giả: Hữu Thỉnh, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Ý Nhi, Nguyễn Ngọc Tư… được dịch ra tiếng nước ngoài với số lượng không hề nhỏ. Văn học thế giới đã quan tâm chú ý hơn tới nền văn học Việt Nam đậm đà tinh thần nhân văn, giàu giá trị yêu nước, khao khát hòa bình.
PGS,TS Nguyễn Thanh Tú (qdnd)