Lịch sử hình thành và phát triển dàn nhạc Accordeon

0
936
Việc các nghệ sĩ accordeon tập hợp cùng nhau diễn tấu trong tập thể dàn nhạc là nhu cầu nghệ thuật tất yếu, bởi dàn nhạc, với những ưu thế riêng của nó, cho phép thể hiện một cách sâu sắc và truyền cảm mọi nội dung hình tượng nghệ thuật âm nhạc đa dạng, mở ra những hướng đi rộng lớn trong việc khai thác kho tàng âm nhạc thế giới và quốc gia. Trên thế giới, loại hình diễn tấu dàn nhạc accordeon[1] đã trải qua một quá trình phát triển liên tục và bền bỉ suốt hơn một thế kỷ. Ngày nay một số lượng không nhỏ các dàn nhạc accordeon ở nhiều quốc gia thuộc khắp các châu lục đã đạt tới đẳng cấp chuyên nghiệp cao với hoạt động biểu diễn  không chỉ giới hạn trong phạm vi của một nước. Nhiều năm qua, ngành accordeon Việt Nam cũng đã có những thể nghiệm ở loại hình diễn tấu này đóng góp cho đời sống âm nhạc của đất nước.

1. Dàn nhạc Accordeon trong giai đoạn hình thành từ cuối thế kỷ XIX tới nửa đầu thế kỷ XX

Những cây đàn phong cầm đầu tiên với cấu trúc phím – lưỡi lam – hòm gió xuất hiện ở châu Âu từ đầu thế kỷ XIX với tên gọi harmonica (tiếng Pháp)/ гармоника (tiếng Nga) / fisarmonica (tiếng Ý). Một trong những cây đàn phong cầm đầu tiên được cấp bằng sáng chế và được đặt tên “accordeon” bởi nghệ nhân thành Viên (Áo) Cyrill Demian (1772-1849). Từ cuối thế kỷ XIX xuyên qua đầu thế kỷ XX, quá trình phổ cập hóa cây đàn accordeon diễn ra mạnh mẽ, với hàng trăm nghìn cây đàn được sản xuất ở châu Âu và xuất khẩu đi nhiều nước thuộc khắp các châu lục. Trong kho tư liệu của “nhà viết sử nghệ thuật accordeon thế giới” – Giáo sư M.Imkhanitsky (Học viện Âm nhạc Quốc gia Nga, Moscow, LB Nga) – còn lưu giữ nhiều bức ảnh quý giá về những hoạt động diễn tấu accordeon tập thể (hòa tấu, dàn nhạc) đầu tiên ở Nga, châu Âu, tiếp đó là châu Phi, châu Mỹ, châu Á vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX [3].

Vào giữa thập niên 1880, tại Tula (Nga), nghệ nhân sáng chế đàn accordion kiêm nghệ sĩ accordion nghiệp dư lão thành người Nga N.I. Beloborodov lần đầu tiên khởi xướng thành lập “Dàn nhạc của những nghệ sĩ tài tử chơi đàn Harmonica” tại thành phố quê hương ông. Trong cuốn Lịch sử nghệ thuật bayan và accordeon, tác giả M. Imkhanitsky đã dẫn số liệu của nhà nghiên cứu A.Novoselsky cho biết: “Có tất cả 20 cây đàn harmonica (accordeon) đã ra đời với sự tham gia chế tạo trực tiếp của Beloborodov. Hầu hết những cây đàn này sau đó được đưa vào sử dụng trong dàn nhạc harmonica của chính ông” [3, tr.160]. Nghệ nhân Beloborodov cũng chính là người soạn tổng phổ cho dàn nhạc accordeon của mình, trong đó có những tác phẩm âm nhạc cổ điển được chuyển soạn – phố khí cho dàn nhạc accordeon như các overture trích từ các vở opera Zampa (F. Hérold, nhạc sĩ Pháp, 1791-1833), Cô gái câm từ Porticci (D. Auber, nhạc sĩ Pháp, 1782-1871), Cuộc đời vì Sa hoàng (M. Glinka, nhạc sĩ Nga, 1804-1857) cùng với nhiều tác phẩm khác do chính Beloborodov tự sáng tác hoặc cải biên trên chất liệu chủ đề ca khúc, vũ khúc dân gian và thành thị. Beloborodov cũng đồng thời đảm nhiệm vai trò nhạc trưởng của dàn nhạc này cho tới năm 1901. Giáo sư M. Imkhanitsky đã nhận định về sự kiện thành lập dàn nhạc accordeon đầu tiên trên thế giới trong công trình nghiên cứu Lịch sử nghệ thuật accordeon thế giới như sau: “Việc thành lập dàn nhạc harmonica (accordeon) đầu tiên trên thế giới – với hệ thống chromatic trên bàn phím bên phải và hệ thống diatonic trên bàn phím bên trái thực hiện chức năng đệm bass -hợp âm cơ bản – là công lao của N.I. Beloborodov. Bản thân sự hình thành phương thức diễn tấu dàn nhạc với những cây đàn accordeon hệ chromatic, cũng như việc biên soạn tổng phổ cho loại hình dàn nhạc này đều là sự cách tân mới mẻ mang tính nguyên tắc.” [3, tr.162].

Sau dàn nhạc của Beloborodov vài năm,  ở nước Đức, một trong những dàn nhạc accordeon nghiệp dư lâu đời nhất được ghi nhận tới nay là dàn nhạc Akkordeon-Musikverein Heiterkeit được thành lập năm 1890 tại Frankfurt am Main-Griesheim. Trải qua ngót 130 năm, cho tới nay dàn nhạc này vẫn liên tục duy trì hoạt động đều đặn của mình. Vào ngày 03 tháng 11 năm 2015, tại tại Frankfurt (Đức) đã diễn ra chương trình hòa nhạc kỷ niệm 125 năm ngày thành lập dàn nhạc Akkordeon-Musikverein Heiterkeit[2].

Từ năm 1901, vì lý do sức khỏe và tuổi tác, N.I. Beloborodov đã chuyển giao Dàn nhạc của những nghệ sĩ tài tử chơi đàn Harmonica cho học trò của ông là V.P. Hegstrem (1865-1920) – nhạc công bè trưởng của dàn nhạc này. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu âm nhạc E. Maksimov, “…về thực chất,  V.P. Hegstrem đã thành lập cả một tập thể dàn nhạc accordeon mới. Ông đã dành nhiều công sức cho việc trang bị nhạc cụ cho dàn nhạc; dần thay thế loại đàn harmonica hệ hai dãy nút bấm (trên bàn phím tay phải) bằng hệ ba dãy nút bấm gần giống với cây đàn Bayan đương đại ngày nay ” [4, tr.14]. Dàn nhạc accordeon của V.P. Hegstrem được công chúng đương thời đánh giá cao về trình độ nghệ thuật, với nhạc mục biểu diễn được đổi mới một cách cơ bản so với dàn nhạc của Beloborod trước kia. Bên cạnh các bản ca – vũ khúc dân gian đời thường được cải biên, nhạc mục biểu diễn của dàn nhạc V.P. Hegstrem mở rộng sang nhiều tác phẩm âm nhạc kinh điển được chuyển soạn cho dàn nhạc accordeon. Bắt đầu từ năm 1901, dàn nhạc đã có những chuyến lưu diễn thành công ở nhiều thành phố của nước Nga. Mùa đông năm 1907, những tấm áp-phích được dán khắp thành phố Moscow thông báo về buổi công diễn tại Phòng hòa nhạc Nhỏ (Malưi Zal) Nhạc viện Moscow của tập thể dàn nhạc accordeon đến từ Tula này. Những tờ áp phích còn lưu giữ tới ngày nay cho chúng ta biết về chương trình đêm diễn bao gồm những tác phẩm kinh điển chuyển soạn như Overture từ opera Con đầm Pích của Tchaikovsky, Valse trích từ nhạc kịch Faust của Gounod, các trích đoạn opera Ivan Susanin của Glinka, nhiều bản Valse của J. Strauss, v.v…

Từ thập niên 1920, tức là ngay sau Cách mạng tháng Mười Nga, cây đàn bayan-accordeon[3] đã được giới lãnh đạo văn hóa, giáo dục của nhà nước Xô viết ra quốc sách hỗ trợ, phát triển theo hai định hướng tiến hành song song: phổ cập đại chúng và chuyên nghiệp – hàn lâm. Từ năm 1928, đàn accordeon-bayan dần được đưa vào hệ thống đào tạo chính quy bậc trung cấp và cao đẳng tại một số trường đại học nghệ thuật và trung cấp âm nhạc quốc gia[4] ở Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Năm 1926 tại Moscow, dàn nhạc accordeon chuyên nghiệp đầu tiên ở Liên Xô [3, tr.502] được thành lập với tên gọi Dàn nhạc Accordeon Giao hưởng Quốc gia. Hoạt động của dàn nhạc này đã kéo dài trong 13 năm (1926-1939). Người tổ chức và chỉ huy dàn nhạc là nhà hoạt động âm nhạc nổi tiếng đương thời – nhạc sĩ L.M. Banovich (tốt nghiệp Nhạc viện Warsaw và Nhạc viện Saint Petersburg). Ngày 13 tháng 9 năm 1926, tại Moscow, Dàn nhạc Accordeon Giao hưởng Quốc gia dưới sự chỉ đạo của nhạc sĩ Banovich đã công diễn thành công một chương trình biểu diễn lớn tại Triển lãm Harmonica toàn Liên bang lần thứ nhất với nhạc mục gồm những tác phẩm âm nhạc kinh điển chuyển soạn như Egmont của Beethoven, Những tiểu phẩm Nga của Ljadov, Chú lùn của Grieg, Hành khúc nhà binh của Schubert… Thành phần dàn nhạc khi đó bao gồm khoảng 20-25 nhạc công. Tiêu chí của dàn nhạc đặt ra là phổ cập những tác phẩm âm nhạc cổ điển mẫu mực và những tác phẩm âm nhạc dân gian Nga được cải biên cho diễn tấu dàn nhạc, mở rộng nhạc mục biểu diễn, giới thiệu thành tựu nghệ thuật của tập thể các nghệ sĩ accordeon tham gia dàn nhạc. Thành phần nhạc cụ tham gia dàn nhạc gồm accordeon phím tròn (bayan, button accordeon) hệ chromatic trên bàn phím phải và hệ thống standard bass hoặc free-bass trên bàn phím tay trái và các loại đàn accordeon thuộc dòng concertino (prima, tenor, bariton, bass), accordeon chân-bass, bayan-bass, bộ gõ. Không chỉ đạt được thành công vang dội qua các chuyến lưu diễn trong nước, “mối quan tâm đối với dàn nhạc này đã vượt ra khỏi biên giới Liên Xô. Dàn nhạc đã nhận được những lời mời hấp dẫn  từ nước Mỹ với chuyến lưu diễn một năm xuyên qua tất cả các thành phố lớn của nước Mỹ, trên cơ sở hợp đồng trọn gói. Tổ chức khuyến nhạc lớn nhất Berlin cũng tiến hành những cuộc thương thuyết với dàn nhạc cho chuyến lưu diễn ở Đức[5]”.

Trong khi đó ở Tây Âu, vào thập niên 1920-1930, việc khai thác âm thanh của cây đàn accordeon như một nhạc cụ hàn lâm cũng bắt đầu manh nha, với việc đưa cây đàn accordeon vào trong tác phẩm mới của một số nhạc sĩ lớn thuộc nền âm nhạc kinh điển đương đại. Vào năm 1921, nhà soạn nhạc người Áo Alban Berg (1885-1935) đã đưa cây đàn accordeon vào thành phần dàn nhạc nhỏ (cùng với các nhạc cụ dây, kèn) trong hồi II của vở opera Wozzeck. Năm 1921, nhạc sĩ người Đức Paul Hindemith (1895-1963) lần đầu tiên đưa cây đàn accordeon vào thành phần dàn nhạc thính phòng trong tác phẩm Chamber Music No1, op.24. Năm 1935, Dàn nhạc First Cologne Accordion Orchestra được thành lập bởi nghệ sĩ Heinz Gengler tại thành phố Cologne (dàn nhạc này hiện vẫn hoạt động tích cực tại Đức).

Năm 1931, Ernst Hohner (1886-1965) – nhà sáng chế nhạc cụ đồng thời là chủ hãng đàn Hohner danh tiếng của Đức đã sáng lập Nhạc viện Hohner Konservatorium (Trossingen, Đức) – cơ sở đào tạo accordeon chuyên nghiệp đầu tiên ở Tây Âu. Vị hiệu trưởng đầu tiên của Hohner Konservatorium là nhạc sĩ Hugo Hermann – người đặt nền móng cho chương trình, nhạc mục đào tạo accordeon chuyên nghiệp ở Đức. Từ năm 1948, ngoài chương trình đào tạo độc tấu, hòa tấu accordeon, Hohner Konservatorium chính thức mở chuyên ngành đào tạo chỉ huy dàn nhạc accordeon, cùng với việc thành lập một dàn nhạc accordeon chuyên nghiệp mang tên Hohner Accordion Orchestra được duy trì và phát triển liên tục tới ngày nay[6]. Từ thập niên 1930-1940 cho tới sau chiến tranh thế giới lần thứ II (thập niên 1950), tại châu Âu và Mỹ, quá trình chuyên nghiệp hóa cây đàn accordion diễn ra một cách tích cực, nhiều hiệp hội accordeon quốc gia và quốc tế được thành lập trong giai đoạn này:

– Năm 1931: Hiệp hội Accordeon Đức – Deutscher Harmonika Verband (DHV) được thành lập tại Trossingen, Đức (28/03/1931).

– Năm 1935: Hiệp hội Nghệ sĩ accordeon Quốc tế – The Association Internationale des Accordeonistes (AIA) được thành lập tại Paris.

– Năm 1938: Hiệp hội Nghệ sĩ accordeon Hoa Kỳ – American Accordionists Association (AAA) được thành lập tại Fairfield, Connecticut, Mỹ.

– Năm 1940: Nghiệp đoàn Giảng viên accordion Hoa Kỳ – The Accordion Teachers Guild International (ATG) được thành lập tại Mỹ.

– Năm 1948: Liên đoàn Accordeonistes Quốc tế – The Confédération Internationale des Accordéonistes (C.I.A) – thành viên Hội đồng Âm nhạc Thế giới (IMC) được thành lập tại Lausanne, Thụy Sĩ. Ngành accordeon Việt Nam được kết nạp thành viên từ 2003.

– Năm 1951: Liên đoàn Accordeon Thế giới – Confédération Mondiale de l’Accordéon (CMA) được thành lập tại Paris, Pháp. Ngành accordeon Việt Nam với đại diện từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (TS Nguyễn Tài Hưng) được kết nạp làm thành viên từ tháng 11 năm 2017.

Các hiệp hội accordeon quốc gia và quốc tế luôn thể hiện vai trò tích cực của mình trong việc truyền bá nghệ thuật accordeon, trong đó có việc hỗ trợ một số dàn nhạc accordeon tham gia những liên hoan và cuộc thi accordeon quốc tế lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới.

2. Giai đoạn nửa sau thế kỷ XX tới nay.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, hoạt động của các hình thức diễn tấu accordeon tập thể (dàn nhạc accordeon, tốp tấu accordeon) ngày càng trở nên sôi động. Năm 1947, Hohner Accordion Orchestra được thành lập tại Trosssingen, CHLB Đức. Nghệ sĩ accordion, nhạc sĩ người Đức Rudolf Würthner (1920-1974) trở thành vị nhạc trưởng đầu tiên của dàn nhạc này. R. Würthner đã tư duy và sắp đặt các nhóm nhạc công trong dàn nhạc của mình như một dàn nhạc lớn, với thành phần gồm 25 cây đàn accordeon và từ 3-6 nhạc cụ phím điện tử.  Các bè solo thường được giao cho các nhạc công có kỹ thuật điêu luyện nhất đảm nhiệm. Bằng tính chuyên nghiệp và tính nghệ thuật cao, R. Würthner đã đưa Dàn nhạc Accordeon Hohner đạt tới những tầm cao chưa từng có, với những chuyến lưu diễn thành công trên khắp thế giới và một khối lượng lớn các bản thu âm được phát hành. Nhạc mục tác phẩm của Dàn nhạc Hohner khá đa dạng, bao gồm những tác phẩm âm nhạc cổ điển châu Âu do chính R. Würthner chuyển soạn, trong đó có nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ thuộc thời kỳ âm nhạc lãng mạn thế kỷ XIX như Perpetuum Mobile, Op. 25 (N. Paganini); Hungarian Rhapsody No. 2, No.5, N.6 (J. Brahms); William Tell Overture (G. Rossini); Invitation To The Dance, Op. 65 (C.M. Weber)… Dàn nhạc Hohner cũng diễn tấu nhiều tác phẩm do chính Würthner sáng tác nguyên bản cho dàn nhạc như Variations on an Original Theme for accordion orchestraFestival-Ouverture for accordion orchestraMünchner Rhapsody for accordion orchestra.

Cũng từ thập niên 1940-1950, nhà nghiên cứu âm nhạc M. Imkhanitsky cho biết: “Ở Liên Xô, các tổ chức dàn nhạc accordeon-bayan có tầm bao phủ thậm chí rộng khắp hơn cả ở Tây Âu, Nếu như trước chiến tranh thế giới thứ Hai, việc hình thành các dàn nhạc accordeon chỉ mới bắt đầu nhen nhóm, thì tới năm 1950, theo số liệu của tạp chí Sovetskaya Muzika, con số dàn nhạc đã lên tới 805, với tổng số người tham gia là 6800” [3, tr. 246]. Trong số những dàn nhạc accordeon chuyên nghiệp quy mô lớn ở Liên Xô thời kỳ này có thể kể đến: Dàn nhạc Accordeon-bayan Leningrad được thành lập năm 1943 bởi nghệ sĩ Pavel Smirnov (Dàn nhạc này đã giành chiến thắng tại cuộc thi âm nhạc quốc tế trong khuôn khổ Liên hoan sinh viên, thanh niên toàn thế giới lần thứ II tổ chức tại Budapest năm 1949); Dàn nhạc Bayan-accordeon Cung văn hóa liên bang mang tên V. Lenin tại thành phố Gorky thành lập năm 1947, dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Kanatov và nhiều dàn nhạc khác. Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, quá trình chuyên nghiệp hóa, hàn lâm hóa cây đàn accordeon-bayan ở Liên Xô tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và đi vào chiều sâu. Năm 1948, cây đàn accordeon-bayan được đưa vào đào tạo chính quy ở bậc học cao nhất tại Học viện Hàn lâm Âm nhạc Quốc gia Nga mang tên Gnessin (thành lập năm 1885) – một trong hai cơ sở đào tạo âm nhạc hàn lâm lâu đời và uy tín nhất nước Nga. Sau Học viện Âm nhạc Quốc gia Gnessin, trong thập niên 1950-1960, chuyên ngành accordeon-bayan lần lượt được đưa vào giảng dạy bậc đại học tại Nhạc viện Leningrad, Nhạc viện Novosibirsk, Nhạc viện Sverdlovsk, Nhạc viện Ural, Nhạc viện Kiev mang tên P. Tchaikovsky, Trường Đại học nghệ thuật Ufa, Trường Đại học Âm nhạc Rostov, v.v… Điều đáng lưu ý là trong chương trình đào tạo chuyên ngành accordeon-bayan tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Nga Gnessin ngay từ bậc trung cấp, chuyên ngành hai – chỉ huy dàn nhạc được đưa vào chương trình đào tạo bắt buộc đối với các sinh viên chuyên ngành accordeon. Chuyên ngành chỉ huy bao gồm các môn học chỉ huy, đọc tổng phổ trên đàn piano, phối khí dàn nhạc, học viên phải hoàn thành chương trình tốt nghiệp cấp quốc gia (gos-examen) với dàn nhạc accordeon-bayan của trường. Tại mỗi một trường trung cấp hoặc đại học âm nhạc đều có ít nhất một dàn nhạc accordeon-bayan của học sinh sinh viên với số lượng tham gia dàn nhạc từ 30-40 thành viên. Đây chính là một trong những nhân tố quan trọng tác động tích cực tới sự phát triển mạnh mẽ của loại hình diễn tấu dàn nhạc accordeon trên diện rộng ở Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô (trước đây).

Tại Ba Lan, chuyên ngành accordeon cũng được đưa vào hệ thống đào tạo chính quy (từ năm 1946) ở hầu khắp các trường âm nhạc từ bậc sơ – trung cấp tới đại học. Trong nửa sau thế kỷ XX, Ba Lan trở thành một nước có nghệ thuật accordeon rất phát triển với nhiều tốp hòa tấu và dàn nhạc accordeon nổi tiếng như Dàn nhạc Accordeon Krakow dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng S. Galas, Dàn nhạc Accordeon của V. Kulpovich, Ngũ tấu Accordion Warsaw của Giáo sư Lech Puchnovsky, v.v…

Tại CHLB Đức, hình thức diễn tấu dàn nhạc accordeon đặc biệt phát triển và nở rộ ngay khi chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, với số lượng dàn nhạc (chuyên nghiệp và nghiệp dư) lên tới con số hơn 300 dàn nhạc rải khắp các bang của quốc gia này[7]. Trong số hơn 300 dàn nhạc được thống kê tại Đức, có 12 dàn nhạc được xếp hạng “dàn nhạc đại diện cấp quốc gia” (national representative orchestra) và cấp thành phố được công bố trên website của Hiệp hội Accordeon Đức (Deutscher Harmonika Verband)[8]:

1- Dàn nhạc Accordeon Quốc gia (Das Bundesakkordeonorchester/ The National Accordion Orchestra) được thành lập vào năm 2010. Là một dàn nhạc đại diện cấp quốc gia, trực thuộc Hiệp hội Accordeon Đức (Deutscher Harmonika Verband – DHV), Das Bundesakkordeonorchester có tiêu chí về nhạc mục trình diễn gồm những tác phẩm mới viết nguyên bản cho dàn nhạc accordeon và một số tác phẩm giao hưởng, khí nhạc kinh điển được chuyển soạn-phối khí cho dàn nhạc accordeon. Chỉ huy chính là nhạc trưởng Stefan Hippe.

2- Dàn nhạc Accordeon Thanh niên bang Bavaria (Bavaria State Youth Accordion Orchestra Bavaria) đi sâu khai thác nhạc mục tác phẩm accordion của các nhạc sĩ đương đại và hợp tác thường xuyên với các nhạc trưởng nổi tiếng (nhạc trưởng của dàn nhạc được bổ nhiệm mới hàng năm). Trải qua 27 năm kể từ ngày thành lập (1992), Dàn nhạc này đã thực hiện nhiều buổi hòa nhạc hang năm, cũng như các tour diễn tại các quốc gia như Úc, Nga, Brazil và ở nhiều nước láng giềng châu Âu khác. Hiệp hội xúc tiến quảng bá của Dàn nhạc này là đơn vị tạo điều kiện hỗ trợ tài chính cho các hoạt động đa dạng của Dàn nhạc như: trợ cấp cho các chuyến lưu diễn, các giai đoạn diễn tập, cung cấp nhạc cụ đạt chuẩn âm thanh cao cấp, trang phục biểu diễn và các hình thức hỗ trợ khác nhằm giảm thiểu gánh nặng tài chính cho các nghệ sĩ trẻ tài năng.

3- Dàn nhạc Accordeon Quốc gia Berlin (State Accordion Orchestra Berlin) được thành lập từ đầu những năm 1980 nhưng hoạt động bị đình trệ, được nhạc trưởng Horst W. Froehlich vực dậy vào năm 1989. Froehlich đã lãnh đạo Dàn nhạc thành công cho đến khi ông đột ngột qua đời vào mùa xuân 2003. Kể từ đó, dàn nhạc bắt đầu bổ nhiệm những nhạc trưởng hàng đầu mới được chọn từ Deutscher Harmonika Verband theo cơ chế bổ nhiệm hàng năm. Các nhạc trưởng mới đã dẫn dắt dàn nhạc này ngày càng lớn mạnh, với nhạc mục biểu diễn chú trọng các tác phẩm nguyên bản, đồng thời vẫn đưa vào các tác phẩm âm nhạc cổ điển được chuyển soạn – phối khí cho dàn nhạc accordeon. Trong mùa giải 2003/2004, Dàn nhạc được chỉ huy bởi trưởng Stefan Hippe, sau đó là nhạc trưởng Thomas Bauer kể từ 2004/2005.

 4- Dàn nhạc Accordeon Thanh niên Quốc gia bang Brandenburg (State Youth Accordion Orchestra Brandenburg) được thành lập vào mùa thu năm 1997, nằm dưới sự tài trợ của Hội đồng âm nhạc Brandenburg và có trụ sở tại Cottbus Conservatory; giám đốc dự án dàn nhạc là ông Wolfgang Schielei. Dàn nhạc này nhắm mục tiêu hỗ trợ những nghệ sĩ accordion trẻ tài năng trong độ tuổi từ 13 đến 25 và quảng bá, giới thiệu nghệ thuật âm nhạc accordion trong cũng như ngoài bang Brandenburg. Chỉ huy chính của dàn nhạc là nhạc trưởng Volker Gerlich. Bên cạnh những tác phẩm nguyên bản viết cho accordion, nhạc mục biểu diễn của Dàn nhạc còn bao gồm những tác phẩm chuyển soạn của Johann Sebastian Bach, Alexander Borodin và một số tác phẩm nhạc nhẹ.

5- Dàn nhạc Giao hưởng Accordeon Hesse (Symphonic Accordion Orchestra Hesse) được thành lập vào năm 2013. Dàn nhạc được dẫn dắt bởi Thomas Bauer, một trong những nhạc trưởng được nhiều dàn nhạc accordion trên thế giới hoan nghênh và chào đón nhất. Bauer và 42 nhạc công của dàn nhạc hiện tại đặt mục tiêu khẳng định tính chuyên nghiệp và mở rộng đối tượng khan giả đến với dàn nhạc.

6- Dàn nhạc Accordeon Lower Saxony

7- Dàn nhạc Accordeon bang Rhineland-Palatinate (State Accordion Orchestra Rhineland-Palatinate), thành lập năm 1986.

8- Dàn nhạc Accordeon quốc gia bang Saarland (State Orchestra Saarland) được vận hành như một dàn nhạc cấp bang từ năm 2004. Nhạc trưởng Alexander Flory làm việc với dàn nhạc này cho tới năm 2015. Từ năm 2016, nhạc trưởng Thomas Bauer trở thành người lãnh đạo mới của dàn nhạc.

9- Dàn nhạc Accordeon Quốc gia bang Saxony-Anhalt (State Accordion Orchestra Saxony-Anhalt) thành lập năm 1989, tập hợp những nghệ sĩ accordion tài năng đặc biệt từng giành giải cao tại các cuộc thi accordeon như Jugend musiziert và Deutscher Akkordeon-Musikpreis. Nhạc mục biểu diễn của dàn nhạc tập trung vào các tác phẩm viết nguyên bản,

10- Dàn nhạc Accordeon Quốc gia bang Thuringia (The State Accordion Orchestra Thuringia) thành lập năm 1994, là liên kết của nhiều dàn nhạc nhỏ thuộc bang Thuringia (Erfurt, Jena và Altenburg) có nhạc mục biểu diễn chú trọng lĩnh vực nhạc nhẹ và các tác phẩm âm nhạc từ thời kỳ Baroque cho tới âm nhạc đương đại được chuyển soạn, phối khi cho dàn nhạc accordeon. Chương trình biểu diễn của Dàn nhạc thường hợp tác với các nghệ sĩ solo nhạc cụ giao hưởng và dàn hợp xướng.

11- Dàn nhạc Accordeon Thanh niên Quốc gia bang Baden-Wuerttemberg (The Accordion State Youth Orchestra of Baden-Wuerttemberg – ALJO/BW) thành lập năm 1985. Với lịch sử 30 năm hình thành và phát triển được đánh giá  cao trong nước và quốc tế. Dàn nhạc này đã xuất bản nhiều bản thu âm chất lượng cao, xuất hiện nhiều lần trên truyền hình trong nước và quốc tế. Từ năm 1985, Dàn nhạc đã lưu diễn trên tất cả năm châu lục, ở các nước láng giềng châu Âu cũng như Brazil, Trung Quốc, trên Quần đảo Fiji, ở Latvia, Litva, Canada, Moldova, Namibia, New Zealand, Mỹ, Nga, Thụy Điển, Serbia, Slovenia, Nam Phi, Ukraine và Belarus,v.v….

12- Dàn nhạc Accordeon Nuremberg (The Nuremberg Accordion Orchestra – NAO) được thành lập từ năm 1946. Nhạc trưởng đầu tiên của dàn nhạc này là Willi Münch. Từ năm 1988, Giáo sư Irene Urbach trở thành giám đốc âm nhạc của Dàn nhạc này. Dàn nhạc được trao tặng Culture Prize của thành phố Nuremberg. Từ năm 1998, nhà soạn nhạc nổi tiếng, nghệ sĩ accordion, nhạc trưởng Stefan Hippe, cựu học trò của Willi Münch trở thành “người cầm lái” của Dàn nhạc này. Nhạc mục của Dàn nhạc “giai đoạn Hippe” tiếp tục được mở rộng từ Bach tới Stravinsky, đồng thời chú trọng phát triển lĩnh vực âm nhạc đương đại, trong đó có nhiều tác phẩm do chính nhạc sĩ Stefan Hippe sáng tác cho dàn nhạc accordeon, cùng với nhiều tác phẩm đương đại viết nguyên bản cho dàn nhạc accordeon các nhạc sĩ Moritz Eggert, Adolf Götz và Bronislaw Przybylski. Dàn nhạc đã giành giải Nhất cuộc thi German Orchestra Competition 2008, Giải Nhất của International World Music Festival tại Innsburg (2004, 2010).

Tại nước Mỹ, năm 1961, bà Joan-Cochran Sommers[9] – Giáo sư Nhạc viện Missouri (University of Missouri-Kansas City Conservatory of Music) đã sáng lập Dàn nhạc Accordeon UMKC (University of Missouri-Kansas City Conservatory of Music’s Accordion Orchestra). Trong suốt lịch sử ngót 60 năm hoạt động dưới sự chỉ huy của nữ nhạc trưởng Joan Sommers, Dàn nhạc đã giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi âm nhạc quốc tế, thực hiện rất nhiều buổi hòa nhạc trên khắp nước Mỹ, cũng như các chuyến lưu diễn tại nhiều quốc gia như Đức, Thụy Sĩ, Áo, Scotland, Thụy Điển, Đan Mạch, LB Nga, Ba Lan, Estonia, New Zealand, Úc, Hungary, Séc, Ý, Trung Quốc… Dàn nhạc này từng nhiều lần xuất hiện trên sân khấu phối hợp với Kansas City Symphony Orchestra và Kansas City Civic Symphony Orchestra trong nhiều sự kiện âm nhạc ở nước Mỹ. Dàn nhạc này còn vinh dự góp mặt trong các chương trình kỷ niệm 110 năm ngày thành lập Nhạc viện Missouri-Kansas City, chương trình Mondial Coup lần thứ 60 tại Trung tâm nghệ thuật biểu diễn Kennedy (Kennedy Center for the Performing Arts), Washington DC. Nhạc mục biểu diễn của  Dàn nhạc Accordeon UMKC bao gồm những mảng tác phẩm mới nguyên bản và mảng tác phẩm âm nhạc kinh điển chuyển soạn, cũng như một số tác phẩm thuộc dòng nhạc Broadway music, jazz, pop được chuyển soạn – phối khi cho dàn nhạc accordeon bởi chính vị nhạc trưởng của dàn nhạc – Giáo sư Joan Sommers.

Tại nhiều nước châu Âu, Mỹ, Úc  hiện có hàng trăm dàn nhạc accordeon khác đang hoạt động, trong đó có London Accordion Orchestra (Anh), UMKC Accordion Orchestra; Westmont Philharmonia Accordion Orchestra (Mỹ), Russian Academy os Music of Gnessin’s Accordeon Orchestra (LB Nga), Fisorchestra Marchigiana (Castelfidardo, Ý), Royal Meath Accordion Orchestra (Ireland), Novi Sad Accordeon Orchestra (Serbia), Orquestra de Cambra d’Accordeons de Barcelona và Orquesta Sinfonica de Accordeones de Bilbao (Tây Ban Nha), Akkordeon-Orchester Zürich-Örlikon, Orchestre des Accordéonistes de Lausanne, Akkordeon Orchester Luzern  (Thụy Sĩ), Grenoble Accordéons Orchestre (Pháp), Air New Zealand Accordion Orchestra và Christchurch Accordion Orchestra (New Zealand)…

Ngày 18 tháng 8 năm 2007 tại Washington DC, Mỹ đánh dấu sự ra mắt của Dàn nhạc Accordeon Thế giới I (World Accordion Orchestra I) bằng buổi hòa nhạc công diễn trong khuôn khổ cuộc thi Coup Mondial lần thứ 60 do Liên đoàn Accordeon Quốc tế (CIA) tổ chức. Giám đốc âm nhạc, nhạc trưởng của dàn nhạc chính là giáo sư  Joan Sommers (Mỹ – nhạc trưởng Dàn nhạc Accordeon UMKC – University of Missouri-Kansas City). Từ năm 2007 đến nay Dàn nhạc Accordeon Thế giới duy trì kế hoạch luyện tập thường niên của mình, mỗi năm trình diễn một chương trình mới tại sự kiện Coup Mondial. Gần 100 thành viên của Dàn nhạc là các nghệ sĩ accordeon đoạt giải tại các kỳ thi Coup Mondial của Liên đoàn Accordeon Thế giới. Nhạc mục của Dàn nhạc bao gồm những tác phẩm nguyên bản cũng như những tác phẩm chuyển soạn từ thời kỳ âm nhạc Tiền Cổ điển đến âm nhạc thế kỷ XX-XXI. Tính từ năm 2007 tới năm 2019, Dàn nhạc Accordeon Thế giới đã tập hợp và công diễn tổng cộng 11 lần tại các cuộc thi Coup Mondial tổ chức tại: Washington, DC, Mỹ (2007); Glasgow, Scotland (2008); Auckland, New Zealand (2009); Varaždin, Croatia (2010); Thượng Hải, Trung Quốc (2011); Spoleto, Italy (2012); Victoria BC, Canada (2013); Salzburg, Austria (2014); Osimo, Italy (2017); Kaunas, Lithuania (2018) và Thâm Quyến, Trung Quốc (2019).

Tại Trung quốc, theo Yin Yee Kwan – tác giả đề tài nghiên cứu về accordeon Trung Quốc thế kỷ XX: “Vào đầu những năm 1960, Dàn nhạc Accordeon thuộc Hội Nhạc sĩ Trung Quốc (The Accordion Orchestra of the Chinese Musicians Association) ra đời tại chi hội Hội Nhạc sĩ Trung Quốc – thành phố Bắc Kinh và được coi là dàn nhạc accordeon đầu tiên ở Trung Quốc [6, tr.16]. Sau thời kỳ gián đoạn bởi cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc (1966-1976), tiếp đó là giai đoạn cây đàn accordeon bị lấn át bởi nhạc cụ phím điện tử (thập niên 1980-1990, tương tự như ở Việt Nam), nghệ thuật accordeon ở đất nước này dần được hồi sinh và đạt những bước tiến lớn trong việc phổ cập cây đàn cũng như trong đào tạo accordeon chuyên nghiệp từ thập niên 1990 tới nay. Năm 1986, giáo sư, nhạc trưởng Dàn nhạc accordeon UMKC (Mỹ) Joan-Cochran Sommers lần đầu tiên tới Trung Quốc tham gia thỉnh giảng cho dàn nhạc accordeon sinh viên trường Đại học Thượng Hải. Năm 1988, Dàn nhạc Accordeon Air New Zealand trở thành dàn nhạc accordeon quốc tế đầu tiên thực hiện chuyến lưu diễn tại Trung Quốc. Những nghệ sĩ, chuyên gia bậc thầy về nghệ thuật accordeon của Nga, Ý, Mỹ và nhiều nước châu Âu khác được mời thỉnh giảng thưởng xuyên tại các nhạc viện và trường đại học nghệ thuật. Năm 2004, Dàn nhạc Accordeon Cung thiếu nhi Baidi Bắc Kinh (Beijing Children’s Palace Baidi Accordion Orchestra) được thành lập dưới sự chỉ huy của nghệ sĩ accordeon Chen Weiliang (sinh năm 1970). Chỉ qua một thập niên, Dàn nhạc trẻ này đã tạo được tiếng vang ở trong nước và quốc tế, từng biểu diễn trên những sân khấu lớn tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Bắc Triều Tiên, Nhật Bản, Pháp và Mỹ. Năm 2008, Dàn nhạc Accordeon Trường Đại học Tổng hợp Thượng Hải (Shanghai Normal University Accordion Orchestra) được thành lập và hoạt động dưới sự dàn dựng, chỉ huy của Giáo sư Li Cong [1]. Các thành phố Thượng Hải (năm 2011) và Thâm Quyến (tháng 8 năm 2019) được chọn làm địa điểm tổ chức giải vô địch Accordeon Mondial Coup (lần thứ 60 và lần thứ 72) với sự tham gia của Dàn nhạc Accordeon Thế giới (World Accordion Orchestra) dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng, giáo sư Joan-Cochran Sommers (Mỹ).

Ở Việt Nam, từ cuối thập niên 1960 – đầu thập niên 1970, tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) bắt đầu triển khai một số thử nghiệm trong giảng dạy hình thức tốp tấu accordeon. ThS- NGƯT Nguyễn Đại Đồng (giảng dạy chuyên ngành accordeon từ thập niên 1960) cho biết, vào năm 1969, tác phẩm Carmen-Suite (G. Bizet) từng được ông chuyển soạn từ tổng phổ dàn nhạc giao hưởng cho tốp tấu accordeon (12-13 đàn) phục vụ học tập và biểu diễn nội bộ. Tại cuộc thi Tài năng âm nhạc trẻ Concours Mùa thu lần thứ II – năm 1993, tốp hòa tấu năm đàn accordeon của sinh viên accordeon Nhạc viện Hà Nội đã dự thi bốn tác phẩm dưới sự dàn dựng của giảng viên, NSƯT Lưu Quang Minh (Ouverture Chào Mừng – Trọng Bằng; Bach Goes to Town – A. Templeton) cùng với giảng viên, NGƯT Nguyễn Đại Đồng (Ngày mùa – Đỗ Hồng Quân, Rondo Capriccioso – F. Mendelssohn) giành giải Nhì bảng thi hòa tấu thính phòng. Từ năm 1996, giảng viên Nguyễn Tài Hưng (tốt nghiệp hai chuyên ngành accordeon và chỉ huy dàn nhạc tại Trường Trung cấp Âm nhạc Quốc gia Gnessin và Học viện Âm nhạc Quốc gia Nga mang tên Gnessin, Moscow, LB Nga) được giao nhiệm vụ phụ trách môn hòa tấu accordeon tại Khoa Accordeon – Guitar – E. Keyboard (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đã tiến hành chuyển soạn – phối khí cho dàn nhạc accordeon nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam và nước ngoài như Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận – Xuân Tứ), Người về đem tới ngày vui (Trọng Bằng), Overture The Phantome Of The Opera (L.A. Webber), Music is My First Love (J.Miles), Konzertshtuk (C.M. Weber)… phục vụ đào tạo và biểu diễn.

Tháng 11 năm 2016, tại chương trình biểu diễn kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, lần đầu tiên trên sân khấu Phòng hòa nhạc Lớn xuất hiện dàn nhạc accordeon của giảng viên và học sinh, sinh viên accordeon Học viên dưới sự dàn dựng và chỉ huy của TS Nguyễn Tài Hưng. Dàn nhạc đã công diễn hai tác phẩm Overture The Phantome Of The Opera (C.W. Webber) và Overture Music is My First Love (John Miles) – với thành phần dàn nhạc  gồm 18 đàn accordeon, 01 piano, 02 đàn phím điện tử, 02 guitar (lead và bass), 02 trumpet, 01 marimba, 01 dàn trống jazz, 01 dàn trống định âm giao hưởng. Có thể nói, đây là dàn nhạc accordeon thử nghiệm có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam về số lượng nhạc công (28), cũng như về thành phần nhạc cụ.

Từ những nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật diễn tấu dàn nhạc accordeon, chúng ta có thể nhận thấy sự “cất cánh”, hay một “làn sóng mới” của loại hình này ở nhiều nước trên thế giới từ đầu thế kỷ XXI tới nay, với số lượng hàng trăm dàn nhạc accordeon được duy trì từ những thế kỷ trước hoặc được thành lập mới, với phạm vi hoạt động nghệ thuật không chỉ giới hạn trong từng nước. Điều này cho thấy ngành accordeon Việt Nam – dù từng đạt được những thành tựu đáng trân trọng trong lịch sử phát triển của mình – cần phải có tầm nhìn và định hướng phát triển đột phá để hội nhập với nghệ thuật accordeon thế giới vào giai đoạn “làn sóng accordeon mới” đang diễn ra hết sức sôi động ngay trong thời đại mà chúng ta đang sống.

Hà Nội, VNAM, 30/8/2019.

Nguyễn Tài Hưng (HAN)

—-

Tài liệu tham khảo:

1. Accordion Coup Mondial (2019) https://www.coupemondiale.org/

2. Conféderation Mondiale de l’Accordeon (2019) http://cma-accordions.com

3. Имханицкий М.: История баяного и аккордеонного искусства. РАМ, Москва, 2006.

4. Максимов E.: Ансамбли и оркестры баяннистов. Музыка, Москва, 1966.

5. Soviet  Encyclopedia (Từ điển bách khoa Xô viết). M., 1990, tr.401

6. Yin Yee Kwan: An Untold Story: The Accordion in Twentieth-Century China. Luận văn thạc sĩ nghệ thuật học, The University Of  Hawai, USA, 2004.


[1]  “Dàn nhạc là một tập thể nhạc công cùng nhau diễn tấu một tác phẩm âm nhạc trên những nhạc cụ khác nhau và có những nhóm nhạc cụ chơi đồng âm (unison) cùng một bè trong tổng phổ. Khác biệt cơ bản giữa dàn nhạc và hòa tấu thính phòng là: trong hòa tấu thính phòng, mỗi nhạc công diễn tấu riêng một bè, còn trong dàn nhạc thì có những nhóm nhạc cụ cùng chủng loại (ví dụ nhóm đàn dây kéo) chủ yếu chơi đồng âm một bè (đôi khi chơi tách bè – divisi)” – Từ điển bách khoa âm nhạc, Soviet  Encyclopedia, M., 1990, tr.401.

[3] Bayan là tên gọi do Sterlig – nghệ nhân Saint Peterburg đặt tên cho cây đàn accordeon hệ ba dãy phím tròn do ông chế tạo vào năm 1907, dựa theo tên của Boyan – ca sĩ, nhà thơ huyển thoại của nước Nga cổ đại. Sau này ở Nga , bayan trở thành tên gọi chung cho loại đàn accordeon phím tròn, còn tên gọi accordeon chỉ dùng để gọi loại accordeon phím dài (piano accordeon)[3, tr.501].

[4] Năm 1928, lần đầu tiên đàn accordeon-bayan được đưa vào giảng dạy chính quy tại Trường Đại học Âm nhạc – Sân khấu Kiev, thủ đô nước cộng hòa Ucraina thuộc Liên Xô trước đây [3, tr.502].

[5] Komsomolskaya Pravda, số 29/12/1928, M.

[9] Joan-Cochran Sommers nữ giáo sư Nhạc viện Missouri đã đoạt Gỉải thưởng thành tựu trọn đời của University of Missouri Kansas City – Conservatory of Music, 2010; là Giám đốc danh dự Nhạc viện Missouri, 2004; nguyên Chủ tịch Hiệp hội Giảng viên accordion Hoa Kỳ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Nghệ sĩ accordion Quốc tế (CIA); thành viên ban giám khảo nhiều cuộc thi accordeon quốc tế quan trọng.