NSƯT Diệu Hương: “Tôi muốn khán giả nhớ tới là người hát ca Huế”

0
1129
NSƯT Diệu Hương là một trong những nghệ sĩ thể hiện ca Huế thành công nhất hiện nay.

NSƯT Diệu Hương hiện là một trong những nghệ sĩ thể hiện ca Huế thành công nhất với cách hát lịch lãm, sang trọng nhưng không kém phần da diết.

Sinh năm 1977, Diệu Hương hoạt động nghệ thuật từ năm 1995 tại Đoàn nghệ thuật Quảng Trị. Trong 7 năm liền tham gia hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, nghệ sĩ Diệu Hương đoạt 4 HCV. Tháng 5/2012, Diệu Hương được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT vì sự nghiệp phát triển nghệ thuật dân tộc.

Nickname Hương Huế

Dù sinh ra ở Quảng Trị, nhưng NSƯT Diệu Hương được thính giả Đài TNVN yêu mến đặt cho nickname là Hương Huế, bởi những đóng góp của chị trong việc giữ gìn di sản Huế trên làn sóng Đài TNVN và cả ở mảnh đất Thủ đô.

Vốn là ca sĩ thuộc dòng nhạc nhẹ, đi thi Sao Mai năm 2001, Diệu Hương giành giải ca sĩ trẻ, thế nhưng chính ca Huế đã dẫn đường đưa Hương đến với Đài TNVN.

Chuyện là khi từ Quảng Trị ra Hà Nội học thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Việt Nam, Diệu Hương quen với nghệ sĩ Đỗ Thị Quyên (nghệ sĩ chơi đàn tì bà, Đoàn Dân tộc Nhà hát Đài TNVN). Năm 2011, Đài TNVN thiếu người phụ trách mảng ca Huế trên làn sóng, chị Quyên nhờ Hương tìm người giúp. Diệu Hương tự ứng cử bằng cách thể hiện cho mọi người nghe những bài ca Huế mà Đài TNVN đang cần thu âm. Tiếng hát của Diệu Hương đã thuyết phục được mọi người ở Nhà hát Đài TNVN để họ nhận chị về. Không phụ sự tin tưởng của mọi người, tiếng hát Diệu Hương dần chinh phục được khán thính giả. Biệt danh Hương Huế được khán giả yêu thương tặng là minh chứng cho điều đó. Không ít thính giả còn nhầm tưởng Hương là người xứ Huế.

Chỉ có chút khó khăn ban đầu do Hương vốn là ca sĩ hát trên sân khấu, nay phải hát ở phòng thu có sự khác biệt. “Để có được cảm xúc khi hát mà không có khản giả trước mặt, tôi phải thật tập trung vào nội dung bài hát để hát được đúng tinh thần mà tác giả gửi gắm.  Việc tập trung vào nội dung bài hát còn giúp tôi hát chuẩn xác từ cách phát âm, nhả hơi, lấy chữ. Ban đầu tôi lấy hơi, nhả chữ chưa được tinh tế lắm, sau thời gian quen dần, tôi biết cách hát sao cho truyền cảm, ngọt ngào, tự nhiên nhất”.

Không chỉ dừng ở vốn kiến thức đã có, Hương còn vào Huế tìm gặp các nghệ nhân của dòng nhạc này để học hỏi cách hát của họ. Đến nay, Hương có thể tự tin thể hiện những điệu hát kinh điển làm nên thương hiệu ca Huế như: “Cổ bản”, “Lý tử vi”, “Phẩm tuyết”… Khi nghe Diệu Hương hát ca Huế, nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long phải thốt lên: “Giọng hát của em đã đủ đưa em lên vị trí là người giữ gìn di sản ca Huế giữa lòng Hà Nội”.

Tự hào được giới thiệu là ca sĩ “nhà đài”

Ngoài công việc ở Đài, Diệu Hương chăm chỉ đi hát ở các sự kiện để khán giả biết đến chị với vai trò ca sĩ. “Khi ở miền Trung, tôi đã được khán giả biết đến, nhưng ra Hà Nội tôi gần như phải làm lại từ đầu: công việc mới, bạn bè và các mối quan hệ mới. Tôi đi hát là cách giới thiệu mình đến khán giả. Tôi rất tự hào mỗi khi đứng trên sân khấu được giới thiệu là ca sĩ của Đài TNVN” – NSƯT Diệu Hương chia sẻ.

Có lợi thế hát nhiều thể loại, Diệu Hương sẵn sàng hát theo yêu cầu của khán giả. Tuy nhiên Diệu Hương cho biết, chị muốn khẳng định mình ở thể loại âm nhạc dân gian, trong đó có ca Huế. Chị lấy ngắn nuôi dài, đi hát các thể loại khác để có tiền thực hiện đam mê. 2 album chị cho ra mắt khán giả đều về ca Huế.

Diệu Hương dí dỏm chia sẻ, không ít người vẫn có quan niệm ca sĩ kém nhan sắc mới về Đài TNVN do phát thanh chỉ thấy tiếng không thấy hình. Bởi vậy khi gặp chị họ nhận xét, ca sĩ nhà đài mà xinh thế? Những lúc như thế, Diệu Hương lại tủm tỉm nói rằng, chị là người xấu nhất trong các ca sĩ ở Đài TNVN rồi đấy.

Từ khi gắn bó với Đài TNVN, NSƯT Diệu Hương tiếp tục gặt hái thêm những thành công. Chị đoạt nhiều giải thưởng qua các kỳ hội diễn, liên hoan âm nhạc trong nước và quốc tế. Mới đây nhất, tháng 10/2019, tham dự Liên hoan âm nhạc phát thanh châu Á – Thái Bình Dương 2019 tại Bangladesh, NSƯT Diệu Hương có tiết mục biểu diễn ấn tượng và là 1 trong 3 nghệ sĩ được nhận Cúp danh dự trong tổng số 11 đoàn tham gia Liên hoan.

Tìm mọi cách đưa ca Huế tiếp cận khán giả

Diệu Hương chia sẻ, so với các thể loại âm nhạc khác như chèo, tuồng, cải lương,… ca Huế khó nghe hơn vì nó thuộc loại nhạc cung đình, là thể loại âm nhạc bác học. Để ca Huế tìm lại được chỗ đứng ngay ở mảnh đất miền Trung đã khó, ở trên mảnh đất Thủ đô càng khó khăn hơn. Bởi vậy, NSƯT Diệu Hương phải tìm mọi “ngõ ngách” để giới thiệu ca Huế đến với mọi người. Khi được mời đi biểu diễn, ngoài những ca khúc đặt hàng, nếu còn thời gian, Diệu Hương lại hỏi khán giả có muốn nghe ca Huế không? Nếu được khán giả yêu cầu, chị lại say sưa hát mà không đòi hỏi gì cả. Hát chỉ để mình và khán giả được chìm đắm trong những làn điệu xứ Huế.

Diệu Hương cũng là thành viên tích cực trong CLB Xẩm Hà thành. Xưa ca Huế chỉ hát cho vua chúa thưởng thức thì nay khán giả Thủ đô có thể nghe ca Huế ở một không gian sân khấu ngoài trời bình dị, gần gũi với mọi người, trên phố đi bộ.

Dẫu biết con đường đi còn nhiều khó khăn, nhưng NSƯT Diệu Hương không nản bởi chị cho rằng, âm nhạc dân tộc luôn trường tồn và ngày càng được coi trọng. Diệu Hương tự tin cho biết: “Ca Huế có đẳng cấp riêng của nó. Ai đã yêu rồi thì khó mà dứt ra được, vì thế, tôi có được một lượng khán giả trung thành”.

Những khán giả trung thành của NSƯT Diệu Hương là những thính giả ở khắp mọi miền đất nước ngày ngày chờ đợi nghe 30 phút dân ca và nhạc cổ truyền trên làn sóng TNVN để được nghe tiếng hát của chị; là khán giả tối tối thường ra bờ Hồ để nghe tiếng hát của chị bên tượng đài Lý Thái Tổ. Không chỉ khán giả trong nước mà không ít vị khách ngoại quốc đã ngẩn người khi tình cờ nghe được tiếng hát lay động lòng người của Diệu Hương. Nghe một lần rồi muốn nghe mãi, đúng như chia sẻ của Diệu Hương là ai đã yêu ca Huế rồi thì khó mà dứt ra được.

Để đưa ca Huế đến với các bạn trẻ, NSƯT Diệu Hương đang có những thử nghiệm kết hợp âm nhạc dân gian với âm nhạc hiện đại. “Cùng cách hát ấy, làn điệu ấy nhưng ca Huế được phối khí trên nền nhạc điện tử sẽ làm cho khán giả trẻ dễ nghe hơn. Dĩ nhiên, để ca Huế kết hợp với ban nhạc gồm piano, guitar, trống, keyboard… có những khó khăn nhất định bởi âm nhạc dân tộc có ngũ cung, còn âm nhạc hiện đại có bảy cung. Khi chuyển thể phối khí cùng với ban nhạc, tôi phải có sự luyến láy phù hợp để không làm mất cái chất của dân ca Huế nhưng vẫn mang vẻ hiện đại của World Music” – NSƯT Diệu Hương bày tỏ.

Hiện giờ, Diệu Hương đang ấp ủ ý định làm một đêm nhạc về dân ca các vùng miền trên nền nhạc điện tử. Bài hát chị đã chọn, nhạc sĩ và ca sĩ đều đã sẵn sàng, chỉ còn thiếu kinh phí. Mong cho mọi thứ thuận lợi để chị sớm thực hiện được đam mê của mình.

T.V (HNS)