Sứ giả đưa âm nhạc Việt Nam ra thế giới

0
834
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh biểu diễn cùng dàn nhạc tre nứa Sức sống mới

Gần đây, thị trường âm nhạc Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực. Không ít nghệ sĩ trẻ đã lao động nghệ thuật miệt mài để cống hiến và cho ra đời những sản phẩm chất lượng, được đông đảo công chúng đón nhận; đồng thời cũng dần vươn ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, trong các sản phẩm âm nhạc của mình, họ đã có những tìm tòi, sáng tạo mới mang nét cá tính riêng của âm nhạc Việt.

Kết nối âm nhạc dân tộc và âm nhạc thế giới

Ngô Hồng Quang là một trong những nghệ sĩ đương đại hàng đầu tại Việt Nam có công trong việc tìm tòi, phổ biến đàn chiêng dây cùng âm nhạc dân tộc đến với công chúng trong và ngoài nước. Âm nhạc của Ngô Hồng Quang luôn đặc biệt bởi sự giao thoa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa hai nền văn hóa Đông – Tây cùng mong muốn gìn giữ những giá trị lâu đời và khát khao hội nhập với bạn bè năm châu.

Mới đây, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang đã ra mắt album Tình Đàn; lần đầu tiên đàn nhị, đàn bầu, đàn môi, đàn tính, chiêng dây, đàn k’ny và các làn điệu hát dân gian Việt Nam được kết hợp tinh tế cùng các nhịp điệu trúc trắc, phức tạp đầy tinh tế của bộ gõ Senegal và những âm giai đầy mê hoặc của đàn santur, Iran. Đặc biệt, trong album này, Ngô Hồng Quang đã mời hai nghệ sĩ nước ngoài tham gia cùng, đó là Pape Dieye (nghệ sĩ đàn ngoni và bộ gõ người Senegal) và Alireza Mortazavi (nghệ sĩ đàn saturn người Iran). “Sự kết hợp này không chỉ là để tìm tòi và bảo tồn những giá trị âm nhạc truyền thống, mà còn là dấn thân để tìm kiếm đời sống cho âm nhạc truyền thống trong thời đại mới. Tôi có thể khẳng định, những thanh âm của nước bạn đã làm cho âm nhạc của chúng ta lộng lẫy và đa chiều lên rất nhiều”, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang chia sẻ.

Không chỉ được chăm chút kỹ lưỡng về chất lượng âm thanh, cảnh đẹp thiên nhiên Việt Nam hùng vĩ trong Tình Đàn cũng sẽ mang đến cho khán giả trải nghiệm nghệ thuật hoàn thiện cả phần nghe và phần nhìn, với những cảnh quay được thực hiện tại lòng hồ thủy điện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Đây là nơi sinh sống lâu đời và mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày – cảm hứng khởi nguồn cho tác phẩm.

Với nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc giao lưu, quảng bá âm nhạc Việt Nam, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh được giới âm nhạc trong nước mệnh danh là “sứ giả” kết nối âm nhạc Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đồng Quang Vinh khao khát có thể đưa những nhạc cụ thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng như tre, nứa ra thế giới, đồng thời đưa âm nhạc hàn lâm tới gần hơn với công chúng Việt. Vì thế, anh đã đứng ra thành lập dàn nhạc Sức sống mới – dàn nhạc dân tộc duy nhất hiện đang chơi theo hình thức giao hưởng hóa trên nhạc cụ tre nứa Việt Nam. Sức sống mới đã được mời biểu diễn ở nhiều chương trình quốc gia và quốc tế, được vinh danh là dàn nhạc truyền cảm hứng nghệ thuật truyền thống tới công chúng Việt Nam và thế giới.

Không chỉ có âm nhạc hàn lâm, Pop/R&B hay Rap/Indie đều góp phần rất lớn trong việc phát triển nền âm nhạc đương đại Việt; đồng thời đưa âm nhạc Việt Nam lọt vào bản đồ âm nhạc quốc tế. Bằng tất cả sự chỉn chu, nghiêm túc và nỗ lực sáng tạo không ngừng, nhiều nghệ sĩ trẻ đã “chiêu đãi” người hâm mộ trong nước và quốc tế những sản phẩm chất lượng, công phu và thiết lập phong cách riêng cho mình. Có thể kể đến Suboi – cô nàng rapper tạo được nhiều dấu ấn với người yêu nhạc trong và ngoài nước qua những bản rap do chính cô sáng tác. Suboi còn được nhiều tờ báo nổi tiếng như The Wall Street Journal, The Guardian mệnh danh là “nghệ sĩ tiên phong của Hip-hop Việt Nam”. Hay như Sơn Tùng M-TP được coi là người mở đường rất thành công khi đưa âm nhạc Việt Nam “Mỹ tiến”; tờ South China Morning Post của Hồng Kông (Trung Quốc) mệnh danh Sơn Tùng là “hoàng tử V-pop”. Rồi Lê Cát Trọng Lý với ca khúc “8 chữ có” kết hợp với nhóm Kenyan Boys Choir, hay Vũ hợp tác với Lukas Graham trong Happy For You gặt hái nhiều thành công trên các nền tảng nghe nhạc và các bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế…

Nỗ lực xây nên nhịp cầu vững chắc

Chinh phục thị trường âm nhạc thế giới vẫn còn là chặng đường dài với rất nhiều khó khăn, thử thách đối với các nghệ sĩ Việt Nam, đòi hỏi sự tìm tòi, nghiêm khắc, miệt mài cống hiến của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, những nghệ sĩ trẻ Việt Nam đầy tài năng và nhiệt huyết hiện nay sẽ là kỳ vọng của sứ mệnh đưa nhạc Việt vươn xa.

“Thanh âm từ nhạc cụ tre nứa là hồn cốt của âm nhạc Việt Nam. Tôi luôn tâm huyết và tìm mọi cách nâng tầm nhạc cụ dân tộc dẫu biết rằng con đường này không hề dễ dàng. So với nhạc cụ phương Tây, nhạc cụ tre nứa Việt Nam dẫu thô mộc, đơn giản, nhưng lại không bị can thiệp nhiều bởi yếu tố công nghệ nên khi chơi có lợi thế về thể hiện cảm xúc. Vì thế, nếu biết vận dụng một cách khéo léo, âm nhạc dân tộc sẽ đi được những chặng đường rất dài và xa trên hành trình chinh phục bạn bè quốc tế”, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh chia sẻ và cho biết thêm: Trong khi nhạc cụ phương Tây đã có hàng trăm năm sử dụng và cải tiến để có thể cùng xuất hiện, kết hợp nhuần nhuyễn với nhau trong một dàn nhạc giao hưởng thì các nhạc cụ dân tộc Việt Nam chưa trải qua quá trình như vậy. Vì thế, anh đã phải làm việc một cách nghiêm khắc, miệt mài trên cơ sở phân tích những điểm mạnh, yếu của từng loại nhạc cụ để cải tiến, điều chỉnh, viết lại tác phẩm.

NSND Quốc Hưng thì cho rằng, khi đất nước mở cửa thì không chỉ mở về kinh tế mà văn hóa cũng rất được coi trọng, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc. Sự du nhập của nhiều dòng nhạc từ khắp nơi trên thế giới trong xu thế hội nhập toàn cầu đã được giới nghệ sĩ trẻ tiếp thu rất nhanh và cho ra đời những sản phẩm âm nhạc chất lượng, không những đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của các khán giả khó tính trong nước mà còn được khán giả thế giới đánh giá cao. Đặc biệt, các nghệ sĩ trẻ của Việt Nam ngoài việc tập trung đầu tư cho việc học tập, sáng tạo thì đã biết cách kết hợp với các nghệ sĩ nước ngoài để cho ra đời những sản phẩm chuẩn về âm thanh, giai điệu, ca từ, hình ảnh, thủ pháp dàn dựng phù hợp với xu hướng âm nhạc thế giới. Có thể khẳng định, nền âm nhạc Việt Nam đang phát triển nhanh hơn bao giờ hết nhờ vào sự tiếp thu những giá trị văn hóa tiên tiến, hiện đại kết hợp với văn hóa truyền thống của Việt Nam. “Không gian âm nhạc dân tộc luôn vận động và không ngừng phát triển, vì thế các nghệ sĩ trẻ không chỉ là người biểu diễn, mà còn là người sáng tạo không gian âm nhạc của riêng mình, vừa mới mẻ, hiện đại, lại vừa hài hòa, đậm đà bản sắc văn hóa Việt”, NSND Quốc Hưng nhấn mạnh.

Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng nhận định, việc đưa âm nhạc truyền thống, dân gian vào không gian âm nhạc đương đại là mô hình phổ biến của các nghệ sĩ quốc tế. Các nghệ sĩ Việt Nam đã và đang có những hành trình sáng tạo mới, bắt kịp xu thế để từ đó hoạt động ngày càng vững vàng trong môi trường quốc tế.

Hoàng Anh (HNS)