Opera Wagner – đại diện cho tinh thần quật cường của người Đức

0
1020
Birgit Nilsson

Đã từ lâu, các vở Opera của nhà soạn nhạc Richard Wagner trở thành “nỗi ám ảnh” và ánh hào quang trác tuyệt trong giới mộ điệu Opera, cũng như những người làm nghề. Đó là cả một trường phái riêng biệt, với màu sắc độc đáo không thể lẫn với bất kì dòng nhạc cổ điển nào.

Trong tất cả các nhà soạn nhạc, Richard Wagner có lẽ là nhân vật gây tranh cãi nhất lịch sử âm nhạc, nghệ thuật, và thậm chí là cả văn hóa, chính trị, đạo đức.

Wagner là trường hợp hiếm hoi tạo nên chia rẽ giữa hai luồng tư tưởng. Một bên tôn sùng ông như thiên tài, chiến binh xuất sắc. Một bên khác lại phỉ báng ông là kẻ cực đoan, bệnh hoạn, phân biệt chủng tộc và không khác nào con ác quỷ.

Richard Wagner sinh vào năm 1813 tại Leipzig nước Đức. Từ nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc thiên bẩm của mình và có niềm say mê tuyệt đối với những trang thần thoại, sử thi Bắc Âu.

Wagner cho rằng, những câu chuyện thần thoại huyền ảo về các vị thần, chiến binh cổ đại ấy chính là cội nguồn và đại diện cho sự dũng mãnh, cũng như tinh thần bất diệt của chủng tộc Aryan (Đức) – cái mà chúng ta vẫn gọi là “da trắng thượng đẳng”.

Và kho tàng thần thoại, sử thi ấy đã trở thành chất liệu, cảm hứng bất tận giúp Wagner sáng tác nên những vở Opera bất tử sau này.

Có thể thấy, đa số nhân vật trong Opera Wagner đều là những vị thần, chiến binh, với hình tượng hùng dũng và giàu sức chiến đấu. Ông sử dụng phần khí nhạc vô cùng đồ sộ, khổng lồ chưa từng thấy để tạo nên âm hưởng dũng mãnh, kịch tính, mang đậm tính sử thi, khiến người nghe không khỏi choáng ngợp.

Không những vậy, mỗi vở Opera của Wagner cũng thường phải dàn dựng công phu, trên những sân khấu lớn, với bối cảnh rộng, đồ sộ, cầu kì và dàn diễn viên đông đảo.

Là một nhà soạn nhạc nổi tiếng, đạt tới ngưỡng thiên tài, sánh ngang Mozart, Beethoven, nhưng Wagner lại phải chịu rất nhiều tai tiếng cũng như sự phỉ báng của người đời.

Wagner được xem là kẻ ích kỉ, coi thường người khác, luôn đề cao và “kịch tính hóa bản thân”.

Trong con người Wagner tồn tại vô vàn mâu thuẫn, vừa tốt vừa xấu, vừa vĩ đại vừa tàn bạo. Đây là mẫu vĩ nhân thỉnh thoảng lại xuất hiện trong lịch sử nước Đức. Nhà văn Deems Taylor đã từng viết rằng: “Wagner có sự xúc động đầy kiên định của một đứa trẻ 60 tuổi. Ông hoàn toàn ngây thơ trước bất kỳ ý thức trách nhiệm nào và không có nguyên tắc nào trên mọi nẻo đường”.

Thậm chí, đến Mozart còn bị Wagner chỉ trích: “Có vẻ như sự nghiệp sáng tác Opera của Mozart không có nhiều nét đặc biệt, cách tiếp cận và khai thác vấn đề của ông ta thiếu cẩn thận”.

Về quan điểm sống, Wagner là người nặng nề chủ nghĩa dân tộc, thậm chí là chủng tộc. Ông luôn đề cao chủng tộc da trắng thượng đẳng và có thái độ bài xích, kì thị người Do Thái trong chính những tác phẩm của mình.

Chính vì vậy, Wagner được Hitler tôn thờ và gia tài âm nhạc của ông luôn là nguồn cảm hứng cho Hitler.

Tuy bị chỉ trích là thế, nhưng đến nay, đa số công chúng và giới phê bình vẫn tôn trọng, đánh giá cao Wagner vì tài năng, cống hiến to lớn, có một không hai của ông.

Wagner là nhà soạn nhạc hiếm hoi tạo nên hẳn một trường phái Opera cho riêng mình, không “đụng hàng” với bất cứ ai trong lịch sử. Và trường phái Opera đó lại vô cùng thành công, tạo nên cảm hứng bất tận cho giới nghệ sĩ, cũng như nghiên cứu sau này. Đến tận bây giờ, người ta vẫn miệt mài khai thác Opera Wagner trên nhiều mặt và thu hút công chúng nườm nượp đến xem.

Nếu bỏ qua một số tiểu tiết tiêu cực thì tinh thần dân tộc, khí thế chiến đấu, dũng mãnh, cũng như quật khởi, bất khả chiến bại trong Opera Wagner rất đáng được tôn vinh. Chính nó biểu thị sức mạnh cho người Đức, không ủy mị sầu muộn, sống kỉ luật, biết đứng lên từ đống đổ nát để xây dựng hào quang.

Có thể nói, xét về mặt âm nhạc, thì Opera Wagner xứng đáng đại diện cho nước Đức suốt chặng đường lịch sử hàng ngàn năm qua. Nó hùng tráng, dũng mãnh tới mức cùng cực, nhưng lại tràn đầy tính khích lệ.

Bởi vậy, đa số người Đức hiện tại vẫn luôn yêu quý Wagner. Họ cho rằng, Opera Wagner đại diện cho tinh thần Đức và chừng nào người Đức còn nghe Wagner thì tinh thần ấy vẫn bền vững.

Chính tinh thần này đã giúp nước Đức dù trong chiến tranh hay hòa bình vẫn luôn giữ vững vị trí là một cường quốc, với sức vươn lên mãnh liệt.

Opera Wagner – thử thách nặng nề cho các giọng nữ

Wagner được xem là kẻ cực đoan trong âm nhạc. Quan điểm của ông là coi giọng hát chỉ như một thứ nhạc cụ và cần phải khai thác nó ở mức tối đa. Bởi vậy, Opera của ông thường được ví như “cỗ máy chém” giọng hát và sự tra tấn nặng nề nhất dành cho thanh quản con người.

Thứ nhất, với nội dung về thần thoại, sử thi trường kì nên Opera của Wagner thường diễn ra trong thời gian rất dài, trung bình 4 giờ đồng hồ cho một vở. Chẳng hạn, bộ 4 vở opera Der Ring des Nibelungen nếu hoàn thành phải mất 15 giờ đồng hồ.

Trong đó, chỉ riêng vở Gotterdammerung đã kéo dài tới 5 giờ đồng hồ. Lượng thời gian nhân vật Brunhilde (vai nữ chính dành cho nữ cao kịch tính) xuất hiện chiếm không nhỏ, và càng về cuối lại càng cần đẩy lên kịch tính.

Hay như vai Gurnemanz trong vở Parsifal đòi hỏi đến nửa già màn I (tầm gần 1 tiếng) nhân vật nữ chính phải đứng trên sân khấu để chống chọi dàn nhạc mà không được phép dùng micro.

Thứ hai, vì muốn tạo ra âm hưởng sử thi, hùng tráng nên biên chế dàn nhạc của Wagner khá đồ sộ, trên dưới 100 nhạc công, với nhiều bộ nhạc cụ bằng đồng (loại nhạc cụ cho âm lượng cực lớn). Ca sĩ buộc phải hát thật to nếu không muốn bị áp đảo bởi dàn nhạc.

Nếu không có chất giọng to khỏe vượt trội bẩm sinh và sức khỏe bền bỉ, ca sĩ sẽ không thể hát không micro liên tục trong thời gian dài với cường độ âm lượng lớn để đối đầu với dàn nhạc khổng lồ phía sau.

Mặt khác, dù hát với âm lượng cực lớn, nhưng ca sĩ vẫn phải giữ được sự tự nhiên của giọng hát và tỏ ra thoải mái, chứ không phải kiểu cố rướn lên cho thật to.

Trên thực tế, có nhiều ca sĩ Opera dù có kĩ thuật thượng thừa, nhưng vì cố gắng hát những vai kịch tính trong nhiều năm (trong khi nó không thuộc loại giọng bẩm sinh của họ), nên giọng hát đã bị tàn phá nặng nề, phải nghỉ hưu sớm, điển hình như Beverly Sills, Katia Ricciarelli, Giuseppe di Stefano…

Diva huyền thoại nước Úc Nellie Melba từng liều mình thử một lần hát vai Brunhilde của Wagner. Điều này khiến thanh đới của bà bị hư tổn và phải tĩnh dưỡng nhiều tháng. Giọng hát của bà sau đó cũng không còn giữ được vẻ đẹp trong trẻo như trước.

Hay, Astrid Varnay dù là một Wagnerian oprano (nữ cao kịch tính) nổi bật trong những năm 40, 50, nhưng vì không khai thác đúng giọng hát của mình mà ép nó phải chống chọi với Opera Wagner quá nhiều nên cũng xuống giọng khi ngoài 40 tuổi.

Bởi vậy, chỉ có những giọng kịch tính bẩm sinh được đào tạo bài bản theo đúng thời gian mới dám hát nhạc Wagner. Loại giọng này rất hiếm, chưa từng xuất hiện ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Nó xuất hiện nhiều hơn ở vùng xứ lạnh như các nước Bắc Âu và Đông Âu.

Sở dĩ xảy ra tình trạng này vì chủng tộc Aryan xứ lạnh vốn sở hữu bộ gen, cơ địa tốt hơn và thể lực khỏe hơn người châu Á. Bẩm sinh họ đã to cao, dây thanh đới dày và thể tích phổi, hộp sọ lớn hơn chúng ta, thuận lợi cho việc cộng hưởng âm thanh và tạo ra luồng âm mạnh mẽ. Hơn nữa, họ lại phải sống ở xứ lạnh nên khả năng chống chọi cũng tốt hơn.

Tuy vậy, ngay cả ở những chủng tộc này, giọng kịch tính xuất hiện cũng không nhiều và ít hơn hẳn các loại giọng khác.

Dù có nhiều ca sĩ hát Opera Wagne nhưng trong lịch sử âm nhạc, có hai giọng nữ cao kịch tính nổi tiếng chuyên trị Opera Wagner và gây ấn tượng mạnh mẽ nhất. Đó là Kirsten Flagstard và Birgit Nilsson. Họ được xem là của báu, lên tới hàng huyền thoại vì giọng hát thiên bẩm của mình.

Kirsten Flagstard

Birgit Nilsson sở hữu chất giọng sáng choang như đèn pha, cao vút tới thấu trời mây nhưng vô cùng kịch tính, với âm lượng khổng lồ, âm sắc đanh thép, sắc như một ngọn đao, sẵn sàng xuyên thủng dàn nhạc và bất cứ mọi thứ.

Bà cũng thường xuyên đàn áp các giọng nam hát chung vì chất giọng to khỏe của mình.

Không chỉ có giọng hát trời phú, Nilsson còn có làn hơi khỏe tới mãnh liệt và kĩ thuật bậc thầy, đặc biệt về cộng hưởng, phóng âm.

Có lần Birgit Nilsson biểu diễn trong nhà hát và khiến dân chúng xung quanh chạy tán loạn vì tưởng còi báo cháy khi bà tung ra cú head voice C6 sắc bén.

Kirsten Flagstard cũng không kém phần đặc biệt. Bà có âm sắc giọng đẹp, ấm áp và mềm mại như một giọng trữ tình, nhưng âm lượng lại khủng khiếp tới mức to hơn cả Birgit Nilsson.

Người ta sẽ không bao giờ cảm thấy Kirsten đang tung hết sức khi hát vì bà luôn giữ ở mức thư giãn, thoải mái tuyệt đối, nhưng vẫn tạo được những cơn bão khổng lồ mà ít ai chạm tới.

Đặc biệt, sự khổng lồ của âm thanh kết hợp cùng âm sắc đẹp đã giúp Kirsten tạo nên những quãng âm vô cùng tráng lệ, đậm tính sử thi và lộng lẫy, như giọng hát của một vị thần trong thần thoại cổ.

Các khán giả từng được nghe Flagstard đều cho rằng, dù bà đứng xa tới đâu thì giọng hát phát ra vẫn như đang ngồi ngay cạnh họ.

Long Phạm (HNS)