Ngón đàn kìm tuyệt vời của đất Thủ

0
1503

Trong giới văn nghệ sĩ ở tỉnh Bình Dương, ông là một trong những người được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) đầu tiên.

Suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, dù biết rất nhiều loại nhạc cụ, nhưng chỉ có cây đàn kìm (còn gọi là nguyệt cầm) mới tạo nên sự nghiệp và tiếng tăm của ông. Người mà chúng tôi muốn đề cập đến đó là NSƯT Tư Còn (tên thật là Nguyễn Văn Còn, sinh năm 1935), hiện đang sinh sống tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương…

Tầm sư học đàn

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nên từ nhỏ ông đã sớm làm quen với những điệu nhạc, câu hát chan chứa tình quê. Cha ông ngày trước là một nhạc công thổi tiêu (sáo) cho các đoàn hát. Chính cha ông là người nhìn ra năng khiếu âm nhạc bẩm sinh đang tiềm ẩn trong con người ông và định hướng cho ông đi theo cái nghiệp nghệ thuật này. Sau đó, do đoàn hát bị giải tán nên cha ông về nhà mở trại mộc kiếm kế sinh nhai. Ông nói, cũng nhờ làm mộc là gia đình mới có tiền rước thầy về nhà dạy đàn cho ông.

11 tuổi, ông bắt đầu học đàn. Ngày ông theo bạn bè đi học văn hóa ở trường làng. Tối, ông cùng thầy tập dợt những ngón đàn tài tử tại tư gia. Người thầy mà gia đình mời về nhà dạy ông là thầy Chín Hòa Tam Quốc – một tay tổ của dòng nhạc tài tử. Vốn mê đàn, lại tiếp thu bài học nhanh nhạy nên ông được thầy truyền dạy các bài bản rất tận tình. Cũng nhờ thế mà chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã chơi đàn kìm rất thạo. Sau 3 năm học tại tư gia, Tư Còn chia tay với thầy Chín Hòa Tam Quốc và bắt đầu tham gia đi biểu diễn. Để luyện tập và học thêm những bài bản mới, ông tìm đến thầy Út Lăng theo học đàn cải lương. Thầy Út Lăng rất nổi tiếng lúc bấy giờ, được xem là một tay tổ của dòng nhạc lễ, có công sáng tạo ra điệu thức Quảng trong bản Tây Thi. Sự ham học của người học trò mê mẫn nghiệp đàn này chính là lý do để thầy truyền hết cho trò những ngón đàn bí truyền trong nghề. Ông học rất nhiều loại đàn, như đàn bầu, guitar phím lõm… nhưng chỉ có cây đàn kìm ông mới thực sự cuốn hút và làm mê đắm tâm hồn ông. Sau khi đã “thỉnh giáo” hai thầy xong, năm 15 tuổi, Tư Còn bắt đầu đặt chânvào con đường sân khấu, mà ông thường gọi đó là “nghiệp cầm ca”.

Con đường sân khấu

Từ ngày dấn thân vào con đường sân khấu, Tư Còn đi đây đi đó nhiều hơn. Từ Nam, ra Bắc, vào Trung ông đều có dịp đi qua. Như cá gặp nước, ngón đàn kìm độc đáo của Tư Còn giờ đây mới được dịp vẫy vùng khắp chốn. Tiếng đàn kìm của ông cứ thế rong ruỗi theo bước chân của các đoàn hát, nhiều phen làm nức lòng giới mộ điệu dòng nhạc tài tử, cải lương lúc bấy giờ. Với tài nghệ của mình, mới 25 tuổi, Tư Còn đã được các đoàn cải lương nổi tiếng thời bấy giờ mời về làm nhạc trưởng. Hơn 20 năm đi theo các đoàn cải lương, ông từng là tay đàn chánh, nhạc trưởng ở các đoàn, như: Minh Cảnh, Kim Chung, Thanh Hương, Hùng Minh, sau này đến Thanh Minh – Thanh Nga, Hoa Đăng Quy Sắc…

Nhưng rồi bước chân của “con ngựa hoang” cũng đã đến lúc dừng bước phiêu bồng. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông từ giả các gánh hát để trở về quê hương. Ông mở tiệm gò hàn tại nhà kiếm thêm tiền chăm lo gia đình để bù lại những tháng ngày ông lang thang khắp chốn. Không chỉ có thế, nghề gò hàn mà ông nói rằng đã học được từ nhỏ này còn có một ý nghĩa rất lớn. Chính nó đã nuôi sống nghiệp đàn ca của ông, bởi vì thời đó chơi đàn không kiếm ra tiền. Quần quật cả ngày với nào búa, nào đe và những chiếc máng xối, những chiếc thùng đựng nước thô kệch… nhưng ông vẫn không sao quên được tiếng đàn kìm đã bao phen làm lay động lòng người hâm mộ. Khi tay vừa buông chiếc búa, chiếc đe xuống là ông ôm lấy cây đàn kìm dạo vài bài bản với nụ cười rạng rỡ nở trên môi. Đó là những lúc ông thấy mình hạnh phúc hơn bao giờ hết. Bao niềm vui, nỗi buồn cứ theo tiếng đàn mà tuôn chảy, để lại trong tâm hồn ông một cảm giác thoải mái lạ thường.

Để duy trì nghiệp đàn chỉ mình ngồi ôm đàn gãy một mình thôi thì chưa đủ, nghĩ thế nên ông quyết định mở lớp dạy đàn miễn phí tại nhà của mình. Như thế, vừa ôn luyện nghề nghiệp, vừa góp phần bảo tồn và phát huy những vốn quý của âm nhạc dân tộc tại quê hương. Học trò tìm đến ông học đàn rất đông, có những đêm lên đến 30-40 người. Người trong tỉnh có, người ở các tỉnh khác tìm đến cũng có.Nghe danh thầy Tư Còn có ngón đàn kìm độc đáo, ai cũng muốn được thầy truyền nghề cho. Ngoài dạy đàn, ông còn dạy học trò mình cách hát, cách biểu diễn trên sân khấu. Tất nhiên chỉ ở một chừng mực nào đó thôi bởi đây không phải là chuyên sâu của ông. Nhiều năm qua, ông còn là chủ nhiệm câu lạc bộ đờn ca tài tử thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và Trung tâm văn hóa tỉnh, rồi tham gia trong ban giám khảo các hội thi, ban cố vấn trong một số chương trình văn nghệ trên đài địa phương và trung ương. Hiện nay, ngoài dạy đàn tại nhà, ông còn phụ trách lớp đờn ca tài tử ngoại khóa cho sinh viên tại trường đại học Bình Dương cùng với nghệ sĩ Lý Bạch Huệ. Hơn 30 năm gắn bó với các lớp dạy đàn, ông không thể nhớ hết những học trò đã theo học cùng ông, trong đó, có nhiều học trò thành tài ở trong và ngoài tỉnh. “Nhiều lúc mình làm những chuyện cũng có ý nghĩa đấy chứ. Cuộc đời nghệ sĩ như thế cũng là hạnh phúc lắm rồi”, nói rồi ông cười sảng khoái.

Nghiệp đờn khó dứt

Từ ngày từ giả các gánh hát về sinh sống tại quê nhà, vừa làm nghề gò hàn, nghệ sĩ Tư Còn vừa hoạt động rất tích cực trong các phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương và tham gia công tác trong đoàn Văn công tỉnh Sông Bé (nay là Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Bình Dương). Cũng từ đây, ông bắt đầu khẳng định tên tuổi của mình qua các giải thưởng tại các cuộc thi liên quan đến âm nhạc dân tộc trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Mỗi lần xuất quân đi thi, dù ở vai trò cá nhân hay trưởng đoàn, cứ có mặt ông tham gia là có thành tích cao mang về. Trong đó, đặc biệt phải kể đến lần so tài của ông với 50 tay đàn cừ khôi trong cả nước tại hội thi độc tấu âm nhạc toàn quốc vào năm 1978. Kết quả, ông là một trong có 18 người được Viện Âm nhạc phong tặng danh hiệu “Danh cầm toàn quốc”.

Những năm sau đó, nghệ sĩ Tư Còn liên tục khẳng định tài năng của mình tại các hội thi, hội diễn toàn quốc, như: HCB (không có HCV) tại hội diễn độc tấu đàn kìm toàn quốc năm 1988; rồi HCB tài năng diễn tấu toàn quốc năm 1992; HCV độc tấu đàn kìm toàn quốc năm 1993. Đến năm 2000, tại liên hoan đờn ca tài tử toàn quốc tại TP.HCM, đội đờn ca tài tử Bình Dương do ông làm trưởng đoàn tiếp tục đạt HCV toàn quốc. Lần này, cá nhân ông cũng đạt HCV toàn quốc về độc tấu đàn kìm. Bốn năm sau, ông vào vai huấn luyện và dẫn dắt đội đờn ca tài tử của tỉnh Bình Dương đi dự thi tại Bạc Liêu cũng mang về tấm HCV cấp quốc gia…

Bây giờ, ông vẫn miệt mài lao động nghệ thuật. Vừa dạy đàn tại nhà, vừa dẫn dắt câu lạc bộ đờn ca tài tử thuộc Trung tâm văn hóa tỉnh, vừa tham gia ban giám khảo, ban cố vấn các cuộc thi, liên hoan đờn ca tài tử trong tỉnh và toàn quốc. Năm nay, ông đã 75 tuổi nhưng còn dẽo dai lắm, tiếng đàn kìm của ông vẫn độc đáo tựa ngày nào. “Đàn ca giúp mình trẻ khỏe ra rất nhiều, như thế mới chạy “sô” khắp mọi nơi được”, ông nói. Biết đi như thế là vất vả, nhưng khi biểu diễn thấy bà con coi mê mẫn, rồi vổ tay hoan nghênh sau mỗi tiết mục, vất vả cũng theo đó mà quên đi, chỉ còn lại trong ông một cảm giác vui vẻ, phấn chấn lạ thường. Âu đó cũng chính là hạnh phúc của người nghệ sĩ, khó mà diễn tả thành lời. “Đó là hạnh phúc mà nghề nghiệp đền đáp cho người nghệ sĩ, không phải ai cũng có được”, ông nói.

75 tuổi đời, 64 năm “tuổi đàn”, ông sống gần như trọn vẹn với cái nghiệp đàn ca này. Những tấm huy chương, bằng khen, giấy công nhận… đã ngã màu ố vàng từ những ngày sau giải phóng và cả mới treo đầy hai bên tường ngôi nhà nhỏ chính là thành quả mà ông đã gặp hái được trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình. Với những thành tích đạt được đó và những cống hiến của ông trên con đường nghệ thuật, năm 2007, ông là một trong số ít ỏi những nghệ sĩ của tỉnh Bình Dương được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. “Còn sức thì chú vẫn còn đi diễn. Được chơi đàn, mang tiếng đàn đi phục vụ và được bà con đón nhận là sung sướng rồi”, NSƯT Tư Còn nói.

Hồng Thuận