Khi nhạc sĩ viết theo ”đơn đặt hàng”

0
1753
Có người nhận xét vui: Hiện nay, nếu một nhạc sĩ thường xuyên được thuê viết bài hát cho một cơ sở nào đó, cho dù với mục đích quảng cáo hay nhằm ghi dấu ấn hoan ca, ắt là có của ăn của để. Nói cho sang là những người đó được mời sáng tác theo đơn đặt hàng; có hợp đồng sang trọng, có bảng giá của mặt hàng cao cấp.Tuy nhiên, trong quá trình sáng tác cho một đơn vị nào đó, nhất là viết ”Tỉnh ca”, thường nhạc sĩ ”vấp” ngay khi viết lời…
Nhạc sĩ “vấp” ngay khi viết lời bởi lẽ viết sao thì viết nhưng phải có tên những địa danh quan trọng của địa phương. Ấy là chưa nói đến những hình ảnh đặc trưng của địa phương đó, như ngành nghề, du lịch, con sông, bến thuyền hay rừng cây, núi đá… Nghĩa là trăm thứ cần đưa vào bài hát theo yêu cầu của nơi đặt hàng. Lẽ dĩ nhiên không phải cái gì cũng sẽ hiện lên trong câu nhạc, nhưng người viết không thể không bị các ông chủ thuê viết can thiệp. Vậy là sau khi viết xong, không ít nhạc sĩ đã phải sửa đi sửa lại lời, vì thiếu cái tên phố này hay cái danh của ngọn núi khác…
Như vậy có khó gì đâu? Thể nào cũng có người nghĩ thế, nhưng họ có biết đâu khi hát lên những tên địa danh đó mới thấy hãi, vì nốt nhạc sẽ làm méo âm của chữ nên rất dễ gây buồn cười hay đôi khi còn dễ bị hiểu nhầm. Thế là phải viết lại nhạc cho khớp với dấu của lời, cho dù câu hát nghe như đọc vậy. Chính vì vậy không ít nhạc sĩ phải bó tay trước những ngành nghề gây rất nhiều rắc rối như “Làm nước mắm”; “Hóa thân hoàn vũ”; “Đóng hòm, tủ”; “Hiến máu”; “Mổ heo”… Có những ông chủ của nghề này đã từng thuê, nhưng nhạc sĩ viết thế nào cũng bị vướng những ca khó gỡ, vì buộc phải mô tả công việc, nếu không khéo sẽ gây phản cảm. Thí dụ có người đã từng viết về công việc làm nước mắm, với những câu hát rằng, “Nước mắm cá cơm bốn mươi đạm tố”, và “Nước mắm cá nục anh nhớ đến trọn đời”. Như vậy vẫn chưa ghê bằng một người đã viết: “Đêm ngày hăng say thiêu xác…”, khi được thuê sáng tác cho một cơ sở… Hóa thân hoàn vũ ở tỉnh nọ.
Bên cạnh đó còn có sự tẻ nhạt, trùng lặp khi một nhóm nhạc sĩ cùng được mời sáng tác cho một địa phương, với một khoản bồi dưỡng cào bằng. Nên thường ai cũng có những lời viết na ná, đại loại như: “Quê ta ơi con sông (tỉnh nào đó); Em nghiêng nghiêng vành nón làng (tên làng được điền vào)…”. Hoặc với một địa phương như Ninh Bình chẳng hạn, thì hình ảnh bông lau của Đinh Bộ Lĩnh và con trâu ông cưỡi khi tập trận thể nào cũng hiện lên trong tất cả các sáng tác của nhiều người cùng một lúc. Do đó, việc tổ chức như thế lại làm khó cho chính những người đứng ra mời vì rất khó chọn ca khúc nào hay hơn.
Thực ra, nhiều nhạc sĩ được mời chưa chắc đã có tài thể hiện, hoặc họ không có nhiều tâm huyết dành cho việc viết thuê này, khi đồng tiền phân bạc chưa thỏa đáng chăng? Tuy vậy, không ít nhạc sĩ đã rất thành công khi được thuê viết những đề tài rất hóc búa.
Trước hết phải thốt lên tiếng “tuyệt chiêu” dành cho nhạc sĩ Trần Tiến. Nhạc của anh lạ lắm, nó thích hợp với tất cả những nghề mà câu nhạc nghe lại nhuyễn, lọt tai và dễ hát. Anh giỏi ở những câu kể công việc. Viết thuê cho ngành Đăng kiểm; sáng tác cho trạm gác Hải quan, hay “làm hàng” cho Công ty Tôn Hoa sen, và kể cả khi anh được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thuê viết, anh cũng có bài hát “Tôi yêu bóng đá” rất được phổ cập. Cách đây không lâu anh có hợp đồng viết cho chương trình “Lục lạc vàng”. Ca khúc “Tấm lòng Việt Nam” của anh trở thành nhạc hiệu cho chương trình, và làm xúc động hàng triệu người nghe. Bài hát này trở thành hiện tượng được hát lên hàng tuần, mỗi khi chương trình được phát trên đài truyền hình qua sự thể hiện rất ấm áp và tình cảm của tốp ca nữ “5 dòng kẻ”. Còn có thể kể ra nhiều ca khúc hay của Trần Tiến sáng tác theo đơn đặt hàng như: “Sao em nỡ vội lấy chồng”, “Vết chân tròn trên cát”, “Con gái”, “Thượng đế buồn”…
Riêng bài “Con gái” anh viết theo lời mời của Dự án sức khỏe sinh sản, với chủ đề: Đả phá tư tưởng trọng nam khinh nữ… thì quả là khó. Không ít nhạc sĩ ngại ngần, nhưng anh nhận lời, và ngay câu mở đầu anh đã gieo vào tâm hồn người nghe một cảm giác mới lạ giầu chất trữ tình: “Con gái là bông hoa, là tiếng chim trong vườn nhà. Con trai là ngọn gió…”. Giai điệu đẹp cho một đề tài khô khan, khấp khểnh, với những lời ca tự nhiên và sâu sắc. Rồi ca khúc có lời kết gây ấn tượng chơi vơi đáng yêu: “Không có tình yêu, trái đất giá băng. Con gái dịu dàng sưởi ấm hành tinh”. Chất tuyên truyền ở đây đã nhường bước cho ngọn lửa ấm áp nặng nghĩa tình, dễ thương và thấm đẫm tính công dân sâu sắc của người nghệ sĩ. Nói về nguyên nhân sự thành công với những yêu cầu không ít nhọc nhằn này, Trần Tiến tâm sự: “Tôi mượn quảng cáo của họ để nói câu chuyện tâm hồn mình”. Có lẽ vì thế chăng, nên mỗi khi ai đến đặt hàng, Trần Tiến đều ra giá khá cao. Thậm chí có nhà doanh nghiệp đã kêu anh là người viết thuê đắt giá nhất. Cũng đúng thôi, vì nó xứng đáng với lao động nghiêm túc của anh, và vì để viết được bài hát theo yêu cầu như vậy, anh đã đầu tư không ít thời gian để chiêm nghiệm, học hỏi và trăn trở từng câu nhạc mỗi khi rạo rực trong cảm xúc của mình. Riêng bài hát “Tấm lòng Việt Nam” anh đã dành trọn 6 tháng mới hoàn thành, nên số tiền mà anh được trả tưởng như lớn hóa lại không lớn. Bài hát được công nhận là tác phẩm âm nhạc đích thực và được phổ cập sâu rộng.
Cùng với Trần Tiến còn có hai nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và Phó Đức Phương cũng xứng đáng là những tài danh khi viết theo hợp đồng đề tài. Nếu như trước đây, Nguyễn Văn Tý lừng danh với các “Tỉnh ca” thì Phó Đức Phương sau này lại nổi tiếng với “Tình ca”. Cách đây trên dưới ba chục năm, những người yêu âm nhạc đều thuộc những bài hát viết cho các tỉnh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý như: “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Người đi xây hồ Kẻ gỗ”, “Về Thuận Hải”, “Hát về thành phố Vũng Tàu”… và nhất là “Dáng đứng Bến Tre”. Hai bài trong số này đã lọt vào danh sách chùm tác phẩm đưa ông tới giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 2000). Trong khi đó, nhạc sĩ Phó Đức Phương lại ghi điểm cao ở những khúc tình ca tuyệt vời, khi anh biến “hàng” của mình thành đồ quý, sang trọng và huyền bí. Hầu hết những ca khúc của anh gần đây vẫn là những tác phẩm mẫu để cho nhiều thí sinh thể hiện trong các cuộc thi âm nhạc. Và ít ai ngờ rằng, những ca khúc: “Những cô gái quan họ”, “Về quê”, “Hồ trên núi”; “Trên đỉnh Phù Vân”, “Chảy đi sông ơi” hoặc “Không thể và có thể” đều là những tác phẩm viết theo đơn đặt hàng làm cho các bộ phim hay vở kịch, mang thương hiệu “Phó Đức Phương”.
Việc viết nhạc theo yêu cầu đã có từ lâu, chẳng cứ bài hát mà còn cả khí nhạc, mỗi khi nhạc sĩ có “đơn đặt hàng” từ một tập thể hay cá nhân, với những mục đích tuyên truyền hay quảng bá. Hiện có không ít ca sĩ trẻ mới nổi, từ hàng “sao” đến cấp “phong trào” đều đặt hàng cho những nhạc sĩ khi làm đĩa, hay cho cả đêm diễn của mình. Ai cũng rõ các nhạc sĩ: Quốc Bảo, Đức Trí, Quốc Trung, Tuấn Khanh, Hồ Hoài Anh, Võ Thiện Thanh… lâu nay đã từng “làm hàng” cho các ca sĩ trẻ mà mình kỳ vọng sẽ đi xa, với phong cách âm nhạc mới. Nhiều ca sĩ coi việc mua bài hát của nhạc sĩ mà mình yêu thích là việc đương nhiên. Kèm theo đó, chính nhạc sĩ cũng xác nhận các đơn đặt hàng là nguồn thu nhấp chính của họ.
Một khi thị trường âm nhạc đã ưu ái cho những giọng hát mang tính giải trí cao thì ắt các bài hát tạo nên danh tiếng cho ca sĩ cũng sẽ trở thành hàng hóa. Do vậy các nhạc sĩ – người sản xuất ra những hàng hóa đó – muốn có “đầu ra” phải chờ đợi sự mời chào của những thượng đế của mình là những ca sĩ và người nghe. Một mạch ngầm từ những đòi hỏi của thực tế: Viết nhạc thuê cho một sản phẩm cần quảng cáo, ngợi ca cho một địa danh, hay cho nghệ sĩ biểu diễn… giờ đây đều là một thực tế khách quan đối với các nhạc sĩ. Hiện tượng này phù hợp với một thị trường âm nhạc đang phát triển không ngừng theo thời gian
(CAND)