Là giáo viên dạy nhạc, lại gắn bó lâu năm với công tác Đội, nhạc sĩ Hà Hải thấu hiểu trẻ thơ và ông đã cho ra đời nhiều ca khúc mà hơn ba thập kỷ qua bao lớp thiếu nhi Việt Nam vẫn hát say sưa.
Những năm thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, có lẽ không một ai trải qua tuổi thơ của mình mà không từng nghe qua những câu từ du dương của những bài hát thiếu nhi quen thuộc: “Cá vàng bơi”, “Vì sao chim hay hót”. Cho đến tận bây giờ, khi các ca khúc dành cho thiếu nhi đã phong phú, đa dạng như “trăm hoa đua nở”, chúng ta vẫn được nghe những ca khúc này vang lên ở những không gian, môi trường dành cho thiếu nhi ở khắp mọi vùng miền đất nước. Người ta ví von rằng, mỗi khi nghe ca khúc của ông là một lần được cầm tấm vé trở về tuổi thơ đáng yêu thuở nào.
Như lời của nhạc sĩ Hà Hải chia sẻ nhiều năm trước, những năm tháng gắn bó với hoạt động phong trào Đoàn, Đội cùng các thế hệ thiếu nhi đã giúp ông hiểu được tâm hồn và những ước mơ trong sáng của trẻ thơ. Chính từ đây đã hình thành trong ông suy nghĩ và mong muốn sáng tác những bài hát nói lên được tình cảm của các em đối với gia đình, nhà trường, thầy cô và cuộc sống xung quanh.
Một số tác phẩm âm nhạc do Nhạc sĩ Nguyễn Hà Hải sáng tác. Ảnh: Trần Thanh Giang
Những tác phẩm dành cho lứa tuổi thiếu nhi của ông được in vào tuyển tập “Bài hát dành cho trẻ mầm non”. Ảnh: Trần Thanh Giang
Nhạc sĩ Hà Hải tham dự đêm nhạc tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Tư liệu
“Nếu các em nhỏ yêu công việc dù là rất nhỏ như trồng một cái cây, nuôi một con vật, đồng thời giúp ông bà bố mẹ những công việc nhỏ trong gia đình và hát lên được điều đó. Đấy mới là phẩm chất của thiếu nhi Việt Nam”, nhạc sĩ Hà Hải chia sẻ điều mà ông tâm niệm bấy lâu, hay đúng hơn, là triết lý sáng tác của ông. Nhờ đó, những ca khúc vừa ngắn gọn, dễ hiểu, dễ hát của ông đã thành “món quà vô giá”, góp phần xây đắp tâm hồn đẹp cho nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam.
Hà Hải đến với con đường sáng tác không hẳn là tình cờ. Năm 1971, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm, Hà Hải đã được phân công về dạy nhạc tại trường cấp 2 Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội), đồng thời làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong của trường. Trong thời gian này, Hà Hải thường tham gia các lớp tập huấn về các bài hát thiếu nhi để hướng dẫn cho học sinh của trường. Những ca khúc thiếu nhi của các nhạc sĩ nổi tiếng thời đó, như: Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Huy Du, Phong Nhã, Mộng Lân, Hoàng Hà… đã hun đúc cho anh tình yêu âm nhạc và động lực sáng tác ca khúc cho thiếu nhi để phục vụ tốt hơn cho các hoạt động Đội.
Năm 1981, Hà Hải sáng tác thành công ca khúc “Hoa thơm dâng Bác”, chào mừng Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ I. Ca khúc này được chọn là một trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX do Báo Thiếu niên Tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức bình chọn năm 1999.
Từ năm 1984, ông đã viết tiếp các bài hát “Cá vàng bơi”, “Vì sao chim hay hót”, “Tiếng chào theo em”, những ca khúc thành công cho lứa tuổi thiếu nhi. Từng chia sẻ về một trong những ca khúc mà ông ấn tượng nhất, nhạc sĩ Hà Hải cho biết: “Đó có lẽ là bài hát Suối cá Bác Hồ. Bởi đây là bài hát tôi đã được chính nhạc sĩ Phong Nhã, Hoàng Hà, Mộng Lân góp ý để hoàn thiện lời, và sau đó bài hát được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh và phát sóng đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, 19/5/1979”. Bài hát còn là kết quả hoàn hảo cho sự nối tiếp truyền thống của thế hệ các nhạc sĩ sáng tác ca khúc cho thiếu nhi Việt Nam.
Nhạc sĩ Hà Hải tham gia duyệt một chương trình biểu diễn tại cung Hữu nghị Việt – Xô. Ảnh: Trần Thanh Giang
Nhạc sĩ Hà Hải góp ý cho các tiết mục biểu diễn của câu lạc bộ nghệ thuật “Màu thời gian”. Ảnh: Trần Thanh Giang
Nghệ sĩ Quang Lê trao đổi cùng nghệ sĩ Hà Hải trong một lần về nước biểu diễn. Ảnh: Trần Thanh Giang
Nhạc sĩ Hà Hải tên thật là Nguyễn Quang Hải. Ông sinh năm 1951 tại Hà Nội. Nhạc sĩ đã có nhiều đóng góp trong sáng tác âm nhạc, đặc biệt là những ca khúc viết cho lứa tuổi thiếu nhi, đạt nhiều giải thưởng âm nhạc.
Bên cạnh mảng đề tài ca khúc viết cho thiếu nhi, nam nhạc sĩ còn sáng tác khí nhạc. Ông là tác giả của một số tác phẩm thính phòng như: “Nhớ rừng” viết cho flute và piano, “Lời ru của dòng sông” viết cho violon và piano. “Trong quá trình công tác, nhạc sĩ Hà Hải hoạt động ở nhiều vai trò khác nhau trong âm nhạc. Bên cạnh sáng tác, ông còn là một giáo viên âm nhạc từng có nhiều năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục âm nhạc trong nhà trường phổ thông ở Hà Nội. Và cũng từ cơ duyên đó dẫn ông tới công việc là chuyên viên văn hoá – văn nghệ thuộc Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, gắn bó ở đây từ năm 1997 cho tới khi nghỉ hưu. Ở vai trò chuyên viên văn hoá – nghệ thuật, nhạc sĩ Hà Hải tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật quan trọng của thành phố trong giai đoạn ông công tác. Nhạc sĩ cũng là một gương mặt thân quen – thân thiện trong Hội đồng nghệ thuật của Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội chuyên xét duyệt các chương trình nghệ thuật sẽ tổ chức biểu diễn trên địa bàn Hà Nội. (Nguồn: tác giả Hà Tùng Long) |